Màu tím là màu của mộng mơ, là màu lãng mạn, là màu mà thi nhân nhạc sỹ yêu say đắm. Chả thế mà có đến bao nhiêu bài thơ, bài nhạc ca tụng màu tím, như “Màu tím hoa sim’’ của Quang Dũng, “Tôi vẫn yêu hoa màu tím’’ của Hoàng Trọng, “Chiều tím’’ của Ðan Thọ, v.v... Màu tím cũng là màu của tôi nữa. Cái màu gợi cho tôi biết bao êm đềm mỗi khi chiều xuống: “Chiều buồn đem mây tím về chơi vơi khiến lòng tôi nhớ...’’

Nhưng cái Ông Già Màu Tím mà tôi sắp kể đây thì lại chẳng mơ mộng, chẳng nên thơ tí nào! Lại còn bad taste nữa là đàng khác.

Số rằng: tôi là một người rất yêu nước! Bằng cớ là mấy lần thay đổi nhà, tôi chỉ cần căn nào có cái nhà bếp đúng gu của tôi, và điều kiện tiên quyết nữa là càng nhiều phòng tắm càng tốt. Thế là hợp tiêu chuẩn của tôi rồi. Yêu nước thế, nhưng tôi lại rất sợ lạnh. Mỗi năm hè đến, nghĩ đến việc phải làm bổn phận công dân là đưa xấp nhỏ đi bãi biển là tôi đã run lên rồi. Trời có nóng đến đâu, nước vẫn lạnh cóng như nước đá! Chưa bao giờ tôi dám ở dưới nước lâu quá một phút. Thò chân xuống là đã phải nhảy nhổm lên rồi.

Hè năm nay cũng không ngoại lệ. Tôi vẫn phải làm bổn phận công dân là đi bãi biển, nhưng kinh nghiệm hơn, trước khi đi, tôi không quên thủ sẵn một quyển sách dày cộm mang theo. Lúc các chú bé nhà tôi say sưa đùa nghịch với sóng biển tung bọt trắng xóa, tôi leo lên cái bùng binh tròn có vòi phun nước và có ghế đá, tìm một chỗ rợp nắng, đeo cái kính mát lên cho có vẻ hiệp sỹ mù, để được tự do nhìn liếc trộm thiên hạ cho kín đáo.  Chưa kể bên ngoài lớp áo tắm, lại còn quấn thêm cái khăn tắm to như cả cái mền, có hình con cọp, trông rất ư là dân chơi xứ... mọi, thật không giống ai. Xong xuôi tôi mới lôi quyển sách ra ngồi vừa đọc vừa nhìn ngắm thiên hạ chung quanh. Chỉ cần thế là hạnh phúc nhất đời rồi.  Cũng nhờ thế, mà tôi đã gặp được Ông Già Màu Tím nơi đây.

Chỗ tôi ngồi là một ngã tư quốc tế, ôi thôi Mỹ đen, Mỹ trắng, da vàng, da đỏ đủ loại. Trên trời là chim chóc, dưới đất là hàng quán ăn đủ món, người đi qua đi lại dập dìu. Xa xa là bãi biển xanh dờn, với cả ngàn cái dù che nắng đủ màu sắc, người ta nằm phơi nắng ngổn ngang.

Cứ ngồi đấy nửa ngày thôi thì đã nắm hết được thời trang mới mẻ nhất trong năm. Ðặc biệt hè năm nay thịnh các màu chói mắt, trẻ trung, như vàng nhạt, màu cam, đỏ, trắng... thế nên, khi cái màu tím đen thủi đen thui kia lọt vào mắt, thì tôi lấy làm lạ lắm. Gấp hẳn quyển sách lại, tôi gỡ kính mát ra tò mò nhìn. Thì ra là một ông Mỹ già trên dưới đều một màu tím ngắt, như cái màu Nửa Hồn Thương Ðau của ông Phạm Ðình Chương! Nhưng giá được nhiều màu tím “ton sur ton’’ thì cũng còn đỡ. Ðằng này, cái quần tây tím than đã cũ kỹ; cái T-shirt tím hoa cà ngả màu vàng vàng, chắc là lâu ngày bị phai; bên ngoài ông ta khoác một cái áo khoác dày cui màu tím như màu áo của các nữ sinh trường Áo Tím; chưa kể cái nón lưỡi trai cũng màu tím, không biết phải tả ra là cái màu tím gì, vì nó rất là... lộng lẫy, chiếu lấp la lấp lánh dưới ánh mặt trời. Giữa buổi trưa mùa hè nắng chang chang ngoài bãi biển, nóng như thiêu, cái hình ảnh ấy đập vào mắt làm tôi không thể không tò mò nhìn mãi. Ông già cứ đi qua đi lại, tay cầm cái que dài, thùng rác nào ông ta cũng mở ra, cầm cái que thọc thọc vào, tìm kiếm. Lúc đầu, tôi tưởng ông già tìm các lon nước ngọt hay các lon bia rỗng để đem đi bán ve chai. Nhưng không, ông cứ một tay cầm que, chân đi hết thùng rác này sang thùng rác khác, bới bới, tìm tìm. Tới một cái thùng rác cách chỗ tôi ngồi không xa lắm, ông mừng rỡ, thò tay vào, lôi ra một đĩa giấy, trên đó còn một miếng pizza khá lớn, người ta ăn không hết vất vào đó. Ông vui mừng cầm đĩa pizza, chạy lại ngồi một góc ghế đá, nơi tôi đang ngồi.

Tôi chợt thấy có cái gì hơi bất nhẫn, ấp a ấp úng, tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu với ông già, nhưng không biết mở miệng ra sao?

Cuối cùng, tôi can đảm cầm cái đĩa pizza tôi mua mà chưa kịp ăn, đi vòng qua phía ông già, lễ phép:

- Thưa ông, tôi có đĩa pizza, mua cho các con, nhưng chắc tụi nó mải tắm biển quên lên bờ rồi. Ông có dùng không? Ðể lâu cũng nguội, lát tụi nó lên, tôi mua cái khác.

Ông già sáng mắt lên, không khách sáo:

- Tốt quá! Thế thì bà cho tôi.

Ông cầm đĩa pizza tự nhiên, không ngượng nghịu, rồi bẻ ra từng miếng nhỏ, nhưng đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: thay vì ông ta ăn, ổng liệng xuống đất dụ chim chóc tới ăn!

Tôi chết điếng cõi lòng, bụng đói như cào, nhưng hồi nãy lỡ nói dối là mua pizza cho con, bây giờ chẳng lẽ đòi lại mà ăn thì kỳ quá, Tây nó cười cho! Nên đành ngây người ra nhìn ông già cho... chim ăn. Cả đàn chim, chả biết từ đâu, đánh hơi nhanh thế. Ông già ném xuống đất miếng nào, là cả đám sà xuống, kêu oang oác, giành nhau ăn, rất vui mắt.

Tôi rất dốt về thú vật, chim chóc. Lúc nhìn chúng bay trên trời, tôi còn ngỡ là chim bồ câu. Tôi nói thế, mẹ tôi bảo không phải, vì mẹ nói rằng chim bồ câu mắt nó tròn và hiền, đám chim này mặt nó rất dữ! Bây giờ nhìn gần, con nào con nấy to như con vịt. Tôi thầm nghĩ đám chim này có phúc, sinh ra ở đất Mỹ, chứ nếu chúng có quốc tịch Việt Nam thì chắc đã bị rô ti từ lâu rồi.

Lúc đầu, ông ném từng miếng pizza nhỏ xuống đất, lúc sau ông chỉ nhử cho chúng lại gần rồi ném miếng pizza lưng chừng, con chim đã bay lại sớt miếng mồi rồi bay vụt đi. Rõ ràng là đám chim này đã thiện nghệ lắm, chắc chúng đã quen cái khu ăn uống này rồi. Thảo nào con nào cũng mập mạp tròn trĩnh.

Thấy tôi ngồi nhìn say sưa, ông già ngoắc tôi rồi đẩy cái đĩa pizza về phía tôi:

- Này, bà ném cho chúng ăn đi!

Tôi thích thú, cầm ném thử giống ông già, nhưng tôi vụng về, miếng pizza rơi xuống đất, cả đàn chim lại bu quanh kêu quang quác, cấu xé nhau. Vài miếng sau thì tôi quen tay, pizza không rơi xuống đất nữa. Ông già gật gù:

- Good! Tiếp tục đi, bà làm phụ tá cho tôi được rồi.

Ông thò tay vào cái áo choàng, lôi ra cái máy ảnh digital, rồi lỉnh kỉnh nào là ống kính chụp xa, nào là đèn rọi, v.v... Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao mùa hè nóng chảy mỡ thế này mà ông ta cứ mặc cái áo khoác dày sù sù, là để đựng dụng cụ chụp hình. Tay loay hoay lắp máy, miệng ông già không ngớt khuyến khích tôi:

- Ðúng rồi, đừng ném nhanh quá, nhử cho nó lại gần rồi nhẹ nhàng ném ra cho chúng...

Tôi cứ run run làm theo ông, chỉ sợ bọn chúng đớp vào tay. Trong khi con chim vừa há mỏ sớt mồi, cái máy ảnh của ông kêu lách cách đến cả chục lần. Thì ra, ổng đi săn ảnh!

Cứ thế, tôi nhập vào cuộc chơi lúc nào không hay.

Hôm sau, trong lúc các con đi tắm biển, tôi cũng lại ngồi chỗ cũ chờ, quên hẳn chuyện ngày hôm trước. Trong lúc tôi đang chúi mũi vào quyển sách, thì giật mình vì có tiếng chào:

- Hi! Lại gặp bà ở đây, vui quá!

Tôi ngạc nhiên, nhìn lên, lại là ông Mỹ già, vẫn bộ quần áo tím ngắt như hôm qua.

- Oh! Ông lại đi chụp hình nữa à?

Ông già lắc đầu:

- Không, ngày nào giờ này tôi cũng ra đây cho... chim ăn.

Tôi tò mò:

- Ông rảnh rang lắm nhỉ?

Ông ta cũng lại lắc đầu, thở dài não nuột:

- Khi con tôi ở nhà, tôi ra đây cho yên thân. Ở nhà làm gì? Phiền nó.

- Con ông không thích ông à?

- Nó nói tôi lẩm cẩm, hay hỏi han lung tung. Tôi cứ chờ khi nào nó đi làm hay đi ngủ thì tôi mới về nhà.

Hèn gì, mà trông ông sạm nắng. Ngồi cả ngày ngoài nắng như thế. Tôi tội nghiệp ổng:

- Ông tội gì mà hành hạ mình như thế, không muốn làm phiền ai thì ông vào phòng đọc sách, xem hình...

- Thế thì tôi ra đây coi thiên hạ có vui hơn không? Bà không biết đâu, con trai tôi nó chẳng ngó ngàng gì đến tôi cả, mặc dù lúc nó còn nhỏ, tôi thương nó nhất, tốn kém bao nhiêu cũng lo cho nó học trường nổi tiếng. Bây giờ, đỗ đạt rồi, nó chê tôi lẩm cẩm, chả lo lắng gì cho tôi cả...

Thật đúng là nước mắt chảy xuôi! Tôi an ủi ông già:

- Tôi cũng thế ông ạ, tôi có lo gì cho bố tôi đâu! Ổng còn phải lo cho tôi là đằng khác.

Thấy có bố tôi là đồng minh rồi, ông già bắt đầu thích thú:

- Bà ở chung với bố mẹ à?

- Không, ở xa lắm, lâu lâu đến thăm thôi. Mỗi lần lên thăm, bố mẹ tôi quýnh lên cả tuần trước, làm thức ăn, đi mua sẵn cam để chờ tôi lên ăn.

Ông ngạc nhiên:

- Mua cam? Chỗ bà ở không bán cam hay sao?

Tôi cười:

- Có chứ, nhưng tôi chỉ đặc biệt thích loại cam to thật là to, chỉ bán tại các tiệm Việt Nam gần nhà bố mẹ tôi. Ông thì còn lái xe phoong phoong, chứ bố tôi bị con cái tịch thu bằng lái từ lâu rồi.

Ông kêu lên:

- Wow! Chính phủ tịch thu bằng lái thì tôi có nghe qua, con cái tịch thu bằng lái của ông già là thế nào? Ừm, ừm...

- Thế mới nói! Bố tôi già rồi, mắt kém, có lần đi Toronto, ổng đã cho cả nhà leo lề, rồi chạy luôn xuống ruộng, lăn hai ba vòng như hát xiệc, ông ạ. Lúc về, đứa con nhỏ của tôi nó kể là nó lăn trong xe của ông ngoại như trái dưa hấu vậy. Nên từ đó, tụi con tịch thu bằng lái và bán cái xe của ổng luôn!

Ông già cười:

- Thế thì con tôi nó... đỡ hơn.

Rồi ông thắc mắc:

- Nhưng chuyện lái xe thì có mắc mớ gì đến chuyện quả cam?

- Có chứ sao không! Ổng phải đi xe bus mua cam to cho tôi ăn. Ông biết không, có lần tôi lên, thấy trong tủ lạnh chất tới 28 quả cam to tướng, bố tôi nói ổng phải đi xe bus 4 lần mới mua đủ, vì ổng yếu quá, hai tay xách 2 bịch cam, mỗi bên 4 quả cho nó cân bằng, nên phải đi tới 4 lần mới mua đủ 28 quả cam! Lúc leo lên xe bus, ông tài xế phải phụ đỡ ổng lên, vì hai tay ổng đầy rồi, không vịn được cái thành xe.

Ông già phì cười:

- 4 lần thì phải 32 quả chứ. Thế là ổng ngồi trên xe bus ăn hết 4 quả à?

Thấy ông già con tim đã vui trở lại, tôi cứ tiếp tục kể:

- Ổng đâu có ăn. Có lần tôi cũng thắc mắc như ông, tôi hỏi thì bố tôi trả lời: “một bên xách 4 quả, bên kia 3 quả thôi, vì bố mua thêm tờ...Thời Báo!’’. Thế tôi mới hỏi: “mua Thời Báo thì chỉ mua một lần thôi, chả lẽ đi mua cam 4 lần, đều mua 4 tờ Thời Báo?’’ thì ổng nói: “đâu có, mấy lần kia thì bố mua Nghệ Thuật, Thẩm Mỹ, v.v...’’. Nhờ thế tôi mới để ý là tờ TB, NT, TM, đều nặng bằng... quả cam!

- Hí hí, thế thì nhà ông bố của bà chất đầy báo nhỉ?

- Còn phải hỏi? Tôi mắng ổng hoài đấy chứ, nhưng vắng mặt tôi thì đâu lại vào đấy.

- Mắng ổng? Sao bà lại mắng bố là thế nào, chuyện thế mà cũng kể ra...

- Ấy, tôi kể thế là để ông thấy rằng ông chưa phải là người cha xấu số nhất đời đâu. Bố tôi mới là... thê thảm!

Ông gật gù:

- Ðúng thế! Thật là terrible!

Tôi lại tò mò:

- Thế ngày nào ông cũng ra đây ngồi, vợ ông không rầy rà ông à?

Ông già buồn rầu:

- Bả còn mong tôi đi cho rảnh nợ. Ở nhà mà nghe bả cằn nhằn suốt ngày, thì thà tôi ra đây nghe chim hót! Thôi, chả kể nữa đâu, kẻo bà lại bảo là tôi sợ vợ.

Tôi cười:

- Vợ mình, mình sợ, có sao? Tôi không cười ông đâu. Nước tôi, chuyện này là... truyền thống dân tộc, ông ạ. Tôi đọc cho ông nghe bài thơ này nhé, tôi cóp của người ta đấy:

 Ðàn ông sợ vợ thì sang

Ðàn ông đánh vợ tan hoang cửa nhà.

Ðàn ông không biết thờ Bà,

Cuộc đời lận đận kể là vất đi.

Ðàn ông sợ vợ ai khi?

Vợ mình, mình sợ sá gì thế gian!

Ðàn ông khí phách ngang tàng,

Nghe lời vợ dạy là hàng trượng phu.

Ðàn ông đánh vợ là ngu,

Tốn tiền cơm thuốc, vô tù như chơi.

Cứ những mẩu chuyện lỉnh cà lỉnh kỉnh như thế mà tôi với ông Mỹ già nói với nhau cả buổi không chán. Hôm nào tôi đưa các con đi tắm bãi khác, hôm sau, ông già trách cứ:

- Hôm qua, bà không ra bãi à?

- Có, nhưng tôi đi bãi khác.

- Tôi thì tôi chỉ thích bãi này. Chỗ này có nhiều quán ăn, tôi mới đi... lục thùng rác được. Bãi đậu xe ở đây cũng rẻ hơn nơi khác.

Tôi thấy tội nghiệp ông già:

- Hôm nay, tôi đãi ông ăn pizza vậy. Ăn không hết thì mới cho chim ăn. Ðừng đi lục thùng rác nữa ông ạ.

Hôm ấy, có cả cô em tôi, chán tắm biển rồi, lại nghe tôi kể chuyện ông già vui quá, nên cũng leo lên ngồi đây chơi. Hai chị em đi mua 3 đĩa pizza to tướng, kèm khoai chiên, mặc dù tôi chả bao giờ ăn khoai chiên cả; và nước ngọt. Ông già cảm ơn rối rít.

Chưa kịp ăn, thì con chim to từ đâu bay sà xuống đầu tôi, làm tôi giật bắn người. Chưa kịp phản ứng, nó sớt luôn cả miếng pizza to của tôi, cắp vào mỏ, bay vụt mất. Cả đàn chim lao xuống.

Ông già và cô em tôi vội vàng lấy khăn giấy che đĩa thức ăn lại, sợ đàn chim tha mất. Ðàn chim bỏ bàn chúng tôi, cất cánh rượt theo con chim đang cắp miếng pizza. Con chim, cứ miếng pizza lủng lẳng trên mỏ, bay lượn vòng vòng quanh cái hồ nước nhân tạo có vòi phun nước, đám chim cả trăm con cũng bay lượn vòng quanh mặt hồ. Thiên hạ bu lại, vỗ tay vui vẻ. Ông già không bỏ lỡ cơ hội, lôi ngay cái máy ảnh ra, chụp lia lịa. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều chim đến thế! Tôi cũng lục trong giỏ lấy chiếc máy hình ra, nhưng vừa giơ máy lên còn loay hoay chưa nhắm được con chim, thì nó đã mệt nhoài, không còn sức gặm mãi miếng pizza to tướng nữa, nó bay là là mệt mỏi quanh mặt hồ, miếng pizza rơi tòm xuống nước!

Mọi người cười ồ, tản mác. Ông già tiếc rẻ:

- Thật tiếc quá!

Rồi nhìn hai đĩa pizza còn lại, ông đề nghị:

- Hay là chúng ta “share” nhau ăn vậy, nguội cả rồi.

Tôi lơ là bẻ một miếng từ đĩa pizza của cô em, rồi lang thang đến bên cái hồ đang phun nước mát rượi, nhìn xuống đáy hồ nước xanh trong vắt, miếng pizza của tôi đang nằm dưới đáy. Ðàn chim vẫn bay lượn nhởn nhơ trong buổi trời xanh ngan ngát, có mây bàng bạc.

Thì ra, chim chóc cũng giống như người thôi. Cái bụng bé thế kia, biết là không nuốt được cả cái bánh to, nhưng vẫn cứ cố giành lấy một mình, không chia cho ai cả. Một là cố ăn một mình đến bội thực rồi chết, hai là mệt quá ôm không nổi, cũng đành buông cho rớt, chứ nhất định không cho người khác ăn. Bây giờ, cả cái hồ nước trong vắt xanh lơ kia, cũng đục lên vì bột, và... ketchup!

Nhưng nói cho cùng, bọn chúng có chiến tranh thì cũng là có những người khơi mào ra, như cái ông Mỹ già màu tím này chẳng hạn. Cũng như có những người chầu rìa sẵn sàng nhập cuộc như tôi, hoặc những người bàng quan vô công rỗi nghề vỗ tay tán thưởng cho chúng hăng say rượt theo nhau mà cấu xé, giành giựt; để mình đứng ngoài cười!

Ðêm hôm ấy, xếp dọn hành lý để sáng hôm sau lên đường về, tôi cứ nghĩ đến chuyện miếng pizza bị chim tha đi mà cười tủm tỉm một mình. Rồi chặc lưỡi: cũng may... tự nhiên được diet, về nhà khỏi mất công nhịn ăn khổ sở!

Hai tuần lễ nghỉ hè cũng qua mau. Ngày về trời không nắng chói chang như những hôm trước. Sáng sớm dậy, tôi ra hàng hiên nhìn ra bãi biển mờ mờ sương, vắng ngắt, ngồi nhâm nhi ly trà nóng trên tay. Hơi mát và ẩm của buổi sáng sớm lùa vào trong tóc. Xa xa, từng đàn cá voi lợi dụng lúc vắng người, đưa cánh nhấp nhô trên mặt nước đục trắng màu sương đêm chưa tan.

Ðến lúc nắng lên dần, bãi biển bắt đầu rộn rịp, tưng bừng màu sắc, chúng tôi sửa soạn lên đường. Lúc đi qua cái bùng binh, tôi cố tình nhìn vào tìm kiếm mãi cái màu tím quen thuộc, không thấy đâu, tôi thầm nghĩ:

- Sao giờ này vẫn chưa thấy Ông Già Màu Tím? Hôm nay, không biết ổng có bị bệnh không?

Hải Phong


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved