HỆ THỐNG LUẬT PHÁP CANADA
Hệ thống luật pháp và chính trị của Canada dựa theo Anh quốc, lấy ý tưởng về quyền lợi cá nhân và tự do từ Anh quốc. Riêng Quebec thì hệ thống luật pháp có phần theo Pháp quốc.
Tòa án riêng biệt với chính quyền. Dân chúng lựa chọn chính quyền, chính quyền đặt ra luật pháp và tòa án thi hành luật pháp.
Có 3 cấp chính quyền:

  1. Liên bang: cho toàn quốc.
  2. Tỉnh bang: cho mỗi tỉnh.
  3. Địa phương: cho thành phố và thị xã.

Cả 3 cấp chính quyền đều có quyền ban hành luật pháp.
Canada có một luật lớn là Canadian Charter of Rights and Freedoms (Hiến chương Canada về Quyền Lợi và Tự Do). Những quyền lợi và tự do này rất quan trọng cho dân chúng Canada. Trong đó bao gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do sinh sống làm việc bất cứ nơi nào ở Canada và quyền tham gia sinh hoạt chính trị trong ôn hòa.

NHÂN QUYỀN
Canada và tỉnh bang BC có luật về nhân quyền để bảo vệ dân chúng không bị kỳ thị. Kỳ thị có nghĩa là phân biệt đối xử dựa vào những lý do như chủng tộc, phái tính, tuổi, tôn giáo, màu da, tàn tật hoặc xu hướng tình dục. Những biểu hiện của kỳ thị như từ chối cho việc làm, từ chối cho mướn nhà, từ chối phục vụ nơi nhà hàng. Nhưng cũng phải phân biệt một số ngoại lệ, tỷ dụ như quán rượu không phục vụ cho người dưới 19 tuổi, phòng tập thể dục dành riêng cho đàn bà, khu gia cư dành riêng cho người già, đó không phải là kỳ thị
Nếu bạn cảm thấy bị kỳ thị, bạn có thể tìm sự giúp đỡ. Nếu người kỳ thị bạn là một bộ của chính phủ liên bang, ngân hàng, công ty viễn thông, công ty chuyên chở công cộng... thì bạn liên lạc với Canadian Human Rights Commission. Phone: 1-888-214-1090. Website: www.chrc-ccdp.ca
Nếu người kỳ thị bạn là một bộ của chính phủ tỉnh bang, chủ nhà, doanh nghiệp địa phương...thì bạn liên lạc với BC Human Rights Coalition. Phone: 604-689-8474. Còn muốn khiếu nại chính thức thì nộp đơn lên BC Human Rights Tribunal. Phone: 604-775-2000 hoặc 1-888-440-8844. Website: www.bchrt.gov.bc.ca

LUẬT TỰ DO BIẾT TIN VÀ BẢO VỆ RIÊNG TƯ CÁ NHÂN (Freedom of Information and Protection of Privacy Act)
Luật pháp BC bảo vệ riêng tư cá nhân cho dân chúng. Người khác và các cơ quan, công ty không thể thu thập và xử dụng tin tức cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, ngày sinh, số Social Insurance Number của bạn mà không có sự đồng ý của bạn. Luật pháp cũng cho bạn quyền được xem tin tức VỀ chính bạn do người khác lập ra, tỷ dụ như hồ sơ y tế, báo cáo của thầy giáo, báo cáo của chủ nhân, tường trình của cảnh sát.

ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI VÀ ĐỔI GIỐNG
Canada chấp nhận đồng tính luyến ái trên phương diện luật pháp lẫn xã hội. Họ được hưởng mọi quyền lợi và tự do như người luyến ái bình thường. Họ có quyền kết hôn, nhận con nuôi, hưởng bảo hiểm y tế và hưu trí như cặp vợ chồng nam nữ.

TÒA ÁN
Có nhiều loại Tòa để xét xử những trường hợp khác biệt. 4 loại Tòa chính là:

  1. Supreme Court of Canada: Tối Cao Pháp Viện Canada
  2. BC Court of Appeal: Tòa Kháng Cáo BC
  3. BC Supreme Court: Tòa Tối Cao BC
  4. Provincial Court of BC: Tòa Án BC

       Riêng Tòa Án BC lại chia làm 5 loại Tòa:

    • Criminal court: Tòa Hình, xử tội  hình sự
    • Traffic court: Tòa Lưu thông, xử vé phạt xe.
    • Family court: Tòa Gia đình, xử ly dị, giữ nuôi con, nhận con nuôi.
    • Youth court: Tòa Thiếu nhi, xử can phạm từ 12 đến 17 tuổi.
    • Small claims court: Tòa Tiểu kiện, xử các vụ tranh tụng tiền bạc dưới 25,000$.

Nếu bạn không đồng ý với quyết định của BC Provincial Court thì bạn kháng cáo lên BC Supreme Court. Sau khi BC Supreme Court phân xử, nếu bạn không đồng ý với quyết định của BC Supreme Court, bạn lại được quyền kháng cáo lên BC Court of Appeal. Tòa án cuối cùng mà bạn có thể kháng cáo là Supreme Court of Canada, quyết định của tòa án này là chung thẩm.

LÀM NHÂN CHỨNG
Người nhìn thấy một tai nạn xe cộ hoặc một tội ác xẩy ra gọi là nhân chứng (witness). Nhân chứng rất quan trọng trong luật pháp Canada. Tin tức do nhân chứng cung cấp giúp cảnh sát tìm ra thủ phạm hoặc ai có lỗi trong tai nạn xe cộ. Nếu bạn là nhân chứng, bạn có nhiệm vụ phải báo cáo cho cảnh sát hoặc ra tòa làm chứng khi được yêu cầu. Nếu bạn chứng kiến một tai nạn xe cộ, bạn nên đưa tên và số điện thoại cho người tài xế liên hệ trong tai nạn.

GIÚP ĐỠ CHO NẠN NHÂN
Người bị thương trong một tội ác hoặc tai nạn xe cộ gọi là nạn nhân (victim). Nếu bạn là một nạn nhân và phải ra tòa như một nhân chứng thì bạn có thể được một nhân viên giúp nạn nhân (victim service worker) hổ trợ. Gọi số 1-800-563-0808 (VictimLink BC) để được giúp đỡ.

CẢNH SÁT
Một số thành phố lớn của BC có lực lượng cảnh sát riêng , nhưng đa số còn lại thì do Royal Canadian Mounted Police (RCMP) đảm trách. RCPM là lực lượng cảnh sát liên bang cho toàn quốc Canada.

  • Vai trò của cảnh sát

Cảnh sát là lực lượng biệt lập với chính phủ và quân đội. Cảnh sát là một thành phần của cộng đồng, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho cộng đồng.

  • Gọi cảnh sát

Nhiều thành phố và thị xã có 2 số điện thoại cho cảnh sát. 1 số cho trường hợp khẩn cấp và 1 số không khẩn cấp. Nếu có nguy hiểm đến tính mạng, hoặc một tội ác vừa xẩy ra, bạn nên gọi số khẩn cấp 911. Số này miễn phí, ngay cả bạn gọi từ điện thoại công cộng. Bạn có thể yêu cầu nhân viên trực 911 cho bạn nói bằng tiếng Việt, họ sẽ chuyển điện thoại tới một nhân viên người Việt. Tuy nhiên có một số địa phương xa nhỏ thì số khẩn cấp không phải là 911,  bạn cần xem niên giám điện thoại vùng bạn ở để biết là số nào. Số khẩn cấp có thể gọi bất cứ lúc nào.
Còn số không khẩn cấp thì dùng khi không có gì nguy hiểm tính mạng, hoặc là tội ác xẩy ra một khoảng thời gian trước rồi chứ không phải ngay tức thời. Số không khẩn cấp này cũng khác biệt tùy theo vùng, bạn cần xem niên giám điện thoại vùng bạn ở để biết là số nào.

  • Làm gì khi bị cảnh sát bắt giữ.

    Có một số luật lệ mà cảnh sát phải tuân theo khi bắt giữ dân chúng.

    • Cảnh sát viên phải nói họ là ai và trình thẻ công vụ.
    • Họ phải cho biết tại sao họ bắt giữ bạn và quyền hạn của bạn là gì.
    • Nếu họ bắt bạn về tội hình sự, họ phải cho bạn gọi điện thoại cho luật sư của bạn và bạn được quyền nói chuyện với luật sư một mình.
    • Nếu bạn không có luật sư hoặc không có tiền thuê luật sư, bạn được quyền yêu cầu cảnh sát cho bạn số điện thoại của cơ quan trợ giúp pháp luật miễn phí (legal aid) và bạn được quyền nói chuyện với cơ quan này

Khi cảnh sát hỏi, bạn phải cho biết tên và địa chỉ. Sau đó bạn có quyền không nói gì thêm đến khi bạn nói chuyện với luật sư của mình xong. Trong vòng 24 giờ, cảnh sát phải đưa bạn ra tòa hoặc trả tự do cho bạn.

Nếu bạn cảm thấy cảnh sát địa phương (municipal police) làm sai trái với bạn, bạn có quyền khiếu nại với Office of the Police Complaint Commisioner tại số 250-356-7458 nếu bạn ở Victoria và 1-877-999-8707 những nơi còn lại của BC. Website của văn phòng khiếu nại cảnh sát là www.opcc.bc.ca

Còn nếu bạn cảm thấy RCMP làm sai trái với bạn thì bạn có thể khiếu nại với Commision for Public Complaints Against the RCMP (CPC). Nếu bạn quan tâm về hành vi của một cảnh sát RCMP nào đó, bạn có thể gọi CPC ở số 800-665-6878. Bạn cũng có thể khiếu nại online bằng cách vào trang mạng www.cpc-cpp.gc.ca

RA TÒA
Ở Canada, luật pháp do chính phủ liên bang, chính phủ tỉnh bang và thông lệ tòa án tạo ra. Tòa án duy trì luật pháp nhưng tách biệt với chính phủ. Tất cả mọi người phải tuân thủ luật pháp, kể cả nhân viên chính phủ, cảnh sát và quân đội.
Nếu bạn phải ra tòa nhưng không nói tiếng Anh thông thạo, bạn có thể yêu cầu một thông dịch viên. Người nói tiếng Pháp có thể yêu cầu toàn bộ phiên toàn xử bằng tiếng Pháp, nhưng phải yêu cầu trước khi phiên tòa diễn ra.

TỘI THÙ GHÉT (HATE CRIMES)
Tội thù ghét là tội phát xuất do lòng ghét người khác vì lý do màu da, tôn giáo, chủng tộc, phái tính và khuynh hướng tình dục của người đó.

HÀNH HUNG, HÃM HIẾP VÀ BẠO XỬ
Nếu ai đánh đập bạn, đó gọi là hành hung (assault). Nếu họ chỉ mới đe dọa sẽ đánh đập bạn nhưng bạn tin là họ sẽ thực hiện lời dọa thì cũng được coi là hành hung. Hãm hiếp (rape) cũng là một hình thức hành hung: hành hung tình dục (sexual assault).
Khi một người làm tổn thương, đối xử tệ bạc hoặc đe dọa một người khác hay một súc vật, đó là một loại bạo xử (abuse). Bạo xử có thể dưới hình thức thể xác (physical abuse) hoặc ngôn ngữ (verbal abuse).
Hành hung, hãm hiếp và bạo xử đều là trái luật.

TUỔI TRẺ VÀ PHÁP LUẬT
Người phạm tội từ 12 đến 17 tuổi không bị xử giống như người lớn mà xử theo bộ luật Youth Criminal Justice Act và xử tại tòa Thiếu niên (dưới 12 tuổi thì không thể bị truy tố). Người phạm tội lúc dưới 18 tuổi thì dù lúc ra tòa đã trên 18 tuổi vẫn được xử như thiếu niên. Thiếu niên luôn luôn có luật sư bênh vực miễn phí (do chính phủ trả).
Gia đình có thiếu niên phạm pháp có thể được sự giúp đỡ của viên chức quản chế (probation officer) hoặc nhân viên xã hội phụ trách thiếu niên (youth worker).

GIA ĐÌNH VÀ LUẬT PHÁP
Những gia đình tại BC phải trải qua vấn đề ly thân, ly dị có thể nhận được sự giúp đỡ của Family Justice Centres. Những trung tâm này có các cố vấn viên chuyên giúp đỡ các cặp vợ chồng đạt đến thỏa thuận về nuôi giữ con cái và tiền cấp dưỡng. Những cố vấn viên này giúp cho các cặp vợ chồng đạt thỏa thuận với nhau mà không phải ra tòa.
Muốn tìm ra các Family Justice Centres, gọi số 250-387-6121 nếu ở Victoria, 604-660-2421 nếu ở Metro Vancouver và 1-800-663-7867 nếu ở các nơi khác của BC.
Muốn tìm hiểu luật gia đình của BC, xin vào xem website www.familylaw.lss.bc.ca

TÌM MỘT LUẬT SƯ
Đôi khi một luật sư có thể giúp bạn giải quyết vấn đề mà bạn không cần ra tòa án. Sau đây là những cách tìm luật sư:
- Hỏi bạn bè, người quen.
- Hỏi cơ quan giúp đỡ người định cư.
- Gọi Lawyer Referral Service, số 604-687-3221 ở Metro Vancouver hoặc 1-800-663-1919 nếu ở nơi khác của BC. Dịch vụ này có thể cho bạn tên và số điện thoại của một luật sư mà bạn có thể tham vấn trong nửa tiếng đồng hồ mà bạn chỉ phải trả có 25$ cộng thuế.

NẾU BẠN KHÔNG CÓ TIỀN ĐỂ THUÊ LUẬT SƯ
Bạn có thể xin giúp đỡ pháp lý từ các cơ quan sau đây:

  • Legal Aid

Đây là dịch vụ giúp đỡ pháp luật cho những người lợi tức thấp. Cơ quan này có thể giúp về luật hình sự, luật gia đình và vài phương diện của luật di trú. Gọi số 604-601-6000 nếu ở Metro Vancouver hoặc 1-866-577-2525 nếu ở những nơi khác của BC.

  • Pro Bono Law BC

Gọi số 604-893-8932 nếu ở Metro Vancouver hoặc xem website www.probononet.bc.ca

NHỮNG NGUỒN THAM KHẢO KHÁC

  • UBC Law Students Legal Service Program

    Sinh viên Luật khoa của đại học UBC, dưới sự giám sát của luật sư thực thụ, cung cấp tin tức miễn phí về luật gia đình, luật tiểu kiện. Gọi số 604-8225791.

  • Dial-a-Law

    Cung cấp tin tức về luật pháp bằng băng thu âm của luật sư. Gọi số 604-687-4680 nếu ở Metro Vancouver hoặc 1-800-565-5297 nếu ở những nơi khác của BC.

  • Website luật pháp tiếng Việt

    Vào xem: http://www.multilingolegal.ca/legal-publications/language/99

  • Danh từ luật pháp đối chiếu Anh-Việt

    Vào xem: http://www.legalglossary.ca/dictionary/

  • People's Law School

Tổ chức những lớp học và hội thảo miễn phí về luật pháp Canada và BC cho di dân. Cơ quan này cũng xuất bản một số tài liệu luật pháp bằng tiếng Anh đơng giản và các ngôn ngữ di dân khác. Gọi số 604-331-5400 hoặc vào xem website www.publiclegaled.bc.ca

@ Tim T. Hoang