Chu Văn An, một thời yêu dấu

 

Quãng thời gian học Chu văn An của tôi rất có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Đó là quãng thời gian tôi biết yêu lần đầu và cũng là thời gian tôi nhận ra được cá tính và bản chất của con người mình.

Suốt từ năm Đệ Thất đến năm Đệ Tứ ở Petrus Ký, tôi vô cùng khổ sở với Toán và Lý Hoá. Thầy giáo Toán và thầy Lý Hoá như 2 hung thần còn giờ Toán và Lý Hoá là những giờ .. tra tấn. Tôi thì dở Toán, anh tôi là giáo sư Toán nổi tiếng ở trường Gia Long, vậy mà mỗi lần nhờ anh kèm là anh nổi quạu (kèm tôi đâu có được tiền) cho nên tôi không dám nhờ anh kèm nữa và dốt vẫn hoàn dốt. Ngược lại, tôi luôn luôn đứng nhất nhì về Việt văn và Anh văn. Cho nên khi lên đệ Tam, lúc đó bắt đầu gọi lớp theo hệ thống số là lớp 10, tôi chọn ban C, không đắn đo suy nghĩ gì. Nhưng ban C là cái ban không phổ thông, ‘không có tương lai’, chỉ dành cho những anh Toán dốt Hoá ngu, mộng mơ thi phú. Hầu như mỗi trường trung học chỉ có 1 lớp ban C. Trường Petrus Ký chỉ có 1 lớp 10 ban C sinh ngữ Pháp, mà toàn trường chỉ có 3 đứa chọn lớp 10 ban C sinh ngữ Anh. Không thể lập ra một lớp 10 ban C Anh văn cho 3 cái thằng  dở hơi, trường Petrus Ký bèn thông báo là nếu muốn chọn ban C Anh văn, bọn tôi phải chuyển qua Chu văn An. Tôi đang đi học đi bộ vì nhà rất gần trường, nếu chuyển qua Chu văn An thì phải đi xe. Hơn nữa, nghe nói tụi Chu văn An rất ‘ngầu’, tôi khá ngại ngần. Nhưng lại nghĩ nếu không đi ban C thì làm sao .. tốt nghiệp trung học cho nổi ?. Thế là tôi, Lâu và Tòng giã từ Petrus Ký chuyển qua Chu văn An mùa thu 1967. Lớp 10 ban C Anh văn Chu văn An gồm học sinh từ đệ Tứ Chu văn An lên cộng với thành phần chuyển trường như bọn tôi.

Trường Chu văn An không đẹp đẽ khang trang như Petrus Ký, từ trường học cho tới con đường trước mặt trường. Nhưng qua Chu văn An thì tôi nhận ra mình như cá gặp nước. Thứ nhất là ‘học lộ’ phất lên thấy rõ. Đang từ thứ hạng lèng èng suốt 4 năm ở Petrus Ký, tôi nhẩy lên hạng nhất cuối năm lớp 10, thật không làm hổ danh học sinh Petrus Ký. Thứ hai, tôi là Bắc kỳ di cư, qua Chu văn An gặp nhiều .. đồng hương hơn, từ thầy đến trò, nói tiếng Bắc đỡ bị nhái giọng chọc ghẹo.  Ngoài ra, trường cũng được điểm là con đường Minh Mạng trước mặt cũng thuộc loại cây dài bóng mát và đối diện là nhà thờ Ngã Sáu nhìn cũng có chút thơ mộng. Bên cạnh trường là đại học xá sinh viên Minh Mạng (dành cho sinh viên các tỉnh thành lên Saigon học đại học) và trong một con hẻm nhỏ có xe phở của một gia đình Bắc Kỳ di cư giá cả rất là sinh viên học sinh.

 

Nhà thờ Ngã Sáu nhìn từ cầu thang trường CVA.

 

 

Đại học xá Minh Mạng (bên cạnh trường CVA)

 

Điều hơi khôi hài là cứ mỗi năm thì tôi lại tụt một hạng, nghĩa là đệ Tam (10) đứng hạng nhất, đệ Nhị (11) đứng hạng nhì và đệ Nhất (12) đứng hạng ba. Tôi nghĩ là vì mỗi năm tôi lười đi một tí và đám Chu Văn An gốc (từ đệ Thất lên) càng chịu khó vùng lên hơn.

Khi tôi qua Chu văn An thì thầy Dương Minh Kính vừa hết nhiệm kỳ Hiệu Trưởng và thầy Nguyễn Xuân Quế lên thay. Tôi thấy rõ có sự khác biệt giữa 2 trường Petrus Ký và Chu văn An. Trường Petrus Ký kỷ luật hơn, thầy giáo Petrus Ký nghiêm khắc hơn, nhất là giám thị. Còn thầy giáo và giám thị của CVA dễ dãi hơn, chịu chơi hơn, tiếu lâm hơn. Hậu quả đúng là học sinh CVA quấy phá hơn, mất dạy hơn. Được cái là học sinh CVA học vẫn giỏi như Petrus Ký, chẳng kém gì, vì CVA quy tụ nhiều thầy giáo xuất sắc và nhiều học sinh thông minh.

Thầy Lê Hữu Phụng dạy Anh ngữ.

 

Thày Phạm Xuân Lương dạy Anh ngữ (bên phải)

 

Qua CVA, cậu tôi (bố) phải sắm cho tôi cái xe Velo Solex đen để đi học. Thời đó con nhà khá giả đi học bằng xe gắn máy Lambretta, Honda, Suzuki; trung bình thì đi Mini Lambretta, Mobylette, hơi nghèo thì đi Velo Solex và bết nhất thì đi xe đạp, xe bus.

Tác giả (trái) đi học bằng xe Velo Solex

 

Lên lớp 10 thì tôi nếm "cú sét ái tình". Đây không phải là coup de foudre (love at first sight) nhưng tôi dùng chữ "cú sét" vì nó .. đập tôi mạnh quá, làm tôi bị "nội thương" dật dờ cả mấy năm. Số là trong xóm tôi cô bé tên Chín (thứ 9 trong nhà) từ hồi nhỏ vẫn thích chơi với bọn con trai tụi tôi trong xóm và tụi tôi vẫn coi cô bé y như thằng bạn trai vậy. Đột nhiên, tiếng đồn vang ra là Chín cặp bồ với Liêm, tên bạn trai thân của tôi trong xóm. Thế là cũng đột nhiên, bọn con trai trong xóm nhận ra "con Chín" bây giờ đã là 1 thiếu nữ trường Regina Pacis cực kỳ xinh đẹp chứ không phải con  Chín vẫn thường chơi đá banh đánh đáo với mình ngày xưa. Tôi theo hỏi Liêm về chuyện cặp bồ giữa hắn và Chín. Liêm là bạn thân của tôi cho nên có cái gì hắn cũng kể hết. Than ơi, lần lần tôi yêu Chín lúc nào không hay. Tôi là nhân chứng bất đắc dĩ, lòng đớn đau pha lẫn ghen tức mà phải dấu kín, không dám trút bầu tâm sự cùng ai. Càng yêu Chín thì càng muốn biết chuyện xẩy ra giữa Liêm và Chín mà càng nghe Liêm kể thì càng đau đớn, thiệt là cái "thú đau thương". Thậm chí cho đến khi học thi Tú Tài 1, trời nóng qúa tôi phải ra ban công ngồi học bài, tôi còn thấy cả 2 đứa hẹn hò với nhau dưới đường hẻm. Được cái là tôi biết "biến đau thương thành sức mạnh" nên càng đau đớn càng chúi đầu vào sách vở cho quên. Tôi chịu "chết đắng trong lòng" như thế đến mãi tận khi Liêm thi rớt Tú Tài 1 đi lính (hắn rớt là lẽ đương nhiên, vì như tôi vừa kể, hắn hẹn hò búa xua trong thời gian thi cử), Chín cặp bồ với thằng khác và tình yêu câm nín của tôi hoá thành sẹo và chai lại.

 

Một lớp học

 

 Học bạ

 

Phù hiệu trên áo

 

Trong lớp tôi hồi đó có Dũng An Nhơn (do có nhiều tên trùng trong lớp nên phải thêm biệt hiệu cho phân biệt. Gọi vậy vì nhà hắn ở tận An Nhơn- Gò Vấp). Tên này là playboy thứ thiệt vì vừa con nhà giàu vừa cư ngụ tại .. trung tâm kỹ nghệ đĩ điếm. Đứa nào muốn học bài học đầu tiên về sex là hắn sốt sắng dẫn đi ngay. Động điếm đó phía ngoài ngụy trang là tiệm sửa đồng hồ. Do vậy mà tụi tôi gọi mỗi lần đi mua sex như vậy là đi "sửa đồng hồ". Ước lượng có đến nửa lớp học bài học vỡ lòng về sex nhờ công lao Dũng hướng dẫn, hắn quả đáng là "thầy giáo sinh lý học" của bọn tôi.

Năm lớp 10 CVA của tôi là năm có biến cố Tết Mậu Thân. Trường CVA phải trở thành trung tâm tạm trú cho những đồng bào di tản từ những khu vực bị chiến tranh tàn phá như cầu chữ Y, Minh Phụng v.v. Học sinh bọn tôi trở thành thầy giáo bất đắc dĩ, đến trường dạy học cho những em nhỏ đang cư trú tại trường. Sau đó là chiến dịch liên trường xây cất Trung Tâm Định Cư Đồng Bào Chiến Nạn tại khu vực bùng binh Ngã Bảy, chúng tôi lại trở thành những tên thợ mộc thợ hồ tài tử, có dịp đóng đinh trộn hồ .. Dịp này học sinh liên trường có dịp gặp nhau, CVA chúng tôi có dịp gặp những nàng Trưng Vương yêu kiều. Đúng ra thì "tình không biên giới" nhưng có lẽ do thành kiến, do định chế, do tính địa phương cục bộ, rốt cuộc thì dân CVA vẫn có vẻ kết luyến với Trưng Vương hơn, dù là CVA gần Gia Long hơn.

Trong 3 năm Trung học đệ nhị cấp CVA chúng tôi có dịp học nhiều thầy giáo rất độc đáo, nhưng đối với tôi, đáng nhớ nhất là thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Thầy dạy Việt Văn năm lớp 11. Quanh năm, mùa hè đỏ nắng cũng như Giáng Sinh se se mát lạnh, thầy đều mặc complet cà vạt đi dạy học, bộ complet màu vàng mỡ gà, cái mũ nỉ cũng màu mỡ gà. Tôi không rõ thày có 1 bộ hay 2 bộ, tuy nhiên, lúc nào cũng màu ấy.. Và cũng độc đáo như bộ complet màu mỡ gà, thầy luôn luôn dùng xe xích lô đi dạy học. Lương giáo chức có là bao, thầy tiêu vào xe xích lô và thuốc phiện hết, cho nên nghe nói ban Giám Hiệu phải chở gạo về tận nhà cho vợ con thầy mỗi tháng. Nhìn thầy ung dung ngồi xe xích lô trên con đường Minh Mạng rợp bóng cây, tôi thấy thầy như một dân chơi thời Pháp thuộc lạc lõng giữa Saigon cuối thập niên 60. Dù chúng tôi có ngỏ ý, không bao giờ thầy ngồi xe máy bọn tôi chở. Dịp Tết Kỷ Dậu 1969, thầy ứng khẩu đọc bài thơ giữa lớp:

 

Tin Xuân gà gáy rách trời đêm

Tuổi nửa trăm vừa nửa chục thêm

Đủ thấy điềm lành hai nửa nước

Một nhà trong ấm với ngoài êm

 

 

 

Năm ấy thầy 55 tuổi và hoà đàm Paris đã bắt đầu. Than ơi, chả thấy trong ấm ngoài êm đâu cả, 6 năm sau, "đàng ngoài" vào chiếm "đàng trong" và bắt thầy bỏ tù đến chết.

Cũng năm này thì có 3 tên nổi tiếng là ‘thân Cộng’ trong lớp biến mất. (Quả nhiên, đến tháng 4/1975, Thành, 1 trong số 3 học sinh, từ bưng trở về tiếp thu Saigon). Cũng trong năm này, chúng tôi hay tin là trường không còn mở lớp 10 ban C nữa.

Sau kỳ thi Tú Tài 1 (1969), một số thi rớt phải đi lính, lớp 12C bị mẻ đi một phần và xong Tú Tài 2 (1970) là 12C CVA xoá sổ. Lớp 12 C của chúng tôi là lớp 12 C cuối cùng trong lịch sử trường Chu Văn An Saigon. Vậy thì có thể nói bọn tôi là những tên học sinh theo trường phái văn chương thơ phú cuối cùng của CVA.

Như chim vỡ tổ, chúng tôi tan tác đi khắp nơi. Một số đi du học như Hiến, Toàn, Dũng An Nhơn, Hùng ,,, một số lên Luật khoa như Dũng Vườn Chuối, Liêm, Tự, Trung.. Quốc Gia Hành Chánh như Thuỷ .. Văn Khoa như Để, Tòng  .. Đại học Sư phạm như Đại, Xuyên. Hậu ..và thậm chí cả Đại học Y khoa như Đức. Tôi thì lại lãng mạn vẩn vơ, lên tận Đà Lạt học Chính trị Kinh Doanh chỉ vì .. cái trường đại học đẹp đẽ thơ mộng. Cuộc đời thật đổi thay xoay vần. Sau 4/1975, lại thêm một lần tan tác đổi thay. Tôi là khoá 12 C tốt nghiệp cuối cùng của CVA thì cũng lại là khoá Cử Nhân tốt nghiệp cuối cùng của trường Chính Trị Kinh Doanh (khoá 7). Số phận những tên học sinh 12C CVA 1970 cũng như bao người dân Việt khác: chết, ở tù, học tập cải tạo, di tản, vượt biên, đoàn tụ, HO, làm giàu ở nước ngoài cũng như còn vất vả trong nước.

Nếu chúng ta đồng ý rằng tình bạn như rượu, càng để lâu càng ngon, càng giá trị thì rõ ràng là những người bạn thân thiết nhất là những người bạn thời trung học. Đó là rượu đã ngâm đến 50 năm. 3 năm trung học Chu Văn An, con đường Minh Mạng, nhà thờ Ngã Sáu, bác coi trường Bít Tất (biệt danh do học sinh đặt, tên thật của bác là Tất), xe phở giá học sinh, lần đầu biết yêu, lần đầu biết giải quyết sinh lý, lần đầu viết văn làm thơ... tất cả gộp lại là một quãng đời đáng nhớ hơn tất cả quãng đời khác vì những cái "lần đầu" ấy. Ôi, Chu văn An một thời yêu dấu, đến chết không quên.

           

 Hoàng Hải Hồ


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved