AMELIA GENTLEMAN, The Guardian, "Trafficked and enslaved: the teenagers tending UK cannabis farms"

 

 

 

NÔ LỆ CẦN SA: NHỮNG THIẾU NIÊN VIETNAM CHĂM SÓC TRẠI CẦN SA Ở ANH

 

Từ cửa sổ tầng trệt của căn phòng giam, Tùng, 15 tuổi, bắt đầu tưởng nhớ lại nước Anh như thế nào. Em thích nhìn con đường bận rộn với 3-4 cửa hàng, một tiệm bán pizza và một trạm xăng. Em được dặn là không bao giờ mở đèn, do đó em thường ngồi cạnh cửa sổ trong bóng tối, nhìn ra ngoài. "Ở Vietnam, em sống ở nơi hẻo lánh, chỉ có cây cối và đường đất. Hiếm khi thấy xe ô tô. Ở đây thật khác lạ."

Em bị nhốt ở căn hộ một mình suốt 2 tháng. "Thật khủng khiếp cái tháng đầu tiên. Em muốn đi ra ngoài, em muốn chuyện trò với người khác. Em hầu như muốn phát điên. Nhưng rồi tháng thứ nhì em bắt đầu quen".

Trong mấy năm trời, Tùng là một trong những nô lệ cần sa ở Anh quốc: một lũ trẻ bị lạm dụng, nhốt một mình và buộc phải chăm sóc vườn cần sa trong nhà, trong điều kiện nguy hiểm. Giống như những đứa trẻ chăm vườn cần sa khác, khi căn hộ bị bố ráp, em bị vào tù.

Chuyện cần sa được trồng tại Anh như thế nào nghe như khó mà tin được: một mạng lưới buôn lậu người quốc tế mang những thiếu niên từ Vietnam sang Anh quốc làm nô lệ chăm sóc vườn cần sa. Cứ vài tuần lễ thì một vườn cần sa bị khám phá và một số người bị bắt giữ.

Báo chí địa phương thường chỉ cung cấp cái nhìn thoáng qua vào kỹ nghệ này, với những sự kiện rời rạc: cảnh sát khám xét một căn nhà liền kề(townhouse) gạch đỏ ở ngoại ô Liverpool sau khi làng xóm than phiền mùi khét hôi, thấy căn nhà bị móc rỗng ruột để trở thành trại cần sa, tìm thấy hai thiếu niên đang sợ hãi trốn phía dưới sàn hầm. Hoặc tìm thấy một thiếu niên chăm sóc cần sa ở County Amargh sống bằng thức ăn cho chó đóng hộp. Hoặc cảnh sát khám xét căn nhà 2 tầng ở Plymouth và thấy cây cần sa được trồng trong mỗi phòng, từ tầng hầm cho đến gác xép, chăm sóc bởi một đứa trẻ Vietnam với vết thương trên mặt, nó khai mới 13 tuổi, trong khi cuộc điều tra đang tiến hành thì đứa trẻ được cơ quan xã hội đem về chăm sóc nhưng chỉ mới vài ngày nó đã biến mất.

Theo truyền thống lịch sử thì cần sa chỉ được coi là ma túy dạng nhẹ, thường được xử dụng trong lễ hội âm nhạc hay trường học, cho nên sự thật tàn nhẫn về những đau khổ con người phải chịu đựng để trồng nên cây cần sa này khiến nhiều người giật mình. Cảnh sát Anh ước tính rằng một số lượng đáng kể cần sa tại Anh được sản xuất bằng phương thức này. Cơ quan NSPCC(Ngăn ngừa bạo xử trẻ em) đã phải gọi cần sa sản xuất tại Anh là Cần Sa Máu. Vietnam đứng đầu các nước buôn lậu trẻ em vào Anh Quốc. 96% người trồng cần sa tại Anh là người Việt, 81% là trẻ em.

Thông thường, những thiếu niên trồng cần sa rất sợ hãi bị bọn buôn người trừng phạt trả thù nếu khai báo. Nhưng có hai em đồng ý cung cấp tin tức cho phóng viên báo The Guardian, với điều kiện không được tiết lộ tên tuổi hai em, mặc dù hai em rất hãi sợ bọn tội phạm kiểm soát hai em.

Bảo mới 15 tuổi khi em được mang tới căn hộ 3 phòng ở ngoại vi của một thành phố lớn Anh quốc và bị bỏ ở đó một mình với hàng trăm cây con cần sa."Khi em đến, họ bảo em từ nay trở đi phải chăm sóc cây" em nói, nhớ lại ngày em được một người đàn ông và một người đàn bà Vietnam chở tới căn hộ ở tầng nhì, chứa đầy những bao đen đựng cây cần sa non. Em không biết đó là cây gì và tại sao lại phải săn sóc chúng.

Có đồ ăn trong tủ lạnh đủ cho em ăn một tháng và họ nói nếu em làm việc tốt, họ sẽ mang thêm đồ ăn mới, nhưng đồng thời "nếu mày không chăm sóc cây đàng hoàng, bọn tao không mang đồ ăn cho mày và mày sẽ chết đói".

Em được chỉ dẫn tỉ mỉ cách quản lý hệ thống thắp sáng phức tạp, làm sao để đường dây cung cấp điện cho căn hộ không bị quá tải. "Em phải cẩn thận không để điện gây ra cháy nổ". Một ghế dài phòng khách được nhét vào cái hành lang hẹp làm chỗ em ngủ, vì tất cả diện tích căn nhà được tận dụng để trồng cây.

Phần lớn thời gian Bảo có một mình, đôi khi suốt 3 tuần lễ không hề tiếp xúc một ai. Thỉnh thoảng có 2 tên đàn ông đến kiểm tra cây cần sa. Đây là giờ phút căng thẳng cho em. "Họ xăm đất trong chậu xem đất khô hay ướt. Em sợ sệt khi họ kiểm tra. Họ nói nếu cây không được chăm sóc tốt, họ sẽ đánh đập em".

Tưới cây mỗi sáng mất từ 2 đến 3 tiếng. Sau đó thì chẳng có gì làm đến tận 10 giờ tối thì lại tưới thêm lần nữa. Chẳng có lấy một máy truyền hình để giải trí, em cảm thấy hết sức cô độc. Mỗi vài ngày thì em lại nhận được cú điện thoại của người đàn bà Vietnam, hỏi tỉ mỉ cặn kẽ về tình hình phát triển cây cần sa và cho chỉ thị tiếp. Các cửa sổ bị bịt kín nên em không thấy được cảnh bên ngoài, nhưng em có thể nghe được tiếng máy bay. "Đôi khi em nghe thấy tiếng ồn từ quán rượu bên đường. Khi em nghe tiếng người nói cười vui vẻ với nhau, em thấy buồn và cô độc biết bao. Em chỉ biết chơi game Candy Crush trên điện thoại di động để quên đi những tiếng nói cười đó". Chuyện như vậy kéo dài suốt 5 tháng trời. "Dĩ nhiên em thấy cô đơn, nhưng đối với em đó là chuyện bình thường, vì vốn dĩ suốt đời của em là cô đơn".

Trước khi bị bắt cóc và đưa lậu vào Anh quốc, Bảo là trẻ mồ côi, không nhà cửa, sống dưới gầm cầu cùng những đứa trẻ khác. 2 năm sau khi được cứu thoát, Bảo mới bắt đầu tiết lộ chuyện của mình. Nhưng em vẫn cảm thấy đau lòng đến mức phải thỉnh thoảng ngưng câu chuyện, đi ra ngoài phòng phỏng vấn của The Children's Society để lấy lại bình tĩnh.

Điều ngạc nhiên là Bảo không bị nhốt kín sau khi em tới Anh quốc, nhưng khi em được đưa tới căn hộ trồng cần sa, em đã quá mệt mỏi và hoang mang đến độ không nghĩ đến chuyện trốn thoát. Em không biết tiếng Anh và không có đồng tiền nào. Đôi khi em cảm thấy căn hộ quá nóng hoặc mùi cây cần sa quá nồng nặc, em phải đi ra ngoài, đi một vòng quanh khu phố. "Em nghĩ rằng ở quanh đây chẳng có ai tốt bụng, tử tế với mình cả nên thôi, tốt hơn là cứ ở đây chăm sóc cần sa." Em vừa nói vừa cắn móng tay, cảm thấy không thoải mái khi phải diễn tả nội tâm.

Trong khi em nhiệt tình nói về kinh nghiệm trồng nuôi cần sa cho mọi người biết, em không muốn nói nhiều về quãng đời trước khi bị đem đến căn hộ trồng cần sa. Thay vào đó, em muốn để cho nhân viên xã hội James Simmonds-Read kể cho em. Đó là câu chuyện thương tâm của 15 năm đau khổ.

 

Trong trung tâm giải trí thể thao ở Newport, Gwent, có tới 4000 cây cần sa. Photos: Wales News Service.

 

Cha mẹ Bảo là ngư dân ở một vùng hẻo lánh của Vietnam, tử nạn xe cộ khi Bảo còn là em bé nên em phải về sống với ông bà ở một chòi gỗ ven sông. Đến năm em 10 tuổi thì ông bà cũng qua đời, thế là em trở thành trẻ vô gia cư, phải đi bán vé số sinh sống.

Khi em 14 tuổi, 2 gã đàn ông bắt cóc em khi em đang ngủ dưới cầu, trói chân tay và bịt miệng em bằng băng keo dính, đem em tới một cái chòi, rồi bỏ vào thùng xe. Một thời gian sau, họ chở em qua Trung Quốc, bắt em làm việc và ngủ trong một nhà kho, đóng gói soong nồi trong vài tháng trời. Nếu bị bắt gặp nói chuyện trong lúc làm việc, em bị đánh đập hoặc bỏ đói. Sau đó, đám công nhân trẻ này bị đưa vào thùng đựng hàng hóa tàu biển (container), mỗi người được cho một bao bánh mì và chai nước uống, lênh đênh 3 tháng trời rồi đến nước Pháp. Sau cùng là được chở bằng xe tải vào Anh quốc.

Xe tải dừng lại một khu rừng, em được đổi qua xe khác, chở tới một nhà thổ, nơi em phải phục vụ khách mua dâm đồng tính trong suốt 10 tháng. Và cuối cùng là đưa về trại trồng cần sa.

Bảo đang được đi học college. Em mong muốn mọi người biết đến thảm trạng bí mật này. "Khi em thấy người ta hút cần sa, em có cảm tưởng họ đang tiếp tay bóc lột trẻ nít như em. Em muốn mọi người biết rằng cần sa đã được sản xuất trên đau khổ của con người".

Trong thập kỷ qua, tội ác này được che dấu dù nó xảy ra giữa ban ngày ban mặt, qua việc băng đảng tội phạm làm giàu bằng cách dựng lên trại sản xuất cần sa trong những nhà liền kề khắp nước Anh. Một căn trại bị khám phá thì vẫn còn nhiều căn khác hoạt động. Gần đây, cảnh sát Anh nhận thấy các trại trồng cần sa càng ngày càng có khuynh hướng rộng lớn hơn về quy mô, điều hành bởi băng đảng người Anh bản xứ, nhưng dùng bọn buôn người gốc Việt để cung cấp những trẻ em trông coi vườn trồng.

Năm ngoái, cảnh sát bố ráp tòa nhà ngân hàng Barclays (đã ngưng hoạt động) tại Grimbsby, một trung tâm thể dục rộng lớn (đã ngưng hoạt động) tại Wales và một trung tâm giải phẫu y khoa (mới ngưng hoạt động) tại Harlow: tất cả đều biến thành trại trồng cần sa, với công nhân người Việt chăm sóc. Nhưng khám phá gây chấn động nhất là tháng rồi, cảnh sát tìm thấy 3 thiếu niên Vietnam làm việc trong hầm trú bom nguyên tử ở Wiltshire, sống sâu trong lòng đất, hầm có 40 phòng trú ẩn được xây trong thập kỷ 1980 với mục đích cho nhân viên chính phủ ẩn tránh bom hạt nhân. 3 em này bị nhốt sau một cánh cửa kim loại dầy 12.5 cm (5 inches), không ánh sáng mặt trời, không có không khí tươi, chăm sóc hàng ngàn cây cần sa được trồng trong 20 phòng trú ẩn.

Cửa vào hầm trú ẩn bom nguyên tử Wiltshire và cây cần sa trong một phòng. Photos: David Levene.

 

Click xem bài NLCSTAQ kỳ 2

 

© Bản Việt ngữ của Tim T. Hoang 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved