Trời bắt đầu vào Xuân, lòng người cũng rộn ràng, tươi tắn. Và cũng là lúc hoa cỏ đua nhau nở. Cả một mùa Đông ngồi bó giò bó cẳng nhìn tuyết rơi trắng xoá nên một sớm mai ngó vườn nhà mình, thấy cây cối đâm chồi nẩy lộc là vui quá xá vui. Trong muôn vàn loại hoa, nhanh nhẩu nhất có lẽ là hoa Đào, vào khoảng cuối tháng ba đến giữa tháng tư.

Thành phố Montreal không có những rừng hoa Đào, chỉ lác đác trong công viên dăm bảy cây thưa thớt hay đi ngang nhà ai đó bắt gặp một vài cây nên muốn xem hoa đẹp cho đã con mắt phải chạy xa. Hơn nữa Canada còn lạnh lắm, tháng này đôi khi tuyết vẫn rơi, hoa cỏ được dịp nằm nướng, lè nhè chưa thèm mở mắt. Nôn quá, gần nhất là chạy qua xem ké nhà ông hàng xóm Washington, xa hơn nữa mua vé máy bay qua Nhật, Hàn.....

Hoa Đào nở còn tuỳ thuộc vào thời tiết, lạnh quá hoa nở trễ, trời ấm quá những chồi nụ vội vã nở bung lại chóng tàn. Nhiều năm liền tôi không đi xem hoa Đào được, năm ngoái tôi mới được tận mắt ngắm. Cả một rừng hoa tươi mát dưới ánh nắng dịu dàng của mùa Xuân, có những cành hoa vươn dài, lả lơi nghiêng mình soi bóng nước bên hồ, thơ mộng đẹp không thể tả!

Nếu ai yêu thích hoa cỏ thì mùa này chạy vòng vòng xem hoa nở cũng bận rộn như ca sỹ chạy show vậy. Hoa Đào vừa tàn chịu khó chờ dăm bữa nửa tháng sẽ được ngắm hoa Mộc Lan ( Magnolia ), loại hoa này thường chỉ trồng trong sân vườn nhà, cũng khá là đẹp nếu cây được trồng chỗ nắng nhiều. Mộc Lan khi nở to xoè cỡ gần bàn tay, hoa có khoảng bốn loại màu: trắng, trắng tím, trắng hồng và vàng. Mùa hoa Mộc Lan thường bắt đầu vào tuần lễ đầu của tháng năm, kéo dài khoảng ba tuần.

Xem hoa Mộc Lan chưa kịp dứt, lại dập dình đến mùa hoa Tulipe vào khoảng tuần lễ thứ nhì của tháng năm. Muốn nhân cơ hội đi chơi cuối tuần tiện thể xem hoa, chạy hơi xa chút xíu, lên Ottawa, khoảng ba tiếng lái xe, lại phải theo dõi ông thời tiết. Gặp lúc trời thương, đừng mưa đừng gió hoa Tulipe có thể khoe sắc khoảng hai tuần, nếu không chỉ cần một trận mưa rào, một chút giông gió...hoa lìa cánh biếc, hồn theo gió vương....chỉ còn trơ lại những cuống hoa mập mạnh, buồn bã đâm lỉa chỉa giơ thẳng lên trời.

Hoa Đào trông dịu dàng đằm thắm bao nhiêu thì hoa Tulipe trái ngược lại, muôn màu muôn vẻ, rực rỡ kiêu kỳ dưới ánh nắng chói chang.

Có một lọai hoa nếu so sánh nhan sắc với hoa Đào chắc cỡ một tám một mười, gọi là xem tạm cho đỡ ghiền, gần nhà không cần phải đi xa tít mù tắt, cách Montreal khoảng nửa tiếng lái xe. Tôi chỉ mới khám phá mấy năm gần đây vì một lần tình cờ đi ngang: đó là hoa táo.

Ngoại ô Montreal rất nhiều vườn táo, đến đây vào khoảng tuần lễ thứ ba của tháng năm chúng ta sẽ choáng ngợp trước những khu vườn bạt ngàn, hoa táo nở rộ một màu hồng nhạt hoặc trắng xoá, trông xa xa không khác hoa Đào là mấy.

Những ngày này chủ vườn cho khách vào tham quan, ngắm cảnh, chụp hình và tổ chức picnic miễn phí. Nhất là dịp cuối tuần du khách đi đông vui như trẩy hội, cây táo thấp chứ không cao lắm nên mình có thể len lỏi giữa những hàng cây chụp hình hay ngắm nhìn từng đàn ong lượn lờ trên những chùm hoa để hút mật.

Một điều đặc biệt là tuần lễ trước khi hoa táo nở rộ thì dưới những gốc cây táo cỏ xanh mướt, êm như nhung mọc lên vô số những cây Pissenlit. Trong vườn táo phân bón đầy đủ nên cái giống cây dại được vào diện ăn theo này phát triển rất mạnh. Lá Pissenlit còn non người ta có thể ăn, nghe mấy bà đầm nói họ ăn sống, trộn dầu giấm.

Có một năm trời lạnh hơi kéo dài, khi tôi vào vườn, hoa táo đang còn búp, õng ẹo chờ nắng ấm thì cả vùng rộng lớn mênh mông những bông hoa vàng bé xíu xiu, là là trên mặt đất, trông như Cúc tiểu muội, mong manh run rẩy trong tiết trời se lạnh, nổi bật trên nền cỏ xanh, đẹp đến ngẩn ngơ nhìn!

Pissenlit là một loại cây dại (tiếng Anh gọi là Dandelion), mọc hoang khắp mọi nơi, chỉ cần một khe hở giữa hai viên gạch nó cũng có thể chui tọt vào, sinh sôi nảy nở phát triển giống nòi từ rễ cây hoặc từ những hạt. Nó sống bất cứ nơi nào, đâu đâu cũng là chỗ đất lành chim đậu.

Đi ngang qua những lẻo đất trống ven đường, dọc theo xa lộ hay trên những triền đồi thoai thoải vào thời điểm này chúng ta dễ dàng trông thấy những thảm hoa vàng rực nổi bật trên nền cỏ xanh biếc. Mãi về sau tôi mới biết loài hoa dại này có cái tên Vietnam rất hay ho, văn vẻ: hoa Bồ Công Anh!

Loại cây này rất khó diệt, khi nó đã chọn nơi đâu làm quê hương rồi thì nó cứ từ từ, nhẹ nhàng, từng bước.... từng bước thầm, rễ của nó ăn sâu vào đất, dài ngoằng ra, đâm ngang đâm dọc qua vùng phụ cận. Tiếp giáp được vùng đất mới nó nhanh chóng đâm chồi, chui lên mặt đất, thở không khí trong lành và chễm chệ xen giữa những khóm hoa, luống rau tươi tốt.

Ở Việt Nam nghe nói Bồ Công Anh là vị thuốc dân gian rất tốt, nhưng ở xứ người ta, nhà nông, người trồng vườn xem nó như kẻ thù, muốn diệt phải diệt tận gốc. Nhổ hôm nay, ngày mai cây con nhú lên như trêu ngươi mình từ miếng rễ bị đứt còn sót lại. Nếu nói về khả năng sinh tồn thì em tuy bé dại nhưng không thua kém bất kỳ anh to con lớn xác nào.

Ngày mới qua, mỗi lần Xuân về, thấy hoa Pissenlit nở trên khắp nẻo đường tôi thích lắm, thậm chí còn bứng nó về trồng trong sân nhà, ai có ngờ đâu vô tình phá hỏng hết cả mảnh vườn, nó nhảy tót cả vào những bụi hoa tôi trồng, chỉ sau vài trận mưa là nó mập mạnh, chen lấn kèn cựa với chúng bạn. Bao nhiêu rau cỏ hoa hoét tôi trồng cứ đành sống thoi thóp, đợi chờ cho qua kiếp nạn.

Chưa chán, nó trèo luôn ra ngoài sân cỏ, không nhổ kịp là bao nhiêu cỏ xanh chết ngắc, cỏ trở nên vàng vọt tiêu điều, chết dần chết mòn. Muốn cứu vườn nhà chỉ còn cách thấy nó đâu nhổ đó. Nhổ cây Bồ Công Anh trong vườn còn dễ vì đất mềm xốp, ngoài cỏ rất khó nhổ, phải dùng dụng cụ đặc biệt, kẹp lấy gốc cây rồi bật lên kéo theo cả rễ nhưng luôn để lại một lỗ khá to. Đi ngang sân cỏ nhà ai thấy nhiều lỗ thủng nham nhở là biết chắc thành tích của Bồ Công Anh.

Ông Trời cũng công bằng với vạn vật, không thương ai cũng không ruồng bỏ ai, tuy sinh nó ra làm loài cỏ dại, bị người đời hắt hủi nhưng ông lại cho nó có một nhan sắc mặn mòi, hoa của nó đẹp không thua kém các loại hoa đồng cỏ nội, mà đời hoa của nó cũng kéo dài, bền bỉ.

Và một đặc điểm kỳ lạ của hoa Bồ Công Anh, dù đất trời có nổi cơn gió bụi, phong ba vần vũ, bao loài thực vật bầm dập tả tơi, Bồ Công Anh cũng không ngoại lệ, ngả nghiêng trong mưa bão nhưng giông tố qua đi, tất cả còn đang ngơ ngác thì hoa Bồ Công Anh đã vươn vai đứng thẳng dậy, hiên ngang sừng sững, ngạo nghễ cùng thế gian....

Mà còn nữa, hoa tàn cũng chưa phải chấm dứt đời hoa, khi hương sắc sửa soạn phai tàn, thì hoa như được thay da đổi thịt, khoác lên người tấm áo mới. Nó bắt đầu hình thành một kiểu hoa khác, những nhụy hoa tua tủa bung tròn, trắng mềm, nhẹ nhàng như những sợi tơ. Mỗi cơn gió thổi qua, cành hoa lại uốn éo nương theo làn gió, lúc này nhan sắc nó không còn vẻ đậm đà quyến rũ mà phảng phất nét ngây thơ, chân chất và mộc mạc.

Rồi đến cái ngày tàn chiến cuộc, nó phải ra đi để làm sứ mạng thiêng liêng của gia tộc nhà Bồ Công Anh, trong mỗi sợi tơ có một hạt giống, nó nương theo làn gió, lơ lửng bay bay gieo giống khắp mọi nơi. Gió thổi, tơ hoa cứ bay....bay mãi...bay mãi.... đẹp vô cùng tận.

Có lần tôi được xem một đoạn ngắn về câu chuyện tình trong phim Tàu đã nói về loài hoa dại này.

......Người con gái tiễn người yêu đi xa, cuộc chia tay không hẹn ngày tương ngộ. Cô gái ngắt một đóa hoa dại bên đường trao cho người yêu. Chàng trai cầm đóa hoa trên tay chưa kịp hiểu vì sao còn cả ngàn cả vạn lời cần nói mà cô chỉ im lặng nhìn đóa hoa. Một cơn gió thoảng qua, những cánh hoa mong manh như tơ trời nhẹ nhàng lìa cành... từng cánh... từng cánh...bay bay....rất nhẹ...nhưng nó lửng lơ bay mãi...gió càng thổi, tơ trời càng bay xa.....

Cô gái đưa mắt nhìn theo đóa hoa trên tay người yêu, giờ chỉ còn trơ lại cuống hoa, cô khẽ ngâm nga:
Hoa Bồ Công Anh bay theo gió,
Chỉ có hoa mới biết hoa từ đâu đến,
Và cũng chỉ có gió mới biết hoa sẽ đến nơi đâu...

Cô trở gót quay lưng đi, người con trai gọi với theo:
- Anh đã hiểu và sẽ nhớ, dù cuộc đời đưa đẩy đến đâu, anh vẫn nhớ nơi này anh đã ra đi và có em ở lại. Đợi anh em nhé!

Giọt lệ long lanh trên khoé mắt, người con gái cũng ngoái lại nhìn người yêu với nụ cười thật tươi!
- Em sẽ chờ!


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved