Thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.)

 

Chúng tôi vừa thực hiện chuyến đi thăm vài tiểu bang dọc theo bờ biển vùng Đông-Bắc và Đông-Nam Hoa Kỳ. Khởi đầu chuyến đi bằng cuộc du ngoạn Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Và nhân đây, chúng tôi xin được chia sẻ cùng các bạn vài điều hiểu biết và sự cảm nhận về thành phố này, nơi chúng tôi đã có dịp “cưỡi ngựa xem hoa” qua đó. Nhớ nhớ quên quên ắt không thể tránh được từ người viết ở cái tuổi “bát thập cổ lai hy” (sửa lại từ câu Thất thập cổ lai hy của Không Tử), cái tuổi hẳn chưa già nhưng không còn trẻ nữa. (Từ đây tôi xin dùng tên Washington thay vì Hoa Thịnh Đốn trong bài viết)

Thành phố Washington là thủ đô của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (The United States), mang tên vị Tổng Thống đầu tiên, với dân số trên một triệu người, đã hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý và thích thú của hàng triệu du khách tới thăm nơi đây mỗi năm.

Ngoài cái thơ mộng của một thành phố soi bóng bên dòng sông Potomac với những rặng cây hoa anh đào nở rộ rực rỡ vào mùa xuân, đặc biệt trong những ngày “Hội hoa anh đào” nổi tiếng chẳng thua kém gì bên Nhật Bản. Washington còn là thành phố có nhiều cây xanh nhất thế giới, đứng hàng thứ hai là Paris.

Khó mà tưởng tượng nổi, chỉ cách đây chưa đầy 250 năm, nơi đây còn là những vùng đất trồng trọt, chỉ có vài tòa nhà thuộc chính quyền biểu hiện uy quyền cho thủ đô của một quốc gia non trẻ.

Thủ đô Washington hiện nay có một số công trình kiến trúc mang tính cách lịch sử và những biểu tượng của thành phố đã thu hút số lượng lớn du khách phải kể đến Capitol Building hay Capital Hill (tòa nhà Quốc hội) nơi đó Lưỡng viện họp, White House (Nhà Trắng) nơi làm việc cũng là nơi ở của những vị Tổng thống khi còn đương nhiệm, các tượng đài Washington Monument, Lincohn Memorial, Jefferson Memorial, Franklin D. Roosevelt Memorial, Martin Luther King Jr Memorial ... những đài kỷ niệm chiến tranh ở Việt Nam, Triều Tiên, Worl War II ... những công sự chính quyền như State Department Building (Bộ Ngoại giao), Treasury Building (Ngân khố)... Arlington National Cemetery (Nghĩa trang Quốc gia) nơi chôn cất khỏang 300.000 người gồm những người Hoa Kỳ có công trạng đặc biệt với đất nước và Mount Vernon nơi có nhà ở của George Washington khi ông còn sống. Đó là những nơi nằm trong giới hạn tôi được nghe hoặc có dịp tới thăm trong chuyến đi.

Nhìn chung, Thủ đô Washington là một trong số những thủ đô đẹp nhất thế giới, xứng đáng là thủ đô của một đại cường quốc giàu mạnh. Ngoài cái văn minh, tráng lệ, nhiều kiến trúc đẹp, Washington còn là thành phố có nhiều bảo tàng viện phô diễn những nét độc đáo về văn hóa, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ và thế giới.

 

Vài nét lịch sử (1)

Trước khi đi thăm thú Thủ đô Washington, chúng ta nên tìm hiểu một chút ít về lịch sử hình thành và những biến cố lịch sử xẩy ra cho thành phố này trong khoảng thời gian đầu lập quốc.

Vào năm 1789, khi George Washington trở thành Tổng Thống đầu tiên của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, đất nước chưa có một thủ đô nhất định. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Giải phóng (Revolutionary War) đã từng có 7 thành phố được sử dụng như thủ đô tạm thời. Thêm vào đó, các đại biểu Quốc hội không thể thống nhất được với nhau về đia điểm của một thủ đô vĩnh viễn. Người thì chọn miền Nam, người thì chọn miền Bắc, mỗi người đều hy vọng nó sẽ nằm trong tiểu bang của mình. Cuối cùng mọi người đồng ý rằng thủ đô phải được xây dựng trên một vùng đất tự trị không thuộc vào bất cứ tiểu bang nào.

Địa điểm cuối cùng được mọi người chọn lựa nằm bên bờ sông Potomac thơ mộng. Vùng đất thủ đô tương lai lúc đó thuộc về Tiểu bang Maryland, nhưng tiểu bang này đồng ý nhượng lại cho chính quyền Trung ương. Vùng đất này được đặt tên là District of Columbia (D.C.) để vinh danh Christopher Columbus người đầu tiên tìm ra châu Mỹ, và thủ đô tương lai được mang tên là Washington cũng để vinh danh Tổng thống đầu tiên George Washington của nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. (Người ta thường dùng Washington D.C để chỉ thủ đô vì Hoa Kỳ còn có một tiểu bang cũng mang tên Washington tức Washington State).

Phần lớn những thủ đô trên thế giới đều được chọn lựa từ những thành phố đã có sẵn, nhưng trường hợp của Thủ đô Washington thì khác hẳn, nó được dự trù xây dựng lên từ đầu. Công việc xây dựng thủ đô được bắt đầu tiến hành vào năm 1791. Tới năm 1800, Quốc hội chiếm điện Capitol làm nơi hội họp, và cũng cùng thời gian đó, President Palace (tức White House - Nhà Trắng) đã trở thành nơi làm việc và là nơi cư trú của những vị Tổng thống đương nhiệm trong tương lai.

Người đưa ra những kế hoạch và dự án xây dựng Thủ đô Washington là Đại tá Pierre Charles L’Enfant, một kiến trúc sư gốc Pháp. Đại tá L’Enfant có một cuộc đời khá lý thú nhưng buồn thảm vào những năm cuối cùng của cuộc đời. Ông đến Hoa Kỳ vào năm 1775. Tương tự như hầu hết những người di dân đến từ Pháp trong thời gian ấy đều gia nhập quân đội trong cuộc Chiến tranh Giải phóng, trong đó có ông. Ông đã từng trải qua một mùa đông kinh hoàng trong hàng ngũ quân đội của Washington tại phòng tuyến Valley Forge thuộc tiểu bang Pennsylvania. Sau đó ông được thuyên chuyển về mặt trận miền Nam (South), ở đây ông từng tham dự vài trận đánh lớn, và vào năm 1781, ông bị quân Anh bắt làm tù binh.

Trong suốt thời gian chiến tranh, L’Enfant đã tạo được sự chú ý của tướng Washington và những nhân vật trong chính quyền hồi đó về những đồ án kiến trúc khác nhau của ông. L'Enfant là một kiến trúc sư tài ba, con của một vị kiến trúc sư nổi tiếng thời bấy giờ của nước Pháp. Vào năm 1791 L’Enfant được cử làm Kiến trúc sư trưởng trong công việc xây dựng Thủ đô Washington. Ban đầu, ông nghiên cứu một đồ án dựa theo kiểu kiến trúc của thành phố bên Âu Châu tương tự như Versailles ở Pháp. Sau đó ông đưa ra một đề án khác, theo đồ án này thì thời gian xây dựng quá lâu và quá tốn kém. L'Enfant lại là người quá cứng rắn và bảo thủ, ông tranh cãi với tất cả mọi người trong chính quyền kể cả những người bạn cũng như những người từng mến mộ và ủng hộ ông như Washington. Ông ta đã chi tiêu quá nhiều tiền trong việc xây dựng Thủ đô đến nỗi chính quyền Trung ương không thể cung ứng nổi với sự đòi hỏi của ông và hơn nữa ông kiên quyết từ chối mọi sự sửa đổi hay cắt bớt bất cứ điều gì trong đồ án ấy. Cuối cùng Quốc hội đành phải cách chức ông. Trước khi rời khỏi nhiệm sở, ông đã đem theo tất cả các hồ sơ lẫn đồ án ông đã vẽ. Những người kế nhiệm ông đã phải vất vả cùng nhau cố gắng nhớ lại những gì họ có thể nhớ được để tiếp tục công việc.

Kế tiếp câu chuyện đó là một cuộc chiến đấu lâu dài và bền bỉ của L’Enfant về việc đòi chính quyền truy trả số tiền công cho ông. Cho tới lúc rời nhiệm sở, ông chưa nhận được một đồng thù lao nào. Sau mươi hay mười lăm năm đi lại tòa án tại Washington, ông được Quốc hội và chính phủ đề nghị trả ông 2.500$ US Dollar, sau đó tăng lên 3.000$. Số tiền này ông cho là quá nhỏ so với số tiền ông đòi hỏi là 95.000$. Với đòi hỏi đó, kết quả là ông không nhận được đồng nào cho tới ngày ông chết trong nghèo đói.

Vào năm 1909, Quốc hội Hoa Kỳ vinh danh ông bằng cách di chuyển chiếc mộ vô danh của ông ở Maryland về chôn cất ở Nghĩa trang Quốc Gia Arlington, ngay trên đỉnh đồi cao nhất, ngay trước nhà tướng Lee. Mộ bia đề tên ông với chức vụ là Kiến trúc sư tạo dựng nên Thủ đô Washington này. Không có tượng đài để kỷ niệm dành riêng cho ông, nhưng đích thực, kiến trúc của cả Thủ đô Washington xinh đẹp ngày nay chính là tượng đài của ông vậy.

Thủ đô Washigton ngày nay là một thành phố tân kỳ, đẹp đẽ và đầy quyền lực đứng vào bậc nhất thế giới. Cái đẹp của Thủ đô Washington là hình ảnh những con đường dài và rộng rãi tỏa ra, phát xuất chạy từ toà nhà Quốc hội Capitol Hill. Nhiều công trường, công viên đã từng nằm trong đồ án ban đầu của L’Enfant.

Thời gian 50 năm đầu tiên, người ta vẫn còn đánh giá Thủ đô Washington như là một thành phố xấu xí và bẩn thỉu.

Vào năm 1814, Thủ đô Washington đã phải chịu đựng một biến cố thảm khốc nhất trong lịch sử của thành phố này. Nó bị chiếm đóng bởi lực lượng quân thù và bị tàn phá đến gần như toàn bộ. Thủ đô Washington bị đốt cháy trong thời kỳ chiến tranh (1812-1814), cuộc chiến xẩy ra giữa Hoa Kỳ và người Anh. Theo sử liệu thì đây là một cuộc chiến không cần thiết mà nguyên nhân của nó cũng không rõ ràng, ngay cả những người thời bấy giờ cũng nhận định như thế. Vào năm 1812, những dân biểu trẻ tuổi hiếu chiến trong Quốc hội Hoa Kỳ chủ trương tiến đánh Florida và Canada của người Anh vì muốn lợi dụng cơ hội nước Anh đang bị bận rộn trong cuộc chiến tranh giữa nước Anh và nước Pháp thời Napoleon.

Vào thời điểm đó, quân đội Hoa Kỳ chưa được huấn luyện để trở thành đội quân tinh nhuệ, chỉ là một đội quân ô hợp chưa sẵn sàng cho chiến tranh.

Tháng 8 năm 1814, quân đội Anh ra tay trước, với lực lượng 4.000 người đổ bộ lên vịnh Chesapeake Bay đặt dưới quyền điều binh của Đô đốc Sir George Cockburn. Đội quân này di chuyển một cách chậm chạp tiến về hướng Thủ đô Washington. Tất cả mọi người trong Thủ đô rất sợ hãi. Những người ở các tiểu bang lân cận được động viên, đa số là người trẻ không có kinh nghiệm chiến trường. Ngay cả những nhân viên hành chính trong chính quyền cũng được vũ trang để chống trả quân thù. Tất cả lực lượng phòng thủ Thủ đô được tập trung ở Blacdenburg, một thành phố nhỏ cách Washington vài dặm (miles).

Cuộc chiến đấu không xẩy ra vì khi vừa trông thấy những binh lính tinh nhuệ của người Anh thì đoàn quân phòng thủ của Hoa kỳ đã bỏ chạy tán loạn. Người Anh tiến vào thành phố Washington không gặp một sự chống cự nào. Sir Cockburn và quân lính của ông tiến vào mục tiêu đầu tiên, đó là Capitol Building (Capital Hill). Cockburn ngồi vào ghế của Chủ tịch Hạ viện Hoa kỳ và tuyên bố cho binh lính dưới quyền có quyền phá huỷ tất cả những gì họ muốn. Ngay lập tức họ đốt Capital Building, lúc đó vào khoảng 6 giờ chiều. Sau đó những người lính Anh di chuyển trên đại lộ Pennsylvania, họ đốt cháy và tiêu huỷ tất cả những gì trên đường họ đi qua. Vào 9 giờ tối hôm đó, họ tới President Palace, nơi cư ngụ của Tổng thống Madison và ngưòi vợ xinh đẹp Dolly. Cả hai ông bà và đoàn tuỳ tùng đã rời khỏi trước đó vài giờ. Bà Dolly Madison đã đem đi được vàng bạc và bức tranh quý giá vẽ chân dung cựu Tổng thống George Washington. Lính Anh sau khi ăn uống say sưa tại đây, họ nổi lửa đốt cháy căn nhà này.

Thật may mắn thay, một cơn mưa lớn đã trút nước xuống từ suốt đêm hôm đó cho tới sáng ngày hôm sau nên đã dập tắt được những ngọn lửa còn cháy dở dang rải rác khắp Thủ đô. Căn nhà White House đã được cứu thoát một phần và không bị thiêu rụi đến tận nền móng. Những phần còn lại của căn nhà trở nên đen xì vì lửa, khói. Khi căn nhà được tu sửa lại, người ta phải dùng sơn trắng để sơn phủ lên những chỗ bị ám khói đen. Vì vậy, President Palace được gọi nôm na là White House (Nhà Trắng). Và cái tên White House được dùng phổ thông trong đại chúng cho tới ngày nay.

 

Thưởng ngoạn Thủ đô Washington

Chúng tôi đến thăm thủ đô vào mùa Xuân đúng dịp mùa hoa anh đào nở rộ.

Tuy ngày đầu, dù thời tiết còn giá lạnh đến buốt thấu xương mỗi khi có những cơn gió thổi mạnh, chúng tôi vẫn không thể bỏ qua việc đi tản bộ bên dòng sông Potomac để thưởng thức vẻ đẹp thanh khiết của những rặng cây hoa anh đào mọc dọc theo khúc sông Potomac và chung quanh hồ Tidal Basin. Có những cành hoa anh đào lớn nhoài mình ra dòng nước thu hút nhiều du khách phương xa xúm lại chụp ảnh. Qua sang ngày thứ hai, trời nắng ấm, hoa anh đào trở nên rực rỡ làm sao. Tất nhiên là chúng tôi chụp rất nhiều ảnh tại đây vì không thể cưỡng lại cái vẻ đẹp thiên nhiên trong sáng của những cành đào chớm nở rung rinh trong làn gió nhẹ và lung linh dưới anh nắng thủy tinh ấm áp của mùa xuân đích thực, mà mới ngày hôm qua đây, thời tiết vẫn còn mang cái giá buốt bất thường rơi rớt lại của mùa đông. Nếu ta so sánh cái đẹp của ngày “Hội hoa anh đào” tại thủ đô Washington và tại cố đô Kyoto của Nhật Bản, tất nhiên mỗi nơi một vẻ, nhưng tôi thiên về cái vẻ đẹp của Washington hơn. Hội hoa anh đào ở Nhật mang nặng tính chất về “hội chợ” nhiều hơn vì quá đông người, đủ mọi thứ trò chơi tạo nên không khí ồn ào, nhộn nhịp trái ngược hẳn với vẻ tươi đẹp của những vườn hoa anh đào tươi mát, lung linh dưới ánh ban mai quanh đó.

Để mở đầu, tôi xin nói về một quần thể kiến trúc nổi tiếng ở trung tâm Thủ đô đã thu hút du khách nhiều nhất.

 


Trên bản đồ, vùng màu xanh lá cây nằm trên một đường trục thẳng hàng, lần lượt theo thứ tự: Khời đầu (phía tay phải) là Capitol Hill (Quốc Hội) , National Mall mà hai bên là những bảo tàng viện, Washington Monument (tháp Bút chì), World War II Memorial nằm ngay đầu hồ Reflecting Pool, hồ Reflecting Pool hình chữ nhật dài thẳng tắp, cuối cùng là Lincoln Memorial gần bờ sông.

 Hình vẽ dưới đây theo dạng không ảnh giúp nhìn rõ hơn:

Trên hết là Capitol Hill, rồi đến National Mall, rồi đến Washington Monument, Reflecting Pool và dưới cùng là Lincoln Memorial. White House nằm bên trái của Washington Monument và bên phải của Washington Monument, bên bờ hồ Tidal Basin, là Jefferson Memorial.

 

 

Quần thể kiến trúc khu thứ nhất:

Nếu ta hướng thẳng từ tiền đình của Capitol Hill (Tòa nhà Quốc hội) nhìn ra bờ sông Potomac, ta sẽ thấy một số công trình kiến trúc được xây dựng theo “trục thẳng hàng” theo hướng đó. Đầu tiên là toà nhà Capitol Hill (hay Capital Building) được xây trên một đồi cao, tiền đình Quốc hội là một công viên lớn, cổng vào có nhiều tượng đồng đúc rất to và đẹp; kế đến là một khu đất rộng, hình chữ nhật ngay ngắn, trồng cỏ xanh chạy dài từ Capital Hill tới Washington Monument mang tên National Mall, dọc theo hai bên khu đất này là những bảo tàng viện và những nhà trưng bày nghệ thuật rất lớn; chạy dọc kế tiếp khu đất National Mall là Washington Monument, một tượng đài hình tháp cao vút mà ta thường gọi là tháp “Bút chì”; kế sau đó là World War II Memorial gồm những búc tường cao riêng rẽ thẳng đứng được sắp xếp có khoảng cách đều nhau tạo thành một vòng tròn lớn và trên mỗi bức tường cao có ghi tên tượng trưng cho mỗi tiều bang của Hoa Kỳ; kế tiếp sau nữa là hồ nước Reflecting Pool rất rộng hình chữ nhật chạy dài thẳng tắp. Và đứng sau cùng là Lincohn Memorial, một kiến trúc có dáng vẻ đồ sộ, uy nghiêm, đầy nghệ thuật tọa lạc gần sát ngay bờ sông Potomac thơ mộng và bên trong kiến trúc là tượng Tổng thống Abraham Lincohn bằng đồng rất lớn cùng với những danh ngôn của ông để lại.

 

 

Nói thêm ở đây, ta trở ngược lại hai bên hồ Reflecting Pool:
- Bên phía tay phải của hồ Reflecting Pool (nhìn từ Capital Hill) là Vietnam Veterans Memorial, đó là bức tường bằng đá hoa cương (marble) màu đen ghi tên những chiến binh Hoa Kỳ tử trận trong chiến tranh Việt Nam, và cạnh đó, một khu đất nhỏ dành cho The Memorial To Honor Woman Who Served In Vietnam để tưởng niệm những nữ quân nhân hay nữ dân chính chết vì phục vụ tại Việt Nam.
- Bên phía tay trái của hồ Reflecting Pool (nhìn từ Capital Hill) là Korean War Veterans Memorial đối diện với Vietnam Veterans Memorial được dựng lên để tưởng niệm những chiến binh Hoa Kỳ tử trận tại cuôc chiến tranh Triều Tiên. Tại đây người ta dựng nên một cảnh di chuyển theo đội hình hành quân của một nhóm binh sĩ Hoa Kỳ dưới mưa.

Từ quần thể kiến trúc này, nếu ta băng qua cầu Arlington Memorial Bridge, ngay tượng đài Lincohn Memorial, ta sẽ tới Arlington National Cemetery (Nghĩa Trang Quốc gia).

Và cũng từ tượng đài Lincohn Memorial, thay vì băng qua cầu để sang nghĩa trang Arlington, ta quẹo trái dọc theo bờ sông Potomac thì sẽ tới hồ Tidal Basin ngay bên bờ sông Potomac và hồ được ăn thông với sông này.

Quanh bờ hồ Tidal là một quần thể kiến trúc thứ hai được xây đựng như Franklin Delano Roosevelt Memorial, George Mason National Memorial, Martin Luther King Jr Memorial và đặc biệt nổi bật tượng đài Thomas Jefferson Memorial rất đẹp, nguy nga, tráng lệ không thua gì tượng đài Lincohn.

 

 

Trong khi đi thăm Roosevelt Memorial tôi không thể quên được những câu tuyên bố của ông được ghi trên vách tường như:
- The structure of world peace can not be the work of one man, or one party or one nation... It must be a peace which rests on the cooperative effort of the whole world. (Cấu trúc hòa bình thế giới không thể là công việc của một người, một bên hay một quốcgia ... Mà phải là một nền hòa bình dựa trên nỗ lực hợp tác của toàn thế giới)
- I have seen war on land and sea. I have seen blood running from the wounded. I have seen the dead in the mud. I have seen cities destroyed. I have seen children starving. I have seen the agony of mothers and wives. I hate war. (Tôi đã thấy chiến tranh trên bộ và trên biển. Tôi đã thấy máu chảy ra từ người bị thương. Tôi đã thấy người chết trong bùn. Tôi đã thấy các thành phố bị phá hủy. Tôi đã thấy những trẻ em chết đói. Tôi đã thấy sự thống khổ của những người mẹ và người vợ. Tôi ghét chiến tranh).

Tượng đài cuối cùng chúng tôi đi thăm trong khu vực này là Martin Luther King Jr Memorial. Tượng đài được tạc hình tượng chân dung toàn thân ông Martin Luther King trên tảng đá trắng toát, lớn, oai nghiêm cùng với những lời nói của ông được đánh giá như những danh ngôn được ghi khắc trên những phiến đá cũng một màu trắng toát. Hẳn không ai không nhớ tới bài diễn văn bất hủ của ông với chủ đề “I have a dream” (Tôi có một mơ ước).
- I have a dream that my four little children will one day live in a nation where they will not be judged by the color of their skin but by the content of their character. (Tôi có một ước mơ rằng bốn đứa con nhỏ của tôi một ngày nào đó sẽ được sống trong một quốc gia nơi đó chúng sẽ không bị đánh giá bởi màu da mà bởi nội dung tính cách của chúng).

Trở lại khu trung tâm Thủ đô. Chúng tôi tiếp tục được đi xem hầu hết những “bảo tàng viện”, nằm dọc theo hai bên giải đất National Mall (xem bản đồ số 1), gồm nhiều loại khác nhau. Nào bảo tàng viện dành cho nền văn minh từ tiền sử đến hiện đại trên toàn thế giới, ngay đến cả những nơi xa xôi như vùng núi cao Hy Mã Lạp Sơn hay vùng Tây Tạng được mệnh danh là “nóc nhà thế giới”. Nào bảo tàng viện về văn hóa của nhiều sắc tộc khác nhau. Nào bảo tàng về hàng không với nhiều mô hình và hình ảnh được trưng bày theo tiến trình phát triển kể cả quân sự lẫn dân sự từ thời kỳ khởi thủy cho đến ngày nay, và kể cả khoa học không gian vũ trụ. Nào bảo tàng về nghệ thuật trưng bầy gồm nhiều họa phẩm nổi danh và cũng không thiếu những tác phẩm điêu khắc cổ điển hay hiện đại được trưng bầy trong bảo tàng viện hay được đặt rải rác đó đây trong những khu “vườn nghệ thuật” ngoài trời. Tất nhiên còn nhiều điều thích thú khác cần được khám phá thêm nếu có đủ thời gian cho phép.

Quả thật Thủ đô Washington là nơi “cái gì cũng có” đáp ứng cho những ai muốn đến đây tìm hiểu, học hỏi về một phần lớn lịch sử, văn minh Hoa Kỳ và một phần lớn trên thế giới.

Ngôi nhà của Tổng thống Washington ở Mount Vernon

Sau khi thăm thú và chiêm ngưỡng những tượng đài kỷ niệm trong quần thể kiến trúc lịch sử, những bảo tàng viện, những vườn cây (Botanic garden) và chim muông ở trung tâm Thủ đô, chúng tôi lên xe tiến thẳng về Mount Vernon, trang trại của Tổng thống George Washington, nơi ông đã sống trong lúc còn sinh tiền. Trang trại được toạ lạc trên một ngọn đồi thơ mộng bên dòng sông Potomac. Căn nhà chính được xây gần ngay như trên đỉnh đồi, khá khang trang và rộng lớn. Nhà có kiến trúc cổ, hai tầng, có nhiều phòng ngủ cho gia chủ và phòng ngủ dành cho khách, rồi nào phòng tiếp khách, phòng đọc sách, bếp, phòng tắm... Mọi phòng đều được tân trang đẹp đẽ, tuy nhiên chúng vẫn giữ được những nét cổ kính nguyên thủy lúc ban đầu. Hàng hiên phía sau nhà nhìn thẳng xuống dòng sông Potomac chảy phía dưới chân đồi. Từ hàng hiên này, ta có thể nhận ra, hẳn là cảnh trí phải đẹp lắm vào những buổi chiều tà khi ngồi nhìn mặt trời lặn, hay những đêm trăng sáng. Phía sân sau là một dẫy nhà bên hông, gồm những nhà dành cho gia nhân, nhà chứa cỗ xe ngựa kéo mà Washington thường dùng khi đi xa, rồi nhà ướp thịt cho mùa đông... Nếu ta lần theo con đường nhỏ ở phía sau nhà một quãng không xa, ta sẽ gặp ngôi mộ cũ của Washington, ngôi mộ thật đơn giản, nếu không có bảng hướng dẫn thì không ai biết đó đã từng là ngôi mộ của vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Tiếp tục theo bảng hướng dẫn, ta sẽ đi từ ngôi mộ cũ để đến ngôi mộ mới của Washington. Ngôi mộ mới trông khang trang hơn nhưng vẫn giữ những nét bên ngoài thật đơn giản, khiêm tốn nhưng trang nghiêm. Người gác ngôi mộ luôn nhắc nhở du khách nên giữ yên lặng tuyệt đối để không làm kinh động người nằm trong mộ đang an giấc. Đứng trước ngôi mộ của người “cha đẻ” ra đất nước tự do và dân chủ nhất thế giới này, tôi liên tưởng tới ngôi mộ của những vị vua chúa dưới triều đại phong kiến ngày xưa và những lãnh tụ ngày nay trên đất nước mình. Thế mới biết, nền tự do dân chủ của một cường quốc như Hoa Kỳ được xây dựng nên để làm nền tảng cho hậu thế, đã bắt đầu bằng những việc nho nhỏ, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa như thế này. Thật đáng ngưỡng mộ thay. Tôi nghiêng mình chiêm ngưỡng trước linh cữu Tổng thống Washington với tư cách của một công dân Hoa Kỳ.

Thật ra, cái thích thú khi đến thăm trang trại Mount Vernon chính là được xem những hình ảnh, những đoạn phim (movies, video clips) trưng bày rải rác trong ngôi nhà, mô tả những sự kiện liên quan tới cuộc đời chiến binh và sự nghiệp của Washington. Ta có thể coi đây như là một “bảo tàng viện” thu nhỏ ghi lại một số lớn những biến cố thăng trầm quan trọng trong thời kỳ người dân thuộc địa chiến đấu chống lại sự cai trị của người Anh để dành độc lập và để xây dựng nên một quốc gia tự chủ, mà vị tướng Tổng tư lệnh chỉ huy “Quân đội Giải phóng” lúc đó không ai khác hơn là tướng Washington tài ba. Tài liệu lịch sử của thời lập quốc tại đây thì nhiều lắm. Nhưng có một đoạn phim làm tôi xúc động nhất, đó là đoạn phim diễn tả lại trận đánh ở thành phố Trenton, bên bờ sông Delaware River thuộc phía New Jersey. Đây là trận đánh phản công vùng lên từ tình thế tuyệt vọng của Washington xẩy ra vào mùa đông cuối năm 1776, với một lực lượng dưới ba nghìn (3.000) người đói rét, ô hợp phải chiến đấu với ba mươi lăm nghìn (35.000) quân đánh thuê tinh nhuệ người Đức do nước Anh thuê mướn. Sự chiến thắng của trận đánh này có thể được coi là một trong những trận đánh quan trọng và quyết định trong công cuộc đưa cuộc chiến đấu “Giải phóng” của Hoa Kỳ đến thành công.

Phía dưới chân đồi Mount Vernon có một khu đất rộng diễn lại sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của một ngôi làng cổ xưa rất sinh động, có lẽ vào thời kỳ của thời lập quốc. Từ đây chúng tôi dùng phà chạy dọc theo sông Potomac đến một thành phố nhỏ rất dễ thương bên bờ sông. Nhân dịp này chúng tôi được ngắm cảnh hai bên bờ sông đầy thơ mộng và đầy thú vị.

Arlington National Cemetary và ngôi nhà tướng Robert E. Lee
- Chúng tôi có dịp đi thăm nghĩa trang Arlington National Cemetery (Nghĩa trang Quốc gia) vào một ngày nắng đẹp. Nghĩa trang Arlington nguyên thủy là trang trại của tướng Robert E. Lee, rộng 2,5 km2, bị chính quyền thời đó tịch thu làm “nghĩa trang quốc gia” vì tướng Lee được coi là ngưới có tội với đất nước và là kẻ phản bội trong hàng ngũ quân đội vì lý do tướng Lee đã từng phục vụ cùng họ trong nhiều năm trước đó, sau lại bỏ hàng ngũ để trở thành Tổng tư lệnh quân đội “miền Nam” (Confederate) trong chiến tranh Nội chiến (1861-1864). Nghĩa trang Quốc gia này dành cho tất cả những người có công với tổ quốc Hoa Kỳ, kể từ Tổng thống, tướng lãnh tới binh sĩ vô danh trong các cuộc chiến liên quan tới Hoa Kỳ như cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam ... và những nhân vật nổi tiếng khác trong nhiều lãnh vực. Mục đích ban đầu của chúng tôi tới đây là tìm ngôi mộ của kiến trúc sư Pierre Charles L’Enfant, một nhân vật như đã nói ở trên. Thật vất vả mới tìm được nó vì ngôi mộ nằm riêng rẽ một mình trên đỉnh đồi cao nhất tại trung tâm nghĩa trang. Ngôi mộ trông rất đơn giản, nhưng ở vị trí trang trọng nhất, từ đấy ta có thể nhìn thấy tổng quát toàn thể Thủ đô Washington phía xa xa. Đặc biệt nữa là ngôi mộ nằm ngay trước cửa của một ngôi nhà lớn, đó là nơi sinh sống của gia đình tướng Robert E. Lee trước khi cuộc Nội chiến xảy ra. Chúng tôi được thêm cơ hội vào thăm ngôi nhà của một nhân vật nổi danh trong lịch sử Hoa Kỳ đã từng sinh sống ở đây.
- Ngôi nhà ở của gia đình tướng Lee khá lớn, hai tầng, gồm nhiều phòng ốc sang trọng, xinh xắn và cũng là nơi tiếp khách thượng lưu, danh tiếng thời bấy giờ.
Tướng Lee thuộc một gia đình quý tộc ở Virginia, có liên hệ thân cận với Tổng thống Washington, và tướng Lee là “chắt” rể (?) (theo sơ đồ gia phả tướng Lee) của Tổng thống George Washington. Qua việc thăm ngôi nhà này, tôi biết được một chi tiết nhỏ khá lý thú mà tôi chưa được biết trước đó. Sau cuộc đầu hàng của “miền Nam” (Confederate) trước sức mạnh của “miền Bắc” (Union), tướng Lee bị tước quyền “công dân Hoa Kỳ” và mãi cho tới năm 1975, Tổng thống Gerald Ford mới ký quyết định trả lại quyền công dân lại cho ông ngay trên bàn giấy trong phòng làm việc của tướng Lee xưa kia. (Sẽ nói chi tiết thêm về tướng Robert E. Lee trong những bài tới viết về nước Mỹ). Nói chung, những di tích còn lại trong ngôi nhà này có rất ít dấu vết lịch sử mà chủ yếu là sinh hoạt gia đình. Khác với ngôi nhà của Tổng thống George Washington ở Mount Vernon, tuy cũng là nơi sinh hoạt gia đình của tướng Wshington nhưng ở đó chủ yếu ghi lại những hình ảnh cuộc chiến đấu oai hùng trong những trận chiến lừng danh của thời kỳ “Chiến tranh Giải phóng” vào thời kỳ đầu lập quốc mà ông từng là Tổng tư lệnh quân đội “giải phóng quân”.

The National 9/11 Pentagon Memorial (Đài tưởng niệm Ngũ Giác Đài)
Nơi cuối cùng chúng tôi đến thăm là một di tích lịch sử mang tên The National 9/11 Pentagon Memorial (Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9 của Lầu Năm Góc), tọa lạc ngay bên ngoài Ngũ Giác Đài (Pentagon - Bộ Quốc phòng Mỹ). Đây là đài tưởng niệm dành riêng cho sự kiện bi thảm xảy ra vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Tất cả 184 người thiệt mạng trong cuộc tấn công bởi cuộc cướp máy bay dân sự (American Airlines flight 77) của bọn khủng bố rồi đâm nhào xuống một “cánh” Ngũ Giác Đài. Mỗi nạn nhân được ghi tên trên những “bảng ghi nhớ” để tưởng niệm ở đây. Trong số 184 người thiệt mạng có 125 người thuộc nhân viên Ngũ Giác Đài và 59 người là hành khách và phi hành đoàn trong máy bay. Những sự kiện lịch sử Hoa Kỳ xẩy ra tại Thủ đô Washington quả thật không ít, phải nói là nhiều lắm, nhưng chúng tôi xin được nhắc thêm đến tên một nhân vật có liên quan đến bài Quốc ca Hoa Kỳ, đó là con đường mang tên Francis Scott Key, gần Ngũ Giác Đài, để vinh danh người đã làm bài thơ bất hủ, được viết lên trong sự kiện lịch sử khi xẩy ra trận chiến quân Anh tiến đánh Washington D.C đã được kể ở trên. Và sau này bài thơ ấy đã trở thành lời ca của bài Quốc ca Hoa Kỳ.(Xin đọc bài “Baltimore với hải cảng Inner Harbor” của cùng người viết).


Sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam.

Như mọi cộng đồng người Việt khác sinh sống rải rác trên nước Mỹ, cộng đồng người Việt ở Washington cũng có những sinh hoạt không kém nhộn nhịp về mọi mặt so với những thành phố đông đảo người Việt khác như ở miền Nam California, miền Bắc California hay ở Houston và Dallas của Texas.

-Hoạt động kinh tế thương mại.

Những sinh hoạt kinh tế, thương mại đa dạng của cộng đồng người Việt Nam tại Washington nói riêng và trên toàn thể nước Mỹ nói chung đã đóng góp, tuy còn khiêm tốn nhưng tích cực cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ. Một số sinh hoạt thương mại chính ở đây tập trung vào khu Eden Center. Nơi đây có nhiều văn phòng dịch vụ, cửa hàng ăn uống lẫn siêu thị. Có lẽ vì ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19 nên một số bàn ăn được bày ra ngoài trời. Nói chung không khí sinh hoạt ở khu này rất sinh động. Phần lớn những người đến đây vẫn mang khẩu trang (mask).


- Sinh hoạt văn hóa.
Chúng tôi cũng đã có cơ hội gặp hai chị Lê Thị Ý và chị Lê Thị Nhị, cả hai đều là nhà thơ và nhà văn, cùng là hiền muội của nhà thơ nổi tiếng Vương Đức Lệ (tên thật là Lê Đức Vượng – người được giải thưởng hạng nhất toàn quốc về thơ thời Đệ Nhất Cộng Hòa). Tôi được quen biết với anh Vượng ở Sài Gòn. Nhà thơ Lê Thị Ý nổi tiếng vì thơ chị hay, đặc biệt được nhiều người yêu thích qua những bài thơ của chị được phổ nhạc, trong đó có bài “Ngày mai đi nhận xác chồng” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Chị tặng tôi vài tập thơ đã được in như “Quê hương và người tình”, “Vùng trời yêu dấu” và tuyển tập thơ văn “Quê hương và kỷ niệm” chị viết chung với các nhà văn và nhà thơ khác như Phượng Kiều, Vương Đức Lệ và Lê Thị Nhị. Nhà văn kiêm nhà thơ Lê Thị Nhị chắc không xa lạ với cộng đồng người Việt ở Washington D.C bởi những hoạt động đóng góp văn hóa của chị ở vùng này. Người chị nhỏ nhắn nhưng những hoạt động của chị thì không nhỏ chút nào, một người làm việc xông xáo, nhiệt tình và không biết mệt mỏi. Chị đã và đang cố gắng giữ gìn, phát triển ngôi nhà “Nhà Việt Nam” do chị sáng lập. Nơi đây nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng được diễn ra từ nhiều năm nay, đặc biệt cho giới trẻ. Tôi cũng đã được chị tặng cho vài tác phẩm của chị đã được in như “Đôi mắt hoàng hôn”, “Sóng thời gian”. Và chị cũng không quên tặng tôi ba cuốn thơ của nhà thơ Vương Đức Lệ dù tôi đã có ba cuốn thơ ấy trong tủ sách do chính anh Vượng gửi tặng gồm “Thơ tình Vương Đức Lệ”, “Thơ giữa đời thường”, “Thơ Vương Đức Lệ” và cộng thêm tập thơ “Thơ Mai Trung Tĩnh” của nhà thơ Mai Trung Tĩnh. Tôi còn giữ bản thảo của một trong ba tập thơ này do chính tay anh Vượng tặng tôi với chữ ký và triện của tác giả khi anh còn ở Việt Nam. Chúng tôi có cơ hội được đến thăm viếng và đốt nén nhang trên mộ anh Vượng ở một nghĩa trang tại Washington. Anh là một người bạn mà tôi vô cùng quý mến, ngưỡng mộ về tài và đặc biệt kính trọng về nhân cách của anh. Qua anh Vượng tôi được quen biết với ông Hoàng Thư của ban Tao Đàn. Ông tuy người nhỏ nhắn nhưng giọng ngâm thật mạnh mẽ hào hùng và với giọng ngâm của ông đã làm bài thơ “Trấn thủ lưu đồn” trở thành bất tử trong lòng người nghe. Chị Nhị nay còn là chủ nhiệm của tờ nguyệt san Thế Kỷ Mới kế thừa từ anh Lê Đức Vượng, chị Hồng Thủy là chủ bút cùng với ban biên tập hùng hậu gồm những cây viết nổi tiếng ở vùng Washington nói riêng và hải ngoại nói chung. Tờ nguyệt san Thế Kỷ Mới bị tạm đình bản trong hai năm qua do dịch Covid-19, nay mới tục bản trở lại được vài ba số. Nhắc đến chị Hồng Thủy tôi không thể quên được buổi ra mắt tác phẩm “Những cánh hoa dại mầu vàng” của chị ở Whashington D.C cách đây hơn mười năm (2010). Phải thực tình mà nói, tôi đã được hân hạnh tham dự nhiều buổi ra mắt tác phẩm của một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi tổ chức ở San Jose, thành phố nơi tôi đang ở, nhưng chưa từng thấy buổi ra mắt nào lại quy mô, chu đáo và thành công như thế. Số người tham dự đã ngồi chật hội trường và còn phải đứng ra cả bên ngoài với lượng khách phải tới vài trăm người. Cố ca sĩMai Hương đã đến giúp vui trong phần văn nghệ.
- Hoạt động xã hội.
Cùng khoảng thời gian chị Hồng Thủy ra mắt sách, chúng tôi còn được tham dự một buổi gây quỹ từ thiện được tổ chức ở nhà hàng Harvest Moon, Washington D.C. Số người tham dự rất đông đảo. Nhà hàng rộng lớn đó không còn một chỗ trống. Chương trình văn nghệ được ca sĩ Anh Dũng và nữ ca sĩ Thanh Trúc từ Cali sang giúp vui và M.C là cô Thanh Trúc (trùng tên) rất duyên dáng, hoạt bát và cô
còn là phóng viên của đài Á Châu Tự Do (RFA). Buổi gây quỹ thật náo nhiệt và thành công. Tôi nhận được cuốn sách “Một thời thương nhớ” của nhà văn Trần Quang Thuận mà tác giả gửi tặng ủng hộ cho buổi gây quỹ từ thiện hôm đó. Tất nhiên là Washington không thể thiếu những hoạt động văn hóa như hội chợ Tết hay lễ hội cho những ngày lễ truyền thống.
- Hoạt động chính trị của cộng đồng Việt Nam ở nơi đây cũng rất khởi sắc.
Thế mới biết sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam ta ở Washington D.C thật nhộn nhịp và đủ mầu sắc.

 

Tình nghĩa

Chúng tôi đến Washington D.C, không phải chỉ để được hưởng những cảnh đẹp, những di tích lịch sử, món ăn Việt Nam ngon miệng..., mà còn có nhiều điều mà chúng tôi sẽ luôn lưu lại trong lòng và nhớ mãi không quên, ấy là tình cảm nồng ấm mà chúng tôi đã nhận được từ sự tiếp đón ân cần của những người bạn thân quen đã lâu năm nay gặp lại như một số các bạn đồng khóa, đồng môn hay một số các bạn đồng nghiệp cùng làm việc tại Việt Nam ngày xửa ngày xưa, và ngay cả từ những người chúng tôi vừa được quen biết lần đầu đang sinh sống ở đây.

Đặc biệt trong chuyến đi chơi kỳ này, một cơ duyên hy hữu, tôi đã được gặp nhà văn Nguyễn Văn Tới, người đã đoạt giải thưởng hạng nhất viết về đề tài “Người Việt tại Mỹ” do tờ báo Việt Báo (Nam California-Orange County) đề xướng hàng năm, và nhà thơ Nợ Ơn.

 Nguyễn văn Tới (trái) -  Nguyễn Giụ Hùng (phải)

 

Chúng tôi trở về San Jose, mang theo trong lòng biết bao nhiêu cảnh đẹp, biết bao nhiêu hiểu biết, biết bao nhiêu tình nghĩa, và biết bao nhiêu ân tình.
Xin cám ơn tất cả mọi người.
Thương nhớ Hoa Thịnh Đốn.

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG
(4/2022)

Ghi chú: (1) Sưu tầm và gạn lọc từ những sử liệu Hoa Kỳ.


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved