Nguyễn Đức Trọng 


Những chuyến du ngoạn của tôi lúc gần đây không còn mang nhiều tính chất phiêu lưu như ngày trước, mà lại mang nhiều đặc tính hoài niệm hơn.  Chúng tôi đã đi thăm trở lại những nơi đã từng đặt chân, mang nhiều dấu vết của bạn bè, của những trận cười bên bàn tiệc, nhắc lại những chuyện đã qua ... rồi lại so sánh với chuyện trước mặt.  Có lẻ đây là đặc tính của tuổi về chiều rồi chăng?!  Mỗi lần ghé nơi đâu gặp bạn hữu, biết bao kỷ niệm lại được nhắc lại cho vơi nhớ thương.  Những hận thù ghen ghét được đặt qua một bên.  Còn lại chăng là tình bạn và tình thương dành cho nhau.

Bây giờ xin mời các bạn lang thang cùng chúng tôi trong chuyến đi tháng 11 năm 2010 qua các nơi như Honolulu, rồi Vancouver của Washington, rồi đi ngược lên Vancouver của BC, xuôi Nam về lại Seattle-Washington, và cuối cùng chấm dứt ở Portland-Oregon.

Không hiểu duyên phận của tôi với Hawaii như thế nào, đi không biết bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần đi là một lần háo hức.  Bạn bè đôi lúc ngạc nhiên hỏi " ... bên đó có cái chi mà hấp dẫn ông dữ vậy ..." .  Tôi cũng chỉ biết trã lời " ... là cảm thấy sung sướng và thoải mái khi ở đó.  Đôi khi chỉ qua đó để ăn ngủ và tập thể dục, cũng đủ sướng đời rồi!"  Mấy người bạn cũng chỉ biết lắc đầu!

Lúc còn ở bên miền Tây, tôi chỉ mất 5 tiếng vượt Thái Bình Dương là có mặt ở hải đảo "thần tiên".  Từ khi dọn về miềng Đông, tôi thường ngắt chuyến đi ra làm hai, nghỉ lại vài ngày ở Oregon hay Cali thăm bạn bè, trước khi tiếp tục trực chỉ Honolulu.  Lần này chúng tôi bày đặt bay thẳng từ miền Đông qua Hawaii, ai dè lại là một kinh nghiệm đau thương.  Chúng tôi từ DC bay lên New Jersey, ngồi chờ 2 tiếng rồi thành 5 tiếng vì phi cơ trục trặc, sau đó là 11 tiếng để bay thẳng đến Honolulu.  Đến nơi mệt quá sức vì mình không ngờ chuyến bay lại dài và thê thảm đến như vậy.  Những lần đi về Á Châu, hoặc Úc Châu cũng không mệt bằng, có lẻ vì đã dự trù tinh thần rồi.  Các bạn ở miền Đông chớ có bay thẳng qua Hawaii như vậy nghe!  Nên chuyển tiếp ở miền Tây, hoặc ở giữa thì có lẻ đỡ hơn, vì các bạn có thể nghỉ ngơi, ăn uống, đi lại cho giản chân trước khi bay tiếp.

Bình thường, khi đi chuyến bay 9 giờ sáng từ bờ biển miền Tây (của Mỹ), lúc đến Hawaii chỉ mới hơn 11 giờ, còn nguyên một ngày mà vui chơi.  Đằng này, đi từ miền Đông, phải đi từ 5 giờ sáng, dự trù đến Hawaii lúc 6 giờ chiều.  Nay lại trễ 3 tiếng, khiến lúc đến đã gần 10 giờ tối.  Đi thuê xe và tìm về khách sạn thì trời đã khuya.  Chỉ còn nước đi ngủ, hôm sau thức giấc vẫn còn vật vờ.

Những ngày ở Honolulu trôi qua thật bình yên.  Chúng tôi đã đi thăm lại những bãi tắm cũ và tìm thêm những bãi mới.  Tựu trung vẫn thấy bãi tắm ở thành phố Kailua là thích nhất, chỉ cách khu vực Waikiki 30 phút lái xe.  Với bờ cát trắng, cong và dài, cộng thêm hàng dương gần bờ, không quá đông và không quá vắng.  Những ngày vùng vẫy trong làn nước ấm, thật bỏ công cho một chuyến bay dài.  Mặc dù đã đến Honolulu nhiều lần, phần lớn các nơi đi qua đều là cảnh cũ, nhưng đôi lúc chúng tôi vẫn bất ngờ tìm thấy các điểm thú vị.  Ví dụ như khi đi tắm ở bờ biển tại thành phố Kailua.  Qua lại trên con đường 61 Pali Hwy cả mấy chục lần, thấy một ngôi chùa Nhật thật củ kỷ, tôi có dừng lại xem và chụp hình từ "View Point" trên xa lộ.  Lần này trên đường trở về, thấy con đường có tên Nuuanu Pali Drive chạy dọc xa lộ, tôi rũ cô hàng xóm đi thử cho biết.  Không ngờ đọan đường đi thật đẹp, được đi dưới cã rừng trúc mọc dầy đặc hai bên đường, che thành vòm, cây cỏ xanh rì và rậm rạp.  Cứ ngỏ như là đang đi vào các khu rừng nhiệt đới ở miền Nam VN ngày trước.  Chúng tôi cố gắng đi thật chậm để kéo dài thời gian mà nhìn cảnh sắc hai bên đường.  Đôi lúc thích quá, chúng tôi dừng hẳn xe lại, leo qua thành đường, lội xuống con suối nãy giờ chạy quấn quanh theo đường đi.  Con người như muốn hội nhập với thiên nhiên và tự nhiên.  Lại càng không ngờ hơn nữa, cùng nằm trên con đường này chúng tôi nhìn thấy ngôi chùa Nhật cũ kỷ, một ngôi chùa Tàu, và vài cái đền thờ khác nữa.  Ai có lòng sùng tín cao, nội chuyện đi thăm các ngôi đền thờ ở Honolulu cũng đủ phờ người.

 

Kailua Beach và Nuuanu Drive ở Honolulu

 

Gặp lại bạn cùng trường ngày xưa và đi ăn chung là một niềm vui lớn trong bất kỳ chuyến đi nào.  Chúng tôi đã kéo nhau đi ăn, và nhắc lại chuyện cũ, nói hoài không dứt.  Thật không ngờ là mấy ông cũng nhiều chuyện không kém mấy bà.  Lần này, một chị bạn bận vào đất liền nuôi cháu ngoại, ông xã của chị, chẳng quen biết gì chúng tôi, cũng xung phong dẫn chúng tôi đi ăn và đi thăm chợ trời ở vận động trường gần Pearl Harbor cho biết.  Bà con bán buôn rất đông nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là áo thung, bóp, hàng thủ công nghệ nhưng lại làm từ VN, Tàu, Phi, Thái Lan, ... Các gian hàng lập đi lập lại, trông rất chán.  Chúng tôi rão bước một vòng rồi ra về, không ai mua món gì.  Các bạn có ai đi Hawaii, nếu cần mua đồ kỷ niệm thì cứ vào các tiệm ABC  ở chung quanh khu Waikiki là tha hồ chọn, giá lại phải chăng, chớ có mất công mà đi chợ trời làm gì.

Các nhà hàng ăn VN ở Honolulu cũng không thay đổi bao nhiêu.  Giá cả đắt hơn trong đất liền từ 20 đến 30% là trung bình.  Nhà hàng Saigon ở khu phố Tàu đồ ăn rất khá, chỉ kẹt là mở từ lúc 7:30 sáng và đóng cửa quá sớm lúc 3:30 chiều.  Kể ra thì cũng tội, là dân "homeless" đã tràn chiếm khu phố Tàu mỗi ngày từ lúc 5 giờ chiều.  Mặc dù vậy, các bạn cũng có thể ăn tối nơi phố Tàu này với nhà hàng Mỹ Lan và Phở 97, không kể vài nhà hàng Tàu.  Còn nhà hàng Old Saigon ở ngay Waikiki, bạn bè tôi ở Honolulu, cũng như ở đất liền, ai nấy đều chê, từ thức ăn cho đến cách tiếp đãi.  Tôi đã vào thử và công nhận như vậy.  Lần này chúng tôi tìm thấy tiệm "Phở One" , tọa lạc ở 1617 Kapiolani Blvd, thức ăn rất khá, giá phải chăng, trang trí mới và đẹp.  Chỉ khổ là các ông các bà "waiter và waitress" nói lớn tiếng quá.  Nhiều chuyện riêng tư không muốn nghe mà vẫn phải nghe.  Đôi khi còn phê bình khách hàng nữa mới chết chứ.  Cũng trên đường Kapiolani này, đối diện với Convention Center có nhà hàng Tàu Fook Yuen, số 1960 Kapiolani, nổi tiếng với các món đồ biển, giá cả cũng phải chăng.  Tuy nhiên cũng có nhiều người than phiền về sự tiếp đãi.  Chúng tôi chỉ buồn một điều là nhà hàng Sperry's mà chúng tôi thường hay đến ăn Buffet buổi tối không còn nữa. Chúng tôi thường hay vào đây để ngồi cho thong thả, thưởng thức khung cảnh vườn tược trang nhã, rộng rãi, không bị hối thúc , và nhất là được ăn rau cỏ thả dàn. Thay vào đó là một nhà hàng Nhật bán Sushi, cũng ăn theo lối Buffet, nhưng giá lại đắt gấp ba giá của Sperry's cách đây hai năm.  Nhà hàng TODAI cũng thuộc loại cho ăn thả dàn, nhưng sau này bị khách hàng than phiền là xuống cấp vệ sinh, đồ ăn bớt ngon so với lúc ban đầu mới mở.

Rời Honolulu mà lần nào cũng luyến tiếc các bờ cát trắng, bầu không khí trong lành và ấm áp, những mẩu chuyện trao đổi với bạn bè.  Mới tới mà đã nghĩ đến ngày đi, ngày đi lại suy tính không biết bao giờ trở lại.  Con người đúng là luôn chạy theo những thứ không bao giờ nắm giữ được mãi bên người như thời gian, quyền hành, danh vọng, tiền bạc ... Đôi lúc cũng có dừng lại và nhận biết, nhưng sau đó lại cứ cắm đầu vào tranh giành, thật là lạ lùng!  Mới hay sự quyến rũ và thu hút của cái thật và cái ảo cũng đều mạnh như nhau.

Chuyến đi này tôi mua vé máy bay của hãng Continental Airlines, nhưng chỉ có lần đi là của Continental, ba chuyến trên đường về lại là của United Airlines (Hawaii, San Francisco, Portland, Washington DC).  Nghe nói hai hãng này đang kết hợp với nhau để trở thành một hãng hàng không lớn nhất của Mỹ.  Cung cách phục vụ của Continental còn khá, nhưng của United thì dở quá trời và cũng chẳng cho ăn chi hết, mặc dù đi chuyến bay dài cả năm tiếng hơn.  Nếu chỉ rẻ hơn vài chục, các bạn nhớ đừng có chọn United Airlines nha trong các chuyến bay sắp tới nha.

Về đến Portland Oregon, nơi tôi sống nhiều hơn thời gian ở Sàigòn, vậy mà đôi lúc vẫn đi lạc đường, làm cô hàng xóm ngồi kế bên cười quá chừng.  Thế là phải bật GPS lên để tìm nhà ngươi bạn, ở thành phố Vancouver thuộc tiểu bang Washington, kề cận với Portland.  Nghe nói nơi đây thuế tài sản (property tax) rẻ hơn Portland, nên bà con đổ xô qua đây sống.  Washington có Sales Tax khá cao, trong khi Oregon lại không, vì thế mỗi lần cân mua sắm chi nhiều thiên hạ lại băng qua cầu đi sắm đồ bên Portland.  Đúng là lợi ba bốn bề!

Hai vợ chồng bạn Hoàng và Hương dù đã khuya nhưng vẫn chiều bạn và chiêu đãi bạn bè hết mình.  Mặc dù đã trễ, hai bạn vẫn chờ đợi tụi tôi ăn tối chung với thức ăn ê hề.  Hai ông bà rất ít đi chơi, nên tình nguyện dùng nhà của mình làm "hotel" tiếp đón bạn bè từ xa ghé thăm.  Kỳ này không được cụng ly với bạn Hoàng, vì bạn vẫn còn đang trong giai đoạn phục hồi, sau việc hiến thận cho cô em từ năm trước.  Hy vọng lần tới ghé thăm, chúng ta lại có dịp uống thoải mái.  Nghe cô hàng xóm nói thích vài loại cây trong nhà, chị Hương liền chiết rễ cho liền hai loại cây khác nhau, trong đó cây sen đất, giống của Nhật, vẫn còn sống hùng sống mạnh bên cửa sổ trong phòng ngủ của tôi.

Con người mình có thói quen là hay đi chơi xa, còn nơi gần thì lơ là không để ý.  Những ngày ở Portland, mỗi khi nghỉ tôi thường bay đi Cali, Florida, về Á Châu, chứ ít khi nào đi thăm các thành phố kề cận.  Vào hôm sau, tôi đưa cô hàng xóm đi thăm thành phố Mt Angel và tu viện dòng Benedictine nằm trong khu vực Willamette Valley, trên một ngọn đồi thật đẹp và trang trọng.  Tôi nghe nói nhiều về tu viện này, nhưng đây là lần đầu tiên ghé thăm, mặc dù chỉ cách Portland có 45 phút lái xe.  Con đường đi vào tu viện như đi vào một cánh rừng thông, càng sáng sủa khi đi dần lên cao, bầu không khí trong lành và nhẹ nhàng hơn nhiều so với phố thị bên dưới.  Trên đường đi, xa xa dọc bên đường là hình ảnh về cuộc đời của Chúa Jesus, từ lúc sinh ra đến lúc vác thập tư giá, chịu đóng đinh, chết đi và sống lại, rồi thăng thiên.



Hình ảnh nước Đức ở thành phố Quaint, Mt Angel, Oregon

 

Hôm nay trời lại mưa nhiều, nhằm dịp lễ Thanksgiving nên hầu hết các chủng sinh đã ra ngoài hay về thăm nhà.  Tôi đưa cô hàng xóm đi thăm các nơi từ thư viện, phòng tiếp thân nhân, nhà nguyện, nhà thờ chung, ... Nơi nào cũng đầy ánh sáng và sạch như lau, chẳng một tí bụi.  Lúc đứng trên một đỉnh cao, nhìn các kiến trúc tân kỳ và dễ thương của tu viện, cô hàng xóm phán rằng " ... tu cái chi mà sướng quá, đúng là làm Cha người ta, ... phải chi hồi trước ông đi tu thì đở cho tui biết mấy!"  Nói thiệt hồi xưa cũng có lúc tui muốn vào đây, nhưng nghĩ lại thấy mình "Tham Sân Si" vẫn còn nhiều nên không vào.

Sau đó chúng tôi kéo nhau đi Shopping ở Woodburn Outlet Center, nằm ngay trên xa lộ chính I-5.  Ở Portland hơn 20 năm, thế mà tôi cũng chưa vào đây bao giờ.  Mỗi lần đi Cali hay về phía Nam, tôi đều chạy ngang nơi đây, và cứ hẹn lòng sẽ ghé thăm, thế mà vẫn không ghé được.  Bây giờ ở xa về thăm, mới có dịp mà ghé xem nó ra sao.  Nhằm đúng ngày Black Friday, thiên hạ đi Shopping thật là điên cuồng.  Bãi đậu xe tìm mãi mới giành được một chổ.  Người nào người nấy tay xách nách mang, tiếng kèn tiếng trống chào mừng mùa lễ Giáng Sinh sắp đến, bà con quá sức là hào hứng.  Tôi và cô hàng xóm cũng hòa vào dòng người mà đi xem hàng, cũng mua vài món quà nho nhỏ cho người thân.  Chúng tôi chủ trương không mua đồ ở các Outlet những khi đi du lịch, vì phải mang nặng và khó khăn lúc cần trã lại hay thay đổi, nếu không vừa ý sau này.

Rời thành phố Vancouver, cực Nam của tiểu bang Washington của Hoa Kỳ, chúng tôi chạy lên cực Bắc của nó thì đụng thành phố Vancouver thuộc tỉnh British Columbia của xứ Canada.  Cũng lạ phải không các bạn? Vậy thì khi nói Vancouver là phải nói thêm Vancouver-Washington hay Vancouver-British Columbia. Nhưng sự thật là Vancouver của Canada nổi tiếng hơn Vancouver của Mỹ.

Buổi sáng mới giữa mùa Thu mà trời đã lạnh quá chừng.  Phóng xe lao đi trong màn mưa bụi, ngồi nhâm nhi hộp xôi đậu xanh, cô hàng xóm tắm tắc khen món xôi ngon và cảm tạ tình cảm bà chủ nhà dành cho.  Chị Hương đã thức dậy sớm nấu xôi, cẩn thận cho vào hộp, nêm nếm muối mè với đường, và nhất định bắt chúng tôi mang theo ăn sáng dọc đường.  Tôi ngồi chăm chú lái xe, và được ăn hàm thụ.  Nói thế chứ lâu lâu cũng được cô nàng đút cho một muỗng cầm hơi.

Cơn mưa lúc nhẹ lúc nặng, kéo dài mãi không muốn ngừng.  Sau 3 tiếng đến Seattle, trời vẫn tối đen, mưa càng muốn nặng hơn.  Nhưng lạ làm sao, mới qua ranh giới của Seattle chừng 20, 30 miles, bầu trời lại nên quang đãng một cách thật lạ thường.  Làm như không có dính líu chi với đọan đường vừa đi qua.  Nếu dừng xe lại, chúng ta sẽ thấy rõ ràng bầu trời phân hai, một bên tối đen và âm u, một bên là bầu trong xanh trong sáng với vài cụm mây trắng lãng đãng trôi.  Về sau tôi có hỏi lại mấy người bạn ở Seattle, họ cũng xác nhận như vậy.  Bầu trời ở vùng này lúc nào cũng tươi sáng hơn khu vực của Seattle.  Lạ thật phải không các bạn! Nghĩ đến chuyện 2 bầu trời này, tôi chợt nhớ bên Pháp cũng có một chổ như vậy. Lần đó tôi ngồi trên chiếc TGV tốc hành từ Paris về Montpellier, sau 2 tiếng đến trạm ngừng đầu tiên, hình như là thành phố Valence (?), nhìn lại sau lưng thấy bầu trời xám xịt, còn trước mặt thì sáng trưng với ánh mặt trời.  Bạn bè sống ở Paris cũng không ngờ tôi nhận ra điểm này.

Đã 5 năm chưa trở lại vùng này, bên Mỹ và bên Canada đều nhìn thấy phát triển qua các công trình xây cất, đường xá mở rộng, xe cộ đông đúc hơn, và dĩ nhiên là kẹt xe dài hơn.  Nhất là thành phố Vancouver, tốc độ phát triển và sửa sang thấy chóng mặt.  Có lẻ vì cần có bộ mặt để khoe với thế giới nhân dịp tổ chức thế vận hội mùa Đông hồi đầu năm 2010 chăng?!  Mới cuối tháng 11 mà các trang hoàng cho mùa Noel đã vây kín các thân cây hai bên đường của thành phố.  Lần này không dùng Priceline để đấu giá phòng ở khách sạn, tôi chọn luôn khách sạn Hamilton ở khu North Vancouver.  Khách sạn mới, không rộng lắm, Free Internet, và ăn sáng nên rất tiện cho những ai cần đi sớm.  Kẹt một nổi là tôi quá ỷ y vào sức của mình.  Khi nghĩ là mình thừa sức mang hành lý leo cầu thang, vì khách sạn không cầu thang máy.  Ai dè, dù chỉ có một tầng lầu, cầu thang dù rộng nhưng vòng vèo và rất cao.  Xách hai cái vali lên được đến phòng là đuối, thật tội cho cái thân già! :-)

Tôi cứ đinh ninh vào tấm bản đồ là tìm được con đường ngắn nhất đi đến điểm hẹn với các bạn học cũ.  Ai dè lại đâm đâu vào ngỏ cụt, thế là phải quay về khách sạn lấy theo cái GPS chỉ đường.  Bạn bè ở Vancouver hầu hết đã đến và tập trung cả 20 người ở nhà hàng "Phở Hồng", 5975 Kingsway, để tiếp đón chúng tôi.  Các bạn này thật là hiếu khách, có người đã phải lái xe hơn cả tiếng chỉ để đến gặp một bạn học cùng trường, nhiều người trước đó chưa hề quen.  Bạn bè cùng trường thật thương tôi mặc dù phải lội tuyết mà đến.  Mới giữa mùa thu mà tuyết đã rơi, khắp nơi từ Portland-Oregon kéo dài đến Vancouver-Canada.  Chẳng bù cho mùa Thế Vận Mùa Đông 2010, người ta phải cõng tuyết từ các nơi khác mà lấp đầy cho các sân thi trượt tuyết ở Vancouver. 

Một màn tay bắt mặt mừng, chào hỏi, giới thiệu với nhau loạn cào cào.  Nhiều người trước giờ chỉ biết tên, chưa biết mặt, thế mà cảm như đã quen nhau từ lâu.  Chưa già đã lẫn phải không các bạn! Nếu không vì trơi tuyết và lạnh, chắc sẽ còn nhiều bạn cùng đến dự.   Mọi chuyện xưa cũ, những kinh nghiệm làm ăn, cuộc sống, về hưu, và ngay cả những kinh nghiệm ở tù dưới chế độ CSVN cũng được đem ra chia xẻ.  Tất cả đều muốn đem đến cho nhau niềm vui, những thân tình giữa đồng môn với nhau.  Anh chị chủ nhân, H v Bill, hết bưng món này đến món kia ra bồi tiếp chúng tôi.  Phe đàn ông chỉ tiếc là mồi nhậu thì nhiều, nhưng cứ sợ cảnh sát Canada níu áo, nên chỉ dám nhắm cho vui mỗi người một chai mà thôi.  Phe mấy bà thì muốn ăn lắm nhưng cứ sợ lên cân, làm tôi phải trấn an là cứ ăn đi chuyện làm cho ốm thì để tôi lo.  Cứ theo các phương pháp của tôi giới thiệu mà áp dụng - bảo đảm vừa đẹp, vừa có eo, làm mấy bà cười quá cho cái tài “Lang Băm” của tôi.  Đúng là thời gian qua mau, mới quay qua quay lại đã đến giờ đóng cửa.  Chuyện vui, chuyện buồn chưa nói xong, nay đã phải chia tay.  Nhưng chúng tôi không quên hẹn nhau cho các dịp họp mặt sắp đến.

Ngày hôm sau đúng là một ngày bất ngờ trong cuộc đời lang bạt của tôi.  Tôi và cô hàng xóm được đưa đi thăm từ thắng cảnh này đến thắng cảnh khác, nhà hàng ăn ngon của Vancouver Canada, cùng những lời giải thích tường tận của các thổ công TN-Vancouver.  Mấy quý vị đã đưa chúng tôi đi từ 8 giờ sáng cho mãi đến gần nửa đêm mới chịu chia tay.  Thật là no quá cở ... từ bao tử cho đến tình bạn.  Cô hàng xóm Thanh Đan và tôi mỗi lần nghĩ đến là một lần sung sướng, vì có những người bạn như vậy trong đời.  Một lần nữa cảm ơn các bạn đã tạm quên gia đình và dành cho chúng tôi trọn một ngày rong chơi.

Nhóm 7 người chúng tôi bắt đầu chương trình là màn ăn sáng ở quán Au Petit Café, 4851 Main Street, Vancouver BC.  Cái quán nhỏ tí tẹo nhưng sao đông khách quá trời.  Có lẻ nhờ sự tiếp đãi thân tình và đồ ăn ngon.  Món nào cũng khá!  Cà phê cà pháo ăn sáng xong xuôi, thấy thiên hạ đứng chờ nhiều nên rút nhanh.  Vì nơi đây gần công viên Queen Elizabeth Park nên tất cả đồng ý kéo vào thăm.  Công viên này tôi đến thăm lần đầu cách gần 30 năm, giờ mới có dịp trở lại, thấy đẹp nhiều hơn xưa.  Tuyết vẫn còn đóng đầy trong công viên và trời lạnh căm căm.  Thật tội cho mấy chị, lâu lâu lại phải chạy vào nhà kiếng để sưỡi ấm.  Dù các lọai hoa đã tàn, nhưng cảnh vẫn có cái đẹp của đó vào mùa Đông.  Đứng trên cao nhìn thành phố Vancouver xa xa bên dưới vẫn là cái thú hấp dẫn du khách đến thăm Vancouver.  Vào thăm công viên này không mất tiền, chỉ tốn cho phần vào nhà kiếng xem thảo mộc nhiệt đới mà thôi (không xuất sắc lắm).

 

 

Thành phố Vancouver nhìn từ Queen Elizabeth Park và Totem Poles ở Stanley Park


Vì trời tuyết và quá ẩm ướt nên chuyến đi thăm cầu treo (free) ở Lynn Canyon Ecology Centre bị hủy bỏ và thay vào đó là đi thăm Stanley Park và Granville Island.  Các bạn này đúng là thổ công có khác, đi mỗi bước đều nhắc lại những đặc điểm từng nơi và kỷ niệm đã qua như lần picnic của DHTNTG-2006 tại Vancouver.  Ôn lại kỷ niệm, thoáng một cái đã 4 năm qua.  Tại Stanley Park, chị Duyên chỉ cho xem chổ nhiều cô Nhật đã chụp hình "sexy" đã từng phóng lên Internet cách đây không lâu, mà lại ghi là bên Nhật thay vì là ở Vancouver Canada.  Chắc là muốn câu dẫn du khách chăng?!  Du khách đến thăm Vancouver thường thăm viếng các nơi trong thành phố, ít ai để ý đến các hòn đảo nhỏ nằm chung quanh.  Theo bạn Thái, những hòn đảo đó mới thật là nơi lý tưởng cho việc "relax" sau những ngày làm việc mệt nhọc, nhằm xóa tan những gánh nặng, áp lực tinh thần trong đời sống.  Dĩ nhiên là những hòn đảo nhỏ đó không ôn ào, và vui vẻ như hòn đảo Granville Island mà tôi và cô hàng xóm được dẫn đi thăm lần này.  Thú vị hơn hết có lẻ là màn ăn hạt dẻ rang.  Trời lạnh bên ngoài, cầm hạt dẻ nóng ấm trong tay, ấp lên má, sướng làm sao đâu! Thật là nhớ những ngày ở Dalat ăn đậu phụng rang, ngắm trời đêm cùng bạn bè.  Sau khi nhìn ngắm hết mọi gian hàng, chúng tôi kéo nhau lên ngồi trên cao nghỉ chân, ăn báng ngọt, uống cà phê ngắm mây nước và thiên hạ.  Lẫn tới về lại Vancouver, thế nào tôi cũng ngồi mấy chiếc ferry để đi vòng hết các hòn đảo chung quanh này.  Lại có cớ đi chơi lần nữa nơi đây! :-)

 Đường ven biển ở Stanley Park

 

Thấy mọi người đều lạnh và hơi mệt, Thái và Thoa rũ mọi người về nhà nghỉ một chút, tán dóc, trước khi đi ăn cơm tối.  Thế là tôi có dịp nhấm nháp mấy chai rượu chát của Thái, đồng thời cùng mấy chị nghiên cứu môn thể dục Càn Khôn Thập Linh do Thầy Hằng Trường truyền bá.  Ghé thăm các bạn ơ Vancouver lần này, tôi chẳng biết mua món quà gì, chợt nghĩ đến sức khỏe là cần thiết ở lứa tuổi về chiều này, nên tôi đã đem môn thể dục CKTL bày cho quý anh chị tập hầu giữ gìn sức khỏe.  Hỏi ra, thì mấy chị cũng tập đủ môn như Tai Chi, Yoga, Thiền, ...chứ chẳng chờ tới phiên tôi giới thiệu.  Hèn chi thấy mấy bạn ở Vancouver trông trẻ quá!  Nhất là chàng Thái, trông không khác bao nhiêu lần gặp nhau đầu tiên năm 1974 ở Dalat.  Vẫn gương mặt trong sáng, đầy nét tinh anh, sốt sắng trong lối nói chuyện.

Bữa ăn tối ở Dai Tung Restaurant, 1050 Kingsway ở Vancouver BC, thật là quá nhiều năng lượng cần thiết cho một ngày rong chơi.  Nào là gà, cá, cua, tôm, ... đủ các món ăn chơi.  Cuộc vui vẫn chưa chịu ngưng ở đây.  Các bạn tôi ở Vancouver đề nghị là dành phần tráng miệng, trà, cà phê ở một nơi khác ấm cúng hơn.  Đó là nhà hàng Cloud 9 Revolving Restaurant, 1400 Hobson Street, Vancouver BC.  Chúng tôi kéo nhau lên nhà hàng này ở tầng thứ 42 của Empire Landmark Hotel ngồi uống cà phê và nhìn thành phố Vancouver về đêm.  Có lẻ đây là địa điểm đẹp nhất ngắm thành phố từ trên cao.  Ngồi tán dóc, chọc phá nhau mãi đến nhà hàng đóng cửa mới chịu ra về.  Xem ra nhà hàng đã quay hơn một vòng từ lúc chúng tôi vào.  Bịn rịn mãi mới chịu chia tay trước cửa nhà hàng, đưa hai bạn Kim Cúc và Duyên về nhà, về đến khách sạn cũng đã hơn 11 giờ đêm.  Một ngày thật vui, chỉ tiếc là qua nhanh quá!

Trên đường trở về Mỹ, cứ nghĩ đến hai ngày vừa qua ở Vancouver BC, tôi cảm thấy rất đáng cho chuyến di.  Dù chỉ có một ngày rưởi, rất ngắn nhưng lại đầy ắp tình thân.  Sáng nay thức giấc sớm nhưng vẫn thấy tỉnh táo, bỏ cả ăn sáng của khách sạn mà lên đường hầu tránh kẹt xe giờ đi làm trong phố, cũng như ở biên giới.

Những trận mưa nhỏ và kéo dài của mùa thu, gây cảm giác lành lạnh thế nào.  Tôi chạy tà tà ngắm cảnh và đến Seattle lúc nào không hay.  Thành phố Seattle của tiểu bang  Washington nằm trên sườn đồi, đường lại một chiều, xe đông nên chỉ một lát là tôi lạc đường.  "Navigator" của tôi chê quá " ... đã đi không biết bao lần mà vẫn lạc!"  Thế là phải gắn cái GPS vào mà tìm đường đến tiệm Phở Bắc.  Đây là tiệm phở đầu tiên ở Seattle sau ngày người Việt tị nạn đến thành phố này vào năm 1975.  Anh Nguyễn Đức Quang K1, đây là Quang Già Cơ chứ không phải Quang Du ca vừa mất hồi tháng 4 năm 2011 nha các bạn.  Hai anh Quang này học cùng lớp và thân nhau.  Mỗi khi có việc về vùng Tây Bắc, anh Quang Du Ca thường về ở cùng anh Quang Già Cơ để tâm sự vụn.  Anh Quang đã chọn nhà hàng Phở Bắc nhằm kỷ niệm tiệm phở đầu tiên của Seattle, thay vì đến những tiệm mới sau này như trong dãy phố gần đó.  Nghe nói ông chủ đã mở thêm vài tiệm mới nhưng vẫn giữ lại căn đầu tiên này.  Ông chủ Phở Bắc đã có công quảng bá món phở đến mọi sắc dân vùng Seattle.  Chẳng thế mà chung quanh tôi tòan là khách ngọai quốc Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ, Đại Hàn, Nhật, ... chỉ có nhóm chúng tôi là VN.   Với tôi, phở ở đây ăn cũng tạm được, không có chi là xuất sắc.  Khẩu vị mỗi người khác nhau, nên quý vị chớ có tin nơi tôi nha.  Thêm một chuyện bên lề mà anh Quang cho biết, đó là có một anh chàng Đại Hàn vào làm công cho quán Phở Bắc được mấy năm.  Học xong hết nghề bèn ra ngoài mở một tiệm phở cho riêng mình, lấy tên là Phở TAI (chỉ có chữ TAI không thôi nha, không có dấu sắc hay dấu huyền đi kèm chi hết).  Đến nay anh chàng Đại Hàn này cũng mở thêm vài tiệm nữa.  Một điều thú vị là anh chàng này lại thuê nhân viên là người VN mới tức cười chứ.

Anh Quang thật là chi tiết và dự phòng mọi thứ cho chúng tôi.  Biết tôi thích đi chơi trước khi về nhà anh vào buổi chiều, anh in tất cả các thắng cảnh nên xem trong vòng vài tiếng ở Seattle ra cho tôi, kèm theo bản đồ hướng dẫn đường đi, quá sức cẩn thận. Đúng là dân Hướng Đạo có khác!  Vì đã ngán với chuyện kẹt xe trong thành phố, tôi quyết định đi ra ngoại ô thăm thác Snoqualmie, chỉ cách Seattle chừng 30 phút mà tôi chưa biết.  Thác Snoqualmie vốn thuộc hãng điện tư nhân, nhưng tiểu bang Washington đã trưng dụng để làm một nơi cho mọi người đến thăm.  Thác không lớn nhưng lượng nước rơi xuống có lẻ chỉ kém Niagara Falls ở biên giới Mỹ và Canada mà thôi.  Hơi nước bay mịt trời nhờ mấy ngày mưa và tuyết vừa qua.  Tôi và cô hàng xóm vừa đi phải vừa níu nhau, vì trơn trợt nơi đường dốc bao quanh con thác.  Sợ nguy hiểm cho du khách, họ đã đóng lại con đường đi xuống thung lủng dưới chân thác.  May ra vào năm tới họ sẽ mở lại sau khi hoàn tất việc tân trang cho an toàn hơn.  Lúc ấy du khách tha hồ mà câu cá, Hiking, chèo thuyền, v.v.  Những người yêu thích thiên nhiên muốn lưu lại vài ngày, chắc sẽ yêu khách sạn Salish Lodge and Spa nằm kề bên.  Vị trí và cây cảnh thật dễ thương!

Trước khi vòng lại Seattle, tôi không quên ghé Casino ở Snoqualmie gần đó để " ... thăm dân cho biết sự đời ...".  Nhìn bên ngoài, rất hùng tráng, bên trong thì cũng vưa phải thôi, giống như một sòng bài ven đường ở Nevada.  Lợi dụng việc tự trị của đặc khu dành cho người Da Đỏ (Indian), các tay tư bản đã lập ra không biết bao nhiêu là sòng bài nhằm thu hút những người mê đỏ đen.  Đã có rất nhiều gia đình VN táng gia bại sản vì mê cờ bạc, thích sự chiêu đãi của sòng bài, và nhất là tinh thần " ... thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn là đếm bạc cắc quanh năm!"  Ngày xưa, muốn đánh bài phải đi đến tận Nevada mà ăn thua, ngày nay chỉ cần 15, 30 phút lái xe là có ngay sòng bài chờ sẳn.  Tôi nghĩ Seattle bị bao vây không dưới 5 sòng Casinos.  Nghĩ thật tội nghiệp cho người có máu mê cờ bạc và dễ bị dẫn dụ.



Snoqualmie Falls ở bang Washington State.

Thắng cảnh trong các tiểu bang Oregon, Washington của Mỹ, và British Columbia của Canada thật nhiều.  Các bạn đi cả tháng cũng không hết, chỉ nội việc chọn nơi mà đi cũng đủ nhức đầu.  Điều này cho thấy là các bạn có thể quay đi quay lại nhiều lần mà vẫn đi chưa hết.  Ví dụ như lần ghé Seattle này của tôi, tùy theo thời gian và thời tiết cho phép, anh Quang đã lên chương trình cho chúng tôi 3, 4 điểm khác nhau mà thăm viếng cho từng ngày, như:

   - chiều ngày thứ nhất là đi thác Snoqualmie, thăm Downtown Seattle và Fish Market, thăm hãng Microsoft, hoặc thăm Lake Washington, hoặc Hiram Locks.

   - ngày thứ nhì đi thăm Deception Pass, hoặc Hood Canal, hoặc hãng Boeing, hoặc Mt Rainier.

Thấy anh đưa chương trình, cái nào cũng đẹp và hay, làm tôi phân vân quá.  Thôi để tối nay vắt chân lên trán mà quyết định vậy. :-)

Nếu lấy Seattle làm tâm điểm, trong vòng từ 2 đến 3 tiếng là chúng ta có thể lái xe đến Vancouver, BC hoặc Portland, Oregon, hoặc lên phà vượt đại đương đến đảo Victoria của BC nổi tiếng với vườn hoa Butchart Gardens.  Washington nổi tiếng với hai National Parks, đó là Mt Rainier và Olympic, mà cái nào cũng nên đi.  Còn tiểu bang Oregon, có vài nơi tôi muốn đi xem cho tường tân hơn, như Crater Lake, Columbia Gorge, và con dường Hi-101 chay dọc bờ biển Thái Bình Dương. Lần tới trở về thăm vùng Tây Bắc, chắc chắn là phải dành nhiều thời giờ hơn.

Dịp ghé thăm Seattle lần này, các anh quen biết đều rủ về nhà ở, không chịu cho chúng tôi thuê khách sạn, để mấy anh em tha hồ mà hàn huyên, không sợ màn uống rượu lái xe khuya.  Sau khi đi thăm thác Snoqualmie về, đến nhà anh chị Quang đã thấy thấy anh sẳn sàng tiệc tùng cho buổi họp mặt tối gồm có chúng tôi, anh chị Phi, và anh Chung.  Tiếc là hôm nay là ngày trong tuần, trơi lại mưa tâm tả nên nhiều người ngại không đến tham dự được.  Chị Quang là dân Huế chính cống nên bà con được thưởng thức các món ăn của đất Thần Kinh.  Còn tôi vì vui được gặp các đàn anh, lại không phải lái xe sau khi ăn, nên cứ uống tì tì hết chai này qua chai khác.  Qua tối hôm sau, anh chị Phi và anh chị Quang lại kéo hai đứa tôi đi ăn nhà hàng Thái.  Chúng tôi lại được dịp thưởng thức các món Thái và món cà rem tráng miệng thật đặc biệt của họ.  Ăn xong rồi, lại gọi thêm một phần nữa để ăn cho đã ... thật là tham quá! :-)  Lẽ ra, hôm nay chúng tôi được dẫn đi ăn một nhà hàng Nhật, Maneki Restaurant 304_6Th Ave. S. khu International District,  đã mở hơn 100 năm ở Seattle, rất nổi tiếng, nhưng không có nhiều bàn.  Ác nổi là họ lại không chịu cho giữ bàn trước, và đi một lần 6 người thì coi như miễn ăn.  Đi ăn chung với mấy ông anh bà chị thấy rõ ràng bị chèn ép quá sức đi thôi.  Lần ăn ở Phở Bắc, anh Quang Già Cơ không cho tôi nhúc nhích sau khi ăn, bắt ngồi tại chổ không cho đi đâu.  Tối nay đến phiên anh Phi ỷ to lớn, nhất định không cho tôi ra khỏi ghế đi lang thang trong tiệm ăn, lại không quên dặn dò ông quản lý là không được lấy tiền của tôi.  Tinh thần dành nhau trã tiền này xem ra phe ta vẫn nhất định gìn giữ. :-)

Đèo Deception Pass nối liền hai đảo Whidbey Island và Fidalgo Island với đất liền, nằm về hướng Đông Bắc của tiểu bang Washington.  Nó nối liền vịnh Skagit Bay với Strait Juan De Fuca, nằm trong hệ thống công viên của tiểu bang Washington.  Tìm trong Internet nhìn địa điểm này từ trên không, đúng là hết xẩy!

 

Deception Pass ở Washington State

Bầu trời Seattle ngày hôm sau tối đen và mưa dầm dề, chạy xe cả nửa tiếng mưa không dứt hạt.  May quá, sau khi đường xa lộ I-405 bắt vào I-5, đến ngay khỏang Exit # 230, trời lại sáng trưng và quang đãng mới lạ chứ.  Y chang ngày chúng tôi trên đường đi thăm Vancouver BC mấy hôm trước đây.  Chạy theo chỉ dẫn trên GPS, tôi lái thẳng đến Deception Pass State Park sau khi lướt xéo qua bến phà Anacortes.  Đến đây tôi mới chợt nhớ lại địa điểm này.  Đây đúng là nơi tên xếp tôi cách đây 20 năm có góp ý tôi nên đi thăm, cũng như theo phà đi ra thăm Orca Island, đi xe đạp một vòng quanh đảo, hoặc dùng Kayak mà chèo quanh các đảo trong khu vực này.  Đứng trên cao nhìn xuống, hay lội ra sát bờ nước, thấy chổ nào cũng hấp dẫn hết.  Tiếc là bầu trời không xanh và ít nắng, vào hình không hấp dẫn cho lắm.  Bờ phía Tây của chiếc cầu Deception Pass Bridge là Visitor Center, với văn phòng du lịch bán vé đi thăm Deception Pass bằng tàu tốc hành, giá vé chừng $21 mỗi người.  Ít thời giờ, chọn phương thức này cũng được.  Vào đầu mùa xuân, thiên hạ kéo về đây tham dự lễ hội Skagit Valley Tulip Festival, hàng năm vào tháng Tư.  Nhìn các vườn ươm trồng hoa Tulip trãi dài tận chân trời, cũng đáng một lần ghé thăm.

Sau khi lăng xăng chạy ghé mỗi nơi một chút, leo lên leo xuống các bờ nước chụp hình.  Mãi đến lúc thấy cơn mưa kéo đến, chúng tôi mới chịu dứt bỏ mà ra về.  Tranh thủ thời giờ còn sớm, tụi tôi lội mưa đi thăm trung tâm triển lãm những kỷ thuật mới của công ty Microsoft.  Công ty này nằm trong một khuôn viên rộng ơi là rộng, cả 50 hay 60 tòa Building to lớn.  Hỏi thăm mãi mới tìm ra đúng nơi, nhưng vào xem thì chán quá, vì chẳng có bao nhiêu sản phẩm trình bày cho xem thử.  Các món quà kỷ niệm chẳng đáng mà mua.  Thứ duy nhất cho dân thích Computer muốn tìm hiểu là các Software thì lại không bán cho người ngoài, chỉ dành bán cho nhân viên với sự kiểm soát ID cẩn thận.  Chúng tôi cũng ghé thăm một Shopping Center gần nhà anh Quang Già Cơ, nhằm coi sinh hoạt ra sao.  Xem ra mọi nơi đều ế ẩm!  Người xem thời nhiều, người mua thì ít!

Như thường lệ, ngày cuối cùng của chuyến đi bao giờ chúng tôi cũng để dành nghỉ ngơi cho khỏe trước khi lên phi cơ, cũng như mua sắm quà cáp lặt vặt.  Buổi sáng anh Quang Già Cơ nhất định bắt chúng tôi ăn sáng đàng hoàng rồi mới cho ra khỏi nhà.  Thế là lại có dịp ngồi kháo chuyện với anh, tâm sự với nhau đủ thứ chuyện.  Từ chuyện gia đình, con cái, việc làm, v.v.  Anh qua đến Mỹ đầu những năm 90, học Anh Văn ở một trường đại học, rồi sau đó ở lại làm việc cho đến nay.  Có lẻ lưu luyến với việc làm và trường học, anh vẫn chưa nghĩ đến chuyện về hưu dù đã đến tuổi.  Hỏi thăm ra mới biết là anh đã xin nghỉ 2 hôm để ở nhà tiếp tụi tôi.  Thật là bất ngờ quá, vì tôi đã dặn trước mọi người cứ đi làm, chỉ cần chỉ dẫn thắng cảnh cho chúng tôi đi xem là đủ rồi.  Thế mà anh vẫn cẩn thận nghỉ ở nhà lo mọi việc cho chúng tôi ở sau lưng.  Cái tình anh Quang Già Cơ dành cho anh em cùng trường thật là đậm đà và thắm thiết!

Trong lúc ngồi trên phi cơ trên đường về lại Washington DC, tôi có dịp quan sát lại đoạn đường đã đi qua trong cuộc đời và cảm nhận rằng mọi chuyện trên đời đều ràng buộc với nhau.  Không có DUYÊN, không có NHÂN thì chẳng bao giờ tạo ra QUẢ.  Chúng ta TRỖNG DƯA thì chắc chắn sẽ được DƯA.  Chúng ta gieo rắc THÙ HẬN và GANH GHÉT thì chắc chắn sẽ nhận được THÙ HẬN và GANH GHÉT.  Không đến từ người này thì cũng sẽ đến từ người khác.  Đã từ lâu tôi cố gắng tiến vào sự quân bình, không còn muốn tự bôi mặt mình, tự xếp mình vào một phe để rồi đấm đá nhau.  Có thể vì tim bị yếu, nên lúc gần đây mỗi khi đọc thấy những tin tức, câu chuyện cứu người trong lúc hoạn nạn, bệnh tật thì người cảm thấy vui và thoải mái.  Còn những khi đọc những tin tức kích thích sự thù hằn, đả kích người này người kia là tim tôi nhói đau, chịu không nổi.  Đôi khi chỉ mới đọc, hay một đọan mở đầu là tôi đã phải chào thua, không đọc tiếp nổi.  Chắc sắp sửa phải về hưu đến nơi rồi chăng?!  Viết đến đây tôi nhớ lỏm bỏm đâu đó một câu thơ, hình như của Đức Huỳnh Phú Sổ, đó là câu: Gà nhà bôi mặt đá nhau!  Thật là buồn và thấm thía!

Nghĩ đến ánh sáng mặt trời và không khí trong lành của thiên nhiên, tôi thật sự mong muốn những công việc cuối đời của mình có thể mang lợi ích đến tất cả mọi người, không còn bất cứ môt sự phân biệt nào.         

Nguyễn Đức Trọng 
 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved