Dù đau lưng và đau cổ có thể ngăn ngừa được, đại đa số chúng ta bị đau lưng hoặc đau cổ ít nhiều trong cuộc đời.

 

ĐAU LƯNG

Lưng bao gồm Đốt xương (vertebrae) của Cột sống (spine), Khớp nối (joint) để hướng dẫn chuyển động của cột sống, Đĩa đệm (disc) nằm giữa các đốt xương để giảm sóc cho cột sống, Cơ bắp (muscle) và Dây chằng (ligament) để nối toàn bộ thành phần với nhau. Chỉ cần một thành phần bị đau là cả vùng lưng bị đau.

Đa số đau lưng do kết quả của những chuyển động quá mạnh hoặc do những tư thế kéo dài làm căng thẳng vùng lưng. Một chuyển động bất ngờ làm xoắn lưng có thể làm lệch Dây chằng hoặc Cơ bắp hoặc Khớp nối.

Đĩa đệm cũng có thể bị rách đứt theo cách này. Nếu Đĩa đệm bị đè (compressed) hay bị rách, chất dẻo giống như sưng sa hay thạch (jelly) bên trong sẽ lòi ra, cấn vào giây thần kinh (nerve) dọc xương sống gây đau. Đây gọi là bệnh Thoát vị đĩa đệm (bulging disc/herniated disc). Hoặc là những bộ phận khác của Cột sống bị sưng hay viêm cũng sẽ kích thích giây thần kinh phát tín hiệu đau.

 

Đĩa đệm giữa (màu xanh) lòi ra phía bên trái, đè vào giây thần kinh (màu vàng), gây đau đớn.

Những thương tích này gây đau đớn cấp tính trong vòng 2-3 ngày rồi từ từ giảm bớt. Vùng đau có thể là lưng dưới, mông hoặc chạy xuống chân. Đa số cơn đau lưng cấp tính sẽ lành trong vòng từ 6 đến 12 tuần lễ.

Viêm khớp xương (arthritis) cũng gây đau, nhưng cái đau có tính chất kéo dài, ổn định chứ không đau gay gắt như Trật dây chằng, bong gân, Đĩa đệm tổn thương.

Bệnh loãng xương (osteoporosis) hay xương sốp làm cho cột sống dòn yếu, có thể gây gẫy xương hoặc nứt xương, làm cho đốt xương sống xụp đổ, gây cong xương sống và đau đớn.

Bệnh Đau thần kinh tọa (sciatica), là bộ dây thần kinh tọa (sciatic nerve) chạy từ dọc xương sống xuống tới lưng dưới (lower back) rồi tới mông và tới tận bàn chân. Bệnh này xẩy ra khi chất dẻo Đĩa đệm ép vào dây thần kinh tọa. Triệu chứng chính của bệnh này là đau ở cẳng chân (leg) nhiều hơn đau ở lưng.

1- Ngừa đau lưng

Yếu tố then chốt để ngừa đau lưng là tránh làm những việc có thể đưa đến đau lưng. Đó là:

- Không ngồi quá lâu.
Tránh ngồi cùng một tư thế lâu hơn một giờ. Ngồi 1 giờ là tối đa, rồi đứng lên, đi lại vài phút và đổi thế ngồi.
- Đặt 1 gối nhỏ hoặc khăn lông quấn thành cuộn tròn để tựa lưng dưới.
- Không khiêng vác nặng.
- Khi cần nhấc vật gì ở dưới đất thì co đầu gối chứ không cong lưng.
- Không nhấc vật gì cao hơn vai.
- Không nằm ngủ trên nệm quá mềm.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Mập phì cũng dễ làm đau lưng.
- Thuốc lá làm cho Đĩa đệm bị yếu đi
- Bơi lội cũng ngăn ngừa đau lưng

Sau đây là video chỉ những động tác ngăn ngừa và giảm bớt đau lưng dưới:

https://www.youtube.com/watch?v=SEcVfBRGFxI

Sau đây là video chỉ những tư thế yoga ngăn ngừa và giảm bớt đau thần kinh tọa:

https://youtu.be/_s7htur84ic

 

2- Chữa đau lưng

Trong lúc đang bị đau lưng thì nằm nghỉ ngơi có thể làm giảm bớt đau lưng nhưng sẽ không làm hết đau lưng nhanh hơn. Nằm nghỉ lâu hơn 3 ngày thì không nên.

- Nếu nằm thẳng thì lót gối dưới phía sau đầu gối.
- Nếu nằm nghiêng thì kẹp gối giữa hai đầu gối.

 


 

- Có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh vào phần lưng đau, hoặc thay nhau cả nóng lẫn lạnh. Mỗi lần chườm 20 phút.
- Uống thuốc giảm đau, dán thuốc dán giảm đau.
- Nếu đau lưng lâu dài, thường xuyên thì cần đi bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Thường thì phải qua CT Scan hoặc nội soi MRI mới tìm ra nguyên nhân từ xương hay đĩa đệm.
- Nếu là Đĩa đệm thoát vị (Bulging disc/Herniated disc) thì phương pháp Kéo dãn cột sống (spinal decompression) có thể giúp cho Đĩa đệm bị chèn ép (comnpressed disc) trở lại hình dáng bình thường, phần chất dẻo tụt lại vào trong, không còn đè lên giây thần kinh, sẽ hết đau. Ngoài cách dùng bàn Kéo dãn cột sống của chuyên viên y tế, người bệnh cũng có thể dùng bàn Treo ngược hay đu treo người trên xà ngang, là cách kéo dãn cột sống dùng sức nặng của chính mình. Tuy nhiên cách tự chữa này chỉ có tính cách duy trì sau khi đã chữa khỏi bằng cách dùng bàn kéo giãn cột sống.

 

  

 

- Nếu vì những nguyên nhân khác trầm trọng hơn như đĩa đệm thoái hóa, gẫy nứt cột sống, nhiễm trùng cột sống v.v. thì phải giải phẫu. Tuy nhiên thực tế cho thấy có những trường hợp sau khi giải phẫu vẫn không hoàn toàn hết đau lưng.

3- Ai có thể chữa đau lưng?

Những chuyên viên y khoa sau đây có thể giúp chữa đau lưng, tùy theo nặng nhẹ và nguyên nhân:

- Nhà châm cứu (acupuncturist)
- Bác sĩ chỉnh xương (chiropractor)
- Chuyên viên xoa bóp trị liệu (message therapist)
- Bác sĩ gia đình (medical doctor)
- Chuyên viên bệnh lý nghề nghiệp (occupational therapist)
- Chuyên viên vật lý trị liệu (physical therapist)
- Y sĩ giải phẫu (surgeon)

 

ĐAU CỔ

Đau cổ phổ biến ngang với đau lưng, ai cũng bị ít nhiều. Người Việt nói nhiều cách như đau cổ, cứng cổ (stiff neck), sái cổ. Đau cổ có thể lan xuống vai, lưng trên, nửa cánh tay trên và cũng có thể gây ra nhức đầu. Khi đau cổ thì cổ không thể xoay qua lại như lúc bình thường.

Có nhiều nguyên nhân gây đau cổ:
- Đau cổ gây ra bởi căng thẳng hay vọp bẻ (chuột rút) cơ bắp cổ, hoặc do sưng viêm dây chằng, gân, khớp nối ở cổ. Đây là hậu quả của những tư thế căng cổ kéo dài quá lâu hay lập đi lập lại quá nhiều, tỷ dụ như cúi nhìn vào màn ảnh máy điện thoại di động, máy vi tính, máy may v.v. hoặc kẹp điện thoại giữa vai và cằm để nói chuyện khiến cổ vẹo qua một bên, tương tự như nằm xấp để ngủ.
- Cử động mạnh quá đột ngột của cổ trong trường hợp xe bị tông phía sau (whiplash) cũng có thể gây ra đau cổ lâu dài.
- Vì cấu trúc của xương cổ khá giống của xương sống, viêm sưng hay thoát vị của đĩa đệm xương cổ cũng gây đau cổ. Trong trường hợp dây thần kinh cổ bị đè lấn thì đau tê đi xuống cánh tay hoặc bàn tay.
- Bệnh Sưng màng óc (meningitis) cũng gây ra cứng cổ, nhức đầu và sốt.

Cách thức phòng ngừa đau cổ giống như phòng ngừa đau lưng. Nếu độ cứng của nệm có ảnh hưởng tới lưng thì hình dạng và độ cứng của gối cũng ảnh hưởng tới cổ. Do đó lựa chọn gối thích hợp cũng quan trọng.

Cũng có máy để kéo dãn đĩa đệm xương cổ như hình dưới đây.

 

 

Xem video tập xương cổ dưới đây:

https://www.youtube.com/watch?v=2NOsE-VPpkE 

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved