Tồ

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

               

 Cùng một sự việc giống như nhau, nhưng tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh mà sự việc đó đôi khi được nhìn, được cảm nhận, được nhận thức hay bị phê phán, khen chê một cách khác nhau do những biến đổi tâm sinh lý ... của chúng ta tác động lên nó. Để làm thí dụ cho điều này tôi xin kể với các anh câu chuyện về Dì Tồ của tôi.

        Tôi còn nhớ rõ lắm. Vào cái tuổi thơ ấu của tôi, đâu ba hay bốn tuổi thì phải, nghĩa là ở cái tuổi Dì có thể nhấc bổng tôi lên hay đuổi theo “đút cơm" cho ăn. Dì là người đàn bà Tầu xinh đẹp ở độ tuổi đôi mươi, tên Tồ. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại gọi là Dì, có lẽ vì thua kém tuổi bố mẹ tôi chăng? Sau bao nhiêu năm tháng, nay ở cái tuổi đã cao mà tôi vẫn còn nhớ được tên Dì thì đủ biết tôi thương quý Dì là bao.

        Dì Tồ là hàng xóm sát nách nhà tôi. Nhà tôi và nhà Dì nằm trong ngõ Đỗ Xá khang trang, thuộc thị xã Bắc Ninh, miền Bắc. Ngõ này đã để lại cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, lẫn lộn kỷ niệm bình thường của một đứa trẻ con   lại cộng thêm vào đó với những hình ảnh rất đậm nét của những chuyển mình đất nước trong thời kỳ đó, như nào là Nhật đến Pháp đi, Nhật đi Tầu đến, Tầu xéo Pháp lại quay về. Cái thị xã ấy cứ bị rối mù lên. Tôi biết những hình ảnh lịch sử chỉ thuộc về thế giới của người lớn, nhưng sao chúng vẫn cứ ẩn hiện tiềm tàng trong ký ức tuổi thơ của tôi.

      Ngõ Đỗ Xá luôn luôn là nơi chốn thanh bình, êm đềm của xã hội trẻ con chúng tôi. Tôi có những thằng bạn hàng xóm. Thằng bạn mà tôi hay chơi với nó nhiều nhất, đó là thằng Đức. Nó to hơn và hay bắt nạt tôi, nhưng nó cũng lại là dũng sĩ có thể bảo vệ tôi trước con "gà cồ" trụi lông, to lớn mỗi khi con gà đó với những bước chân nặng nề chậm chạp tiến về phía tôi làm cho tôi hoảng sợ. Hay nó giúp bê đít tôi lên để tôi có thể bám lấy chấn song đu người lên thành cửa sổ. Những kỷ niệm thanh bình, êm đềm thời thơ ấu cứ bám chặt lấy tôi không rời xa theo thời gian. Và một trong những kỷ niệm đậm nét nhất của tôi nơi đó chính là hình ảnh Dì Tồ như đã được giới thiệu ở trên.

      Dì Tồ hình như sống độc thân hay chồng đi làm xa mà tôi không biết vì trong trí nhớ, tôi không hề thấy bóng dáng một người đàn ông nào bên cạnh Dì cả. Dì Tồ, người cao cao, tóc uốn ngắn và thường mặc áo "xường xám" tay ngắn tới nách, mầu xanh dương có hoa trắng nhỏ. Dì thường cho tôi ăn cơm. Dì cho tôi ăn món gì tôi không còn nhớ rõ, chỉ nhớ là cơm của Dì ngon hơn cơm ở nhà mình và cái "bát kiểu" cũng đẹp hơn nhiều. Dì hay chơi đùa với tôi mỗi khi Dì rảnh rỗi. Muốn vào nhà Dì tôi phải "bò" lên một bực thềm rất cao. Trong nhà bầy biện khang trang sạch sẽ với những bộ bàn ghế Tầu kiểu cổ. Tôi còn nhớ rõ như thế. Ngoài những chuyện Dì hay vật tôi ra cù làm tôi cười sằng sặc hay béo má tôi, Dì còn thường hay cho tôi ngồi trên ghế  "xích đu" vời Dì. Dì cứ vừa đu đưa vừa hát tiếng Tầu êm ái như ru. Có khi tôi dựa vào người Dì mà ngủ lúc nào không biết trong khi Dì lặng lẽ ngồi đan. Đời sống êm ả như thế của tôi cứ trôi đi như một dòng suối êm đềm chảy, còn Dì như rừng cây cổ thụ che mát cho dòng suối ấy.

      Một lần, trong khi cùng ngồi trên ghế “xích đu” với Dì, tay tôi mân mê vuốt nghịch chùm lông nách thò ra khỏi áo xẩm ngắn tay lúc Dì đang mải mê đọc sách.  Nếu tôi chỉ vuốt chơi chúng thôi thì cũng chẳng làm sao, nhiều lắm là Dì gạt tay tôi ra mỗi khi tôi làm Dì buồn hay nhột. Có lẽ vuốt mãi cũng chán nên tôi không biết nghĩ thế nào lại cắc cớ chọn lấy một sợi lông nách dài nhất nhổ mạnh. Dì giật bắn mình vì đau. Tiện tay Dì tát tôi một cái thật mạnh. Tôi sững người nhìn Dì ngơ ngác vì đó là cái tát đầu đời của tôi đến từ sự tức giận của người lớn khác không phải là bố mẹ mình. Tôi muốn khóc vì cái tát ấy. Có lẽ ân hận vì đã tát tôi đau như thế nên Dì đứng phắt dậy chạy nhún nhẩy đong đưa, người uốn qua uốn lại, ngoái cổ nhìn tôi như muốn nói "đuổi đi … đuổi đi". Tôi nhìn Dì ngập ngừng rồi quên ngay đi cái tát vừa mới xẩy ra và tôi vụt chạy đuổi theo. Dì chạy trước tôi đuổi theo sau, trước chậm sau nhanh. Mỗi khi bắt được Dì, tôi cứ ôm chặt lấy đùi mà ôm cứng, đu người lên, lấy hai chân quặp lấy chân không cho Dì chạy thêm. Dì cúi xuống cù tôi, nhột quá tôi đành phải buông ra. Dì lại chạy, tôi lại đuổi theo. Dì nhảy lên chiếc ghế “trường kỷ” dài và cao, rồi cứ chạy đi chạy lại trên đó làm tôi không sao bắt được. Tôi mệt quá chịu thua. Và kể từ ngày ấy Dì không cho tôi có cơ hội vuốt hai chùm lông nách của Dì nữa.

      Ngày tháng cứ trôi qua nhanh, nhanh quá. Biết bao biến đổi của cuộc đời mà nay ngồi nhớ lại, tôi vẫn thấy nhớ rõ hình bóng của Dì với hai chùm lông nách, đặc biết là cái tát Dì dành cho tôi.

      Mười mấy năm sau, ở tuổi trưởng thành, khi tôi còn là học sinh học gần xong bậc Trung Học ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi có dip ghé uống nước mía trên đường Lê Lợi. Hiệu nước mía này thì ít ai không biết. Nó nổi tiếng ngang với những xe đẩy bán đu đủ bò khô dành cho các cô nữ sinh, hay mẹt phá lấu của chú Tầu dành cho các cậu thích ăn quà được bầy bán gần đấy. Nước mía ở đây ngọt vì ép từ mía mật lại thoảng thêm tý hương vị thơm thơm của cam, hoặc quít được vắt vào.

      Hình ảnh ly nước mía vừa ép xong còn sủi bọt ở phần trên như bọt của cốc bia lạnh, với nước mía mầu vàng tươi mát, lởn vởn vài "tép" cam hay quít lẩn quẩn bên những cục nước đá trong vắt trông thật hấp dẫn là bao. Ly nước mía được đưa lên môi, hương thơm ngọt ngào thoảng lên mũi. Uống một ngụm nhỏ, nhỏ thôi như để thấm giọng. Nước mía mát lạnh tỏa lan trong miệng. Ôi cái vị nước mía đi đến đâu nó đem đến cho ta một cảm giác thật dễ chịu đến đó. Cứ từ từ uống, vừa để thưởng thức hương vị của nước mía ngọt ngào thơm mát và cũng vừa để cám ơn nó. Đừng uống vội vàng và cũng đừng uống ừng ực sẽ làm buồn lòng ly nước đáng yêu, đáng yêu như cô hàng bán nước mía.

      Cô bán hàng ở đây, hình dáng và tuổi tác ra sao thì hẳn đa phần các anh đều đã biết rõ, tôi không cần phải tả ra hay nhắc tới. Nhưng có một điều tôi không biết các anh có lưu tâm đến hay không? Đó là cô có bộ lông nách rất đẹp. Bộ lông nách này đẹp chẳng thua gì bộ lông nách của Dì Tồ.  Bộ lông nách của cô bán hàng nước mía cũng luôn được thò ra khỏi cái áo xẩm cộc tay màu vàng cam có đốm hoa trắng cô thường mặc.

      Chùm lông nách, những sợi lông mịn màng đen bóng, không quăn lắm mà cũng không ngay đưỡn; không dài quá, không ngắn quá, chỉ vừa đủ dài để tự cuốn mình thành những cuộn nhỏ như sóng nước. Những lượn sóng quay đầu vào trong nách chứ không hướng ra ngoài tua tủa. Nó ẩn mình e ấp, dịu dàng, kín đáo. Tuy kín đáo, thập thò nhưng nó không phải không khoe được những nét duyên dáng, quyến rũ, nhất là mỗi khi chiếc quạt máy từ phía sau lưng cô quạt tới làm cho những lượn sóng dưới nách nhè nhẹ rung lên.

      Tôi mấy lần định lên tiếng khen hai chùm lông nách của cô nhưng thật quá ngại ngùng vì chung quanh cô luôn có khách hàng hay người nọ, người kia. Khen như thế ở chỗ đông người, tôi e lời khen đó có thể trở nên sỗ sàng với cô chăng? May cho tôi, trong một buổi trưa hè, tôi ghé đó uống nước mía trong giờ vắng khách. Trong một lúc vắng người ngắn ngủi, chỉ còn có tôi và cô bán hàng, tôi lấy hết can đảm để nói lên một điều mà tôi cứ giữ kín mãi trong lòng không thể nói ra được, thật là khó chịu. Nhân cơ hội ngàn năm một thuở, nếu tôi không nói ra lúc này thì có lẽ chẳng bao giờ có cơ hội nào nói nữa. Tôi vội lên tiếng sau khi hỏi mua một ly nước mía loại to.

      - Cô có bộ lông nách đẹp quá!

      Nói được câu đó, tôi như trút đi được một gánh nặng nghìn cân. Tôi nhìn cô một cách e dè và chờ đợi phản ứng của cô đối với câu khen bất ngờ đó. Tôi liên tưởng ngay tới cái tát của Dì Tồ. Tôi đoán thế nào cô cũng phải nhăn mặt, chau mày, hay ít ra ly nước mía của tôi sẽ bị vơi đi so với thường lệ hay trong ly nước mía lại nổi lềnh bềnh xác con ruồi được ép lẫn vào với mía. Nhưng không, cô không nói câu nào. Cô đưa cho tôi ly nước mía với một nụ cười rất nhẹ, nhẹ như hương thơm của cam thoảng trong mùi thơm ngọt ngào của mía.

      Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi khen cái vẻ đẹp đầy truyền cảm và đầy quyến rũ của bộ lông nách ấy. Và cũng từ hôm đó, mỗi khi tôi đến uống nước mía, cô không nói gì nhưng luôn dành cho tôi một nụ cười rất nhẹ và cũng nhẹ như cô đã dành cho tôi lần đầu, nhẹ như cơn gió thoảng của chiếc quạt máy sau lưng cô làm những sợi lông nách khẽ rung.

      Ngoài tôi ra, còn có ai khen bộ lông nách của cô ta nữa không nhỉ? Có được một người, có lẽ không nhiều, biết khám phá, biết thưởng thức và biết trân trọng cái vẻ đẹp, cái duyên dáng dù chỉ là một phần nhỏ bé, e ấp kin đáo trên thân thể của cô. Hẳn cô đã nghĩ như thế, và tôi đoán, cô đã có thêm một niềm vui hơn trong ngày hôm đó và trong những ngày kế tiếp, hay it ra là mỗi khi cô gập lại tôi.

      Tới nay, ở cái tuổi chưa già nhưng không còn trẻ nữa, mỗi khi tôi nhớ đến   Dì Tồ tôi lại nhớ đến cô hàng nước mía và tôi lại liên tưởng ngay tới những chùm lông nách xinh xinh xưa kia. Có lúc, tôi ngồi suy nghĩ vẩn vơ. Trong xã hội chúng ta đang sống, một xã hội văn minh hạng nhất hoàn cầu, mà sao những người phụ nữ phương Tây ở đây họ cứ tàn nhẫn chối bỏ những nét đẹp, nét duyên dáng của trời đất ban cho, đó là sự chối bỏ những chùm lông nách. Các bà các cô cứ phải bỏ công sức, tiền tài để tìm phương cách nhổ hay cạo hoăc tiêu diệt vĩnh viễn nó đi. Nách trở nên trơ trụi, bóng nhẫy. Những cô vũ công trên sân khấu, mỗi khi đưa cánh tay lên cao theo điệu múa, tôi không thể tìm thấy được những điểm đen duyên dáng trên những vùng nách ấy.

      Không phải chỉ có lông nách, các bà các cô phương Tây còn cạo cả lông chân, lông tay, lông mặt. Chẳng biết những sợi lông có tội tình gì mà họ quyết tâm diệt chủng chúng đi. Một ngày nào đó, nếu những hành động diệt chủng này không được chấm dứt thì, theo thuyết Darwin, người lớn chẳng khác gì trẻ con. Tôi sợ cái viễn ảnh “trơ trụi” thuộc nhân chủng học sẽ xẩy ra trong một ngày mai không xa lắm. Cười! Nhưng cũng may thay, còn có những bậc đại trượng phu hảo hán, những đấng mày râu lại trái ngược với các phụ nữ phương Tây, họ thích dùng những loại thuốc "bôi đâu mọc đấy" để áp dụng vào những nơi các vị thấy cần có nhiều tóc, nhiều râu. Cái "gene" của đàn ông là chủ yếu vì mạnh, cứ cho là như thế, nên ta vẫn còn hy vọng, còn tin tưởng là những bộ lông nách kia vẫn luôn luôn còn tồn tại với thời gian. Mừng thay!

       Và tôi lại nghĩ lẩn thẩn thêm, kể từ ngày khôn lớn, chung quanh tôi có biết bao nhiêu cái này hay cái kia, điều này hay điều nọ, tôi thích tôi yêu mà tôi không dám nói dám làm, hay không dám rờ dám mó, hay có khi cũng không cả dù chỉ dám nghĩ dám bàn. Mà chỉ khi xưa, khi tôi còn bé thơ ngây, tôi mới dám vuốt và bứt lông nách của Dì Tồ với cái bản năng trời sinh “nhân chi sơ tính bổn thiện” (Mạnh Tử) vốn có của mình. Tôi nhớ tới Dì, có phải chăng là tôi nhớ đến những ngày mà mọi suy nghĩ lẫn việc làm của tôi còn luôn luôn trong sáng hồn nhiên không nhỉ?

      Xin tạm chấm dứt ở đây.

     

NGUYỄN GIỤ HÙNG


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved