Cũng như Hoàng Hải Thủy, Nhật Tiến là một cây cổ thụ của khu rừng văn học nghệ thuật nước Việt Nam Cộng Hòa. Ông sinh tại Hà Nội năm 1936, bắt đầu viết từ năm 1951 (15 tuổi). Năm 1954 di cư vào Nam, sinh sống bằng nghề dạy môn Lý Hóa cho các trường tư thục và là phó chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam từ 1963 đến 1975. Năm 1979 ông vượt biên, định cư tại Mỹ. Sau khi đến Mỹ định cư, ông cùng hai người bạn là vợ chồng ký giả Dương Phục và Vũ Thanh Thuỷ viết tập sách tài liệu "Hải tặc trong Vịnh Thái Lan", xuất bản năm 1981 và được phổ biến rộng rãi. Nhà văn Nhật Tiến đã hợp tác với Ủy ban Báo nguy giúp Người vượt biển trong những vận động bảo vệ thuyền nhân tị nạn. Ông đã đi nhiều nơi, đến nhiều đại học để nói chuyện về thảm trạng vượt biển của người Việt Nam. Tại Mỹ, ông theo học ngành điện toán, rồi làm chuyên viên sửa máy vi điện toán. Ông còn giữ chức vụ ủy viên báo chí Hội cựu Giáo chức Việt Nam Hải ngoại, 1982-1985 và chủ tịch Ban chấp hành Lâm thời Văn bút Việt Nam Hải ngoại, Nam California 1988. Ông qua đời ngày 14/9/2020, thọ 84 tuổi. Tổng cộng 22 tác phẩm đã xuất bản.

Truyện ngắn "Một chuyến đi" thuật lại sống động một góc đời sống tại miền Nam Việt Nam thời kỳ 1975-1986, là một thời kỳ cực kỳ đen tối cho dân chúng miền Nam, thời kỳ khi chính quyền Việt Nam còn đi theo mô hình cộng sản sắt máu của Nga Stalin và Trung Quốc Mao Trạch Đông, cơm không đủ ăn, mọi nhân quyền căn bản bị tước đoạt và mấy trăm ngàn quân nhân viên chức chế độ cũ bị giam cầm trong trại tập trung. Thời kỳ này phát sinh ra thảm trạng Thuyền Nhân làm rúng động thế giới. Chỉ sau khi Đổi Mới bắt đẩu thực hiện năm 1986 thì bàn tay sắt của chính quyền mới bắt đầu từ từ nới lỏng về kinh tế và đời sống vật chất của nhân dân mới bắt đầu cải thiện.

 

 

 

Mt chuyến đi

 

Giữa năm 1979, Quý nạp đơn xin một cái giấy phép về thăm gia đình ở Hà Nội. Đơn xin của Quý, ngoài sự kể khổ về hoàn cảnh xa cách mẹ ruột của mình vừa tròn 25 năm chưa có dịp gặp lại, Quý còn đính kèm một xấp hồ sơ để tăng cường lý do chính đáng xin đi thăm mẹ của mình:

- Một tờ giấy của Hợp Tác Xã Tân Lập sản xuất mành mành trúc xuất khẩu, chứng nhận Quý hiện đang phục vụ tại cơ sở này với những lời nhận xét thuận lợi cho lý lịch của người được cấp. Tờ giấy này Quý "mua" của anh thư ký văn phòng thường trực Hợp Tác Xã với giá 50 đồng. Giấy in là thứ thật, con dấu cũng thật, chỉ có chữ ký là giả mạo và dĩ nhiên là không lưu trữ trong hồ sơ lưu.

- Một bản sao tờ điện tín do chị của chàng đánh từ Hà Nội vào, nội dung vỏn vẹn có 5 chữ: Mẹ hấp hối - Ra ngay!

- Một bản sao giấy nhập bệnh viện Hữu Nghị, của ai đó do chị của chàng gửi vào, nhưng Quý đã dùng mực tẩy hiệu Phương Mai bôi xóa tên cũ, điền tên của mẹ mình vô, thay đổi ngày tháng cho thích hợp, rồi photocopy lại, "y như thật".

- Một giấy bảo đảm hành vi chính trị cho em ruột của mình, do chính bà chị của chàng, một cán bộ công tác ở Khu Tập Thể Hoa Quả, đứng tên bảo lãnh, bên cạnh có triện son và chữ ký của Thủ Trưởng cơ quan nơi bà làm việc. Tờ giấy này là thứ thiệt, một trăm phần trăm không giả mạo, hoặc giả thử chị của Quý có dùng bùa phép gì để có được con dấu và chữ ký đó không thì Quý  không được rõ.

- Cuối cùng là tờ giấy phép được nghỉ hai tuần lễ với lý do về thăm mẹ do Chủ Tịch Hợp Tác Xã mành mành trúc cấp với hàng chữ in sẵn "yêu cầu các cơ quan, đoàn thể dành mọi sự dễ dàng cho đương sự trên đường di chuyển". Tờ này dĩ nhiên cũng ma nốt, nhưng Quý chỉ phải trả thêm có hai mươi lăm đồng vì đã mua món thứ nhất (kể trên) với giá năm chục rồi. Mua nhiều, giá phải bớt là lẽ đương nhiên.

Năm loại giấy tờ kể trên, kèm theo với lá đơn kể khổ cũng ngót nghét hai trang giấy kín mít những chữ, Quý đem nạp ở Trụ sở Công an Phường. Mất non nửa buổi xếp hàng chờ đợi, lúc tới phiên mình, đồng chí Công an ngồi ở bàn giấy liếc qua tập hồ sơ rồi phán gọn một câu:

- Cái này đồng chí phải liên hệ với bên Công an khu vực trước đã. Khu vực trước, Phường sau. Cũng như Phường trước, Quận sau. Đó là thủ tục hành chánh.

Thế là Quý lủi thủi xách hồ sơ ra về, lòng tự trách mình việc giản dị có thế mà nghĩ không ra! Chiều hôm đó, Quý tới văn phòng của đồng chí công an khu phố. Vừa may, anh ta đang sắp sửa chuẩn bị đi đâu đó. Quý làm bộ hớt hải:

- Mẹ tôi hấp hối, tôi làm đơn xin phép về thăm. Xin đồng chí giúp giùm.

Gã công an có vẻ mặt khó đăm đăm, nhìn Quý như đánh giá, rồi cầm xấp hồ sơ trên tay lật qua, lật lại xem xét. Tim của Quý đạp liên hồi, lòng cầu trời khấn Phật cho cái của ác ôn côn đồ này thò tay ký đại một phát cho nó xong. Nhưng mặt Quý nghệt ngay ra khi nghe gã ta buông sõng một câu:

- Về lấy chữ ký của Tổ trưởng dân phố rồi hãy mang lên đây.

Thiếu một chút nữa thì Quý vỗ đùi đến đét một cái để biểu lộ một cơn vừa sực tỉnh cơn mơ. Mẹ kiếp, có thế mà lại vẫn không nghĩ ra. Đầu mối của mọi sinh hoạt bây giờ là phải khởi đi từ thằng cha Tổ trưởng dân phố, không biết Quý lú lẫn thế nào mà quên béng ngay đi cái nhân vật hệ trọng đó. Thế là mất toi mất gần một ngày, vừa chầu chực, thấp thỏm vừa chẳng nên cơm cháo gì. Quý cuộn ngay xấp hồ sơ lại và tất tả đi ra. Tuy vô tình nhưng Quý đã biểu lộ trước mặt gã Công an khu vực cái thái độ bồn chồn lo lắng của một kẻ vừa nhận được tin hãi hùng: "Mẹ hấp hối. Ra ngay !"

Đến chiều tối, Quý rình mãi mới thấy được lão Phong, Tổ trưởng dân phố đi đâu đó trở về. Trên tay lão còn cầm một chồng vở nom như vở học trò. Đó là những cuốn sổ ghi mua chất đốt gồm than, củi và dầu hôi của bà con trong phố gom lại. Như vậy là Quý biết tháng này dầu hôi vừa mới về. Mỗi đầu người trong gia đình được mua hai lít. Lão Phong có sáng kiến nếu là than, củi thì bà con tự động ra xếp hàng ở Hợp Tác Xã để mua cho phần mình. Nhưng còn dầu hôi, lão đề nghị tập trung tất cả sổ chất đốt lại để lão đi mua giùm một lần rồỉ đem về phân phối cho từng hộ. Bà con hoan nghênh hết mình vì đỡ được cái "khâu" xếp hàng dài thòng, chen lấn, cãi lộn ở ngoài Hợp Tác Xã mỗi khi có dầu về. Nay thì chỉ còn xách chai đến nhà ông Tổ trưởng dân phố để lãnh nữa thôi, bề gì thì cũng nhàn hạ hơn.

Thành ra khi tới ngày phân phối dầu, nhà của lão Phong chật ních những người. Bà con đứng ngồi lển nghển từ nhà trong ra hè, từ hè ra sân, từ sân ra ngõ. Được cái bà con quen nhau cả nên không có màn chen lấn. Có dịp ngồi chung với nhau một cách không phải chính thức như đi hội họp, mọi người thi nhau "phát biểu", chuyện nở như gạo rang, toan là thứ chuyện như nhà ai đi rồi, nhà ai đi bị đổ bể, chuyện đóng tiền, chuyện mua thuyền, mua máy nói gần như công khai.

Chỉ có bên trong căn nhà của lão Phong là mới thấy có tiếng cãi cọ xảy ra. Bà này than chai dầu đong vơi, bà kia đòi đong thêm chút đỉnh nữa và trong cái đám ồn ào đó, tiếng của lão Phong la to hơn hết. Lão luôn mồm cằn nhằn đứa con gái lớn là mắt mũi cứ trợn ngược lên, không chú ý vào việc đong dầu để nó sánh ra, "mất mẹ nó mấy lon thì đem đầu lâu của tao ra mà thường à!"

Tuy bị mắng nhiếc như thế, nhưng phải nhận rằng con gái của lão rất khéo tay. Dầu lãnh ở Hợp Tác Xã chất đốt theo sổ sách thì đủ số, nhưng lần nào sau khi phân phối xong xuôi, lão Phong cũng dư ra được cả chục lít, có khi hơn. Đó là lý do lão tình nguyện đi lãnh dầu về cho bà con, chẳng quản ngại vất vả, khiêng vác và "cái nhà thì bầy hầy ra sau mỗi lần phân phối xong một đợt dầu".

Đó là chưa kể về mặt tinh thần, lão có quyền làm báo cáo tình hình công tác với một đoạn văn nghe rất kêu như sau: "với tinh thần phát huy sáng kiến làm gia tăng hiệu năng công tác phục vụ nhân dân lao động và phát huy tinh thần làm chủ tập thể của bà con nhân dân trong khu phố, trong cương vị của Tổ trưởng dân phố tôi đã tình nguyện đi lãnh dầu về phân phối cho toàn thể mọi hộ trong phạm vi trách nhiệm của minh, tiết kiệm được cho khu phố hàng trăm giờ lao động lãng phí khi đứng xếp hàng, đồng thời đảm bảo được việc giải quyết tốt các khâu lãnh hàng, chuyên chở và phân phối, vừa nhanh, vừa gọn, vừa công bằng, lại gây được uy tín của cán bộ phục vụ đối với tập thể nhân dân lao động."

Cho nên, khi đã hiểu rõ căn cơ của công tác phân phối dầu vĩ đại đó, thì Quý thất vọng ra mặt khi thấy lão Phong trở về nhà với một đống sổ học trò dùng làm sổ chất đốt trên tay. Chẳng những không có hy vọng gì được lão giải quyết cho ngay lá đơn của mình, dù là trời sập đi nữa chứ đứng nói cái điện tín chỉ vỏn vẹn có 5 chữ chẳng ăn nhập gì tới lão ta cả "Mẹ hấp hối. Ra ngay !"

Thế là Quý đành ôm sắp hồ sơ trở về nhà với lòng đầy hậm hực vì đã mất toi một ngày vất vả mà không đi đến đâu cả.

Mãi hôm sau, Quý mới vồ được lão Phong lần thứ nhì ở ngay trong sân nhà lão. Hình như lão đang có chuyện gì vui, nên lão đón tiếp chàng với vẻ mặt rất niềm nở. Quý trao cho lão tập hồ sơ và tả oán ngày:

- Bà cụ thân sinh của tôi nguy quá, không biết cụ "về" lúc nào. Nhờ cụ lo giùm.

Lão Phong mời Quý vô nhà và hai người ngồi đối diện nhau trước bàn làn việc của lão. Trong ánh đèn dầu tù mù của một tối bị cúp điện, lão mở tập giấy của Quý ra đọc cẩn thận từng chữ từng dòng. Cuối cùng lão phát biểu:

- Anh viết đơn kín mít thế này thì chỗ đâu tôi ký ? Chỗ đâu Công an Khu vực ký ? chỗ Công an Phường ký ? Rồi còn Uỷ ban Nhân dân Phường, Uỷ ban Nhân dân Quận, mỗi nơi một ý kiến nhận xét trước khi chuyển lên Thành uỷ. Thành uỷ có chấp thuận thì mới chuyển qua Công an Thành làm giấy phép cho anh. Cầu là cả ba trang giấy để trống chưa chắc đã đủ, nói chi đến tờ đơn kể khổ tùm lum tà la thế này, chữ nghĩa chen chúc nhau đến con kiến chen cũng không lọt nữa.

Quý sùng quá, văng lên một câu:

- Mẹ kiếp ! Tôi đâu có biết !

Lão Phong cười khẩy:

- Không biết thì tôi nói cho biết rồi đó! "Đem về" làm lại đi. Những đoạn văn mầu mè này cắt cha nó đi cho rồi, ai thì giờ đâu mà đọc.

Bị phê bình gay gắt ngay cả đến nhưng câu văn diễn tả tình mẫu tử mà lão cho là mầu mè, Quý đỏ mặt tía tai lên như vừa bị lão choang ngay vào đúng tấm lòng hiếu thảo của minh, chàng tức giận chộp ngay lấy lá đơn, bóp nghiến lại. Lão Phong thấy bất ổn, vội vàng đấu dịu:

- Tôi nói thiệt đó chớ không phải làm khó dễ anh đâu. Anh chịu khó viết lại rồi đem tới, tôi ký ngay cho. Đây này, đơn thì chỉ viết gọn một trang thôi. Còn từ trang sau, anh chia thành nhiều khoảng trắng ghi vài chữ như: ý kiến của Tổ trưởng Dân phố, ý kiến của Công an Khu vực, ý kiến của công an Phường,…

Quý thấy không có lý do gì để hục hặc với lão cả, nên lẳng lặng cuộn tập hồ sơ đem về, sau khi từ biệt lão bằng một nụ cười méo sệu.

Hôm sau, chàng trở lại với một lá đơn mới được thảo ra theo như lời chỉ dẫn của lão. Lão giữ lời hứa, nắn nót viết một câu ngay dưới phần để dành cho lão: "Đề nghị cấp trên cứu xét hoàn cảnh của đương sự!".

Rồi lão ký trịnh trọng như tên lão được ký trên một tờ giấy bạc. Sau cùng, lão lấy ra con dấu đỏ in ở dưới chữ ký. Con dấu chỉ có ba chữ vỏn vẹn: Nguyễn Thông Phong bằng kiểu chữ in mập, cỡ 10 theo con mắt chuyên nghiệp của người biết về ngành in. Ở cương vị tổ dân phố, lão không có quyền đóng dấu mộc. Mà ký suông mà không có cái gì đỏ đỏ đi kèm nó "hèn" quá, lão bèn phát huy sáng kiến là đóng cái tên mình vào. Bề gì nó cũng còn có vẻ "hành chánh" hơn là trống trơn không có gì cả.

Qua được cửa khẩu đầu tỉên, Quý mừng húm, hấp tấp cám ơn lão rồi tất tả đi ngay ra văn phòng của đồng chí công an khu vực.

Hôm nay gặp may, Quý không phải chờ một ai cả, mặc dầu bình thường thì tới giờ đó, thế nào cũng phải chờ it ra là năm, ba người, toàn những bà, những cô bán rong ngồi vỉa hè không có phép bị lôi về năn nỉ ỉ ôi cả giờ mới xong được một vụ.

Sợ gã Công an quên mình, Quý nhắc:

- Trình đồng chí hôm qua tôi đã tới và được đồng chí chỉ thị đem về lấy ý kiến của Tố dân phố. Hôm nay, tôi xin đem lại để đồng chí duyệt xét.

Gã công an lại nhìn vào mặt Quý như soi mói. Rồi gã lại mở xấp hồ sơ ra coi từng tờ. Thời gian trôi qua nặng nề như có ai lấy đá đè lên ngực Quý. Sau cùng, gã lên tiếng hỏi:

- Đồng chí làm ở Hợp Tác Xã Tân Lập được bao lâu?

Quý thấy lạnh lạnh ở xương sống, nhưng chàng cố giữ vẻ thản nhiên:

- Dạ, mới hơn hai tháng.

Gã cau mày:

-Thâm niên có hai tháng mà sao giấy phép ký cho nghỉ dài quá vậy. Hai tuần phải không?

Mặt Quý hơi xanh lại. Chàng cảm thấy cổ họng đang se khô đi. Chàng vẫn cố giữ vẻ thản nhiên:

- Dạ, đây là trường hợp cá biệt. Mẹ tôi hấp hối. Tôi dè chừng bà cụ mất thì còn thì giờ ở lại làm đám tang.

Gã công an quay sang câu hỏi khác, hoàn toàn không ăn nhập gì đến câu hỏi trước cả (và đấy là nghề của chàng):

- Đồng chí nói là 25 năm rồi chưa gặp mẹ hả?

- Dạ, phải!

- Vậy là đồng chí vô Nam từ năm 54?

Quý choáng người, giọng chàng ấp úng hẳn ra:

- Dạ, hồi ấy tôi còn bé quá. Chưa có ý thức chính trị gì.

- Bé sao rời mẹ mà ra đi?

- Dạ, bạn nó rủ!

Gã công an cười khẩy:

- Nó rủ là đi càn đấy, có phải không?

- Dạ, đúng. Đi càn! Đi Nam cho biết đây biết đó.

- Vậy thì "anh" đã biết những gì?

Quý rủa thầm trong bụng rằng không đâu mình mở đường cho hươu chạy. Nhưng đã cùng đường rồi thì cũng phải đánh liều chứ biết tính sao. Chàng đáp cầm chừng:

- Dạ, thì cũng biết đây, biết đó. Biết sông Sài Gòn, biết chợ Mỹ Tho....

- Tôi nói là về mặt chính trị, xã hội kia !

- Dạ, tôi bận sinh kế quá nên chỉ lo làm ăn. Nhưng đại khái thì cũng là một xã hội um sùm, đủ loại giàu nghèo lẫn lộn…loạn xà ngầu....

Nói xong mấy tiếng vô thưởng, vô phạt như ‘‘um sùm, loạn xà ngầu" Quý có vẻ tự tin ở khả năng chống đỡ của mình hơn. Chàng lấy lại được thế chủ động cho mình bằng cách không để cho gả công an nói trước nữa:

- Trình đồng chí, bà cụ tôi nguy cấp lắm. Xin đồng chí giúp đỡ để tôi gặp lại mẹ một lần chót.

Gã nhìn Quý thêm một lúc nữa. Sau cùng, gã buông một câu mà Quý thấy nhẹ cả người :

- Tôi ký ở đây, nhưng không bảo đảm là anh có được phép hay không. Còn phải qua Phường, qua Quận rồi lên Thành nữa. Đi trong miền Nam từ Huế trở vào thì dễ, Quận ký được. Còn qua khỏi Huế thì phải cấp Thành cứu xét.

- Dạ, cứ xin đồng chí phê cho mấy chữ là quý rồi. Tôi tin tưởng ở cấp trên cũng sẽ cứu xét dễ dàng vì lý do của tôi chính đáng. Mẹ hấp hối, con không ra thăm sao đành!

Thế là đồng chí công an khu vực áp cho Quý một cái triện son đỏ chói kèm theo một chữ ký cũng rất trịnh trọng. Lời phê bình cũng khôn tổ, chỉ là một lời trung trung, vô thưởng vô phạt: "Kính chuyển để cấp trên cứu xét."

Qua được cái cầu thứ nhì, Quý lật đật ôm hồ sơ lên văn phòng Công an Phường. Ở đây, sau khi chờ đợi diện kiến được đồng chí Công an Phường, Quý được nghe phán một câu:

- Để hồ sơ đây, năm ngày nữa quay lại!

Quý buột miệng kêu lên:

- Thưa, mẹ tôi đang hấp hối!

Gã Công an Phường có vẻ mặt khó chịu còn gấp mười lần tên công an khu vực, cau mặt nhìn Quý.

- Hối thì hối cũng phải cứu xét chớ, giải quyết ngay sao được.

Biết rnình đụng phải một tảng băng lạnh lẽo, không có tình người, Quý đành lủi thủi ra về. Bây giờ lòng chàng mới nẩy ra một mối lo âu mới. Giấy tờ của Hợp Tác Xã là giấy tờ ma. Nếu nó mà kiểm tra ra thì chẳng còn cái dại nào hơn cái dại nào, không dưng tự mình đem đút đầu vô rọ. Nhưng Quý lại an ủi ngay rằng không liều như thế thì làm sao chàng đi thăm được mẹ, người mẹ mà kể từ năm 1954, Quý chưa hề được gặp lại. Nỗi lo âu làm Quý không trở về nhà ngay mà đạp xe đi tìm anh thư ký văn phòng Hợp Tác Xã, người đã thu được của chàng hơn bẩy chục bạc để cấp cho hai tờ giấy ma. Quý gặp anh ta ở ngay quán cà phê trước cửa xí nghiệp. Chàng thì thào:

- Hồ sơ tôi nạp cho Công an Phường rồi. Nó giữ lại cứu xét tới năm  ngày lận!

Anh ta thản nhiên:

- Nó xét thì cứ để nó xét chớ sao? Giấy của tôi là giấy thật mà! Cả con dấu cũng là con dấu thật nữa!

- Nhưng sợ nó điều tra về xí nghiệp, hỏi ra không có tên mình thì chết.

- Ô! Hơi đâu mà chúng nó đi làm chuyện đó. Bộ anh tưởng cả cuộc đời của nó chỉ để dành ra lo có một cái hồ sơ của anh thôi à?

Quý thấy yên bụng hơn, nhưng chàng vẫn nêu ra những khó khăn để được nghe giải thích và điều này sẽ khiến chàng được tin tưởng thêm hơn. Chàng nói:

- Đâu có mất bao nhiêu thì giờ. Nó chỉ cần nhấc điện thoại lên.

- Thì cho nó nhấc!

Quý trợn mắt lên:

- Nó mà nhấc thì chết mẹ tôi rồi!

Anh thư ký cười khanh khách:

- Sao mà chết! Bộ anh tưởng nếu anh chết thì tôi không chết theo à. Tôi phải có lý do để bảo vệ cho chính tôi nữa chớ.

Lý luận này khiến Quý nhẹ bớt đến tám chín phần lo âu. Nhưng chàng cũng gặng:

- Biết vậy rồi, nhưng anh làm gì được?

- Thì nó phôn đến, tôi trả lời. Tôi ngồi văn phòng chớ ai?

- Nhỡ lúc anh đi vắng thì sao?

- Thì có người thay!

- Thế là bể cha nó mánh rồi!

Anh thư ký vỗ đánh độp lên vai Quý một cái khá đau rồi cười giả lả:

- Thôi đi bố ơi, bố cứ về ngủ cho kỹ ! Bộ đã làm chuyện động trời mà người ta không ăn chia với ai cả sao? Bẩy chịt của bố con được xài có hai mươi lăm tì thôi đó.

Quý vỡ lẽ ra, mặt tươi lên như hoa. Chàng cám ơn anh ta rối rít rồi nhanh nhẩu ra về.

Quả nhiên năm ngày sau trở lại công an Phường, Quý nhận thêm được cái dấu đỏ chói. Ở đó người ta dặn chàng đem qua nộp cho Ủy ban Nhân dân Quận để thông qua ý kiến của Quận ủy. Từ Quận Ủy hồ sơ sẽ được chuyển thẳng lên Thành để xin cứu xét chớ Quý không phải đi tới, đi lui chuyển nạp hồ sơ nữa. Tuy nhiên chính vì lý do đó mà ở Quận người ta không cho Quý cái hẹn nào đích xác cả, ngoài câu nói:

- Lâu lâu ghé qua đây để hỏi cho biết tình hình hồ sơ của anh được cứu xét đến đâu rồi.

Quý gặng hỏi:

- Nhưng nhắm chừng bao lâu có thể xong được. Mẹ tôi đang hấp hối.

Cái lý do Quý nêu ra hình như chẳng ăn thua gì tới người nhận hồ sơ, nên gã ta thản nhiên nói:

- Nhanh nhất thì cũng một tháng, không thì tháng rưỡi!

Chẳng làm được gì khác hơn, Quý đành để hồ sơ lại và ra về.

Đúng một tháng và bốn ngày sau, Quý cầm được tờ giấy phép trên tay. Nơi đi là thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đến là Hà Nội. Phương tiện di chuyển là tự túc. Lý do là thăm mẹ hấp hối. Lời dặn  kèm theo là khi tới nơi phải trình diện ngay cơ quan Công an sở tại để lấy dấu đến và dấu đi. Cuối cùng, đúng như ở Phường họ đã cho hay, cái giấy phép của Quý quả thực do công an Thành phố cấp cho thật.

Có được tờ giấy trên tay, Quý bắt đầu tính tớí chuyện mua vé di chuyển. Đi được phản lực Illyuchine l8 là nhất, nhưng vé chỉ bán cho cán bộ công an đi công tác hay nếu thừa chỗ thì dành bán cho cán bộ nghỉ phép. Quý không phải là cán bộ. Cái thứ nhân viên hạng bét của Hợp Tác Xã thì chỉ là diện nhân dân, dù là loại nhân dân có công ăn việc làm hẳn hoi chứ không phải loại nhân dân cặn bã, theo kiểu con phe, móc ngoặc, chợ trời, hay trốn từ vùng kinh tế mới về không có hộ khẩu.

Những loại như Quý thì chỉ ra Bắc được bằng tuyến xe hỏa hay bằng tầu biển Thống Nhất. Đi tầu biển thì nhanh hơn xe lửa được một ngày, nhưng mỗi tuần chỉ có đâu một, hai chuyến và Quý cũng sợ say sóng nữa. Đi xe hỏa thì chậm hơn nhưng ngày nào cũng có chuyến ra vô. Hành trình từ Nam ra Bắc mất hai ngày rưỡi nếu không có gì trục trặc giữa đường. Điều này hơi khó xẩy ra, vì tuyến đường sắt hoàn tất từ năm 1976, trong tinh thần mỗi địa phương thi đua hoàn tất một khúc, làm nhanh, làm ẩu, làm không có kỹ thuật nên càng về sau này chỉ cần có nước lũ ào một chút là cả khúc đường trôi đi, đất, đá, đường sắt tả tơi mỗi chỗ một mảnh. Dĩ nhiên, tàu chạy tới đó thì phải ngừng lại để chờ sửa chữa . Nếu phải chữa lâu thì có ô tô tiếp vận, chở hành khách đi qua khu vực hư hỏng để đợi tầu ở chặng kế tiếp .

Nhưng ô tô thì ít hàng khách thì đông, lại phải có màn dấm dúi để được nhận là diện khẩn cấp có quyền ưu tiên. Quý dự trù là bỏ rẻ cũng phải mất một tuần để ra tới nơi kể từ khi bắt đầu đi xếp hàng mua vé.

Theo kinh nghiệm của những bà đã ra Bắc thăm chồng học tập thì Quý ra ga Bình Triệu xếp hàng từ mười hai giờ khuya hôm trước. Gọi là xếp hàng thôi, chứ  thật sự là tới cửa guichet trải chiếu ra mà nằm. Ai nằm trước là có chỗ trước. Ai chậm chân để đúng 8 giờ sáng hôm sau, giờ mở cửa mới tới thì kể như không còn chỗ mà chen vô. Cả khu vực rải rác quanh nhà ga trông y như một cái chợ người. Chiếu, mền giải san sát trên khắp lối đi. Người đông như nêm cối có người ngồi bó gối, có người nằm vật trên đống đồ đạc lủng củng, có người ngồi thu lu trên những chiếc thùng giấy buộc chằng chịt đủ thứ nồi niêu, rổ bát đĩa, khung xe đạp, có người ‘‘xi’’ con tại chỗ vì rời  đi là mất đồ mất đất đứng, mất lượt mình.

Chen vào đó là đủ loại hàng quà, hàng bánh, hàng nước trà đá, hàng thuốc lá lẻ do những cô bé, cậu bé đạp tướỉ lên mọi chỗ mà đi, mồm rao, mắt láo liên dòm chừng xem có ai gọi tới. Mỗi khi có khách vẫy là bổ nhào lại, lách qua ba bốn cái chiếu, đạp qua hàng rẫy thùng đồ. Tiếng người la, tiếng trẻ con khóc, tiếng nạt nộ chửi rủa tất cả tạo thành một bầu không khí hỗn loạn, ồn ào từ sáng đến khuya, từ khuya đến chiều chẳng lúc nào người bớt đi, vì đợt này đi, đợt kia tới, hành khách ở Sài Gòn đã đông, lại còn đám ở lục tỉnh kéo lên ăn rầm nằm rề năm bẩy ngày liền mới mua được cái vé nữa. Đó là chưa kể toàn bộ cái không khí náo nhiệt đó còn được tẩm đẫm bằng một loại mùi khẳn khẳn, nồng nặc kết hợp bởi mùi hôi, mùi quần áo lâu không giặt, mùi đầu tóc bê bết bụi và cát, cả những mùi khó phân biệt của những vỏ trái cây, vỏ lá bánh, và đủ loại rác rưởi khác vứt tùm lum la liệt ở khắp mọi nơi.

Đấy mới chỉ là giai đoạn nằm chờ. Cho đến khi cánh cửa guichet được mở ra vào lúc 8 giờ thì quang cảnh hỗn loạn mới thực sự được diễn ra. Người ta phải đánh võ để dành một chỗ đứng gần ánh mặt trời. Kẻ sấn tới, người chen lui, lắm anh chơi càn leo tuốt lên thùng đồ cao nhất rồì đu qua cổ, qua vai những người chung quanh để nhào lên trước. Các bà, các cô chửi toáng lên vì bị lợi dụng thời cơ. Có anh phát hiện bị rút mất bóp tầm phơi la làng lên như đang bị chọc tiết. Những cái cùi chỏ được vung ra. Những cái túm tóc, túm áo, kéo vai, kéo cổ thuộc đủ ngón võ được sử dụng. Trong khi ấy tiếng micro vừa rít lên từng hồi phóng ra những tiếng vừa chói tai, vừa buốt óc kêu gọi các đồng bào, đồng chí giữ trật tự để thể hiện tác phong con người mới xã hội chủ nghĩa.

Lọt được vào tới cửa guichet là kể như xong được màn đầu của vấn đề mua vé. Ở đây, chưa có bán vé mà mới chỉ là lấy được con dấu "đăng ký" của phòng Công an thuộc tuyến đường sắt. Đồng chí công an chỉ hé cái cửa cho đương sự thò được đúng cái bàn tay để lùa vào đó tấm giấy phép đi đường. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, nếu thấy hợp pháp, đồng chí đó sẽ áp cho hai cái triện son. Một triện ghi dòng chữ: Đã "đăng ký".Và một triện tròn, dấu hiệu của cơ quan.

Không qua thủ tục này thì không được mua vé, ở đâu cũng vậy, dù là đi ô tô, đi xe lửa, đi tầu biển hay là máy bay. Trên nguyên tắc, lấy xong dấu của Công an thì có quyền đi mua vé. Nhưng muốn mua vé thì lại phải xách chiếu đi ngủ thêm một đêm y như lần trước nữa vì chỗ guichet bán vé, người đứng chờ cũng đã chật như nêm cối rồi. Họ là những người đã xin được con dấu của phòng công an trước đó một ngày. Như vậy nếu thủ tục mua vé xuôi rót, không có chuyện gì trục trặc xẩy ra thì mỗi hành khách cũng phải mất vô đó hai đêm và hai ngày. Đạt được cái điều đó phải kể là kỷ lục về mau mắn. Nhiều người đã phải mất tám ngày mới mua nổi cái vé, vì lý do hôm có tầu chạy xuôi rót thì chen không vô lọt guichet, tới hôm nhào càn được tới guichet thì Cục Đường Sắt báo tin đường lở ở khúc Tam Kỳ, chuyến tầu phải đình hoãn. Mà hễ tầu đã hoãn một chuyến là y như rằng có chuyện dồn cục lại, người đã đông càng thêm đông.

Nhưng dù khó khăn thế nào thì Quý cũng phải vượt qua, vì đó là con đường duy nhất để chàng có thể tìm được về thăm mẹ sau một phần tư thế kỷ phân ly. Cầm được cái vé to bằng hai ngón tay, in mầu xanh trên loại carton dầy, Quý tự hào rằng mình đã làm được một kỳ công, mặc dù mặt chàng sọp đi thấy rõ, hai con mắt quầng thâm lại như hai lỗ đáo. Bây giờ là lúc chàng có thể nghĩ tới việc chuẩn bị hành trang để chờ tới đêm mai lên tầu, chủ yếu là vấn đề quà cáp, lựa chọn thứ gì đem ra tới nơi mẹ chàng có thể bán ra được giá. Trong đầu, Quý đã có một danh sách đủ loại để mua: Kim may, chỉ thêu, bật lửa, khóa đồng, phẩm nhuộm, cau khô, căm xe đạp, áo len, váy đầm con nít.....thôi thì đủ loại, chỉ sợ không có tiền và có sức mà mang đi.

Mãi tới xế chiều hôm đó, Quý mới đạp xe trở về nhà, trên tay lái đằng trước, porte-bagage đằng sau khệ nệ đủ loại đùm và túi xách. Hai mươi lăm năm mới có một lần, Quý dốc hết vốn liếng để về thăm nhà một chuyến. Biết sau khi ra lần này rồi có khi nào có dịp mà đi lần nữa?

Khi tới nhà, Quý đã thấy một tờ điện tín gài sẵn ở cánh cửa. Chàng ghếch xe vội vã lên bờ tường và mở ra đọc. Nội dung vỏn vẹn có sáu chữ: "Mẹ hấp hối thật. Ra ngay!"

Quý cảm thấy choáng váng khi nhận được cái tin mới nhất này. Bây giờ nó là thứ thật chứ không phải trò đùa như hai tháng rưỡi trước đây. Nghĩ đến cả một công trình sắp đặt để có một chuyến đi, Quý không ngờ rằng bao nhiêu lo toan của mình nay đã đắc dụng, kịp thời một cách không thể có gì kịp thời, hoàn hảo hơn. Chàng sẽ ra ngay ngày mai đúng như lờỉ trong điện tín yêu cầu. Nghĩ đến cái vé còn nằm lọt thỏm trong túi áo, Quý chợt mỉm cười tự mãn.

Có lẽ ở trên đời này chỉ có Quý là kẻ duy nhất đã có thể cười được khi nhận được tin mẹ mình đang thực sự hấp hối!

Nhật Tiến
Santa Ana tháng 6,1983
 

Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved