Những năm đầu định cư xứ người, buồn quá...Ra sân gặp hàng xóm lạ hoắc, ra đường ra chợ toàn người không cùng tiếng nói, vào lớp học chỉ thấy Tây đầm, ông Thầy bà Cô đứng trên bục giảng bài nghe lùng bùng lỗ tai, hiểu được chữ đực chữ cái, vừa nghe vừa đoán...chán chết đi được!

Rồi chỉ sợ lâu ngày chầy tháng quên luôn chữ Việt nên hăng hái viết thơ cho bạn, cho gia đình còn ở lại. Nhưng mà đâu chỉ đi học không, cũng phải lao ra kiếm việc làm, vừa học vừa làm dần xao nhãng việc thơ từ, bạn bè ngày càng bặt tin nhau. Cơm áo gạo tiền, gia đình con cái đặt lên hàng chính yếu.

Chuyện ngày xưa, chuyện quê nhà cất tạm vào ngăn ký ức, lâu lâu cũng có lúc ngồi buồn mở nó ra, lục lọi trong mớ tạp nham đủ thứ hình ảnh, đủ mọi kỷ niệm dù ngày xa xưa ấy, có những kỷ niệm chả ra đâu vào đâu giờ đây đều được trân trọng gìn giữ vì không bao giờ tìm lại được.

Một hôm đến trường đón đám nhóc, tôi moi quyển sách trong bị ra đọc để giết thời gian trong lúc chờ, quyển sách cũ lắm rồi. Trên xe tôi lúc nào cũng có một cái túi, ôi thôi đủ thứ tập tàng tế nhuyễn: một vài quyển sách, vài cây bút, một quyển tập giấy trắng để viết thơ, vài cái phong bì, vài con tem....  

Hồi mới qua cứ sợ sẽ không còn sách truyện tiếng Việt để đọc nên thỉnh thoảng tôi lại bấm bụng mua một vài quyển, chưa có thời gian đọc cứ cất đó, để...già hay rảnh rỗi sẽ đọc. Lật vài trang sách, một lá thơ viết dở dang từ đời tám tỏng rơi ra mới chợt nhớ lâu rồi không viết thơ....Tự nhiên thèm đọc một lá thơ cũ nào đó của người thân, bạn bè....

Dần dà cuộc sống ổn định, con cái bắt đầu lớn, nhìn hình ảnh đám con bây giờ để tìm lại tuổi trẻ của mình ngày xưa. Soi bóng mình trong gương thấy mắt bớt long lanh, môi cười kém thắm, mái tóc không còn óng ả, mượt mà, sợi vui ở lại sợi buồn ra đi nhưng tóc lại đen tuyền, đen hơn thời trẻ dại!

Tâm trạng chung hầu như của mọi người, bắt đầu thư thả việc gia đình, hơi gọi là dư chút thời gian mới nhớ lại thời quá khứ. Rồi một số người, chưa già cũng không trẻ, nặng lòng với trường xưa, cùng nhau mở trang Web, lập ra những hội cựu học sinh, hy vọng các bạn học đang tản mác, lưu lạc khắp năm châu có thể tìm gặp lại nhau. Không chung lớp cũng chung trường!

Nhiều người trên bước đường tha hương đã từng gặp lại bạn bè cũ, cùng ở chung một thành phố mà vì tất bật mưu sinh hầu như quên hẳn nhau.....Một ngày đẹp trời, lần mò vào trang Web thấy hội cựu học sinh trường mình, chợt nhớ ra và nao nức điểm danh lại những khuôn mặt đang sống quanh ta.

Một người tìm đến, rồi hai người, ba người....người này dẫn dắt người kia, không nhiều thì ít, quy tụ được những nhóm bạn lớn nhỏ theo từng địa phương, thành phố. Những chuyện từ thời xửa thời xưa, vụn vặt đâu đó, có những chuyện thật là lãng xẹt ngày đó không có gì đáng nhớ, đôi khi còn đáng ghét, được khơi dậy bỗng dưng trở thành kỷ niệm khó quên, là đề tài nhắc nhở trong những buổi gặp gỡ.

Tôi hân hạnh được ông chồng dắt đi diện kiến những người bạn cũ, vui ghê lắm. Những khuôn mặt thường ngày chắc cũng nhăn nhăn nhó nhó, khổ sở vì vật lộn với cuộc sống tự nhiên thư giãn hẳn ra, tranh nhau nói, giòn giã như pháo nổ ngày ba mươi tết. Thêm chút men chếnh choáng, thói hư tật xấu của bạn bè thời trẻ dại đem ra mổ xẻ tuốt luốt. 

Gặp nhau vài lần lập đi lập lại chuyện cũ đâm nhàm, không lẽ những chuyện mánh mung đổi chác từ hộp bút chì, cây thước kẻ...hay tên này đi học điệu bộ đỏm dáng như công tử Bạc Liêu, tên kia có chiếc xe xịn lượn lờ làm bao đứa bạn thèm thuồng, người nọ coi lù khù vậy chứ nhảy đầm một cây xanh dờn tàu lá chuối...nói hoài hết hay, thế là chuyển hướng tâm tình.

Hết đề tài về bạn bè đến phiên các Thầy Cô được chiếu cố khá tận tình. Cô giáo trẻ thích mặc jupe ngồi vắt vẻo trên bục giảng bài khiến bao nam sinh trẻ mơ mộng ngẩn ngơ. Đề tài hấp dẫn này từ kẻ tinh nghịch, ranh mãnh đến những tên coi bộ dạng hiền lành như cục đất đều nhao nhao hưởng ứng... Ôi, đám học trò mà thuở ấy các Thầy Cô xem như đám nhóc, lóc chóc loi choi không đề phòng bỗng dưng vụt lớn tự lúc nào.

Rồi đến ông Thầy cứ rình rình thằng học trò nào phạm lỗi, lười biếng nhéo tai xoắn tít lại khiến nạn nhân tự dưng cao hẳn vì phải rướn người lên cho đỡ đau.... Đủ hết, từ vị giáo sư khả kính hiền lành đến Thầy Cô nghiêm khắc đều lần lượt được kể ra theo thứ tự ưu tiên dựa trên thành tích nhiều ít với đám học trò, bàn cãi thật sôi động.

Năm lần bảy lượt họp hành, những chuyện dù ngàn lẻ một đêm cũng sắp đến đêm cuối cùng, thiên hạ bèn đem những tên bạn ngày xưa tạm gọi là học giỏi lên bàn mổ để kéo dài cuộc vui. Tên này làm trưởng lớp mấy năm, kẻ nọ làm trưởng lớp từ năm này sang năm khác, nói theo kiểu có hơi xuyên tạc là tham quyền cố vị, không chịu để cho ai có cơ hội chen vào.

Nhưng nói chọc chơi cho vui thôi chứ ngày xưa cái nghề làm trưởng lớp hách xì xằng lắm các bạn. Bạn bè dù ưa hay ghét cũng có đôi phần ngưỡng mộ.

Nghe bạn bè tán dương mấy ông trưởng lớp và có vẻ như nể nang tôi thấy cũng thơm lây, lỗ mũi đã to cứ phập phồng hỉnh lên hỉnh xuống vì có ông chồng mình trong số đó. Một vài lần đầu còn khoái chí tỉ, rồi điệp khúc này được lập đi lập lại làm tôi chợt nhớ đến tên trưởng lớp ngày xưa của trường mình và cứ cười thầm trong bụng. 

Từ thời tiểu học đến trung học tôi đều học trường có cả nam lẫn nữ nên không   biết cái cảm giác nếu lớp học chỉ toàn con gái ra sao? Những năm tôi học tiểu học trường làng, thành phố nhỏ sao mà con trai nghịch phá dàn trời, cái nghịch ngợm cũng rắn mắt đủ đường, theo kiểu cây nhà lá vườn, có gì phá nấy.

Trong lớp đám nữ sinh bao giờ cũng được ngồi những bàn đầu, nhờ vậy mà luôn là tấm bia lưng cho đám nam sinh tập bắn bì giấy. Đứa nào hiền lành nhút nhát ít bị trúng đạn chứ tên nào hơi xí xọn loi choi luôn là tâm điểm cho những bì giấy vun vút lao tới. Không mách được ai vì chỉ bị bắn lén khi không có Thầy Cô.

Mà lạ lắm, đầu niên học năm nào cũng vậy, bầu ra trưởng lớp toàn là con trai. Tiểu học đa phần do Thầy Cô chỉ định. Hồi đó tôi không nghĩ ra tại sao, sau này tôi đoán là con gái nhút nhát nên không phù hợp với những việc chung của lớp hoặc cần lăng xăng chạy đây đó phụ với Thầy Cô, với lại con trai lưng dài vai rộng, phụ khuân từng chồng sách vở cao nghễu nghện phát cho đám bạn sau khi được Thầy Cô chấm điểm.

Lớp nào cũng có trưởng lớp và phó trưởng lớp. Thường hai bạn này học khá giỏi ( mà nếu không giỏi chắc cũng ráng gồng mình học ngày học đêm cho khỏi mất mặt bầu cua! ) và hay được Thầy Cô giao phó những việc trọng đại như xếp hàng chào cờ thì đứng đầu, tập thể dục cũng được đứng đầu, đâu mặt lại với các bạn và giơ tay múa chân để các bạn múa theo ( trong trường có một bạn trưởng lớp, tay chân dẻo lắm nên bị đám học trò nói lén là múa!).

Thầy Cô vắng mặt có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, có nghĩa là chỉ được ghi tên các bạn nói chuyện, phá phách....lên bảng chứ không được cầm roi đét mông các bạn đâu nha. Rốt cuộc tôi để ý thấy mấy bạn lúc chưa làm trưởng lớp khá là hoạt bát, làm trưởng lớp tự nhiên mặt mũi nghiêm trọng hẳn ra, biếng nói biếng cười như bị táo bón kinh niên!

Năm đó tôi vừa lên lớp nhì (lớp bốn bây giờ ) nên được học dãy phía ngoài, cạnh lớp nhất. Tôi thuộc loại nhỏ con nên năm nào cũng được cho ngồi bàn nhất, nhìn thẳng ra cột cờ và một vườn hoa. Bác Hai làm vườn trồng hoa đẹp ác liệt luôn, bác trồng xen kẽ đủ thứ màu nhìn vui mắt lắm. Ngồi trong lớp nhưng tôi hay phóng tầm mắt ra ngoài, để tuốt trên mấy cái hoa mười giờ, hoa cẩm chướng, mồng gà.....

Từ khi được học cạnh lớp nhất của Thầy Vân thì không những tôi mà các bạn trong lớp lại phải chia trí khá nhiều, một tai nghe nghe giảng bài,một tai vểnh lên nghe và liếc nhìn sinh hoạt đột biến ngoài sân trường, ngay dưới cột cờ, cạnh vườn hoa yêu thích của tôi.

Năm, sáu, bảy, tám..... lúc đầu tiếng đếm nghe vang vang rõ ràng, lên đến con số vài trăm thì yếu dần nhưng tiếng thở hổn hển ngày càng rõ... Trưa Vũng Tàu trời nắng chang chang, giữa sân trường hai bóng nhỏ phơi mình dưới nắng, một người đứng đếm, một người nhảy dây, ngay trong giờ học. Nói cho thê thảm vậy thôi chứ quanh quẩn đâu đó cũng có vài cây to bóng mát, cành lá xum xuê, nắng cũng không đến nỗi thiêu chết ai.

Nghe nói Thầy Vân mới đổi về dạy năm đầu tiên ở trường này, Thầy dạy lớp nhất, Thầy có cách phạt học sinh không thuộc bài, không làm bài khá độc đáo, ra giữa sân trường nhảy dây năm trăm cái, bất luận nữ sinh hay nam sinh, trời mưa Thầy cho hoãn đến hôm sau.

Học sinh bị phạt luôn có trưởng lớp đi kèm, bổn phận chỉ đứng đếm, đủ năm trăm cái cả hai quay vào lớp. Có hôm một bạn, hôm hai, ba, bốn.....bạn. Đếm xong một bạn, quay vào đã có bạn khác thập thò chờ ngay cửa lớp, hôm nào đông quá Thầy cho phó trưởng lớp ra phụ.

Đâu phải chỉ ra kềm cặp các bạn một lần trong ngày, thường một buổi học có đến ba bốn môn, đầu giờ môn Đức Dục, bị phạt vì không thuộc bài, giữa giờ môn Sử Ký cũng lại không thuộc bài, cuối giờ môn Toán, không làm bài....nên trưởng lớp cũng đứng lên ngồi xuống, ra vào lớp học xoành xoạch.

Đám học trò hay bị phạt không phải tất cả đều học dở hoặc lười học hết đâu nha, ở nhà nhiều khi thuộc bài như cháo, vào đến trường sớm lại ráng mở tập ra ngốn thêm được chữ nào hay chữ ấy. Thế mà Thầy vừa gọi tên giật thót người, chữ nghĩa bay vèo mất tiêu, lại bị phạt! Có bạn chưa bị kêu tên, thấy bạn bị phạt, sợ quá, cũng không còn nhớ gì nữa.

Cũng may cho tôi, vừa lên lớp nhất thì gia đình trở về Sài Gòn nên tôi chưa kịp vào lớp Thầy Vân, chứ không thì cặp giò tôi cũng săn chắc và thon thả như người mẫu chứ chẳng giỡn, vì tôi cũng thuộc loại “ ăn không nên đọi, nói không nên lời “, Thầy Cô chưa kêu đến tên, chỉ thấy cây bút đỏ rà trên sổ điểm gần vị trí tên mình là tim gan phèo phổi nhào lộn muốn văng ra ngoài. Ấp a ấp úng một hồi thì cũng trơn tru vì Thầy Cô thấy nhỏ con, mặt mũi xanh lè chắc cũng tội nghiệp nên mớm cho một hai chữ là đọc rau ráu.

Yếu bóng vía vậy đó nhưng ngược lại mấy bạn bị phạt nhảy dây rất thuần thục và nhanh giỏi vì gần như tập luyện thường xuyên . Tôi và các bạn ngồi gần cửa chính và cửa sổ liếc nhìn ra sân, chỉ thấy sợi dây quay vun vút và bóng người đang nhảy dáng đứng thẳng băng, nhúc nhích nhỉnh lên nhỉnh xuống không cao lắm. Mãi về sau tôi mới khám phá, nhảy đến năm trăm cái mà cứ co giò phóng cho thật cao thì mỏi chân lắm.

Olympique không có bộ môn nhảy dây nếu không thì Thầy Vân đã trở thành huấn luyện viên nổi tiếng và đám học trò của Thầy đều là vận động viên xuất sắc.

Sau khi trả nợ bài vở xong, người bị phạt có thể ung dung vào lớp ngồi học, trưởng lớp vẫn còn phơi mình dưới nắng thay Thầy xử phạt bạn khác. Chấp hành lệnh phạt cũng có giờ giấc quy củ đàng hoàng, Thầy không để trưởng lớp và các bạn mất bài giảng, khi nào Thầy giảng bài xong đến phần chép bài thì hai bên mới dắt díu nhau ra sân.

Khi bạn cuối cùng được quay vào thì trưởng lớp mặt đỏ như gấc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại khệnh khạng đi vào, chếnh choáng như người say rượu nhưng vẫn tươi cười hãnh diện, mặt mũi cứ gọi là rạng rỡ như hoa nở báo xuân về. 

Vào lớp của Thầy Vân muốn tìm trưởng lớp không khó, chẳng cần hỏi ai, cứ thấy bạn nào đen nhẻm như cột nhà cháy thì biết ngay đích thị là ảnh.

Giờ ra chơi, cả lớp túa ra như ong vỡ tổ, Thầy Vân qua văn phòng nghỉ giải lao, uống nước trò chuyện cùng các Thầy Cô khác. Trưởng lớp ngồi lại mượn tập của các bạn, cắm cúi chép cho xong bài vở khi nãy chưa chép được, thỉnh thoảng đưa mắt ra sân nhìn các bạn vui vẻ chơi đùa một cách thèm thuồng. 


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved