Có nhiều tình huống khẩn cấp về sức khỏe.

Nếu bạn nghĩ nạn nhân bị chấn thương cột sống thì không nên di chuyển nạn nhân, trừ khi nếu không di chuyển thì nạn nhân bị đe dọa tính mạng.

Nếu nạn nhân bất tỉnh, bạn phải kiểm soát Đường thở (Airway), Hơi thở (Breathing) và Tuần hoàn tim mạch (Circulation).

Có khi vấn đề nhìn thấy rõ nhất lại không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Phải chú ý đến những vấn đề nghiêm trọng nhất như chẩy máu, chấn động, gãy xương.

 

1-Gãy răng

Răng vĩnh viễn bị gẫy thì nha sĩ trồng lại được nhưng răng non em bé bị gẫy thì không cần trồng vì mọc lại được. Trong vòng 30 phút sau khi bị gẫy thì răng gẫy có khả năng phục hồi tốt nhất nhưng sau 2 giờ thì răng gẫy không thể được trồng lại. Rửa răng gẫy, đặt lại răng vào nướu răng hoặc ngâm răng trong sữa hoặc nước trong lúc chờ nha sĩ trồng lại răng.

 

2-Bị thú cắn

Dơi, chồn đeo mặt nạ (raccoon), chồn hôi (skunk) và cáo (fox) cắn thì có nguy cơ bệnh chó dại (rabies). Còn chó, mèo và ferret đã được chích ngừa thì không bị bệnh chó dại nhưng có thể gây nhiễm trùng da. Ngoài ra có thể bị bệnh Phong Đòn Gánh (tetanus) nếu không chích ngừa.

Rửa vết cắn bằng xà bông rồi đi gặp bác sĩ.

 

3-Mắc nghẹn trong cổ họng

Dùng thủ thuật Heimlich Manoeuvre (cho trẻ em trên 1 tuổi và người lớn).

* Đứng sau nạn nhân, ôm eo nạn nhân. Đặt bàn chân bạn giữa 2 chân nạn nhân để phòng hờ nạn nhân bất tỉnh thì bạn có thể chống đỡ họ khỏi té ngã.
* Bàn tay trái bạn nắm lại. Ngón cái của bàn tay trái chạm bụng nạn nhân, phía trên rốn.
* Bàn tay phải bạn ôm tay trái. Dùng 2 bàn tay đẩy bụng nạn nhân lên phía trên. Động tác này tạo ra một làn hơi từ bụng nạn nhân đi lên cuống họng, đẩy vật mắc nghẹn trong cuống họng ra miệng. Đối với trẻ em thì dùng sức ít hơn với người lớn. Tiếp tục động tác tới khi nạn nhân hết mắc nghẹn. Nếu nạn nhân ngất xỉu thì phải ngưng động tác.


* Nếu chính bạn mắc nghẹn thì bạn cong người phía trước, đè bụng vào lưng dựa của một cái ghế, làm động tác thay cho tay người, tạo ra làn hơi từ bụng đẩy lên cuống họng.

Dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi:

* Đặt em nằm xấp trên cánh tay mặt của bạn, đầu em chúc xuống.
* Cánh tay mặt của bạn nằm trên đùi mặt của bạn để nâng đỡ. Nhớ đừng bịt miệng em hay nghiêng đầu em.
* Dùng cuống bàn tay của bạn vỗ 4 cái vào giữa 2 vai của em.
* Nếu vật trong cuống họng của em chưa văng ra thì xoay em lại cho mặt em ngửa lên trời, đầu vẫn chúi xuống, dùng 3 ngón tay của bạn đặt lên phần bụng trên giáp ngực của em, làm động tác đẩy về phía đầu em (để tạo ra luồng hơi tống vật mắc nghẹn ra ngoài).
* Nhìn vào cuống họng em xem có thấy vật nghẹn không, nếu thấy thì dùng ngón tay móc ra.
* Nếu vẫn không ra thì phải gọi cấp cứu 911.

 

4-Trầy sướt, thâm tím, sưng da

Trầy da hoặc bầm tím xẩy ra khi mạch máu nhỏ dưới da bị vỡ ra khiến máu tụ lại quanh cơ bắp dưới da. Người đang uống aspirin hoặc thuốc loãng máu thì dễ bị trầy da.
* Chườm đá lạnh vào vết trầy sưng trong 10 phút, làm vài lần mỗi ngày. Làm càng sớm càng ít sưng.
* Nếu chỗ trầy sướt được nâng cao hơn trái tim thì sẽ ít sưng vì máu khó chẩy về chỗ đó hơn.
* Sau 48 giờ vẫn còn đau nhức thì chuyển qua chườm ấm bằng bình nước nóng hay miếng gây nhiệt (heating pad).
* Nếu bạn không đang uống aspirin hay thuốc loãng máu mà bỗng dưng phát hiện bị trầy sướt da dễ dàng thì cần gặp bác sĩ.

 

5- Bỏng do tiếp xúc vật nóng

Bỏng được xếp hạng theo 4 cấp, từ 1 đến 4, tùy theo mức độ sâu của vết bỏng trên da, chứ không phải theo diện tích da bị bỏng.

 

* Bỏng cấp 1 (first degree burn): chỉ bỏng lớp da ngoài cùng. Da bị khô và thấy đau khi chạm vào. Tỷ dụ như da bị cháy nắng là một loại bỏng cấp 1.


* Bỏng cấp 2 (second degree burn): vài lớp da bị bỏng. Chỗ bỏng sưng lên, có mọng nước.


* Bỏng cấp 3 (third degree burn): tất cả lớp da bị bỏng, bao gồm lớp cơ phía dưới. Lớp da bị khô, trắng tái hoặc đen, phồng lên và có thể nứt ra. Dây thần kinh đã bị hủy hoại khiến không còn thấy đau hoặc chỉ còn đau chút ít ở lớp vòng ngoài bỏng cấp 2.

 

* Bỏng cấp 4: bỏng tới thịt và xương.



 

Chữa trị tạm thời với bỏng cấp 3-4 trước khi gặp bác sĩ.

- Cho nạn nhân nằm xuống.
- Phủ chỗ bỏng với vải sạch
- Không dùng đá lạnh hay thuốc lên chỗ bỏng.

Chữa trị bỏng cấp 1-2:

- Cho nước mát chẩy qua chỗ bỏng 15-30 phút. Không dùng đá lạnh hoặc nước đá lạnh chẩy ra.
- Gỡ bỏ nhẫn, đồ trang sức, áo quần khỏi tay hoặc chân bị phỏng.
- Rửa phần bị phỏng bằng nước mát và xà bông. Nếu chỗ bỏng bị nứt hoặc bị áo quần cọ xát thì cần băng lại với băng keo y tế, bằng không thì không cần băng. Giữ băng khô ráo, thay băng mỗi ngày một lần.
- Sau 2-3 ngày thì bôi Aloe Vera (nha đam) lên chỗ bỏng.
- Nếu chỗ bỏng vỡ nước ra thì rửa bằng nước lạnh với xà bông rồi đắp băng keo y tế.
- Uống Ibuprofen hay Acetaminophen nếu bị đau nhức nơi bị bỏng. Không dùng aspirin vì có thể gây chảy máu.

Cần gặp bác sĩ trong những trường hợp bỏng sau đây:

- Bỏng cấp 3-4
- Bỏng cấp 2 nhưng phần mặt, tai, mắt, tay, chân, bộ phận sinh dục hoặc hơn 25% cơ thể.
- Nếu đau nhức kéo dài hơn 48 giờ.
- Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng.

 

6- Bỏng do hóa chất

Hóa chất khi tiếp xúc với da có thể gây ngứa đỏ, sưng mọng nước hoặc đen da. Hơi độc từ hóa chất có thể gây mắt đỏ, chẩy nước mắt, ngứa ngáy đường hô hấp và phổi.

- Nếu bị phỏng da, lập tức đi tắm vòi sen trong nửa tiếng.
- Nếu bị ngứa mắt, ngâm mặt vào chậu nước đầy hoặc để mắt dưới vòi nước chẩy qua cho đến khi mắt bớt ngứa rát.
- Gọi 911 nếu tình trạng nghiêm trọng hoặc đi gặp bác sĩ nếu không bớt đau rát.

 

7- Vết thương chẩy máu

Thường thì nếu vết cắt nhỏ, máu sẽ tự động ngưng chảy sau khi ta đè vào chỗ đứt chút xíu. Nhưng nếu vết cắt sâu, chẩy máu nhiều thì phải tìm cách làm ngưng chảy máu.

- Tìm cách nâng cao chỗ chảy máu, tỷ dụ máu chẩy dưới chân thì gác chân lên cao.
- Rửa tay với xà bông hoặc đeo bao tay y tế trước khi săn sóc vết thương.
- Nếu thấy vật gì nằm trong vết thương thì gỡ ra, nhưng nếu vật nằm quá sâu trong vết thương thì không nên lấy ra, vì lấy ra có thể gây ra chảy máu nhiều hơn.
- Đè chặt vào vết thương bằng miếng vải sạch. Nếu có vật nằm sâu trong vết thương thì không đè thẳng lên vật này mà đè chung quanh. 
- Tiếp tục đè chặt trong vòng 15 phút. Sau 15 phút nếu thấy máu vẫn còn chẩy nhiều thì gọi điện thoại cấp cứu. Nếu vải đã đẫm máu thì đắp thêm miếng thứ hai chồng lên miếng đầu tiên.
- Nếu sau 15 phút thấy máu bớt chẩy thì đè thêm 15 phút nữa. Có thể tiếp tục thêm lần thứ 3. Nhưng nếu sau 45 phút tổng cộng mà máu vẫn chẩy thì phải gọi cấp cứu.
- Sau khi máu ngưng chẩy thì có thể dán băng keo y tế. Có thể bôi một lớp mỡ kháng sinh như Bacitracin hoặc Polysporin trước khi băng keo. Không dùng Cồn Xoa (rubbing alcohol), Hydrogen Peroxide, Iodine hoặc Mercurochrome, vì những chất này gây hại cho cơ bắp và làm chậm lành vết thương.
- Khi dán băng keo y tế thì dán ngang vết cắt, không dán dọc theo vết cắt. Nếu 1 băng keo không đủ thì dán nhiều băng keo ngang vết cắt.
- Thay băng keo ít nhất mỗi ngày 1 lần.

 

 

 

Khi nào thì vết cắt cần khâu chỉ?

Để có hiệu quả, vết cắt cần khâu trong vòng 6 hoặc 8 tiếng sau khi xẩy ra tai nạn.

Được coi là cần khâu chỉ nếu:
- Vết cắt sâu hơn 0.6 cm, dài hơn 2.5 cm và có miệng mở rộng.
- Vết cắt xẩy ra ở những chỗ xương nối nhau như cùi chỏ, đầu gối, đốt ngón tay.
- Vết cắt xẩy ra ở những điểm quan trọng như mặt, mi mắt, môi.

Vết cắt được khâu chỉ thì không để lại sẹo nhìn thấy rõ như không được khâu chỉ.

 

8- Bỏng do điện giật

- Điện có thể gây phỏng nhẹ ngoài da nhưng lại tổn thương nội tạng. Đừng lại gần nạn nhân bị điện giật khi chưa rõ đã hết điện chung quanh nạn nhân hay chưa.
- Nếu cảm thấy tê phần dưới cơ thể, quay người lại, nhảy lò cò ra khỏi khu có điện.
- Nâng chân nạn nhân lên cao 20-30cm. Giữ cho nạn nhân ấm áp.
- Gọi cấp cứu nếu nạn nhân ngưng thở, bất tỉnh hoặc té ngã do điện giật.

 

9- Đông cứng vì bỏng lạnh (frostbite)

Bỏng Lạnh có nghĩa là lớp da hoặc lớp cơ dưới da bị đông cứng do tiếp xúc với lạnh quá lâu.

Da bị bỏng lạnh trở thành tái trắng hoặc xanh, cứng ngắc, không cảm giác.

Giống như bỏng nóng, bỏng lạnh có 4 cấp độ. Ở cấp 4, cơ và gân xương bị hoại tử, phải cắt bỏ chỗ bị bỏng lạnh.

- Không chà xát phần da bị bỏng lạnh, vì có thể làm tổn hại cơ.
- Chỉ nên làm ấm phần da bỏng lạnh bằng hơi thở, quần áo hay mền, nước ấm, lò sưởi.
- Khi da ấm lại thì có thể xuất hiện mụn nước, da đỏ lên và đau rát. Không làm vỡ mụn nước. Uống thuốc giảm đau nhưng nếu dưới 20 tuổi thì đừng uống aspirin.
- Phải đi bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại cơ.

 

Bỏng lạnh sau 2 ngày

 

Bỏng lạnh sau 12 ngày

 

Bỏng lạnh sau 3 tuần

 

 10- Chấn thương đầu.

Vì mạch máu ở đầu gần da hơn ở những nơi khác trong cơ thể nên chấn thương đầu rất dễ gây ra chảy máu. Trẻ em mất máu từ đầu có thể đưa đến xốc.

Có khi chấn thương đầu không gây chẩy máu ngoài mà lại làm xuất huyết nội và sưng não.

Bất cứ ai bị chấn thương đầu cần được theo dõi thật kỹ trong vòng 24 giờ đầu xem có dấu hiệu tổn hiệu não như:
- Bất tỉnh.
- Nói khó khăn, thiếu sáng suốt.
- Tê một bên thân.
- Mờ mắt.
- Ngủ nhiều, lừ đừ, khó thức dậy.
- Nôn mửa.
- Kinh giật.

Phải gọi cấp cứu hoặc đi gặp bác sĩ khi có những dấu hiệu trên.

 

11- Kiệt Sức Vì Nóng (Heat Exhaustion) và Sốc Nóng (Heatstroke)

Kiệt Sức Vì Nóng xẩy ra khi bạn đổ mồ hôi rất nhiều nhưng không uống đủ nước để thay thế cho lượng nước trong cơ thể bị mất. Những triệu chứng như sau:
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Mệt mỏi, yếu sức, nhức đầu, xây xẩm, buồn ói.
- Da mát lạnh, ẩm, tái hoặc đỏ ửng.

Kiệt sức vì nóng có thể dẫn đến Sốc Nóng, là tình trạng cần cấp cứu. Sốc Nóng xẩy ra khi cơ thể không còn có thể tự điều hòa nhiệt độ, dẫn đến cơ thể nóng lên 40.5oC hoặc cao hơn nữa. Bạn có thể ngưng đổ mồ hôi hoặc đổ mồ hôi dầm dề. Triệu chứng của Sốc Nóng là:
- Mất sáng suốt, ảo giác, bất tỉnh.
- Da khô, đỏ, nóng.
Khi bị Sốc nóng thì cần đi cấp cứu.

Khi bị Kiệt sức vì nóng, bạn cần:
- Ngưng mọi hoạt động. Tìm chỗ mát, uống nước lạnh. Nếu xây xẩm phải nằm xuống.
- Nếu nhiệt độ tăng hơn 39 độ, phải cởi bớt quần áo, chườm nước mát, vặn quạt nhưng không nên nhúng toàn thân vào nước đá lạnh. Tiếp tục cho đến khi nhiệt độ cơ thể nạn nhân xuống còn 37oC. Nếu không giảm được nhiệt độ thì cần cấp cứu.
- Không dùng Aspirin hoặc Acetaminophen để giảm nhiệt cơ thể.

12- Rối Loạn Thở Nhanh (Hyperventilation)

Khi bạn thở quá nhanh, quá sâu thì lượng carbon dioxide (CO2) trong cơ thể của bạn sẽ bị giảm quá độ. Được coi là thở nhanh nếu bạn thở nhiều hơn 24 lần trong 1 phút. Một lần thở nghĩa là một lần ngực của bạn phồng ra.

Nhiều lý do đưa đến hơi thở rối loạn như hồi hộp, sốt cao, vận động quá độ, căng thẳng, hen suyễn, chấn thương đầu hoặc lên độ cao hơn 2000m.

Những triệu chứng của rối loạn thở nhanh có thể là như sau:
- Tê tay chân, miệng lưỡi
- Tim đập rối loạn
- Thiếu hơi
- Nhẹ đầu
- Vọp bẻ
- Tức ngực
- Bất tỉnh

Khi bị rối loạn thở nhanh, bạn cần ngồi xuống và tập thở chậm lại theo phương pháp là thở ra bằng môi chu lại và hít không khí vào bằng mũi trong lúc ngậm miệng.

Khi không thể làm giảm bớt rối loạn thở nhanh thì bạn cần đi cấp cứu.

 

13- Mất thân nhiệt (Hypothermia)

Nhiệt độ bình thường của thân thể là 37oC. Nếu xuống thấp hơn nhiều thì gọi là mất thân nhiệt.

Triệu chứng của Mất thân nhiệt (đi từ nhẹ đến nặng)là:
- Run rẩy
- Da lạnh tái
- Mất cảm giác, mất sinh lực
- Mất sáng suốt
- Cử động vụng về, nói năng lắp bắp
- Lạnh bụng
- Cơ bắp bị cứng
- Nhịp mạch và hơi thở chậm
- Yếu đuối, lừ đừ
- Rối loạn tinh thần

Khi nhiệt độ xuống thấp hơn 32.2oC thì không còn run rẩy nữa.

Mất thân nhiệt có thể dẫn đến bất tỉnh và tử vong. Mất thân nhiệt có thể xẩy ra khi nhiệt độ không khí dưới 11oC hoặc nhiệt độ trong nước dưới 21oC. Người yếu đuối có thể mất thân nhiệt ngay trong nhà nếu mặc không đủ ấm.

Khi thấy nạn nhân bị Mất thân nhiệt, cần phải:
- Nếu áo quần nạn nhân ẩm ướt, phải thay áo quần khô.
- Có thể dùng chính thân nhiệt ấm áp của bạn để sưởi ấm nạn nhân bằng cách chùm mền (chăn) hoặc túi ngủ qua cả 2 người.
- Cho nạn nhân uống nước ấm, ăn bánh kẹo ngọt (không cho uống rượu hoặc cafe).

Nếu các biện pháp trên không có hiệu quả thì phải đưa đi cấp cứu.

 

14- Côn trùng cắn

Côn trùng cắn thì thường chỉ sinh ra ngứa đỏ, sưng ở chỗ cắn. Nhưng với một số người bị dị ứng cao thì có thể gây phản ứng trầm trọng hơn như ngứa đỏ toàn thân, thiếu hơi thở, nghẹt cổ họng, đau ngực, choáng váng, sưng lưỡi, sưng mặt. Trường hợp này thì cần đi cấp cứu.

Vài loại nhện độc cắn có thể gây ra nóng lạnh, nôn mửa, đau bụng, nhức đầu. Bị nhện độc cắn thì cần đi cấp cứu.

Khi bị côn trùng cắn có thể ướp đá vào chỗ cắn. Có người lấy bột baking soda trộn với nước đắp lên chỗ cắn cũng làm giảm sưng đau. Hoặc bôi dầu xanh.
Có thể uống các loại thuốc chống dị ứng (anti-histamine) để bớt sưng đỏ, đau ngứa.

Tuy nhiên nếu là con Bọ Ve (tick, giống con nhện nhỏ) cắn thì có thể nguy hiểm. Bọ Ve hút máu người và sống trong lông chim, lông thú. Bọ Ve hoạt động mạnh từ đầu xuân đến cuối hè.

Đa số Bọ Ve cắn không nguy hiểm, nhưng một số ít vẫn có thể gây bệnh Lyme, là một bệnh gây đau khớp và đau tim. Ngoài ra, chúng còn có thể gây sốt, đau nhức mình mẩy như cảm cúm vậy. Bệnh có thể xuất hiện 1 ngày sau hoặc 1 tháng sau khi bị cắn. Nếu bị ngứa đỏ và sốt thì cần đi gặp bác sĩ.

 

 

Bọ ve (ticks)

15- Chẩy máu mũi

Chảy máu mũi thường không nguy hiểm. Nguyên nhân thường do vì không khí quá khô, cảm lạnh, dị ứng, phản ứng thuốc hoặc lên nơi cao.

Khi bị chẩy máu mũi, cần:
- Ngồi thẳng, nghiêng đầu về phía trước một chút. Nghiêng đầu về phía sau có thể làm máu chẩy xuống cổ họng.
- Khịt ra cục máu đọng trong mũi nếu có. Lấy 2 ngón tay bóp mũi trong vòng 10 phút để ngưng máu chẩy. Sau 10 phút nếu máu vẫn chẩy lại bóp tiếp. Thường thì tối đa là 30 phút sau khi bóp, máu sẽ ngưng chẩy.
- Nằm nghỉ vài tiếng. Không khịt mũi trong vòng 12 tiếng sau khi bị chảy máu mũi.

Nếu sau 30 phút máu mũi vẫn chẩy hoặc là bị chảy máu mũi hơn 4 lần trong vòng 1 tuần lễ thì cần đi gặp bác sĩ.

 

16- Côn trùng chui vào tai

- Không tìm cách giết côn trùng trong tai. Phơi lỗ tai ra ánh sáng vì côn trùng bị hấp dẫn bởi ánh sáng, sẽ tìm cách chui ra ngoài.
- Nếu côn trùng không chui ra thì đổ nước muối ấm, dầu olive, dầu em bé vào lỗ tai.

Trong vòng 24 tiếng nếu côn trùng hoặc dị vật không ra khỏi lỗ tai hoặc nếu thấy đau nhức, chẩy máu, chẩy nước nhờn...phải đi gặp bác sĩ.

 

17- Dị vật trong mắt

Thường thì vật nhỏ rơi vào mắt sẽ bị đẩy ra theo nước mắt, nhưng vật lớn hơn thì có thể gây trầy sướt mắt. Vật lớn đập mạnh vào mắt thì có thể gây thủng con ngươi (nhãn cầu).

Khi bị dị vật vào mắt, cần:
- Không lấy tay dụi mắt theo phản ứng vì có thể làm trầy sướt giác mạc.
- Đưa mắt dưới giòng nước chẩy để nước đẩy dị vật ra.
- Nếu dị vật nằm ở đuôi mắt mà có thể nhìn thấy được thì dùng tăm quấn bông gòn thấm nước chạm vào dị vật để cho dị vật dính vào bông gòn.
- Nếu 2 cách trên không thành công thì phải đi cấp cứu.

 

18- Ngộ độc

* Ngộ độc carbon momoxide

Carbon monoxide là khí độc không mùi, không màu, không vị từ những chất liệu cháy sinh ra như hơi đốt, xăng dầu, than củi hoặc gỗ.

Khi một người bị hít thở carbon monoxide, khí này sẽ chiếm chỗ của oxygen trong máu, khiến nạn nhân nhức đầu, choáng váng, nôn mửa, bất tỉnh rồi chết.

Tuyệt đối không để xe hơi nổ máy trong garage khi cửa garage đóng. Nên có dụng cụ đo khí carbon monoxide trong nhà.

* Ngộ độc chì

Chì hiện diện trong sơn cũ, đường ống nước cũ và một số vật dụng khác, kể cả đồ chơi trẻ em.

 

19- Động kinh (seizure, convulsion)

Óc kiểm soát chuyển động cơ thể bằng cách gửi các tín hiệu điện từ nhỏ từ dây thần kinh tới cơ bắp. Động kinh xẩy ra khi các tín hiệu bình thường từ óc bị thay đổi.

Động kinh khác biệt từ người này qua người khác. Có người chỉ tay chân run rẩy nhưng không bất tỉnh. Có người bất tỉnh và co giật toàn thân. Có người không còn ý thức về mọi vật chung quanh hoặc nhìn vào khoảng không. Dù vẫn còn tỉnh nhưng họ không đáp ứng bình thường hoặc sau đó không còn nhớ chuyện gì đã xẩy ra. Cơn động kinh bình thường kéo dài khoảng 3 phút và không có cơn thứ hai xẩy ra ngay sau đó.

Bất cứ ai khỏe mạnh bình thường cũng có thể bị động kinh trong điều kiện nào đó, tỷ dụ như bị đập mạnh vào đầu. Nhưng động kinh cũng có thể là hậu quả của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như lượng đường trong máu xuống quá thấp, cơn đột quỵ, phản ứng thiếu rượu thiếu thuốc của người nghiện rượu nghiện thuốc v.v.

Người có bệnh Động Kinh (epilepsy) thì hay bị kinh giật nhiều nhất. Không thể xác định nguyên nhân chính xác của bệnh Động Kinh, nhưng đôi khi bệnh này là hệ quả của chấn thương đầu, đột quỵ, chấn thương lúc sinh ra hoặc bướu não. Trẻ em bị sốt cao cũng có thể lên cơn động kinh, nhưng không gây ra nguy hiểm gì hết.

 

* Trong lúc nạn nhân đang kinh giật, cần:

- Giữ cho nạn nhân không bị té ngã, không đụng đổ đồ đạc.
- Không tìm cách đè giữ, di chuyển nạn nhân.
- Chú ý quan sát những động tác kinh giật để mô tả cho bác sĩ.
- Ghi nhớ thời gian kéo dài của cơn kinh giật.


* Sau khi cơn kinh giật đã ngưng, cần:

- Xem nạn nhân có bị thương tích hay không.
- Xoay nạn nhân nằm nghiêng để thư giãn.
- Nếu nạn nhân khó thở, bạn phải dùng ngón tay làm sạch đờm rãi trong miệng bệnh nhân.
- Giữ cho cổ và bụng nạn nhân không bị quần áo xiết chặt.
- Chỉ cho nạn nhân ăn uống khi nạn nhân đã hoàn toàn tỉnh táo.
- Ở bên cạnh nạn nhân cho đến khi nạn nhân hoàn toàn tỉnh táo. Đa số nạn nhân thấy buồn ngủ và hoang mang sau cơn kinh giật.

 

20- Đo nhịp tim (đo mạch)

Nhịp tim là số lần tim đập trong một phút. Thường thì người ta có thể bắt mạch ở cổ hay cổ tay. Nếu cổ tay khó tìm thấy mạch đập thì tìm ở cổ.

- Phải chờ cho người ngồi hơn 10 phút rồi mới đo mạch được chính xác.
- Dùng ngón trỏ và ngón giữa để đo mạch chứ không dùng ngón cái.
- Chỉ cần đo trong 30 giây (nửa phút) rồi nhân đôi lên để biết nhịp mạch.

Nhịp mạch bình thường của người mạnh khỏe:
- Dưới 1 tuổi: từ 100 đến 160 nhịp/phút
- Từ 1 đến 6 tuổi: từ 65 đến 140 nhịp/phút
- Từ 7 đến 10 tuổi: từ 60 đến 110 nhịp/phút
- Từ 11 tuổi trở lên: từ 50 đến 100 nhịp/phút

Một số bệnh tật làm gia tăng nhịp mạch, cho nên chúng ta nên biết nhịp mạch lúc mạnh khỏe của mình. Lúc bị sốt nóng, nhiệt độ thân thể cứ tăng lên 1 độ là tim đập nhanh lên 10 nhịp mỗi phút.

 

21- Sốc

Sốc có thể là hậu quả của bệnh tật hoặc thương tích bất ngờ. Khi hệ thống tuần hoàn không mang lại đủ máu cho những cơ quan thiết yếu thì cơ thể bị sốc. 

Những biểu hiện của sôc là:

- Da lạnh, tái.
- Mạch tim nhanh và yếu.
- Hơi thở cạn và nhanh.
- Áp huyết thấp.
- Khát nước, buồn ói hoặc nôn mửa.
- Hoang mang, bồn chồn.
- Yếu, xây xẩm, ngất đi.

Sốc có thể dẫn đến tử vong, cho nên đối phó đúng cách với sốc có thể cứu mạng người.

- Sau khi gọi chờ cấp cứu, cho nạn nhân nằm xuống và nhấc chân lên cao khoảng 30cm.
- Cầm máu nếu chẩy máu, kẹp giữ nếu gẫy xương.
- Giữ nạn nhân ấm áp, nhưng đừng làm quá nóng. Có thể quấn khăn chung quanh nạn nhân.
- Lấy nhịp mạch mỗi 5 phút.

 

22- Chấn thương cột sống

Nếu cổ hoặc lưng bị tai biến có thể là do chấn thương cột sống. Liệt bại vĩnh viễn có thể tránh được nếu người bị tai nạn được nằm yên và vận chuyển đúng cách. 

Dấu hiệu của chấn thương cột sống là:
- Rất đau ở cổ hay lưng.
- Trầy đỏ ở cổ, đầu, vai, lưng.
- Yếu, tê ở cánh tay hoặc chân.
- Mất kiểm soát tiêu tiểu.
- Hôn mê.

Nếu bạn nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương cột sống thì trong lúc đợi cấp cứu:

- Không di chuyển nạn nhân.
- Nếu bắt buộc phải di chuyển nạn nhân khỏi nơi nguy hiểm như cháy lụt thì phải nâng đỡ đầu, cổ, vai cùng lúc.
- Nếu nạn nhân bị chấn thương cột sống do phóng lặn xuống nước thì lại không nên đưa nạn nhân lên bờ mà phải giữ cho nạn nhân nằm nổi trên mặt nước. Lý do là nước giữ cho cột sống của nạn nhân không bị chuyển động gây nguy hiểm.

 

23- Trặc gân, gẫy xương, giãn rách cơ bắp


Có 4 loại thương tổn gây ra sưng đau:


* Giãn rách cơ và gân (strain): do căng giãn cơ bắp hoặc sợi gân(tendon). Sợi gân nối cơ bắp với xương.
* Trật giây chằng (sprain): do giây chằng (ligament) bị tổn thương. Giây chằng nối xương với xương.
* Gẫy xương (fracture)
* Trặc xương (dislocation): xẩy ra khi một đầu xương bị lệch ra khỏi vị trí cố định.
* Nứt xương (stress facture): xảy ra khi xử dụng xương quá mức, chơi thể thao quá độ. Dấu hiệu là đau thường xuyên vùng xương bị nứt. Nứt xương có thể không làm sưng da thịt.

 

 

Khi bị sưng đau thì khó xác định được là do tổn thương gì. Có khi là một tai nạn đưa đến cả 4 tổn thương. Khi xương lòi ra khỏi da hoặc khi tay chân trở thành tím tái, lạnh thì phải cấp cứu ngay.

Khi bị các loại thương tổn nói trên, cần phải:

* Đặt nạn nhân nằm nghỉ.
- Dùng nạng để đi nếu bị bong gân ở đầu gối, mắt cá chân.
- Lấy dây treo tay (dây nối vào cổ) nếu thương tích xẩy ra ở cổ tay, cùi chỏ, vai.
- Ngón tay hoặc ngón chân trặc dây chằng thì cột ngón tay, ngón chân trặc vào ngón tay, ngón chân lành. Nhớ chèm miếng vải vào giữa 2 ngón tay, ngón chân.

* Ướp đá vào chỗ đau.

Trong vòng 48 giờ sau khi bị thương tích thì chỉ dùng đá lạnh chứ không dùng sức nóng để giảm đau.

* Băng bó chỗ bị đau để giảm sự di động
Nhưng không nên băng quá chặt, vì băng quá chặt gây thêm sưng.

* Nâng cao chỗ thương tích
Cố gắng duy trì chỗ thương tích không cao hơn trái tim, vì nếu thấp hơn thì máu dễ chẩy về chỗ đó tạo thêm sưng tím nhiều hơn.

* Cho uống thuốc giảm đau nhưng không dùng Aspirin cho người dưới 20 tuổi.


* Sau khi sưng đau đã không còn nữa thì phải tập cử động nhẹ nhàng.

 

Những trường hợp gẫy xương, trặc xương, nứt xương thì đi cấp cứu ngay. Những trường hợp khác nếu không thấy bớt sau 24 giờ thì cần gặp bác sĩ.

 

24- Bất tỉnh(Unconsciousness)

 

Có nhiều nguyên nhân đưa đến bất tỉnh như: đột quỵ (stroke), động kinh, sốc nhiệt, hôn mê tiểu đường, sốc insulin, chấn thương đầu, ngộp thở, quá liều rượu thuốc, chẩy máu, nhịp tim rối loạn, đứng tim (heart attack).

Xỉu ngắn (Fainting) là tình trạng bất tỉnh rất ngắn, chỉ kéo dài vài giây, thường là do thiếu máu đưa lên óc. Chỉ cần nằm xuống nghỉ, máu đưa lên óc lại là tỉnh táo lại. Nhưng nếu bị xỉu ngắn thường xuyên thì đó là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng, cần đi gặp bác sĩ.

 

 

 

© Tổng hợp và dịch thuật bởi vietvancouver.ca


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved