1- CẤU TẠO MẮT

 

2- MÁU TRONG MẮT

 

Đôi khi mạch máu ở lòng trắng bị vỡ ra khiến cho lòng trắng đỏ ngầu. Đây gọi là Xuất huyết dưới màng kết mạc mắt (subconjunctival hemorrhage). Dù nhìn thấy rất đáng sợ nhưng thật ra lại không đáng lo. Chỉ 2-3 ngày là vết đỏ biến mất. Nếu bạn là người cao niên thì nên kiểm tra áp huyết. Nếu áp huyết 140/90 đi kèm mắt đỏ thì cần gặp bác sĩ.

Cũng cần gặp bác sĩ nếu mắt đỏ và đau, màu đỏ lan vào con ngươi hoặc tròng đen, hoặc mắt đỏ sau khi bị chấn thương mắt. Cũng cần gặp bác sĩ nếu mắt đỏ xẩy ra thường xuyên hoặc xẩy ra sau khi uống thuốc chống đông máu (anticoagulants).

 

3- MẮT CƯỜM (Cataracts).

 

Mắt cườm còn gọi là Mắt kéo mây là tình trạng Thủy tinh thể (lens) của mắt bị mờ đục, tuy nhiên không đau đớn. Lớp mây này cản trở ánh sáng đi qua Thủy tinh thể tới lớp Võng mạc ở phía sau mắt, do đó người bệnh không còn nhìn thấy rõ ràng.

Mắt cườm rất phổ biến nơi người lớn tuổi và là kết quả của nhiều nguyên nhân:

- Biến đổi của Thủy tinh thể theo thời gian.
- Chấn thương mắt.
- Bệnh mắt.
- Phản ứng phụ của một số thuốc men.
- Hệ quả của bệnh Tiểu đường.


Triệu chứng của Mắt cườm khá nhiều:

- Nhìn mờ, cảnh nhuốm trắng, cảnh có một lớp màng mỏng bao che.
- Ban đêm nhìn không rõ.
- Dễ bị lóa mắt.
- Nhìn mọi thứ thấy hai (2).
- Thấy có hào quang chung quanh đèn.

Mắt cườm làm cho số đo mắt thay đổi liên tục.

Nếu không chữa thì Mắt cườm trở nặng làm cho khả năng nhìn càng kém. Nhưng không phải Mắt cườm nào cũng cần mổ. Thường thì khả năng nhìn chỉ kém đi từ từ và có thể là không bao giờ trở thành trầm trọng. Nhiều người bị Mắt cườm vẫn nhìn tốt nhờ đeo kính, cho nên không cần mổ. Chỉ khi bạn cảm thấy kính đeo mắt vẫn không giúp nhìn rõ thì mới cần mổ.

Không có cách gì bảo đảm giúp ngừa Mắt cườm, tuy nhiên, những cách sau đây có thể làm cho Mắt cườm chậm xuất hiện:

-Không hút thuốc.
-Đội mũ, đeo kính râm khi trời nắng.
-Ăn thực phẩm giầu sinh tố C và E.
-Không rượu chè quá độ.
-Không dùng thuốc kích thích tăng cơ bắp (steroid)
-Kiểm soát áp huyết và tiểu đường.

 

Mắt bên trái bị cataract

 

 

3- MẮT KHÔ

 

Những lý do khiến mắt khô là:

-Không khí khô
-Khói
-Tuổi già
-Vài bệnh tật
-Phản ứng thuốc (thuốc chống dị ứng, trầm cảm, ngừa thai v.v.)

Ở nhà thuốc tây có bán thuốc nhỏ mắt để chữa khô mắt. Không nên dùng thuốc chữa đỏ mắt, ngứa mắt (tỷ dụ Visine) cho mắt khô.

 

4- VIÊM MÀNG MẮT (Conjunctivitis)

 

Còn gọi là Pink eye (mắt đỏ) là sự viêm nhiễm của màng kết mạc mắt (conjunctiva), là màng nối 2 mí mắt, bao phủ toàn bộ mắt. Vi trùng, vi khuẩn, dị ứng, không khí quá khô, khói bụi, hơi độc, hóa chất đều có thể gây ra đỏ mắt. Nếu do vi trùng hay vi khuẩn thì gọi là nhiễm trùng.

Triệu chứng của viêm mắt là đỏ mắt, sưng mí mắt, chẩy nước nhiều, ngứa ngáy mắt và nhậy cảm với ánh sáng.

Khi bị viêm mắt:

-Dùng thuốc nhỏ mắt có bán ở nhà thuốc.
-Không mang kính đeo mắt sát tròng (contact lens) hoặc trang điểm mắt khi đang viêm mắt. Bỏ kính đeo mắt sát tròng cũ.
-Khi dùng thuốc nhỏ mắt nhớ đừng cho đầu chai thuốc chạm vào mắt.
-Khi mua thuốc nhớ là đừng lầm thuốc nhỏ mắt với thuốc nhỏ tai.
-Rửa tay trước và sau khi dùng thuốc nhỏ mắt.

Phải đi gặp bác sĩ nếu:

-Mắt đau, mờ, không thấy.
-Mi mắt cũng sưng đỏ.
-Cảm thấy như có gì trong mắt.
-Đau mắt kéo dài hơn 1 tuần.

 

 

 

5- NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA MÍ MẮT

 

Một vấn đề phổ biến của mí mắt người già là tình trạng Viêm mi mắt (blepharitis). Triệu chứng là đỏ, ngứa và da đóng vảy ở mi mắt. Vảy có thể khô hay ướt. Lông mi có thể rụng. Những người hay bị gầu tóc, dị ứng da, chàm da (eczema) và mụn lẹo (stye) thì thường hay bị Viêm mi mắt.

Một tình trạng phổ biến khác ở người già là Sụp mi mắt (drooping eyelids). Đây là hậu quả do giây cơ ở mi mắt bị nhão, không còn khả năng kiểm soát mí mắt. Nếu mi mắt dưới bị sụp xuống quá nhiều (ectropion) thì mắt có thể bị khô ngứa. Nếu mi mắt trên sụp xuống quá nhiều (ptosis) thì tầm nhìn bị che.

 

 

Sụp mi mắt dưới và Sụp mi mắt trên

 

6-CƯỜM NƯỚC (Glaucoma)

 

Gây tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa. Thần kinh thị giác, nằm ở phía sau của mắt, dẫn tín hiệu từ mắt tới não. Óc làm công việc chuyển hóa tín hiệu thành hình ảnh. Khi bị Glaucoma thì áp lực cao trong mắt làm tổn thương thần kinh thị giác. Áp lực cao do nước trong mắt tích tụ quá nhiều.

 

 

 

Có 2 loại glaucoma:

* Loại góc mở (open-angle glaucoma): là loại phổ thông. Không đau đớn cho nên phát triển trong mấy năm trời mà không bị phát hiện. Cả hai mắt có thể bị cùng lúc, nhưng có thể một mắt này nặng hơn mắt kia. Loại glaucoma này làm cho hình ảnh bị mờ đi ở phía ngoài (peripheral). Khi bạn nhận ra hình ảnh bị mờ ở vòng ngoài thì thần kinh thị giác đã bị tổn thương vĩnh viễn.

 

 

* Loại góc đóng (closed-angle glaucoma): loại này hết sức nguy hiểm vì phát sinh bất thình lình và gây tổn thương mắt vĩnh viễn trong vòng vài giờ. Triệu chứng của bệnh này là đau mắt nghiêm trọng, nhìn mờ, mắt đỏ, buồn nôn và ói mửa. Phải đi gặp bác sĩ ngay nếu có những triệu chứng nói trên.

Bệnh Glaucoma không chữa trị gây mù mắt nơi người già. Thường thì người da đen và người có thân nhân bị glaucoma có nhiều khả năng bị bệnh.

Phòng ngừa:

-Khám mắt thường xuyên.
-Có những triệu chứng của loại góc đóng thì đi khám bác sĩ mắt ngay.

 

7-LÃO THỊ (Presbyopia)

 

Bệnh Lão thị ảnh hưởng hầu như tất cả mọi người sau 40 tuổi. Khi mắt bị già đi thì Thủy tinh thể (Lens) trở thành kém co giãn, khiến cho mắt không còn tập trung được vào vật ở gần hay là chữ quá nhỏ. Hậu quả là họ phải đưa vật ấy hoặc tờ giấy ra xa để có thể nhìn rõ. Người bị Lão thị thường nói đùa là họ không cần kính mà chỉ cần cánh tay dài.

Người bị Lão thị cần đeo kính 2 tròng (bifocal) để nhìn được cả vật gần và vật xa hoặc cũng có thể chỉ cần đeo kính lão (kính đọc sách không cần toa bác sĩ).

Thường thường thì Lão thị chỉ phát triển chậm chạp theo thời gian. Nếu cái nhìn của bạn thay đổi quá nhanh chóng, bạn cần đi khám bác sĩ, vì có thể đó là hậu quả của bệnh Tiểu đường.

 

8-RỐI LOẠN VÕNG MẠC (Retinal Disorders)

 

Võng Mạc là một màng mỏng do thần kinh thị giác tạo thành ở phía sau nhãn cầu. Những tế bào thần kinh trong Võng Mạc phát hiện ra ánh sáng và gởi tín hiệu tới óc những gì mà mắt chúng ta thấy được. Nếu Võng Mạc có vấn đề thì mắt nhìn bị yếu lệch đi hoặc không còn thấy được.

*Võng Mạc bị rách hoặc tách rời ra.

Khi Võng Mạc không còn dính vào với thành mắt (wall of the eye) thì nó không còn làm việc hiệu quả, dẫn đến mất khả năng nhìn. Tình trạng Võng Mạc bị tách rời có thể xẩy ra trong mọi lứa tuổi, nhưng người già và người cận thị dễ bị hơn. Những nguyên nhân gây ra Võng Mạc tách rời là:

-Thay đổi của Thủy Tinh Dịch (Vitreous) do lão hóa.
-Một cú sóc mạnh vào đầu hoặc vào mắt.

Triệu chứng của Võng Mạch rách hoặc tách rời là:

-Thấy vật trôi nổi trước mắt (floaters).
-Thấy chớp sáng.
-Thấy mọi vật như nằm sau một tấm rèm.

Vật trôi nổi và Chớp sáng gây ra bởi những tế bào lệch lạc vị trí hoặc những sợi cơ lơ lửng trong Thủy Tinh Dịch. Dù Vật trôi nổi không nghiêm trọng nhưng nếu bạn mới thấy lần đầu thì phải đi khám mắt ngay. Hoặc đã thấy trước nhưng nếu chúng trở nên to hơn thì cũng phải báo cho bác sĩ mắt.

 

Vật trôi nổi.

 

Cái nhìn của mắt thường và mắt có Võng mạc bị tách rời hay bị rách.

 

Cái nhìn của Võng mạc bị tách rời như có một màn đen che phủ.

 

Khi có triệu chứng này thì phải mổ để ngăn ngừa mù mắt. Đa số trường hợp là mắt được phục hồi nếu giải phẫu ngay sau khi Võng Mạc mới bị tách rời.

*Điểm Vàng bị thoái hóa (Macular degeneration)

Điểm Vàng là thành phần của Võng Mạc giúp cho mắt có cái nhìn rõ ràng sắc nét của những gì ngay trước tầm mắt. Thoái hóa Điểm Vàng có thể xẩy ra ở một hoặc cả hai mắt. Triệu chứng của bệnh này là:

-Hình ảnh mờ.
-Có điểm trắng hoặc đen ngay giữa hình ảnh.
-Thấy đường thẳng thành đường cong trong lưới ô vuông
-Mầu sắc thành mờ phai.

 

Hình ảnh của người bị Thoái hóa Điểm vàng có điểm đen ngay trung tâm.

 

Khi bệnh trở nặng thì vùng trung tâm giữa của hình ảnh không còn thấy được, mặc dù vùng ngoài bên trái và bên phải vẫn còn thấy. Nhiều người vẫn còn sinh hoạt được mặc dù bị thoái hóa điểm vàng, nhưng những hoạt động đòi hỏi phải thấy vùng giữa như lái xe, đọc sách trở thành rất khó khăn.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ thoái hóa Điểm Vàng. Có bằng chứng cho thấy ăn nhiều rau có màu xanh đậm như spinach (rau chân vịt, cải bó xôi) giúp giảm bớt nguy cơ thoái hóa Điểm Vàng.

Giải phẫu bằng tia laser có thể chặn đứng mù mắt do thoái hóa Điểm Vàng nếu phát hiện sớm.

*Võng Mạc thoái hóa do Tiểu đường (Diabetic Retinopathy)

Xẩy ra khi Tiểu đường làm tổn thương mạch máu Võng mạc. Nguy hiểm vì triệu chứng chỉ phát ra khi bệnh đã nặng. Nếu không chữa trị sẽ dẫn đến mù mắt.

(còn tiếp)

 

9-GIAI PHẪU PRK VÀ LASIK.

 

PRK và LASIK là 2 phương pháp giải phẫu khác nhau có thể chữa trị các bệnh Cận thị (nearsightedness) Viễn thị (farsightedness) và Loạn thị (astigmatism).

Mỗi phương thức, bác sĩ dùng tia laser để điều chỉnh hình dạng của Giác mạc (cornea), là màng cơ trong suốt che phủ con ngươi và đồng tử, khiến cho mắt nhìn tốt hơn.

Những cuộc giải phẫu này kéo dài từ 15 đến 30 phút. Có thể giải phẫu cả 2 mắt cùng lúc nhưng một số bác sĩ muốn làm mỗi lần một mắt mà thôi.

Một số người vẫn phải đeo kính sau khi giải phẫu, nhất là khi trời tối hoặc nơi không đủ ánh sáng, nhưng kính này thuộc loại nhẹ. Ngoài ra, sau khi giải phẫu, một số người bị thấy hào quang (halo) chung quanh nguồn sáng trong vòng 6 tháng trời mới hết.

PRK và LASIK không thể chữa trị Cataract hoặc Thoái hóa điểm vàng hoặc Lão thị.

 

10-MỤN LẸO (Styes)

 

Mụn lẹo là sự nhiễm trùng của hạch nhỏ trong mi mắt, nhưng không gây ra lây nhiễm. Bị sưng đỏ lên ở bờ mi, sau đó xuất hiện ngòi rồi mủ vỡ ra ở ngòi sau vài ngày. Sau khi vỡ mủ thì mụn lẹo xẹp xuống và lành lại.
Cách chữa trị:
-Không dụi mắt, không tìm cách bóp hoặc mở mụn lẹo ra.
-Để miếng bông gòn tẩm nước ấm lên mụn lẹo trong 10 phút, vài lần mỗi ngày, đến khi mụn lẹo mọc ngòi và vỡ mủ ra.
-Không trang điểm mắt hoặc đeo kính sát tròng (contact lenses) trong thời gian có mụn lẹo.
Nếu mụn lẹo không lành trong vòng một tuần hoặc có dấu hiệu lan rộng thì phải đi khám bác sĩ.

 

 

11-MẮT GIẬT NHÁY (eye twitches)

 

Do mệt mỏi hoặc căng thẳng. Sẽ tự hết sau một thời gian, nếu được nghỉ ngơi.

Chỉ phải đi gặp bác sĩ nếu giật nháy mắt kéo dài lâu hơn 1 tuần hoặc là kéo thêm giật nháy các cơ bắp trên mặt.

 

 

 

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA MẮT

 

 

TRIỆU CHỨNG

 

NGUYÊN NHÂN CÓ THỂ

Đỏ, ngứa, chảy nước mắt Dị ứng với môi trường, kính sát tròng , trang điểm mắt….
Chẩy mủ, đỏ, sưng mí mắt, ngứa ngáy như có sạn Nhiễm trùng mắt
Có mụn trên mi mắt Mụn lẹo
Mắt đau nhức Hóa chất dính vào mắt, Nhức nửa bên đầu, Dị vật vào mắt, Nhiễm trùng mắt
Mắt đau nghiêm trọng, tròng trắng đỏ, nhìn mọi vật mờ. Cần gặp bác sĩ
Nhìn thấy chớp sáng hoặc bóng đen Võng mạc bị tách rời
Nhìn cảnh vật mờ, có mây che phủ, không nhìn được vật ở gần Cườm mắt, Lão thị
Nhìn cảnh vật như trong đường hầm, hai bên bị đen Tăng áp nhãn
Có vòng hào quang quanh nguồn sáng Cườm mắt, Tăng áp nhãn
Cảnh vật bị xoắn, có điểm đen ở giữa, đường thẳng thành xoắn cong Thoái hóa điểm vàng
Tròng trắng thành đỏ Máu trong mắt
Mắt khô ngứa Mắt khô
Mi mắt sụp xuống hay lồi lên Bệnh về mi mắt

 

 

 

 

12-CHOÁNG VÁNG (dizziness) và RỐI LOẠN TIỀN ĐÌNH (vertigo)

 

Choáng váng là từ thường dùng để diễn tả 2 cảm trạng khác nhau là Nhẹ đầu (light-headedness) và Rối loạn Tiền đình. Nếu ta mô tả chính xác triệu chứng thì giúp cho bác sĩ định bệnh được tốt hơn.

 

*Nhẹ đầu

Cảm giác này giống như sắp ngất xỉu. Dù bạn cảm thấy không vững vàng nhưng không không cảm thấy chung quanh chuyển động quay cuồng. Khi nằm xuống thì cảm giác nhẹ đầu đỡ hơn. Nhẹ đầu khi trở nặng có thể gây ra ngất xỉu và ói mửa.

Nhẹ đầu thường không phải là triệu chứng nguy hiểm. Nhiều người thỉnh thoảng bị Nhẹ đầu. Nguyên nhân là áp huyết xuống thấp hoặc máu đưa lên đầu bị giảm đột ngột do đang ngồi đứng lên quá nhanh hoặc đang nằm ngồi dậy quá nhanh.

Nhẹ đầu cũng là triệu chứng phụ của cảm cúm hoặc dị ứng, rối loạn thở nhanh, căng thẳng, xao xuyến, uống rượu, dùng ma túy. Một nguyên nhân quan trọng hơn của Nhẹ đầu là mất máu. Xuất huyết nội dẫn đến nhẹ đầu và mệt mỏi.

*Rối loạn Tiền đình

Là cảm giác mọi vật chung quanh quay cuồng, chao đảo. Gây ra khi cơ năng giữ thăng bằng của Tai trong (inner ear) bị xáo trộn. Có thể đi kèm với nôn mửa hoặc muốn ói. Khi bị Rối loạn Tiền đình nặng, bạn không còn khả năng đứng hoặc đi do cảm giác trời đất quay cuồng.

Nguyên nhân thông thường nhất của Rối loạn Tiền đình là thay đổi vị trí của cái đầu quá đột ngột, tiếng Anh gọi là Benign positional vertigo, khiến cho chức năng giữ thăng bằng của tai trong bị xáo trộn. Tránh quay đầu quá nhanh hoặc ngửng đầu lên, cúi đầu xuống quá nhanh. Những người chơi đánh quần vợt hoặc cầu lông nên tập xoay đầu nhiểu lần trước khi chơi.

Chức năng giữ thăng bằng của tai trong cũng bị ảnh hưởng khi bạn bị nhiễm trùng tai (labyrinthitis) hoặc có nước ở tai trong (Meniere's disease), đau nửa bên đầu (migraine headache), Đa Xơ cứng (multiple sclerosis), đột quỵ hoặc bướu não.

Nhẹ đầu không nguy hiểm nếu không đi cùng ngất xỉu hoặc tim đập bất thường. Nguy hiểm của Nhẹ đầu hoặc Rối loạn tiền đình là đưa đến té ngã.

Khi bị Nhẹ đầu thì nằm nghỉ vài phút, sẽ giúp đưa thêm máu lên đầu. Sau đó ngồi từ từ lên vài phút trước khi đứng dậy.

Ngược lại nếu bị Rối loạn tiền đình do bướu não thì không nên nằm xuống vì có thể làm tăng cảm giác quay cuồng. Nhưng cũng ráng ngồi để tránh té ngã.

Cần đi cấp cứu nếu như Nhẹ đầu và Rối loạn tiền đình đi kèm với những triệu chứng khác như nhức đầu dữ dội, mất sáng suốt, không nói được, không thấy được, tê tay chân, đau ngực, cứng cổ, sốt, kinh giật.

 

13-NHIỄM TRÙNG TAI

 

Nhiễm trùng xẩy ra ở Tai giữa (middle ear) hoặc Ống tai (ear canal).

Nhiễm trùng Tai giữa (otitis media) thường là hậu quả của cảm cúm. Cảm cúm khiến cho Vòi nhĩ (eustachian tube) là ống nối Tai giữa và họng bị sưng lên và nghẹt. Khi vòi này nghẹt thì nước bị ứ lại ở Tai giữa, vi trùng và vi khuẩn sinh sôi trong nước này gây ra nhiễm trùng.

Nước nhiễm trùng ở Tai giữa tạo áp lực lên Màng nhĩ (eardrum), đến một lúc nào đó thì áp lực quá lớn làm rách màng nhĩ. Nếu chỉ rách một lần thì Màng nhĩ có khả năng tự lành sau khi Vòi nhĩ được thông và nước chảy thoát, nghĩa là khả năng nghe vẫn còn. Nhưng nếu nhiễm trùng nhiều lần và Màng nhĩ rách nhiều lần thì không phục hồi được và thành điếc vĩnh viễn.

Triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa là đau tai, choáng váng, nghe tiếng reo trong tai, cảm giác tai bị nghẹt, khó nghe, nhức đầu, chảy nước mũi. Trẻ em chưa biết nói thì thường lấy tay kéo lỗ tai. Nước trong tai có màu đỏ hay mủ vàng là dấu hiệu cho thấy Màng nhĩ bị rách. Nhưng khi Màng nhĩ bị rách thì tai lại bớt đau.

Nước dịch tích tụ trong Tai giữa tiếng Anh gọi là effusion (dịch tràn). Dịch tràn sau khi bị nhiễm trùng tai không đáng lo ngại nếu nó kéo dài ít hơn 3 tháng và không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng nghe.

*Vấn đề nhiễm trùng tai bị tái đi tái lại nơi trẻ em.

Nếu trẻ em bị ít nhất 3 lần nhiễm trùng tai trong vòng 6 tháng hoặc 4 lần trong vòng 1 năm thì phải nói bác sĩ gia đình cho thuốc kháng sinh ngừa nhiễm trùng tai. Đây là liều kháng sinh nhẹ uống mỗi ngày suốt trong thời gian con bạn hay bị nhiễm trùng tai.

Tuy nhiên cũng có tranh cãi trong giới y khoa về vấn đề hiệu quả thực sự. Ngoài ra, có lo ngại là uống kháng sinh thường xuyên gây ra lờn thuốc. Do đó, Ống tai (tympanostomy tube) được dùng thay cho kháng sinh. Đây là một ống nhỏ gắn vào trong Màng nhĩ dài hạn để giữ cho Tai giữa được thông thoáng, khô ráo, không bị nước tích tụ.

Ở vài đứa trẻ, nước dịch vẫn tích tụ ở Tai giữa dù đã hết nhiễm trùng tai 3 tháng rồi. Nếu việc này xẩy ra, đứa trẻ cần được xét nghiệm khả năng nghe, vì dịch tràn lâu ngày có thể gây ra mất khả năng nghe hoặc chậm nói. Trong trường hợp khả năng nghe bị giảm sút thì bắt buộc phải dùng kháng sinh hoặc Ống tai.

Chữa trị tại nhà:

-Chườm khăn nóng làm giảm bớt đau tai.
-Uống Acetaminophen, Aspirin, Ibuprofen (không cho người dưới 20 tuổi uống Aspirin).
-Tránh cho nước vào tai.

Đi gặp bác sĩ nếu Nhiễm trùng tai đi kèm với:

-Đau tai nặng.
-Nhức đầu, cứng cổ, sốt, mất tỉnh táo.
-Chẩy máu, chẩy mủ từ tai.
-Sưng đỏ quanh tai.
-Cứng cơ mặt.
-Nhiễm trùng kéo dài hơn 3-4 ngày.

 

14-RÁY TAI (earwax)

 

Ráy trong tai là bình thường. Cần lấy bông gòn (Q tip) làm khô tai sau khi tắm. Cây bông gòn chỉ tốt khi ráy còn ít, ướt và đóng quanh lỗ tai. Khi ráy đã khô và đóng thành cục lớn thì dùng cây bông gòn chỉ đẩy ráy vào sâu trong tai. Phải dùng cây ráy tai của Á châu hoặc ống hút tai Tây phương ở tiệm thuốc tây để lấy ráy tai ra. Lưu ý là cây ráy tai bằng kim loại khi dùng phải cẩn thận vì có thể làm rách màng nhĩ, nên để người khác lấy hơn là tự lấy.

Cách lấy ráy tai theo phương pháp Tây y: Nhỏ 2 giọt dầu khoáng (mineral) vào lỗ tai 2 lần trong vòng 1-2 ngày để làm mềm ráy tai. Khi ráy đã mềm dùng ống hút (bulb syringe) hút nước ra.

Ráy tai quá nhiều sẽ làm khả năng nghe giảm sút hoặc nghe tiếng kêu trong tai.

 

  

 

Những dụng cụ lấy ráy tai theo Tây y bán ở nhà thuốc tây.

 

 Ống xịt bong bóng rửa tai.

15-ĐIẾC TAI VÀ LÃNG TAI

 

Hàng triệu người trên thế giới bị điếc tai, lãng tai nhiều ít. Đa số do Tai trong hoặc Thần kinh Thính giác (acoustic nerve) có vấn đề. Tiếng Anh gọi là Sensorineural Hearing Loss (lãng tai thính giác). Tai trong bị tổn thương là hậu quả của tiếng ồn, một số thuốc men (tỷ dụ aspirin liều cao) hoặc tuổi già. Người bị lãng tai Thính giác khó hiểu người khác nói gì nhưng lại rất nhậy cảm với tiếng động lớn. Họ cũng có nghe tiếng reng (ringing), tiếng hơi gió (hissing) hoặc tiếng click.

Còn trường hợp lãng tai vì âm thanh không đến được Tai trong thì gọi là Lãng tai Truyền dẫn (conductive hearing loss). Nguyên nhân thông thường nhất là ráy tai quá nhiều. Những nguyên nhân khác là nhiễm trùng, xương phát triển bất thường và nước trong tai. Người bị lãng tai Truyền dẫn nghe tiếng chính mình nói thì lớn mà nghe người khác nói thì nhỏ. Cũng có thể nghe tiếng reng trong tai (tinnitus). Tùy theo nguyên nhân, bệnh này được chữa trị bằng thông rửa tai, thuốc men hay giải phẫu.

Một loại điếc tai hiếm gặp là tổn thương thần kinh thính giác trong não. Đây gọi Điếc từ não (central deafness), xẩy ra do chấn thương đầu hay đột quỵ. Tai vẫn hoạt động bình thường nhưng não không còn nhận hiểu âm thanh.

Nếu máu không lên đủ Tai trong hoặc phần trung khu thần kinh thính giác thì cũng ảnh hưởng khả năng nghe. Vậy thì bảo đảm hệ thống tuần hoàn máu bình thường rất quan trọng.

 

16-VIÊM ỐNG TAI (swimmer's ear-otitis externa)


Xẩy ra khi nước vào tai. Những nguyên nhân khác là ống tai bị trầy sướt, xà bông hoặc dị vật vào tai hoặc những bệnh da như chàm (eczema), vảy nến (proriasis).

Triệu chứng là đau, ngứa, cảm giác nghẹt đầy tai. Ống tai có thể sưng lên. Nặng hơn thì chẩy mủ. Đặc biệt là lúc nhai hoặc lấy tay nắm dái tai (earlobe) thì thấy đau hơn.

Phòng ngừa và chữa trị:

-Sau khi tắm xong nên cho nước chẩy ra khỏi tai, dùng cây bông Q tip làm khô lỗ tai hoặc dùng máy sấy tóc để số nhỏ sấy khô tai.
-Không nên để vật ngăn tiếng động (earplug) hoặc loa nhét tai (earphone) quá lâu trong tai.
-Dùng thuốc rửa tai bán tại tiệm thuốc tây với bơm bóng (bulb syringe). Không nhét sâu vòi bơm vào trong tai.
-Trong vòng 3 này không bớt hoặc trở nặng phải đi gặp bác sĩ.

 

17-TIẾNG RENG TRONG TAI (tinnitus)


Nhiều người thỉnh thoảng nghe vài âm thanh trong tai. Những âm thanh này chỉ kéo dài vài phút, nhưng nếu nó kéo dài lâu hơn thì bạn bị bệnh tiếng reng trong tai (tinnitus).

Bệnh này là hậu quả của thần kinh Tai trong bị tổn thương, do tiếp xúc với tiếng ồn thường xuyên, lâu dài. Những nguyên nhân khác là quá nhiều ráy tai, nhiễm trùng tai, thương tích tai hoặc phản ứng phụ của thuốc tây và thuốc kháng sinh. Trong trường hợp hiếm thì do bướu não. Rượu và cafe quá nhiều cũng có thể gây ra.

Tiếng reng trong tai chỉ thỉnh thoảng thì không sao, nhưng nếu thường xuyên và đi kèm các triệu chứng khác thì cần gặp bác sĩ.

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca

 

 

 

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved