Hồi còn nhỏ, con nít sợ người lớn là chuyện bình thường. Thấy người hiền lành dễ thương hay nựng nịu, cho quà bánh thì thích nhưng vẫn rụt rè, e ngại. Gặp người trông có vẻ dữ dằn, thấy đâu mắng đó thì lấm la lấm lét, chỉ muốn nhanh chân tẩu thoát.

Ấy vậy mà có một thứ chưa hề nhìn thấy, chẳng biết nó cao thấp mập gầy, xanh đỏ tím vàng... nó hiền hay nó dữ.... Chỉ cần nghe đến tên nó là con nít rụng rời, xanh lè máu mặt, đang cười vụt khóc thét, đang la lối nhõng nhẽo um xùm chợt im thin thít... Người lớn đôi khi còn tệ hơn, mắt tròn mắt dẹt, thêu dệt bao câu chuyện quả quyết trăm phần trăm có thật nhưng chưa tận mắt chứng kiến.

Nó là..... Con Ma đó các bạn.

Lúc tôi nhỏ, chiều tối cơm nước bài vở xong là được chơi tự do đến chín mười giờ tối, cuối tuần có khi nấn ná đến khuya. Nhà nằm lọt tỏm ở giữa vườn cây rộng thênh thang, rậm rạp với những cây xoài, nhãn, chùm ruột, khế... Ban ngày trời nắng ráo thấy cảnh vật chung quanh cũng thoáng đãng nhưng về đêm nhìn ra vườn chỉ thấy đen ngòm ngòm, nhất là khúc vườn nào trồng nhiều cây xoài, vì lá xoài to dài lại có màu xanh sậm hơn các cây khác.

Chiều tối, mấy anh chị em tôi chỉ dám bầy trò chơi ở khoảng sân xi măng trước hiên nhà. Chỗ này trống trải có đèn điện khá sáng sủa nên chơi loanh quanh đây. Đâu dám lăng tăng chạy vào lùm cây bụi cỏ như lúc thanh thiên bạch nhật vì bóng tối tràn ngập, thỉnh thoảng cơn gió thổi qua, vài tia sáng yếu ớt rọi vào những cành lá đang lay động làm cho trí tưởng tượng của tôi bay xa... và càng tưởng tượng lại càng sợ.

Một năm đôi ba lần, có họ hàng trên Sài Gòn xuống thăm. Tối đến trời mát mẻ, Ba Má tôi hay trải chiếu ra sân, vừa nói chuyện vừa nhâm nhi trà bánh. Tụi tôi chỉ thích gia đình bà bác vì có anh chị em họ cùng cỡ tuổi, vừa có người chơi vừa được ngồi chung quanh hóng chuyện và còn một ông chú nữa, ông chú này có tài kể chuyện.

Nghe đủ mọi thứ trên đời, cả đám há hốc miệng nghe say sưa, có nhiều chuyện xa vời quá, vượt ngoài tầm hiểu biết của đám cháu thì mặt đứa nào đứa nấy cứ thộn ra. Hết chuyện đời đến chuyện đạo, nghe lùng bà lùng bùng, chợt người lớn đổi đề tài. Eo ôi, đang chán cái lỗ tai nằm thiu thiu ngủ, đứa nào cũng bừng tỉnh giấc. Nghe kể chuyện ma!

Thế là đứa này nằm rúc sát vào đứa kia, càng chiếm được chỗ trong cùng cạnh người lớn càng tốt, lưng dựa vào nhau mặt quay ra ngoài để đề phòng.... con ma xuất hiện. Tai vểnh lên nghe, mắt hi hí nhìn ra khoảng cây đen ngòm tưởng tượng, con ma đang đánh đu ngược đầu trên nhánh xoài hay phất phơ ngoài cổng rào vì cửa khoá.

Chỉ tội nghiệp cho chị họ, đêm đó và mấy đêm sau, đứa nào mắc đi tiểu nín không nổi nữa cứ nhè chị mà lay. Chị lại lồm cồm bò dậy dẫn em đi. Một lũ em thay nhau vần chị suốt đêm, sáng ra mắt chị đỏ au vì mất ngủ. Không chỉ mình chị mất ngủ mà lũ chúng tôi cũng đâu được yên giấc, thời đó còn thanh bình lắm, đêm mở toang cửa sổ cho mát, trằn trọc nghĩ đến.... nó... chưa ngủ được, thay vì nhắm mắt để ru giấc ngủ thì cứ mở thao láo, cố nhìn cho rõ trong khoảng tối đen kịt ngoài song sắt có .... gì lạ...

Lớn chút nữa, kiếm truyện ma lén Má và Chị đọc, vừa đọc vừa run một thời gian. Mới nguôi ngoai quên chút xíu, thì vào lớp đứa bạn kể ai đó bị ma dấu trong bụi tre miệng đầy đất sét, hoặc ông bà nào đó, tối ra đường thấy có cái bóng trăng trắng, sáng ngủ dậy phát hiện trên đùi có vết bầm xanh lè vì ma cắn..... mà hình như tất cả đều là huyền thoại, chưa bao giờ kiểm chứng được nạn nhân là ai. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sợ, trời chiều chập choạng muốn đi đâu ít nhất phải hai hay ba mình.

Lên tới trung học thì sợ ma của tôi cao cấp hơn, đọc tới truyện ma của tác giả Bồ Tùng Linh. Không còn hình dung con ma vừa hung dữ vừa xấu xí mà lại là những cô thiếu nữ đẹp như tiên, đàn hay hát giỏi, biến hoá khôn lường. Mà lạ, cứ nói đến con ma là đa số người ta chỉ nghĩ đến con ma phụ nữ!!!
Sợ ma đến chết run chết rét thế mà lại tháp tùng theo chúng bạn cầu cơ. Vài đứa bạn, mỗi đứa một ngón tay đặt lên con cơ, chả biết có đứa nào đẩy hay không, con cơ chạy vèo vèo, ngưng ở mẫu tự nào đứa ngồi chầu rìa có bổn phận viết ra giấy. Khi nào ráp lại thành chữ, thành câu, là con ma nó nói cho mình biết chuyện đó. Có khi cơ đang chạy ngon lành, một đứa buột miệng nói câu gì, cả đám hồn xiêu phách lạc, ném tung hê bàn cơ bỏ chạy.

Không phải chỉ ở Việt Nam mới sợ ma, ra tới ngoại quốc truyền thống sợ ma vẫn bám theo dai dẳng. Ngày mới định cư ở Sherbrooke, nhà bà chị nằm trên con dốc không có đường xe bus, muốn đi học hay đi làm phải lội bộ xuống hết con dốc, quanh co qua bao con đường nhỏ ngoằn ngoèo, ra đến đường cái quan mới có xe.

Thành phố nhỏ, việc làm khó khăn, tôi và nhỏ em may mắn xin vào làm một nhà hàng Nhật. Sáng đi học, chiều tối vác cặp đến thẳng chỗ làm. Mùa đông đầu tiên, buổi sáng ra sân thấy tuyết trắng thích lắm, càng rơi nhiều càng thích. Đêm khuya đi về mới biết đá biết vàng.

Tối nào được làm chung với nhau thì đỡ sợ, đi về có chị có em dẫu sao cũng yên tâm hơn dù đứa nào cũng thuộc loại chết nhát. Hôm nào chỉ có một mình thì khỏi nói, đi như chạy, bụng rủa thầm hãng xe bus tiếc gì chút xăng nhớt không ráng đặt thêm vài trạm lên tận trên cao.

Một tối đầu mùa đông, hai đứa tôi đi làm về, tuyết rơi lác đác, một bên vệ đường là khu rừng thưa, với những cành cây trụi lá, khẳng khiu vươn dài lấm tấm tuyết trắng. Bên kia đường nhà nhà tắt đèn tối thui, mọi người đã chìm trong giấc ngủ. Xa xa, một vài căn nhà còn mờ mờ ánh đèn sau khung cửa sổ, cảnh vật yên tĩnh và nên thơ lắm nhưng tụi tôi chả thơ với thẩn gì cả, cắm đầu cắm cổ rảo bước thật nhanh.

Trèo lên quan dốc không dễ, trơn tuồn tuột, nghe rõ từng tiếng giầy nện thình thịch vang trong đêm thanh vắng. Lúc đầu hai chị em chỉ nghe tiếng chân mình, đi một hồi mới nhận ra có thêm tiếng bước chân lạ, đều đều cách một khoảng nhất định.

Không dám quay lại, hai đứa đi sát lại gần nhau, rồi chẳng ai bảo ai, cùng cong đuôi bỏ chạy, tiếng chân lạ cũng bịch bịch chạy theo nhưng vẫn giữ khoảng cách. Không còn sức chạy nữa, chậm lại vừa đi vừa thở, tiếng chân lạ cũng chậm dần. Rồi cứ thế lúc chạy lúc đi, bỗng nhận ra chỉ còn tiếng chân hai đứa, ngoái cổ nhìn lại thì thấy thằng Tây con hàng xóm vừa quẹo vào nhà nó. Rõ chán, cà chớn thật, nó thấy mình sợ lại càng trêu ghẹo.

Già thêm tí tuổi, có con rồi vẫn thích nghe chuyện ma và vẫn kiên trì sợ. Thỉnh thoảng ráng nghe nhẹ nhẹ đọc truyện lúc đêm khuya, đêm ngủ xoay lưng về phía ông chồng. Anh con út hay bịnh, mãi về sau mới biết con suyễn nặng. Mà cái giống con nít bịnh nó lạ lắm, cứ nhè đêm khuya lên cơn sốt. Hai Mẹ con lại cắp nhau vào nhà thương, ông chồng ở nhà trông chừng hai anh lớn.

Suyễn nó hay kèm theo ói mửa vì lên đờm, tôi một tay lái xe một tay cầm cái hộp, chỉ chờ con dợm ói là giơ hộp ra hứng. Lo cho thằng nhóc tôi vẫn không quên đường trường xa đêm hôm khuya khoắt, mắt nhìn thẳng con đường, dăm ba phút liếc vào kính chiếu hậu một phát xem ngộ nhỡ....phát hiện có thêm ai đó quá giang xe. Nhưng có anh con bên cạnh, dẫu là thằng nhóc vài ba tuổi cũng cảm thấy yên tâm có người đồng hành.

Khi nào cả bốn cha con đều đi về khuya, một mình tôi ở nhà, đèn bật tứ tung, sáng choang từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Không mở nhạc thì mở phim, không xem cũng để đó cho có tiếng động vui cửa vui nhà. Cũng may, điện ở Canada rẻ mạt so với mọi nơi chứ không thì tôi cũng phải chạy qua nhà chị hay em xin tạm trú.

Một lần nhà có khách, ăn uống nhậu nhẹt say sưa rồi, bớt nói chuyện giữ kẽ, khách sáo, các bà vợ, các ông chồng quay sang tố khổ lẫn nhau. Ông chồng tôi hỏi một chị bạn thuộc hàng đàn chị:
- Tại sao người ta cứ hay nói xấu chồng hay vợ trong những buổi tiệc vậy chị?
- À, không lẽ đi đâu cũng khen chồng hay vợ tốt điểm này, điểm nọ. Người nghe sẽ chán và mình bị ghét. Chị điềm nhiên trả lời.
- Rồi mình chê thì sao?
- Khi mình chê chồng hay chê vợ thì nó lại kích thích lòng tò mò người khác, ai cũng muốn nghe coi ông đó bà nọ xấu cái gì và sẽ có những trận cười thoải mái.

Cả đám gật gù, lần đầu tiên được nghe một triết lý cùn khá hay ho. Một bà lên tiếng liền:
- Tui thì chê ông chồng tui thiệt tình, đàn ông gì mà sợ ma quá trời luôn.

Bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về ông chồng sợ ma, bà vợ thao thao nói:
- Một dạo ổng không có việc làm, bạn tui có tiệm hoa thiếu người giao hàng nên nhờ ổng giúp một thời gian. Lần đó bạn tui nhờ ổng giao mấy tràng hoa đến nhà quàn gấp vì khách muốn sáng sớm họ có mặt thì hoa đã sẵn sàng. Lúc ổng giao hoa đến trời nhá nhem tối, chỉ có một cô nhân viên ngồi trực nên không có người phụ, cô nhân viên chỉ ổng mang vào một phòng trống phía sau để tạm, sáng sớm mai sẽ có nhân viên nhà quàn sắp xếp. Đi một mình ổng sợ quá, hoa người ta mới làm tươi roi rói mà ổng mở cửa phòng tống đại vô rồi a thần phù đóng cửa bỏ chạy. Hôm sau bạn tui mới ra mở cửa tiệm thì khách hàng phone tới chửi quá trời vì mấy tràng hoa nó lật càng chỏng gọng dưới đất, hoa dập nát bét.

Một bà tằng hắng tiếp theo:
- Ậy, vào đó một mình ai mà không sợ, tui kể cho nghe chuyện sợ ma siêu cấp hơn nè. Hồi trước hai vợ chồng tui cùng làm ban ngày nên từ lúc cưới nhau tui đâu dè gan ổng bé xíu. Mấy năm trước mùa hè tui đổi chỗ làm, thỉnh thoảng có một hai ngày trong tuần, tới sáu bảy tám giờ tối mới về nhà.

Lúc đầu cũng bình thường mãi đến lúc cuối mùa thu, một hôm tui đi làm về thấy ổng ra tận đầu ngõ đón, tui rưng rưng cảm động. Ổng còn biểu tui “ hôm nay anh không nấu cơm, mình đi ăn nhà hàng “ . Ngồi chờ mang thức ăn mà lòng tui cứ áy náy, nghĩ hoài không ra hôm nay ngày gì, không kỷ niệm đám cưới, không sinh nhật tui cũng không sinh nhật ổng. Hỏi ổng chỉ cười cười.

Hai tuần sau, có một bữa đến bảy giờ tối tui còn trong sở thì ổng phone, nói tan sở thì về nhà Má ổng đón ổng về luôn, tui thầm khen ổng có hiếu, đi làm về còn đến thăm Má.

Dần dần sao tui thấy những ngày tui làm về trễ thì ổng không ra đứng đường chờ tui thì đi thăm Má hay thăm chị em, bạn bè... Tui vẫn vô tư nghĩ ổng thích la cà, nói chuyện...

Một chiều thứ bảy, hai đứa không đi làm, tui hì hục làm bữa chiều, tính ăn bún bò xào, đi kiếm bún mới hay nhà không còn. Vô phòng thấy ổng nằm xem tivi rồi ngủ khò luôn, thấy vậy tui lẳng lặng xách xe chạy đi mua gói bún.

Tiện ra tới chợ tui đi lòng vòng hơi lâu, thì nghe điện thoại reng, mở ra nghe tiếng ổng thảng thốt “ em đang ở đâu? Về ngay đi nha.” Hoảng qua, không kịp hỏi gì tui bỏ hết đồ không ra trả tiền nữa, phóng xe về nhà thấy mặt ổng xanh lè, ngồi bệt trước cửa nhà chờ tôi.

Gạn hỏi mãi ổng mới khai ra ổng không dám ở nhà một mình buổi tối vì sợ ma!

Cả đám được trận cười nghiêng ngửa dù trong đám có người chắc cũng không gan dạ hơn hai ông bạn mình bao nhiêu.

Cho đến một ngày, Ba tôi bịnh nằm nhà thương. Ban ngày vào trông đi lên đi xuống bao nhiêu tầng lầu cũng chả sợ, bịnh nhân và đội ngũ bác sỹ, y tá... đông đảo, thêm người thăm nuôi nên hành lang, thang máy lúc nào cũng rộn ràng người qua kẻ lại.

Tối khuya, chồng tôi vào thăm ông Bố vợ, tiện thể đón luôn tôi. Lúc Ba tôi bắt đầu ngủ, tôi loay hoay thu xếp vài thứ đồ thì chồng tôi xuống trước lấy xe vì đậu hơi xa, trời lại lạnh. Dặn vợ khoảng mười lăm phút sau hãy xuống.

Chui vào thang máy chả hiểu sao tay tôi lại táy máy bấm xuống tầng hầm dưới cùng. Ra khỏi thang máy tôi vẫn chưa phát hiện mình đi lầm. Rảo độ mươi bước mới định thần nhìn kỹ. Chết mồ rồi, dọc theo hành lang dài hun hút, không một bóng người vãng lai, đèn mờ mờ ảo ảo. Sợ quá, tôi chạy ngược trở lại thang máy, bấm mãi nó không chịu mở cửa cho tôi chui trở vào.

Lần đầu tiên trong đời tôi thấy thời gian dài lê thê đến vậy. Sau cùng tôi quyết định co giò bỏ chạy thục mạng vì quay lưng nhìn dáo dác thấy trên tường có bảng hướng dẫn lối ra phòng cấp cứu. Ác một nỗi, nhà thương này lại rộng bè theo bề ngang nên thăm thẳm không thấy đầu bên kia.

Vừa chạy tôi vừa nhìn ngang liếc dọc, hai bên cũng có phòng ốc nhưng tắt đèn tối om, cửa đóng im ỉm. Dọc hai bên tường hành lang, những chiếc giường băng ca trống rỗng, phủ lên tấm drap trắng toát càng làm tôi hoảng loạn, tôi cố gia tăng tốc độ, chỉ còn nghe tiếng chân bình bịch và tiếng thở hổn hển của một mình tôi.

Chợt nghe một tiếng véo rất lớn đằng sau, xoay nhanh người lại và tôi hét rõ to cùng lúc một tiếng hét thất thanh khác cũng vang lên lanh lảnh. Một cô gái đang ngồi trên một xe có động cơ, nhỏ hơn xe ở sân golf. Đây là loại xe trong nhà thương dùng để vận chuyển hồ sơ bịnh nhân đi khắp nhà thương.

Không biết cô gái này từ một ngách nào trong hành lang chui ra, thấy tôi hét thì cô ta cũng sợ quá thét lên theo vì giờ này chẳng mấy người lang thang ở đây làm gì. Cô ta chạy sau lưng tôi và hỏi:
- Bà xuống lộn tầng hầm này phải không?
- Chưa bao giờ tôi thấy chỗ nào trong nhà thương lại vắng vẻ không một bóng người như vậy.
- Tầng này dành làm việc hành chánh, giờ này không còn ai làm việc hết ngoại trừ vài nơi phải lo hồ sơ bịnh nhân.

Miệng nói nhưng tôi vẫn cắm cổ chạy, chiếc xe chạy rề rề sau lưng, cô gái bảo tôi:
- Bà đừng chạy nữa, đi từ từ không thôi ngã, tôi theo sau bà đừng có sợ.

Có cô gái đi theo sau lưng đúng là đỡ sợ thật nhưng đầu tôi lại nghĩ:
- Biết đâu đây là con ma không chừng, nó đang dụ khị mình đây nè.

Làm như không nghe, tôi cứ chạy, mãi đến khi thấy phía xa xa có cái bảng đỏ chói “ Phòng Cấp Cứu “ tôi mới hoàn hồn, bước chậm lại và lúc đó mới cảm thấy chân cẳng rã rời, mệt lả. Cô gái lên tiếng:
- Bà đi thẳng chừng mười lăm mét, quẹo trái là đông người lắm.
- Cám ơn Cô nhiều. Tôi quay lại nói.
- Tôi mới vào không lâu nên mỗi lần phải làm ca tối tôi cũng sợ lắm. Công việc phải chịu thôi.
- Tôi thấy Bà vừa chạy vừa sợ nên tôi hết sợ vì biết là người ta. Cô gái cười và nói tiếp.

Lúc này tôi mới dám nhìn kỹ vào mặt cô gái, cô ta trẻ lắm, chừng hai chục tuổi. Tới chỗ rẽ, cô ta cười cười chào tôi và căn dặn:
- Lần sau Bà nhớ đừng ra thang máy chỗ hồi nãy mà bấm tầng dưới cùng. Bà phải chạy hết chiều ngang nhà thương mới ra tới đây vì thang máy đó nằm mút đầu bên kia.
Tôi nghĩ thầm trong đầu:
- Khỏi dặn, một lần tởn đến già.

Đi nhanh ra cổng, tôi ngẫm nghĩ: “ Lạ lùng, tưởng chỉ người Việt mới sợ ma, té ra dân ngoại quốc cũng biết con ma và cũng có người sợ nó như mình vậy! Mà đã bảo rồi, ma đâu mà ma, tự nhát nhau thôi, thế mà sợ vẫn cứ sợ, kỳ cục thật! “


Hà Lê


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved