Tại sao công nhân Việt Nam không còn lũ lượt đến Nhật?

 

Theo số liệu của Bộ Tư Pháp Nhật Bản, ngoại kiều cư trú tại Nhật đạt kỷ lục 3.7 triệu người vào cuối năm 2022, lần đầu vượt mốc 3 triệu.

Với tình trạng cư trú khác nhau, nhưng đa số là tham gia thị trường lao động Nhật. Trong số này, 325,000 là “thực tập sinh kỹ thuật” và 131,000 là “công nhân tay nghề đặc biệt”, tất cả đều đóng vai trò có ý nghĩa cho nền kinh tế Nhật.

Cả hai nhóm trên dựa vào nguyên tắc “vừa làm việc vừa học nghề”, nhưng có dư luận nói rằng đây chỉ là lao động di dân rẻ tiền chứ không học được kỹ năng nghề nghiệp gì hết.

Năm 2019, ký giả đài BBC Stephanie Hegarty tường thuật rằng công nhân nước ngoài tuyển dụng dưới chương trình Thực Tập Sinh Kỹ Thuật của Nhật đang bị bóc lột. Họ đang làm việc trong những lãnh vực kinh tế đang thiếu nhân công như sản xuất thực phẩm và nước giải khát, dệt may, xây dựng, lau chùi nhà cửa và nông nghiệp. Nước Nhật đang cần đến 450,000 công nhân nước ngoài để làm những công việc mà người Nhật không muốn làm.

Đến tháng 4/2023 một ủy ban chính phủ Nhật đề nghị rằng chương trình Thực Tập Sinh hiện tại nên được bãi bỏ và thay thế bằng chương trình mới. Ủy ban sẽ đệ trình báo cáo chung kết cho chính phủ cuối năm nay và một chương trình mới sẽ được thực thi năm 2024.

Việt Nam là nguồn lao động nước ngoài lớn nhất, chiếm 54% của thực tập sinh kỹ thuật và 59% công nhân tay nghề đặc biệt. Qua một thập kỷ, con số người Việt cư trú tại Nhật -nói chung, không phải chỉ lao động hợp đồng-tăng gấp 10 lần, nay đã lên đến 490,000 người.

Việt Nam đã được kỳ vọng tiếp tục là nguồn công nhân nước ngoài lớn nhất. Nhưng rồi gió đã đổi chiều với sự mất giá của đồng Yen. Tháng 10/2022, 1 USD đổi được tới 150 Yen, là kỷ lục trong 32 năm qua.

Đồng Yen mất giá cả với tiền đồng VN, cho nên tính với tiền đồng VN thì lương của họ bị sụt giảm 10-20%.

Nguyễn Thúy Linh, giám đốc Himawari Service, công ty dịch vụ xuất khẩu lao động ở Hà Nội, cho biết: “Đồng Yen mất giá khiến việc tuyển dụng công nhân đi Nhật trở thành khó khăn”.

Nhưng đối với một số công nhân ở VN, lương trung bình mỗi tháng chỉ khoảng 200-300 USD thì Nhật Bản vẫn hấp dẫn, dù là lương bổng ở Nhật không hề tăng suốt 30 năm qua.

Dựa vào con số của Tổng Cục Thống kê Việt Nam và con số của Bộ Y tế, Lao động và An sinh của Nhật thì khoảng cách của lương bổng trung bình ở Việt Nam và lương bổng trung bình cho công nhân nước ngoài tại Nhật sẽ càng ngày càng thu hẹp lại.

Trong năm 2021, lương công nhân nước ngoài tay nghề đặc biệt cao gấp 9.7 lần tại VN, còn lương thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài cao gấp 8.2 tại VN. Sang đến 2025, dự đoán mức chênh lệch này chỉ còn 5.9 lần và 5.1 lần (vì lương công nhân ở VN tiếp tục gia tăng). Đến 2031, dự đoán tỷ lệ chênh lệch này chỉ còn 3.4 lần và 3 lần.

Vậy thì đến 2031 ta có thể nói công nhân Việt Nam không còn muốn sang Nhật làm việc. Vì lương chỉ cao hơn ở VN 3 lần nhưng chi phí sinh hoạt tại Nhật lại cao hơn 4 lần. Công nhân nước ngoài kiếm khoảng 180,000 Yen mỗi tháng (khoảng 1,250 USD) nhưng phải chi 40-50% cho nhà ở, thuế lợi tức, bảo hiểm xã hội và những chi phí linh tinh khác.

Những biện pháp đặc biệt cần phải áp dụng để bảo đảm nguồn lao động nhập cư cần thiết cho nền kinh tế Nhật Bản. Trước hết là loại bỏ công ty môi giới.

Công nhân Việt Nam phải vay mượn 1 triệu Yen (khoảng gần 7,000 USD) từ công ty môi giới để trả tiền chi phí đi tới Nhật. Chi phí này cao hơn chi phí công nhân các nước khác như Indonesia hay Philippines.

Nhật nên theo gương Nam Hàn, nơi một hệ thống tuyển dụng công nhân nước ngoài được áp dụng từ 2006. Chương trình này được thi hành bởi Bộ Nhân Dụng và Lao Động Nam Hàn. Nam Hàn không những loại bỏ người môi giới mà còn cho phép công nhân nước ngoài, với một số điều kiện, được thay đổi công việc trong cùng kỹ nghệ.

Biện pháp thứ hai là nên chính thức công nhận Thực tập sinh kỹ thuật và Công nhân tay nghề đặc biệt như những “Lao động di dân”. Vì dưới xếp loại “Thực tập sinh”, người công nhân nước ngoài dễ bị chủ nhân lạm dụng quyền lực để bắt phải làm việc với mức lương thấp kém.

Biện pháp thứ ba có liên hệ tới kỹ năng nghề nghiệp của công nhân nước ngoài sau khi họ hồi hương. Đối với Thực tập sinh kỹ thuật và Công nhân có tay nghề đặc biệt, Nhật chỉ chú trọng việc họ giúp ích gì cho kinh tế Nhật nhưng không quan tâm việc họ áp dụng kiến thức và kỹ năng thu thập được ở Nhật vào quê nhà như thế nào khi hồi hương.

Nếu công nhân xuất khẩu lao động khi hồi hương có thể tìm được việc làm ở quê nhà, nếu hai chính phủ Nhật-Việt có thể tạo được một bộ tiêu chuẩn quốc gia, đời sống của công nhân xuất khẩu lao động được cải thiện đáng kể khi hồi hương.

Dù lương bổng tại Nhật thấp hơn một số quốc gia khác, người lao động Việt Nam muốn học hỏi kỹ thuật Nhật Bản vẫn tăng nếu những điều kiện làm việc hấp dẫn.

 

Atsushi Tomiyama

Asia Times, 12/9/2023

© Hoàng Hải Hồ dịch thuật


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved