Máu và mồ hôi của tài xế giao thức ăn ở Seoul

 

Mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của Park Junghoon là kéo những két nước chai ra khỏi tủ đá.  Với độ ẩm cao và nhiệt độ không khí 30oC, những chai nước nhanh chóng bị lớp ẩm lạnh bao bọc. Anh chất những két chai này lên xe máy 2 bánh rồi đem giao tới những tủ chứa nước giải khát rải rác khắp Seoul. Những tủ này phục vụ cho nhân viên giao thức ăn.

Nam Hàn đang giữa mùa hè với nắng nóng kỷ lục. Dịch vụ giao đồ ăn đang gia tăng vì người ta thích cố thủ trong nhà gắn máy lạnh. Những cực nhọc cho nghề nghiệp này ngoài trời nắng là mũ và áo quần bảo hộ nặng nề cho người lái mô tô, đường phố đầy xe cộ và leo thang bộ với túi đồ ăn cồng kềnh.

Nhưng có cái còn tàn nhẫn hơn trời nóng: giá xăng đã tăng lên 2,117 won (1.60 USD) một lít vào tháng 7/2022, so với 1.20 USD năm trước.

Tài xế giao thức ăn được trả theo chuyến, từ 2,500 won (1.88 USD) đến 7,000 won (5.30 USD). Giá công này tính theo thuật toán, dựa vào khoảng cách, thời điểm trong ngày và thời tiết. Tỷ dụ nếu giao hàng vào lúc mưa gió thì tiền công cao hơn. Thế mà công ty lại không tính gì đến giá xăng.

Park nói: giá xăng tăng, thu nhập của chúng tôi giảm. Anh sợ mỗi lần phải đổ đầy bình. “Lúc người bán xăng hỏi tôi muốn đổ bao nhiêu lít, miệng tôi run rẩy. Lúc đổ xăng xong, còn vài giọt rơi xuống đường, tôi cảm thấy như đó là mấy giọt máu của tôi vậy”.

Park nhấn mạnh rằng giá xăng cao, giá sinh hoạt cao không phải chỉ là vấn đề tài chính cá nhân mà còn là vấn đề an ninh công cộng.

 

Công nhân đổ máu là chuyện bình thường.

 Giá xăng cao nghĩa là muốn giữ mức thu nhập như cũ thì phải làm việc nhiều hơn. Nhưng tài xế giao thức ăn không muốn làm nhiều giờ hơn thì phải chạy nhanh hơn. Tài xế phải tiết kiệm thời gian bằng cách ăn uống vội vàng qua loa và uống ít nước hơn để tránh phải đi tiểu.

Park nói những yếu tố trên làm lái xe trong thành phố trở nên nguy hiểm hơn.  “Đường phố thành bãi chiến trường”. Ngoài công việc tài xế, Park còn phải điều hành Rider Union, một nghiệp đoàn tài xế giao hàng có khoảng 1,000 hội viên, từ sinh viên đến chủ xe bán thời gian và toàn thời gian.

Park đã chứng kiến nhiều tài xế vẫn phải đi lái xe dù vẫn còn thương tích tai nạn xe cộ chưa lành. Theo luật lệ Nam Hàn, tài xế giao hàng cũng như những công nhân nền kinh tế kỹ thuật số bị coi là người làm việc tự do tự chủ chứ không phải công nhân làm thuê cho công ty bán hàng. Vì thế, họ không được những quyền lợi của công nhân như lương tối thiểu, nghỉ lễ, bảo hiểm tai nạn lao động.

Những năm gần đây, nhiều yếu tố tổng hợp lại làm bùng phát ngành giao đồ ăn. Doanh số kỹ nghệ này tăng vọt từ 7 tỷ USD năm 2019 lên 13 tỷ năm 2020 và 19 tỷ năm 2021.

Park nói tài xế giao đồ ăn không hưởng gì từ sự tăng trưởng vượt bậc này. “Nếu chúng tôi làm đổ đồ ăn, công ty và khách hàng bực bội. Còn khi chúng tôi đổ máu của chúng tôi, không ai để ý”. Park nói nhỏ nhẹ, không mỉa mai. Anh mặc áo thun trắng, quần kaki trong buổi sáng tháng 7 mà nhiệt độ đã lên đến 30oC lúc mới 10 giờ.

Giá xăng tăng chỉ là một phần trong giá sinh hoạt tăng ở Nam Hàn. Giá sinh hoạt tăng làm cho đời sống của một bộ phận dân chúng, trong đó có nhóm tài xế giao thức ăn này, trở nên bấp bênh. Lạm phát đạt mức cao nhất trong 24 năm qua, giá thực phẩm và tiền thuê nhà vượt quá ngân sách gia đình.

Tổng Thống Yoon Sukyeol trong cuộc họp nội các hồi tháng 7 nói rằng chính phủ đang thực hiện các biện pháp giúp đỡ dân chúng về nhiên liệu và thực phẩm bằng cách giảm thuế nhập cảng.

Yoon gọi công tác này là “vấn đề sống chết”, thêm rằng: “khi kinh tế suy thoái, người chịu thiệt hại nhất là nhóm có lợi tức thấp”.

 

Bất bình đẳng tại Busan

 Park sinh ra trong gia đình lao động ở Busan, thành phố cảng bờ đông nam của Nam Hàn. Thuở nhỏ anh sống ở Beomil-dong, khu xóm nghèo với những đường hẻm nhỏ gần cái cảng biển vĩ đại. “Kinh tế dù khó khăn nhưng gia đình sống hạnh phúc”, Park có những kỷ niệm yêu dấu về cái tình làng xóm thân thương.

Anh trở nên có ý thức về sự bất bình đẳng sâu sắc của nước nhà khi ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời mọc lên, cái cảng thương mại tỏa rộng dần theo bờ biển, đẩy ngư dân và dân chúng ra ngoại vi xa.

Từ phòng nghiệp đoàn Rider Union dưới tầng hầm, Park nói: “Tôi bị ấn tượng mạnh bởi sự bất bình đẳng tài sản của đất nước, một nhóm người sở hữu tài sản lớn và kiếm tiền từ khối tài sản này trong khi đa số phải làm việc cật lực để tạo tài sản, mà càng ngày càng khó”.

Thời trẻ tuổi, anh tìm thấy an ủi trong những tác phẩm khai thác chủ đề bất bình đẳng và bất an xã hội. “Dẫy núi Taebaek”, 3 tiểu thuyết  lịch sử của Jo Jung-rae với bối cảnh là thời kỳ đế quốc Nhật đô hộ Hàn Quốc, gây ấn tượng mạnh nơi anh. Tiểu thuyết này mô tả xung đột sâu sắc giữa nông dân và điền chủ vào thời kỳ đa số nông dân phải trồng lúa để xuất cảng qua Nhật.

Những câu chuyện này là động lực để anh lên tiếng cho công nhân. Anh học về chính trị ở đại học, trở nên hoạt động tích cực trong đại học xá, tham gia thảo luận và cổ võ quyền lợi cho sinh viên khuyết tật. Sau khi tốt nghiệp và dọn về Seoul, anh làm tài xế giao hàng cho McDonald’s vì công ty cung cấp bảo hiểm sức khỏe và vì giờ làm việc linh động cho phép anh tham gia các hoạt động chính trị xã hội.

 

Gia tăng phí giao hàng

Qua năm tháng, hoạt động xã hội của Park dần dần chiếm nhiều thì giờ hơn. Anh chỉ đi giao đồ ăn vào cuối tuần còn trong tuần thì làm việc cho Rider Union ở văn phòng nằm phía tây của Seoul. Suốt ngày anh họp với các tài xế giao hàng. Họ đến chia xẻ với anh những kiện cáo của họ với chủ nhân và nhờ anh khuyên bảo cách hành động.

Vào đầu tháng 7, anh tiếp Ryu Ho-jeong, chính trị gia cánh tả nổi tiếng mới 29 tuổi, là nhà lập pháp trẻ tuổi nhất nước. Bà đang thúc đẩy một đạo luật mới nhằm gia tăng thêm quyền lợi cho tài xế giao hàng, tỷ dụ tiền công giao hàng cao hơn  cũng như thiết lập đường giây nóng để tài xế báo cáo những lạm dụng. Sau khi gặp Park, Ryu tuyên bố trên Facebook rằng: “Cuối cùng, công nhân giao hàng đặt trên tuyến (online) là những người giúp cho sinh hoạt của khu phố được liên tục”.

Park và Ryu kêu gọi các công ty trả cho tài xế giao hàng một mức lương tối thiểu bảo đảm họ sống được với giá sinh hoạt gia tăng và bản chất khó khăn của việc giao hàng.

Khủng hoảng giá sinh hoạt càng cho thấy xã hội Nam Hàn cần đến lao động để vận hành. Tài xế xe tải đình công toàn quốc hồi đầu hè để phản đối xăng lên giá. Giống như tài xế giao thức ăn, tài xế xe tải cũng được trả theo từng chuyến và thu nhập của họ cũng bị giá xăng đe dọa.

Cuộc đình công xuất hiện trên trang đầu báo chí, đe dọa gây thiếu hàng hóa tiêu dùng và ảnh hưởng tới những xí nghiệp lớn nhất nước, tỷ dụ như nhà sản xuất thép Posco, nhà sản xuất xe hơi Hyundai. Chưa đầy một tuần mà các công ty thiệt hại 1.2 tỷ USD. Cuối cùng thì các tài xế xe tải thắng lợi. Chỉ sau vài ngày đình công, chính phủ cho áp dụng phí chuyên chở tối thiểu cho mỗi chuyến xe.

 

Quyền lợi tài xế giao hàng

 Bây giờ thì Park không còn lên kế hoạch đình công lớn vì anh không cảm thấy thoải mái với những chiến thuật đối đầu như vậy. Anh gặp phải thử thách trong việc tập hợp các tài xế giao hàng, nhiều người làm việc cho hơn một chủ. Những tài xế này dùng phần lớn thời gian làm việc một cách đơn độc riêng lẻ, dùng điện thoại di động tìm đơn đặt hàng mới, không tương tác gì với các đồng nghiệp. Do đó, công tác đầu tiên của Park là thuyết phục họ kết đoàn vì lợi ích chung. “Đây là vấn đề thuyết phục và giáo dục. Rất nhiều tài xế giao hàng đặt trên tuyến không có thời gian tìm hiểu quyền lợi của mình theo luật định và làm thế nào cải thiện điều kiện lao động của mình”.

Thí dụ , kể từ đầu năm 2022, tài xế giao hàng được quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ, vậy mà Park nói một số tài xế chưa biết như vậy.

Park mong mùa hè nóng bức qua đi để anh không còn phải đi giao nước uống ướp lạnh mỗi buổi sáng. Nhưng anh biết rằng khi nóng bức của mùa hè qua đi thì chẳng bao lâu mùa đông lại mang gió buốt và đá trơn về đường phố. Mùa hè anh sợ giao sushi vì khách hàng muốn nhận sushi còn lạnh nhưng mùa đông anh lại lo lắng vì khách hàng muốn nhận thức ăn còn ấm nóng. Món nhức đầu muôn thuở là pizza, thời tiết nào thì cũng khó giữ pizza dẹt phẳng và rất khó mang pizza qua những hành lang hẹp của các tòa nhà.

Park lấy vợ đầu năm nay. Vợ anh là cựu nhân viên nghiệp đoàn nhưng hiện nay làm việc lau chùi nhà cửa. Hai vợ chồng cân nhắc việc có con. Anh lo lắng rằng việc làm bận rộn của anh không cho anh thì giờ săn sóc con cái. Nam Hàn nằm trong số những quốc gia có chi phí nuôi con đắt nhất thế giới. Mà ngoài chi phí nuôi con còn là giá sinh hoạt chung không ngừng gia tăng.

Hiện nay, anh hi vọng cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt dẫn đến ý thức cao hơn về quyền lợi tài xế giao hàng đặt trên tuyến.  Anh tiếp tục công việc tập hợp các tài xế. “Là phần tử của phong trào này mang lại cho tôi niềm vui”.

 

Steven Borowiec

"Cost of living: Blood, sweat for a Seoul food delivery driver"

Al Jazeera

© Bản Việt ngữ Hoàng Hải Hồ


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved