Kate Hodal- The Guardian

"I hope you're ready to get married": In search of Vietnam's kidnapped brides.

 

"Tao hy vọng mày đã sẵn sàng để lấy chồng": đi tìm những cô dâu Vietnam bị bắt cóc.

  

Một buổi sáng sớm tháng 4, Phượng phát hiện 100 cuộc gọi nhỡ (missed call) trên điện thoại di động, tất cả từ Lý, cô con gái lớn nhất. Khi Phượng gọi lại, Lý hét lên: "Mẹ, mẹ đi đâu mà con gọi mãi không được? Cẩm mất tích rồi". Giọng Lý nức nở, bấn loạn. "Nó gọi con từ biên giới, nó nói nó bị lừa, nó bị bán rồi".

Phượng biết ngay chuyện gì xẩy ra. Gia đình Phượng sống ở Sapa, vùng núi nghèo ở miền Tây Bắc, nơi nhiều cô gái mất tích, nạn nhân của nạn bắt cóc buôn người, bán qua Trung Quốc làm nô lệ tình dục và gia nô. Phượng phải hành động nhanh nếu muốn tìm lại con gái. Bọn buôn người làm việc rất nhanh, cô Cẩm 16 tuổi có thể đang ở trong một chiếc xe đang chạy hết tốc lực về vùng quê Trung Quốc, bọn mua cô đang chờ để giao cho cô nhiệm vụ: gia nô, vợ, mẹ và có thể là phục vụ sinh lý cho vài người đàn ông trong nhà.

Phượng và Cẩm cùng uống trà ngày hôm trước, bây giờ thì Phượng nhớ lại Cẩm hỏi mượn điện thoại di động để nhắn tin cho ai trên Facebook. Cẩm nói có bạn trai đến đón đi rồi hắn sẽ chở lại về làng. Trên điện thoại có hình của gã trai trẻ lái xe Honda đến đón con gái Phượng, chỉ vài giờ đồng hồ sau là bán cô qua bên kia biên giới.

Phượng chạy đến tiệm in ở đầu đường, in hình hắn ra nhiều bản. Rồi nhẩy lên xe máy, đi tìm hắn, một mình.

Cẩm sinh năm 2000, con thứ ba trong gia đình H'mong Đen 7 người con. Ông bố cầy ruộng khi không uống rượu, mẹ thì nhuộm và thêu áo quần truyền thống của gia đình. Mấy chị em trông nom nhau trong khi cha làm ruộng còn mẹ bán áo quần ngoài chợ.

Cẩm luôn luôn nổi bật trong đám chị em. Mới 12 tuổi, Cẩm đã tự học Anh ngữ, đủ giỏi để làm bạn với đám du khách hay đi qua lại trước nhà về phía ruộng lúa. Tới lúc 14 tuổi, Cẩm bỏ học để giúp gia đình bằng cách làm việc trong một khách sạn ở thị trấn Sapa. Tới 15 tuổi, Cẩm làm quen với Facebook, bắt đầu kết bạn và làm duyên với trai. Mẹ của Cẩm, không biết đọc biết viết, lấy chồng năm 16 tuổi, tới năm 37 tuổi thì đã có 7 đứa con, chồng thì nghiện rượu. Cẩm không muốn đi theo con đường đó.

Cẩm quen Long trên Facebook. Có gần 5,000 bạn Facebook, Cẩm đã quen việc có bạn mới thường xuyên. Họ hỏi cô đi học trường nào, Sapa có cái gì hay để đi thăm thú. Cô coi Facebook là chỗ hẹn hò, đại đa số người cô trò chuyện online là người H'mong, thật là tiện lợi, dù cho họ ở xa nhau, đường đi rất cách trở.

H'mong là nhóm dân thiểu số lớn, xuyên quốc gia, sống trong vùng núi non của 4 nước: Trung quốc, Vietnam, Lào và Thái Lan. Quốc gia nơi họ sống không quan trọng bằng họ thuộc bộ lạc nào: H'mong Đen, H'mong Trắng hay H'mong Hoa. Phần lớn là tuân theo phong tục lễ nghi khi lập gia đình, nhưng trên Facebook thì Cẩm và bạn bè hoàn toàn tự do.

Tôi hỏi lũ con trai tại sao đi giúp bọn bắt cóc buôn người thì chúng trả lời đơn giản: "Vì em cần tiền mua iPhone mới".

Vài đứa con trai Cẩm quen trên Facebook khá dễ thương nhưng Long thì khác: hắn có thể chat qua lại với Cẩm suốt buổi chiều. Suốt 5 tháng trời như vậy cho đến khi hắn gặp Cẩm ngày sinh nhật 16 của cô. Vài tuần sau Tết Ta, chúng lại gặp nhau và rồi hắn biến mất đột ngột.

Không lâu sau, Cẩm đến nhà bà ngoại chơi, log vào Facebook xem có tin gì của Long không thì nhận được yêu cầu làm bạn của Bình, em trai Long. Bình nói: "Tôi đang lên Sapa chơi nhưng không biết rành đường xá, bạn có rảnh gặp tôi không?" Dù chưa bao giờ Cẩm gặp Bình, Cẩm vẫn tin và hẹn chỗ. Bình mang theo một người bạn, Cẩm rủ cô bạn gái thân nhất. 4 người đi đến tiệm cafe uống bia. 2 tên con trai gọi bia, 2 cô gái đi vào toilet rửa mặt. 2 cô trở ra, uống bia, chuyện trò. Sau đó thì Cẩm chỉ còn nhớ là mình ngồi giữa 2 thằng con trai trên chiếc Honda, cô thấy chóng mặt buồn ngủ đến nỗi mở mắt không ra.

Thành phố Sapa, gần biên giới Việt-Trung, là trung tâm buôn người.

Nhưng chiếc xe nẩy tưng quá nhiều khiến Cẩm thức tỉnh, cô nhận ra xe đang chạy trên con đường đất trong rừng. Một bảng hiệu tiếng Tàu hiện ra, xe Honda ngừng lại. Hoảng loạn, em lục tìm điện thoại di động và bắt đầu hét gọi chị của em rằng em đã bị bắt cóc sang Trung quốc. Một gã đàn ông xuất hiện, giật lấy điện thoại của em. Rồi hắn kề dao vào cổ em, đe dọa "Mày đang ở Trung quốc, mày không còn về nhà được nữa. Tao hy vọng mày sẵn sàng để lấy chồng, vì mày sắp có chồng."

Buôn lậu người là chuyện lâu năm ở Sapa, vì rừng già, sông suối và địa hình núi non khiến người ta mất tích nhanh chóng và bất kỳ lúc nào. Đàn ông vượt biên giới để đi buôn bán hoặc đi làm phu mỏ cho Trung quốc. Nhưng nếu đàn bà con gái vượt qua biên giới thì chỉ vì họ bị bắt cóc hoặc bán bởi chính láng giềng hoặc họ hàng xa.

Con gái trở thành món hàng có giá vì chính sách mỗi gia đình một con áp dụng ở Trung quốc từ năm 1979. Truyền thống quý nam hơn nữ khiến cho nhiều gia đình phá thai con gái hoặc giết chết bé gái sau khi sinh. Kết quả là Trung quốc bị nạn mất cân bằng giới tính trầm trọng nhất trên thế giới. Tính đến năm 2020 thì ở Trung quốc, đàn ông tuổi lấy vợ nhiều hơn đàn bà tuổi lấy chồng đến 30 triệu người.

Ở những vùng hẻo lánh xa xôi, nhiều đàn ông Trung quốc phải "mua vợ" từ nước ngoài, cách này rẻ hơn là trả tiền hồi môn cho vợ người Trung quốc. Hậu quả là phát sinh kỹ nghệ nhập khẩu vợ từ các quốc gia láng giềng, với giá một người vợ lên tới 80,000 Yuan (9,300 Bảng Anh hoặc 12,000 USD). Trong năm 2012, 1281 phụ nữ được giải thoát, tất cả đến từ Lào, Myanmar và Vietnam. Tệ nạn này gây chấn động quốc tế năm ngoái khi một em bé Vietnam mới 12 tuổi đi khám thai ở bệnh viện Xuzhou, người làm em mang thai là một đàn ông Trung quốc 35 tuổi đã mua em với giá 30,000 Yuan (3,400 Bảng Anh hay 4,500 USD).

Năm ngoái chính quyền Trung quốc giải thoát 207 đàn bà Vietnam và một đứa bé từ băng buôn người đến 61 thành viên. Nhưng đây là tệ nạn không dễ tiêu diệt. Lào Cai, giáp giới Yunnan Trung quốc, là tỉnh nghèo nhất và đa sắc tộc nhất của Vietnam. Dân thiểu số là H'mong, Dao và Tày. Tỉnh này rất phổ biến với dân Tây ba lô. Nhưng lợi tức bình quân đầu người chỉ bằng nửa so với toàn quốc, trình độ học vấn rất thấp và việc làm thì rất hiếm. Ở Sapa, thủ đô du lịch cho toàn vùng, bên cạnh các bar rượu, trẻ em dân tộc H'mong quỳ gối ven đường bán đồ thủ công nghệ, sau lưng gù theo em trai em gái nhỏ.

Thiên và cha

Buôn người là cách kiếm tiền dễ dàng cho những kẻ tay trắng. Nguyễn Tường Long, lãnh đạo Cục Bài Trừ Tệ Nạn Xã Hội của tỉnh, nói: "Có nhiều nguyên nhân đưa đến nạn buôn người: thiếu học vấn, nghèo đói, tuổi mới lớn. Nạn nhân phần lớn là thiếu nữ dân tộc thiểu số, theo truyền thống thường lập gia đình trong khoảng từ 13 đến 17 tuổi, là tuổi bắt đầu nghĩ đến chuyện trai gái".

Bọn buôn người không chỉ nhắm vào con gái nhưng nhắm vào cả con trai, vì chúng dùng con trai để dụ dỗ con gái. Nguyễn nói: "Bọn con trai chỉ nghĩ đến tiền kiếm được khi giao đứa con gái qua biên giới. Chúng thường đóng kịch làm bạn trai, làm người yêu của đám con gái. Đa số bọn con gái chưa bao giờ đi xa khỏi làng. Tôi đã hỏi cung nhiều tên con trai. Tại sao mày làm như vậy. Chúng trả lời đơn giản: "Vì con cần tiền mua iPhone". Ông Nguyễn lắc đầu ngao ngán.

Với giá điện thoại di động rất rẻ, Vietnam trở thành một trong những quốc gia liên lạc kết nối nhau nhiều nhất trên thế giới. Dân số 95 triệu thì hơn phân nửa xử dụng Internet, Facebook và Youtube.

Facebook đã tạo ra hiệu ứng "bạn trai dỏm" trong đám thiếu nữ. Không còn bị giới hạn trong lễ nghi truyền thống, gái bản làng như Cẩm nay có khả năng biết đến thế giới rộng lớn ngoài bản làng, có thể lựa chọn người yêu. Nhưng tự do đó thường chỉ là ảo ảnh: người yêu trên mạng, thường là hứa hẹn sẽ đính hôn, thì chỉ là ma dẫn lối, quỷ đưa đường tới một địa ngục trần gian, nơi họ trở thành nô lệ tình dục và gia nô.

Không có con số chính thức bao nhiêu cô gái bị bắt cóc, bao nhiêu được giải cứu, theo lời Nguyễn. Biên giới thì không được kiểm soát chặt chẽ, ngân sách thì ít ỏi và việc giải cứu tùy thuộc vào sự cộng tác của chính quyền Trung quốc, không phải lúc nào cũng có. Trong tháng 6 có 18 cô gái Việt từ Lào Cai được giải cứu, trung bình cả năm thì khoảng 100. Nhưng rất nhiều vụ bắt cóc không được báo cáo.

Nhiều gia đình phải cử người qua Trung quốc tìm kiếm con gái, nhưng thất bại vì không có dấu vết. Nhiều người mẹ phải trở thành thám tử: xác định dấu vết cuối cùng trước khi con gái mất tích, thu thập tin tức từ nhân chứng, phải bán nữ trang và tài sản cho chi phí đi tìm con.

Sương đang giáo dục quần chúng ở chợ Bắc Hà

8 giờ sáng ngày Chủ nhật trong tháng Sáu, ở chợ Bắc Hà, người mẹ trở thành thám tử tên Sương, 43 tuổi, trèo lên một cái bục tạm, một tay cầm những tờ rơi kêu gọi chống bắt cóc, một tay cầm ống khuếch âm. Con gái Sương tên Thiên bị bán qua biên giới 2 năm trước và phải mất 6 tháng trời Sương mới tìm ra con gái. Mục đích của Sương là giúp cho những gia đình khác không bị tai họa mà mình đã gặp.

"Bao nhiêu bạn ở đây con gái, chị gái, em gái, láng giềng bị mất tích?" Sương kêu gào, giọng khàn đục vì phải nói nhiều. Sương được tuyển dụng bởi cơ quan thiện nguyện Hoa Kỳ Pacific Links Foundation và Cục Bài Trừ Tệ Đoan xã Hội Lào Cai. Dần dà người đi chợ dừng lại nghe Sương nói: "Bạn phải biết cách bảo vệ con gái. Trước khi tai họa xẩy đến cho tôi, tôi không biết gì cả, tôi không biết cách bảo vệ con. Không được rời mắt khỏi con gái. Phải biết nó đang quen ai, đang gặp ai"

Dần dà thì đám đông vây quanh Sương. Thì ra ai cũng đã mất con gái, chị em gái, chị em họ, người láng giềng vào tay bọn buôn người.

Đây là trò chơi vỏ quýt dày móng tay nhọn. Hình phạt tội buôn người càng nặng thêm thì bọn buôn người càng tinh khôn quỷ quyệt hơn.

"Con gái người làng xóm tôi mất tích tháng rồi." Người đàn ông phong trần khoảng gần 50 tuổi lấy tờ rơi từ tay Sương. "Chưa có tin tức gì của nó. Tôi muốn tìm hiểu vấn đề tai họa này." Một người mẹ 5 con tiếp vào câu chuyện: "Trong bản làng tôi, rất nhiều con gái trẻ bị mất tích, không biết chuyện gì xẩy ra cho chúng. Ngay chính con gái tôi bị lừa năm ngoái. Thằng người yêu lừa lọc đã bán nó qua Trung quốc, bây giờ nó kẹt bên đó rồi, nó đã có con nhỏ với người mua nó." Một cô gái trẻ xen vào: "Chị tôi cũng bị người yêu gian manh bán đi. Chị mới 16 tuổi, chị quen nó thằng đó trên Facebook, nó hứa cưới chị. Chị bị bán đi bán lại nhiều lần. Người mua cuối cùng là chồng của chị hiện nay. Họ có một con trai 5 tuổi rồi. Thế là chị đành cam chịu."

Một người đàn bà nhỏ nhắn người H'mong Hoa, 43 tuổi, trong chiếc áo mầu xanh tím gắn hột cườm, lại gần chúng tôi, nói nhỏ: "Ngày 14/6 là đúng một năm con gái tôi mất tích. Nó đi chợ này rồi không bao giờ về nhà nữa". Bà bắt đầu khóc thút thít: "Tôi nhớ nó suốt ngày. Tôi lo nó đã chết. Tôi đau khổ đến mức muốn chết".

Sương hỏi: "Trước khi mất tích thì nó có những biểu hiện gì? Nó có bạn trai không?".

Người phụ nữ H'mong này có con bị mất tích chưa tìm ra.

Người đàn bà trả lời: "Nó đẹp lắm. Bọn con trai đứa nào cũng thích nó, nhưng nó rất kén chọn. Nó cứ ôm điện thoại suốt ngày. Hôm thứ bảy nó nhận được tin nhắn và mỉm cười. Nó bảo: "Người yêu con vừa nói muốn cưới con". Tôi không biết là nó có người yêu. Người yêu nó nói là muốn dẫn nó ra mắt bố mẹ.

Sương hỏi: "Con gái chị có dùng Facebook để liên lạc với thằng ấy không?"

Chị ta nắm chặt hai tay lại, ngơ ngác: "Phết Búc là cái gì?"

Có thể nào kiểm soát được mạng xã hội có đến 48 triệu thành viên? Và nếu không thì làm sao có thể nào đi đến từng làng, từng xóm, từng bản ở từng thung lũng, từng ngọn núi để mà giáo dục cho từng gia đình sự nguy hiểm của việc kết bạn trên mạng xã hội?

Đó là những câu hỏi thường xuyên ám ảnh Nguyễn và những đồng nghiệp. Ngân sách hoạt động tuyên truyền của họ chỉ có 10,000USD một năm. "Chúng tôi phải hợp tác với những cơ quan thiện nguyện phi chính phủ để bù vào chỗ thiếu hụt, vì không đủ tiền cho công tác giáo dục, ngăn ngừa và hổ trợ nạn nhân". Nguyễn nói: "Tôi làm công tác này đã 20 năm. Đây là trò chơi vỏ quít dày, móng tay nhọn. Luật càng khắt khe thì bọn buôn người càng khôn ngoan quỉ quyệt. Chúng có thể dùng ngay một bạn gái dụ dỗ cô gái đi biên giới, hứa hẹn mua tặng giầy dép, quần áo, điện thoại di động".

Thiên, con gái 15 tuổi của Sương đã không cưỡng nổi sự quyến rũ đó. 2 năm trước, khi mới 13 tuổi, Sương đã bị chính bạn gái thân nhất của mình, người bạn làng xóm, bán qua biên giới. Mẹ của hai bạn thân thiết nhau đến độ cô này gọi mẹ cô kia là "dì". Một buổi sáng, người bạn dụ Thiên đi Lào Cai mua quần áo rẻ. Dù thành phố Lào Cai chỉ cách có một tiếng đồng hồ đường núi, nhưng Thiên chưa bao giờ đi ra khỏi làng.

Điều chua chát là kế hoạch dụ dỗ này được thực hiện bởi toàn bộ gia đình của người bạn. Thiên được cõng qua con sông biên giới bởi cha, chị và em trai của người bạn rồi đem bán cho một cặp vợ chồng người H'mong với giá 75,000 Yuan, vừa làm gia nô, vừa làm vợ cho người con trai tàn tật 30 tuổi của cặp vợ chồng này.

5 tháng tiếp theo là tra tấn cho Thiên: bỏ đói, bị đánh đập, bị bạo hành, bắt đi làm phu mỏ đá và bị làm sẹo trên thân thể nếu đang làm mà ngủ . Với sự giúp đỡ của mẹ và chính quyền Vietnam, cuối cùng thì em thoát được, thật là một phép lạ vì lúc em được cứu thì em đã bị mang đi tới tận tỉnh Henan, miền trung Trung quốc, rất xa biên giới. Sau đó em phát hiện là em đã bị gia đình cô bạn bán với giá rẻ mạt là 1.2 triệu đồng Vietnam, tức là có 50 USD, chỉ đủ để họ mua vài dụng cụ làm ruộng.

Ngay cả hiện nay, hai năm sau, đời sống vẫn là một cực hình. Những kẻ bán em qua biên giới chỉ sống cách em có vài thước, liên tục điều đình trả tiền cho em để em bãi kiện và thỉnh thoảng lại nhà em để than thở rằng gia đình họ đã bị bêu xấu với xóm làng. Dù rằng chuyện gia đình kẻ bắt cóc xin điều đình tiền bạc để em bãi kiện họ có nghĩa là họ nhận mình có tội, nhưng vì thủ phạm chính là cô con gái lớn, người bạn của Thiên, đã biến mất, cho nên cảnh sát không thể bắt và truy tố gia đình này.

Thiên, cho dù trải qua thời kỳ đọa đầy, vẫn là một học sinh xuất sắc. Nhưng em bị bạn cùng lớp ăn hiếp, kể cả người bạn thân nhất trước đây. Cái tiếng xấu "Bị bán qua Tàu" thành ám ảnh quá nặng nề khiến cho nhiều em không muốn trở về nhà cũ. Một số chọn ở nội trú trong Nhà Phục Hồi của cơ quan Pacific Links Foundation ở Lào Cai, nơi các em học hỏi kỹ năng cơ bản của đời sống và cùng đi học trung học với nhau.

Nhưng Thiên rất quyết tâm và nhất định không rời ngôi làng mà em sinh sống từ thuở lọt lòng. Em nói: "Bán em đi để mua dụng cụ cày cấy thì làm cho em cảm thấy em như con trâu vậy. Em không phải loại ngu đần, em tiếp tục học, em học hết sức mình để cho các bạn gái khác không phải trải qua những gì mà em đã trải qua". Em muốn trở thành một ký giả. Mẹ em đã bán đất của mình để xây dựng Trung Tâm Hổ Trợ Nạn nhân Nạn Buôn người duy nhất của Sapa. Mẹ em rất hãnh diện về em.

Phượng và con gái Cẩm.

Không tìm được công lý để trừng phạt kẻ phạm tội, gia đình Thiên biến giận dữ thành sáng tạo. Sương đi khắp trường học ở Sapa để nói về nạn buôn người và đem cả câu chuyện đau lòng của Thiên để dựng thành vở kịch. Mẹ của Thiên đóng vai người bạn phản bội còn cha của Thiên đóng vai người trung gian Trung quốc còn Thiên là chính mình.

Sương nói: "Đàn bà H'mong thường không được mạnh mẽ hay độc lập như vậy. Nhưng Thiên của tôi rất can đảm và tôi rất hãnh diện về nó."

Giáo dục là lối thoát duy nhất cho những cô gái làm mất danh dự gia đình vì là nạn nhân của nạn buôn người. Những cô gái học cao hơn thì kiếm nhiều tiền hơn và không có gì phục hồi danh dự bằng cách trở lại làng với nhiều tiền hơn, khôn ngoan hơn người khác. Mimi Vũ của Pacific Links Foundation nói: "Không có nhiều đường thoát bế tắc cho các em từ Trung quốc trở về Vietnam. Khoảng 60% kẻ buôn người bị bắt là nạn nhân nạn buôn người trước đây".

Chỉ 5 ngày sau khi mất tích thì Cẩm được giải cứu ở biên giới Trung quốc. Với ảnh Facebook của Long, Phượng đi tìm cha của Long và yêu cầu ông giúp đỡ. Dù rằng không nhận con mình có liên can nhưng ông ta nhận ra cả Long và em trai Bình đều không còn trong nước, ông ta truy tìm dấu vết 2 đứa . Trong lúc đó thì Cẩm đang trong quá trình bị bán cho một cặp người H'mong ở một khách sạn nhìn xuống dòng sông. Cẩm nhận ra con sông là biên giới và thành phố Lào Cai ở chân trời. Nghe tiếng Cẩm la hét, một cặp vợ chồng người Việt-Hoa đến giúp đỡ, họ cho Cẩm mượn điện thoại di động để gọi về nhà, đồng thời giúp Phượng một chiếc thuyền đi về nhà ngày hôm sau. Cẩm nói: "Bà vợ người H'mong như cháu, bà bị bán làm vợ cho người chồng Trung quốc, cho nên bà thông cảm hoàn cảnh của cháu"

Cẩm về nhà an toàn. Nhưng chỉ trong vòng 3 ngày, không chịu nổi lời ong tiếng ve, Cẩm phải bỏ làng đi. Em hiện đang học nội trú ở Lào Cai, nơi em đang từ từ xây dựng lại cuộc đời.

Ngồi cạnh mẹ, Cẩm là hình mẫu tiêu biểu cho giới trẻ tuổi teen ngày nay: quần jean rách cố tình, áo thun trắng bó sát người, môi son đỏ, tay cầm điện thoại di động với lời nhắn Facebook trên màn hình. Em nói: "Em đang đi học để trở thành Hướng dẫn viên du lịch. Nếu em không bị lừa thì sẽ không có chuyện này".

Cuối tháng 6, một năm sau ngày trở về nhà, Cẩm nhận được thư của Viện Kiểm Sát Nhân dân Lào Cai, thông báo là 3 bị can trong vụ bắt cóc em đã bị truy tố. Em tham dự phiên tòa. Tên chủ mưu mới được thả tự do năm ngoái vì tội buôn người nay lại tái phạm, nên bị tuyên án 25 năm. Hai tên kia 12 năm. Nhưng Bình, cậu con trai trực tiếp dụ dỗ em, thì lại không bị truy tố.

 

Kate Hodal- The Guardian

© Bản Việt ngữ của Tim T. Hoang


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved