Giới thiệu tác giả Hà Lê

Người Việt Nam tại tỉnh bang Quebec có tiếng là thành phần trí thức. Cho nên cũng lắm văn tài. Ngoài Hải Phong và Sỏi Ngọc, nay vietvancouver.ca lại hân hạnh có thêm sự cộng tác thường xuyên của nhà văn Hà Lê.

Hà Lê tên thật Hà Lệ Dung, định cư tại Canada từ năm 1981. Vợ chồng Hà Lê hiện sống tại thành phố Montreal, có ba người con trai đều đã trưởng thành.

Hà Lê yêu thích phong cảnh thiên nhiên hoang dã, chăm sóc cây cảnh bông hoa, làm bánh trái, thích nghe nhạc, đọc sách, chụp hình....

 

 

 

 

 

 

 

 

Loki đi học

 

Nhà tôi có máu di truyền là sợ..... chó mèo. Nhưng đến đời cháu Nội Ngoại tự nhiên khựng lại, gien di truyền bị biến chứng, đám cháu nhỏ vùng lên, đứa nào cũng mơ màng được ôm con chó con mèo để chơi.

Mỗi khi đi ngoài đường thấy con chó từ xa xa là anh chị em tôi quẹo đường khác, tránh... chó chẳng xấu mặt nào. Mà lỡ có chạm mặt nhau, con chó mới hếch hếch cái lỗ mũi về phía mình là hét ré lên hoặc a thần phù bỏ chạy. Giống chó lạ lắm, cành hét càng chạy thì nó càng sủa và đuổi theo, biết vậy nhưng phản xạ tự nhiên, cứ hét trước rồi chạy sau.

Gần nhà có mấy bác hàng xóm biết tụi tôi sợ chó, mấy bác cứ dặn: “ thấy chó đừng có sợ, đường ta ta cứ đi, mình không chọc nó, nó không cắn mình “. Vâng dạ đã đời nhưng thấy nó thì bao lời dặn dò quên tuốt luốt. Thoát được con chó mới nhớ lời của mấy bác.

Hồi đám con tôi còn nhỏ, tụi nhóc tha thiết xin được nuôi con chó con trong nhà, câu trả lời của tôi vẫn trước sau như một “ không chó mèo gì hết! “

Mấy thằng nhóc nghỉ hè nên gia đình qua Washington DC chơi, đến nhà người em họ bên chồng, nhà này có nuôi con chó khá lớn, đám con xúm xít quanh con chó không buồn đi chơi nữa, hết rờ lại vuốt, con chó sướng mê tơi, nằm im thin thít.

Ba anh em chơi chó cả buổi, tôi sợ em nhỏ Cát Minh bị suyễn vì lông chó nên ra lệnh chỉ được rờ con chó thêm ba cái rồi đi tắm rửa thay quần áo, thằng bé nghe thế ngẩn ngơ. 

Cô cháu gái thấy tội nghiệp thằng em nên bầy cho Cát Minh:
- Em cứ để tay lên con chó đừng rút tay ra, vì mỗi lần nhấc tay lên là bị tính một cái!
Được quân sư chỉ dẫn, thằng con sung sướng quá, vuốt ve riết mà bàn tay không rời khỏi con chó, tôi đành ngồi lom lom mắt nhìn bàn tay con để đếm vì lỡ nói được rờ ba cái!

Đó là chuyện từ hồi xửa hồi xưa, hơn hai chục năm trước, không thấy đám nhóc nhắc nhở mình đã mừng thầm trong bụng, ai ngờ tụi nhỏ chỉ đợi ngày ra riêng để được tự do nuôi chó!

Hôm gần cuối năm, hai anh lớn cùng phone nói chủ nhật không về ăn cơm. Chủ nhật tuần sau tôi đang sửa soạn bữa cơm chiều, anh lớn về, vừa nghe tiếng “ chào Mẹ “ cùng lúc với tiếng “ gâu ....gâu...” ồn ào, thì ra tuần trước  hai anh em không về vì bận đi mua chó! Con chó con cũng xinh đẹp, mặt nó trông hiền, anh Nam đặt tên nó là Loki.

Tội nghiệp, con chó con mới chín tuần tuổi, xa cha xa mẹ, không anh chị em, tuần đầu về nhà mới nó cứ nằm rúc trong cái mền khóc rưng rức, thật tình tôi không thích chó mèo mà nhìn cảnh này cũng thấy nao nao, nói theo kiểu Má tôi là nhìn mà nẫu cả ruột gan, đã có lúc tôi cầm lòng không được định nói thằng con đem trả nó về nhà cũ.

Mỗi chủ nhật về ăn cơm Gia Nam đều dắt con chó theo. Vài tuần sau con chó bắt đầu làm quen với người thân trong nhà. Bước vào nhà thấy đông người nó mừng lắm, nhảy chồm lên quấn quýt ông chồng tôi và hai anh nhóc. Vốn ít nói nhưng từ ngày có con chó con, nó nghịch ngợm chạy loăng quăng như đứa con nít, anh Nam đâm bặt thiệp hơn, cả nhà phải nghe ra rả suốt “ arrête, non, coucher, assieds-toi.... », nhức cả đầu.

Lúc đầu nó còn chạy theo tôi, sợ quá tôi nhảy tót lên bàn hét ầm lên, con chó ngơ ngác đứng nhìn. Dần dà nó biết cái bà này không thích nó đến gần nên chỉ đứng ở ngưỡng cửa bếp sủa “ gâu..gâu..” vài tiếng để chào hỏi.

Nhưng tôi vẫn không chắc ăn, khoảng giờ thằng con về là hai cái ghế được chắn ngang lối vào trong bếp, trông không khác gì lô cốt ngăn ngừa bạo động. Thằng em nhỏ đi kể cho bạn bè nghe, tụi bạn đòi nó chụp hình cảnh tượng quái đản này, xem xong đứa nào cũng cười bò lăn.
  
Mùa hè khoai lang rẻ quá chừng, tôi mua cả chục ký về sấy khô, sau bữa cơm chiều chủ nhật tôi đem khoai sấy ra mời mấy thằng nhóc ăn, anh Gia Nam trợn tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi:
- Sao Mẹ biết Loki thích ăn khoai sấy?
- Hả? Ai nói con là Mẹ sấy khoai cho Loki, Mẹ sấy cho nhà ăn mà.
Để chứng minh, anh Nam cầm miếng khoai giơ ra, Loki nhẩy lên ngoạm ăn ngon lành, thế là sau khi cả nhà ăn mỗi người vài miếng, phần còn lại được gói về cho em chó.

Bây giờ đám con ở riêng, việc bếp núc cho hai người già cũng nhẹ nhàng nhiều nhưng ngược lại tôi có thêm một job mới: Sấy khoai cho Loki! 

Lần nọ ra trả tiền, cô bán hàng nhìn tôi cười cười:
- Chị đâu có mập mà phải giảm cân.
- Chị có giảm cân bao giờ đâu.
- Khoai lang mùa này rẻ thiệt nhưng chị đừng ăn nhiều quá, ốm được chút xíu lại bị tiểu đường đó, khoai lang mật ngọt lắm.

Trời đất quỷ thần ơi, té ra lúc này đi chợ tôi cứ èng èng đẩy cả đống khoai lang là cả chợ người ta kháo nhau tôi ăn khoai giảm cân. Nhiều khi cô bán hàng lịch sự nói vậy chứ không chừng người ta nghĩ tôi hà tiện ăn khoai vì nó rẻ. Thật là oan ơi ông Địa! Từ hôm đó muốn mua khoai tôi phải đi hai ba chợ khác nhau để khỏi bị đồn giảm cân.

Con chó con thuộc giống Labrador, mới một tuổi nó đã cao nhồng nhồng, nhìn to con lớn xác nhưng nó vẫn như đứa con nít, cũng nhõng nhẽo, nghịch phá... thế là cả nhà đổ thừa thằng con nuông chiều nên nó hư. Một hôm thằng em nhỏ đi làm về ghé nhà tôi ăn cơm, nói chuyện lung tung nó chợt nhớ ra:
- Cha Mẹ có biết anh Nam đi học mỗi trưa thứ bảy không?
- Anh Nam học cái gì nữa, chỗ làm bắt học thêm hả?
- Không, anh Nam dẫn con chó đi học.
- Cái gì? Đi học với con chó?
Thằng con giải thích:
- Mình dẫn con chó đến, người ta dạy cho mình cách huấn luyện con chó.
- Anh Nam cũng phải học chung à?
- Phải vào học chung để về nhà biết cách dạy nó chứ.
- Học bao lâu?
- Một khoá học là mười cuối tuần, mỗi lần học một tiếng. Cuối khoá còn phải thi, đậu thì mới được lên lớp cao hơn.

Lần đầu tiên trong đời, nếu thằng con không nuôi chó tôi cũng không biết có cả trường học dạy chó. Lại còn phải thi tốt nghiệp nữa.
- Cha Mẹ có muốn đi vào xem thử người ta dạy không?
- Người ta cho mình vào xem à?
- Cho chứ, tuần trước con có đi chung với anh Nam nè.

Ráng mãi tôi mới thu xếp được một buổi trưa thứ bảy rảnh đến xem ông con đi học với chó, lại đúng ngay buổi học chót, ngày thi ra trường của Loki. Lớp học rộng lớn lắm, chắc cỡ hơn ba trăm mét vuông. Có tất cả tám em chó đi thi, một huấn luyện viên chính và hai huấn luyện viên phụ cùng theo dõi chấm điểm. Sát tường gần cửa ra vào kê hai dãy ghế cho người nhà, nói nôm na là phụ huynh đi theo ngồi xem.

Lớp vỡ lòng nên chỉ mới dạy một số căn bản huấn luyện cho con chó biết nghe lời, tập tánh kiên nhẫn.... Lúc chưa đi học, cầm miếng đồ ăn đưa ra là con chó nhẩy ra đớp liền, bây giờ đồ ăn để ngay trước mặt, bảo nó chờ mười, hai chục giây thì con chó nằm im chờ, chừng nào ra dấu cho phép nó mới chạy ra xực....

Gần cuối buổi học, sau khi mấy người huấn luyện viên quần với đám chó hơn bốn chục phút, đến giờ trao bằng tốt nghiệp, cũng hồi hộp lắm. Chủ và chó đều mặt mũi nghiêm trọng đứng chờ đợi, chủ thì sợ con chó cưng của mình thi rớt mất mặt anh hùng, riêng em chó chẳng hiểu gì đâu nhưng mặt mũi phờ phạc, vì đi học phải mệt hơn ở nhà nhong nhỏng chơi.

Vậy mà có vài em bị rớt. Cũng lãnh bằng nhưng chỉ là văn bằng chứng nhận theo học khoá căn bản, em nào đậu thì có bằng tốt nghiệp để lên lớp kế tiếp. Mà quên, còn có lãnh phần thưởng nữa chứ. Đậu rớt gì cũng có phần thưởng: một bao đồ ăn chó gói giấy bóng kính thắt nơ đàng hoàng. Loki của anh Nam nhà tôi thi đậu. Thằng con dẫn con chó đi về mặt mày tươi rói.

Lần khác thằng em nhỏ phone về hỏi thăm Mẹ, bên kia đầu dây thằng nhỏ cười hinh hích nói:
- Hôm nay anh Nam đi bác sỹ.
- Anh Nam bịnh gì vậy, sao không nói với Mẹ.
- Không, anh Nam dẫn Loki đi khám bịnh, khám tổng quát.
- Nuôi chó sao mà đủ thứ nhiêu khê quá vậy?
- Chưa hết đâu, chiều nay dẫn con chó đi cắt móng chân.
- Trời, Mẹ co chân lên cắt mỏi gần chết cũng không dám ra tiệm, con chó lại được đi tiệm cắt móng.
- Cắt ở nhà thì phải có hai người, một người cắt một người giữ nó.
........

Một buổi trưa cuối tuần, tôi đang lúi húi nhổ cỏ dại nghe tiếng ồn ào ngoài trước, chạy ra xem thì thấy mấy anh em đứa dẫn con chó, đứa cầm cái piscine bằng nhựa vào sân sau, em nhỏ Cát Mình cười toe toét bảo tôi:
- Anh Nam mới mua cái piscine cho con chó tắm.

Thấy con chó tôi vội vàng rút lui lên patio đứng nhìn xuống, mấy anh em xịt đầy nước rồi lôi Loki vào piscine, con chó thấy lạ sợ quá loanh quanh chạy trốn. Người và chó chạy rượt đuổi nhau quần nát cả sân cỏ và đám rau non vừa trồng. Thấy vậy tôi quát:
- Loki, không được hư, đứng lại.
- Mẹ, sao Mẹ lại nói tiếng Việt với Loki, nó không hiểu đâu, ở nhà anh Nam nói tiếng Tây với nó mà.
- Nói tiếng Việt nó nghe riết rồi sẽ hiểu.
- Nó là con chó mà, nói hai ba thứ tiếng nó bị lẫn lộn hết.
- Cho nó học thêm sinh ngữ càng tốt chứ sao. Hồi mấy con còn nhỏ ở nhà Mẹ nói tiếng Việt đến chừng đi học Cô giáo nói tiếng Tây mấy con cũng hiểu vậy.
- Trời ơi, Mẹ.
- Không Mẹ con gì hết, Mẹ chỉ nói tiếng Việt với Loki thôi. 

Nói tới cái vụ cho con chó học hai ba thứ tiếng với mấy thằng nhóc, tôi chợt nhớ đến câu chuyện buồn cười cũng liên quan tới mấy con chó lúc tôi về Việt Nam thăm gia đình. Nhà chồng tôi nuôi nhiều chó lắm, đến bây giờ tôi vẫn không biết trong sân nhà có bao nhiêu con.

Mỗi khi về Việt Nam hai vợ chồng tôi ở gian nhà cạnh nhà Má chồng, chỉ cách một cái sân nhỏ chừng mười mét, thế mà những năm đầu mới về cũng khá gian truân. Tôi như bị bó giò bó cẳng, vườn tược rộng thênh thang, nhà trồng khá nhiều loại cây ăn trái mà tôi lại thích cây cối hoa lá cành nhưng chẳng bao giờ được tự do ra ngắm hoa cỏ vì đi đến đâu cũng đụng độ mấy con chó. Chỉ đành chết dí trong nhà ngồi nhìn .... nắng !

Một hôm đứng thập thò ở ngưỡng cửa bếp nhìn ra sân sau thấy cây bưởi trĩu cành, trái đong đưa lủng lẳng thấy ham quá. Ăn cơm xong, cả nhà đều ngủ trưa, tôi khều ông chồng vác máy ra chụp một ít hình cạnh cây bưởi để về Canada khoe cho mọi người lác mắt chơi.

Rón rén men theo bờ tường, vừa đứng õng ẹo cạnh chùm bưởi thì một loạt tiếng sủa vang rền khắp mọi hướng, rồi đám chó từ góc vườn, sân trước sân sau....cùng xộc tới, tôi hốt hoảng chạy vội ra, ông chồng tôi nhanh tay bấm được vài tấm cảnh bà vợ mình bị....chó.....truy sát!

Ông chồng tôi vừa đi vừa đuổi chó, ra tới trước sân đã thấy mọi người nhốn nháo tưởng có trộm. Chỉ vì mấy tấm hình mà đại náo, đánh thức hết cả nhà. Chừa, không bưởi cam gì nữa!

Ngày ngày, tôi loanh quanh trong nhà, nhìn chừng ra sân, thấy bóng dáng ai hoặc ông chồng đi qua bên Má chồng thì tôi a thần phù đi theo, chó sủa mặc chó, bớt sợ. Chơi chán muốn trở qua tôi cũng lại chờ người để quá giang xe đò.

Một lần nọ hai đứa đi qua, vừa bước ra sân mấy con chó đang nằm phơi nắng bật ngay dậy sủa inh ỏi, ông chồng tôi đi trước nạt mấy tiếng:
- Đi dô...đi dô...
Ngay lập tức tụi nó quay đuôi chạy mất hoặc ngoan ngoãn nằm xuống. Khoái chí, tôi nghĩ " à, mình biết cách đuổi mấy con chó đi rồi!".

Tờ mờ sáng hôm sau, ngủ không được tôi bò dậy nấu nồi xôi thập cẩm. Trời sáng rõ, nhìn qua cửa sổ thấy bên nhà Má chồng đã thức, tôi xếp năm đĩa xôi vào mâm bưng qua để ăn sáng, hiên ngang đẩy cửa rào ra đi một mình không cần người hộ tống. 

Vừa nghe tiếng cửa sắt mở, mấy con chó nằm mai phục đâu đó trong sân đồng loạt chạy đến sủa vang rền, tôi nhìn thẳng vào mặt tụi nó quát lên:
- Đi vào..... đi vào....
Lạ quá chừng, mấy em chó không lui mà nghe có tiếng gừ gừ trong miệng, trợn ngược mắt nhìn lại tôi rồi tiếp tục:
- Gâu....gâu..... 
Tôi từ từ thụt lùi vào sân, tiện chân đạp ngay cửa rào đóng lại. Nhanh quá nên một đĩa xôi rớt xuống vỡ tan tành.

Ông chồng chạy ra dẫn tôi đi qua, lần này nghe chồng quát:
- Đi dô...đi dô.....
Mấy con chó cụp đuôi chạy mất, ngồi ăn mà phát tức. Nhất định phải thử lần nữa, đi ra sân một mình và vô tình tôi lập lại câu chồng nói:
- Đi dô.....đi dô....
Em nào cũng im re đi chỗ khác chơi.
Và tôi chợt khám phá ra mấy con chó không biết tiếng Bắc, nó không hiểu chữ..... đi.....vào...!!!!!


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved