Truyện ngắn Sỏi Ngọc

 

                                                                                              

 

Tôi ngồi vất vưởng trên lan can ngắm trời trăng mây nước, miệng ngâm nga hát với cây đàn guitar, tuổi 12 thật ngọt ngào thi vị làm sao, gió thổi, lá rơi, trăng khuyết ... cũng làm tôi nảy sinh những bài thơ thật thấm thía trữ tình, tuần nào tôi cũng mua mực tím về nắn nót viết những vần thơ của tuổi học trò, của bạn bè yêu thương và cả những con đường ngập nắng xanh... không biết chán!

Nhìn qua bên kia đường là ngôi nhà xinh xắn mái đỏ của đôi vợ chồng mới cưới, chị Nguyệt Quế tôi quen từ lúc mới lọt lòng trong khu phố, chị đã từng là học sinh của trường nữ, bây giờ sau khi tốt nghiệp xong, chị trở thành giáo viên của trường này.

Chị hơn tôi 8 tuổi, khi tôi 12, chị đã 20, chị thường hay nghịch với mái tóc tôi, thắt bím cho tôi đi học, kể cho tôi nghe những câu chuyện thật đẹp về nhân cách làm người, cách đối xử với nhau như thế nào mới gọi là trượng phu, anh hùng hào kiệt, ...v...v. Tôi lắng nghe chị nói khi chỉ có hai chị em ngồi bên nhau dưới ánh trăng soi sáng cả khu vườn, lúc ấy anh Trọng Du chưa đi làm về. Đối với anh chị ấy, tôi như một cô em gái ngoan hiền, hai nhà lại rất thân quen, nên anh chị và tôi xem như cùng một gia đình!! Tôi thật vui khi thấy chị có hạnh phúc riêng... và xem anh Trọng Du như anh rể.

Trường học tôi gần sở làm của anh rể nên mỗi lần đi làm anh cho tôi quá giang đến trường bằng chiếc xe honda bé nhỏ, chị Nguyệt Quế lúc nào cũng dặn với theo:

-          Anh Trọng Du chạy chậm chậm, cẩn thận coi chừng xe cộ nhe!

Anh rể vừa cười vừa trả lời cho chị lo thêm:

-         Nếu em không dặn, chả lẽ anh sẽ chạy vượt tốc độ sao?!

Nói rồi anh nheo mắt với tôi, xách dùm tôi chiếc cặp nặng toàn sách, và tôi tung tăng vui vẻ theo chân anh ra xe.

Buổi chiều ra về, tôi cũng chờ anh rể đến đón trước cổng trường, các bạn đứa nào cũng khen anh rể đẹp trai, hiền; tôi có giới thiệu anh là anh rể của tôi, nhưng không thể nào cãi lại được những ý nghĩ “đen tối” của chúng nó, tuy chỉ mới 12 tuổi nhưng đã có chút ra vẻ con gái, lại rất hay thẹn thùng, nên cứ bị các bạn trêu chọc. Gặp anh ngoài cổng trường là tôi thao thao kể cho anh nghe trong trường có chuyện gì vui, hết nhái tiếng cô giáo “dễ ghét” hay cho bài làm nhiều, đến kể tội xấu ông thầy toán cho toàn bài hóc búa không sao giải nổi... anh vẫn yên lặng nghe, cho tới khi tôi chấm dứt anh mới ôn tồn bảo:

-          Tuổi thơ thật đẹp! An Nhiên thật may mắn hơn nhiều người lắm!!

-          ... Bộ anh Trọng Du không có tuổi thơ đẹp hay sao? Em nghe chị kể lại anh rất “ngon lành” mà!

-         ...”ngon lành” là sao? ....

-           Học giỏi, có chức cao trong sở của anh, lương cao.... và làm việc tốt!

-           À! Vậy là....ngon lành đó hả?

-           Vâng! Đối với em ...vậy là ngon lành lắm rồi!!

-          Nhưng... hồi nhỏ anh phải trải qua nhiều điều cực khổ lắm! không được có bố mẹ ở bên cạnh, anh lại phải đi làm xa từ lúc nhỏ để nuôi gia đình! Anh bằng tuổi chị Nguyệt Quế, nhưng trông ... giống ông già lắm phải không?

Lúc đó tôi mới nghiêng đầu ngắm anh, mặc dù trong lòng thấy anh đạo mạo hơn chị, nhưng tôi vẫn cứ giả bộ để làm vui lòng anh :

-          Không đâu, không già hơn nhiều đâu ạ!

-          Cứ nói thật đi cô bé, anh không giận đâu!

Tôi vờ như không nghe thấy và tiếp tục kể chuyện về mấy đứa bạn trong lớp....

Anh Trọng Du lấy vợ được cũng nhờ bố tôi giới thiệu cho vì anh là con trai lớn của một người bạn thân của bố, thấy anh vừa siêng năng cần mẫn, thật thà lại có nghề nghiệp đàng hoàng, nên hai gia đình làm bữa cơm ra mắt; từ đó anh chị phải lòng nhau và làm đám cưới. Tuy anh chị đã là vợ chồng, nhưng anh rể tâm sự với tôi nhiều hơn với vợ! Vì chị Nguyệt Quế còn e lệ, tôi thì gần anh như cô em gái; bố nói rồi sẽ giống như bố mẹ vậy, sẽ có tình nghĩa sau này!!

Anh rể còn có một người em trai, người này chúng tôi chỉ gặp mặt một lần vào ngày cưới của anh chị, trông chàng dáng vẻ thư sinh. Mới gặp tôi lần đầu, chàng đã bạo dạn trao quyển tập thơ, trong có ép bướm hoa, lá; chàng nhìn trước ngó sau, vội vã dúi vào tay tôi:

-          Cho em!

-          Cái gì đây?

-          Chiếc lá!

-          Để làm gì?

-        ... Mình sẽ tìm lại nhau sau này....

-         Tại sao??

-          Anh thích như thế!

-           ....

-         Trên ấy có dấu tay của anh!

Nói rồi chàng chạy mất, để mặc tôi với quyển vở đầy những màu mực tím! Tôi sợ mọi người biết sẽ trêu chọc, nên dấu biến luôn quyển tập thơ và từ đó cũng ... quên luôn khuôn mặt chàng thư sinh ấy!

Chị Nguyệt Quế hãy còn e ấp khi lấy anh rể, lại là giáo viên của trường nữ trung học, nên tối nào tôi cũng được chị gọi qua ngồi bên chị để chị chỉ cho tôi làm bài, anh Trọng Du thì đọc sách báo bên cạnh, lâu lâu anh tiếp sức cho chúng tôi bằng ly cam vắt!

Khi tôi vừa xong lớp 8 thì hai miền đất nước Nam Bắc giành phần thắng bại, chúng tôi là nạn nhân của những quả mìn, trái bom không phân biệt được người hiền kẻ ác nên đã dội xuống bất kể!! Bố mẹ tôi đã bỏ xác lại căn nhà mà tôi sanh ra lớn lên ở đó! Nguyên một con đường mới vài giờ trước còn là kiến thiết quy mô mới mẻ, mà bây giờ tường ngói đổ nát, xụp đổ tất cả, cây cối, súc vật, con người vô tội trở thành những đống máu me bầy nhầy nằm phơi thây chồng chất lên nhau, thịt, máu và gạch vụn trộn lẫn! Anh Trọng Du một tay níu chị Nguyệt Quế, một tay bế xốc tôi trên vai chạy trốn cảnh màn trời chiếu đất ấy. Tôi không biết mình đã trở thành mềm nhũn như con búp bế bằng nhựa, để mặc ai muốn kéo, muốn xé, muốn nắn như thế nào cũng được, nước mắt tôi đông đặc, không còn để chảy ra khỏi hai hốc mắt tím ngắt ấy nữa! Còn bố mẹ chị Nguyệt Quế đã bị cả đống đá gạch đè đến chết mà không còn thì giờ quay lại để cứu họ ra được; chúng tôi phải bỏ chạy, phải theo đoàn người như thác loạn xô đẩy, người lên máy bay, kẻ xuống tàu ra khơi, không còn con đường nào đi ngược lại dòng thác người ồ ạt ấy!

Tôi như khúc vải vụn quấn thành con búp bế, vô tri vô giác, được anh rể vác và khổ sở leo lên được máy bay, khi anh bỏ vội tôi xuống sàn, quay lại để kéo chị Nguyệt Quế còn toòng teng trên thang dây ngoài máy bay cùng vài người nữa; thì ngay lúc ấy cánh cửa máy bay đóng xập lại vì đã đầy chật người, và cũng để bảo vệ những người tản cư bên trong không rơi ra bên ngoài, thang dây không thể nào rút lên được vì hàng người vẫn cứ nhất định bám theo, sắc mặt van xin trông thật thảm hại qua những khung cửa kính nhỏ!

Tiếc thay, phi cơ đã nén hết chỗ và cất cánh, để mặc hàng người bên ngoài đong đưa qua lại theo những khúc quanh co lượn, mà trong số ấy có chị Nguyệt Quế! Một số người mỏi mệt đã bị rơi xuống đất từ trên không trung, tiếng hét la của họ không thấm thía gì với tiếng gió rít và động cơ! Ai cũng quá khổ sở cùng cực, không ai nhúc nhích gì nữa mà lặng yên nhìn cảnh những người rơi rụng từ trên cao xuống mặt đất!

Có những gia đình không toàn vẹn, họ khóc lóc vì mất đi những người con nhỏ, hay những người đi làm xa không có mặt ở nhà nên không biết họ đã ra sao!

Tiếng thở than, cùng tiếng trách móc bỗng nhiên rầm rộ cả máy bay! Lúc ấy hồn tôi mới như nhập vào xác lại, tôi giật mình, kêu gào :

-          Chị Nguyệt Quế, chị Nguyệt Quế, chị đâu rồi? Đừng bỏ em!! Em chỉ còn một mình chị thôi mà! Đừng bỏ em!

Anh Trọng Du ôm lấy tôi dỗ dành :

-          An Nhiên! Em đừng khóc nữa, tất cả đành phải tuân theo số mệnh!!

-          Không! Không đâu, hãy cứu lấy chị Nguyệt Quế đi, đừng để chị lạc mất!!

Trong lúc quá đau khổ, tôi mất cả trí khôn, cào cấu lấy cánh tay anh rể đang ôm tôi đến rướm máu:

-          Tại anh! Anh đã không cứu chị Nguyệt Quế! Anh đã để mặc cho chị bị rơi vào khoảng không, chị sẽ không sống nổi nữa đâu! Chính là tại anh! ... em ghét anh! Em... ghét anh! Hãy bỏ em ra!!

Anh rể rời tôi, đứng yên trong một góc, lo lắng đau khổ nhìn về phía tôi, còn tôi sau khi gào thét xong, mệt lả, rũ rượi nằm yên, đầu dựa vào thành ghế, hai mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không, hồn lại rời khỏi xác đến với bố mẹ già của tôi đang nằm dưới hàng lớp gạch đè, với chị Nguyệt Quế thật đáng thương mới về nhà chồng chưa hưởng phúc được bao lâu!!

Đến đảo Guam, tôi càng tìm cách tránh né anh rể, coi như anh là thủ phạm cho cái chết « bất đắc dĩ » của chị Nguyệt Quế, anh không còn được xem là người thân của tôi nữa, tôi thà sống một mình, tự mình nuôi thân còn hơn là sống chịu ơn của anh để sau này sẽ bị anh vô tình « ngược đãi » bỏ mặc như chị Nguyệt Quế! Mỗi lần chạm mặt anh khi đi lấy cơm là anh cứ níu giữ tôi lại để phân trần :

-         Không phải tại anh! Em đã hiểu lầm rồi, em đã như người không hồn từ lúc hai bác mất, nếu anh cứ bỏ mặc em mà lo cho chị Nguyệt Quế thì người ở bên cạnh anh bây giờ không phải là em đâu... mà là....!!

-           Anh đừng ngụy biện nữa! anh đã không kéo chị Nguyệt Quế vào khi cửa máy bay bắt đầu đóng lại! anh đứng yên nhìn cả đám người bị quăng qua quật lại bên ngoài! Em đã tận mắt chứng kiến chị Nguyệt Quế đã không còn sức nữa... bị rơi xuống....thật quá tàn nhẫn!

-           Em không thấy là anh đã hết cách rồi không?!! Máy bay đã quá tải! một là hy sinh 250 người trong phi cơ, hai là hy sinh ...20 người bên ngoài dây leo! Em chọn bên nào?? Tại sao lại trách anh?? Chị ấy là vợ anh, ... là vợ anh đó có biết chưa!!

-           Hãy bỏ hai vai em ra! Anh ...làm em đau quá!

Đôi mắt anh đỏ rực như hai hòn lửa muốn thiêu đốt tôi, và từ trong hai hố xâu rực lửa đó, hai hàng nước chảy dài xuống khuôn mặt gầy guộc với hai gò má nhô cao :

-         Anh rất đau khổ khi thấy chị Nguyệt Quế bị rớt xuống đất, nhưng hy vọng chị vẫn còn sống mà chỉ bị thương mà thôi! Anh không còn cách nào khác hết! ... hãy đừng trách tôi nữa! ...nếu thật sự em muốn rời xa anh thì hãy ....tự do đi đi! Hãy đi đi và đừng bao giờ... hối tiếc!

-          Thà để cho em chết với chị ấy đi còn hơn sống không còn một người thân nào!!

-         Em còn! ... có anh đây! Anh hứa sẽ nuôi em .... hứa sẽ...

-        Không! Em không muốn! em càng cảm thấy có lỗi hơn nữa nếu sống bên cạnh anh mà không có chị ấy! Anh đã nghĩ... sai rồi!

-          Phải! tôi đã sai! đã cứu em vì thấy em như cái xác chết, vô tri vô giác! Phải chi lúc ấy tôi cứ mặc xác em nằm sóng xoài trên những xác người chết kia mà chạy trốn cùng với vợ tôi, thì bây giờ em đâu có cơ hội mà trách tôi! Thì thôi... nếu em thực sự không muốn dưới sự chăm sóc của tôi, thì ...tùy em! Đi đi!!

-         Em cám ơn anh đã cưu mang, cám ơn anh đã cứu em ra khỏi chỗ chết! nhưng em không thể nào sống bên cạnh người đã hy sinh vợ mình để... cứu em! Em sẽ không sống nổi hết kiếp này đâu! Hãy để em tự định đoạt đời mình!! Em ...cám ơn anh!

Anh rể lao đến ôm tôi, bất chấp tôi cố hết sức đẩy anh ra, nước mắt nhòe mặt, anh nói trong tiếng nấc :

-          Mình chỉ còn có hai anh em mà thôi, nếu em muốn xa rời anh, thì ...thôi tùy em, hãy coi như mình tận duyên, em hãy cẩn thận và bảo trọng!...

-           ....

-          Hãy nhớ! Khi em cần anh, hãy làm một thông tin trên báo, anh sẽ ráng tìm lại em!

-          Không cần đâu! Em sẽ không cần đến sự giúp đỡ của anh nữa đâu!! Đừng tìm kiếm em...

Cái chết của chị Nguyệt Quế cùng lúc với sự mất mát lớn lao của bố mẹ, tâm hồn tôi như bị xé toạc một lỗ thật lớn không gì lấp đầy được, mà anh rể chính là người còn lại duy nhất làm nỗi đau ấy càng thêm nhức nhối mỗi khi tôi nhìn anh! Trong thâm tâm tôi cứ mang ý nghĩ chính vì tôi mà chị Nguyệt Quế mới bỏ mạng như thế, nếu không có tôi thì anh rể sẽ chăm sóc cho chị ấy, vì tôi mà chị đã nhường sự sống còn cho tôi! Làm sao tôi nỡ sống tiếp bên cạnh anh rể không còn sự hiện hữu của chị?? Càng nghĩ tôi càng đau khổ và không muốn nhìn thấy anh rể để không bị khơi lại niềm hối hận ray rứt ấy!!

Năm ấy tôi chỉ mới bước vào tuổi 14, vì là vị thành niên, không thân nhân, nên tôi được nhà thờ bảo lãnh đi sớm nhất trại! Và ....tôi đã nhẫn tâm mặc kệ anh rể ở lại đảo!!

Mười hai mùa thu trôi qua, tôi được nhà thờ tại Longbeach trợ cấp, tôi đã đổi tên là Anne cho dễ gọi ở trong trường cũng như ngoài đời, tôi phải đi làm cuối tuần hay những giờ nghỉ để có tiền tiêu vặt, mua sách, chợ búa... Tôi làm đủ thứ nghề, từ bồi bàn, rửa bát nhà hàng, đứng bấm caisse, cho đến rửa xe cho những hãng tư nhân... đồng tiền chỉ là một tờ giấy nhỏ, nhưng công trình gặt hái nó sao thật cực khổ quá! Tôi cắm đầu làm việc, đi học để quên đi tất cả quá khứ đọa đày của cả dân tộc, và quên đi tôi còn một người...thân không dám nhìn mặt!

Ngày ra trường đại học, chỉ toàn là bạn bè và đại gia đình của nhà thờ vây quanh! Tôi quay quất tìm kiếm, trông chờ một người thân yêu nào đó đến với tôi... nhưng...vẫn không một ai; mà tôi cũng không biết mình đang phải chờ ai nữa!!

Những lúc đang thật vui như thế này, đột nhiên tôi ngừng lại và kỷ niệm xưa vội vã hiện ra trước mắt, tiếc nuối lẫn căm hận! Mười hai năm ấy, tôi thường xuyên bị giật mình thức tỉnh nửa đêm, mặt phủ đầy nước mắt, hối hận đã phũ phàng rời xa anh rể, người đã cứu mạng tôi...Nhưng nếu sống bên cạnh anh, tôi cũng không biết có phải là cách tốt nhất không nữa!

Sau khi ra trường đại học, tôi dọn ra riêng, thật xa vì giá nhà rẻ trong lúc chờ xin việc làm chính thức trong những công xưởng theo ngành tôi đã học, tôi nhận dạy tư thêm cho các em nhỏ về toán lý hóa.

Vừa bước xuống chiếc bus chật người sau một tiếng rưỡi đồng hồ ngồi yên trong xe lúc lắc nghiêng qua đảo lại theo mỗi đoạn đường gập ghềnh khúc khuỷu; tôi vươn hai tay, bẻ cổ cho đỡ mỏi, mắt vẫn không quên dán vào tờ giấy cầm trên tay, lẩm bẩm :

-          216 Bolsa, căn nhà có tiệm phở xeo xéo trước mặt....ah! đây rồi!!

Căn villa to lớn hai tầng, tường sơn trắng, có hàng hoa tường vi đỏ trước nhà trông thật bề thế, sang trọng, tôi do dự một chút, đánh bạo đưa tay bấm chuông...

Chú chó trắng nhỏ chạy ào ra, sủa vang, tôi nghe tiếng người đàn ông từ trong nhà :

-          Lucky! Im nào!

Người đàn ông trẻ, lịch lãm khoảng 30, 32 tuổi đứng trước mặt tôi, nét mặt thanh tú dễ nhìn, mở rộng cánh cửa sắt mời tôi vào :

-          Cô là...cô giáo dạy kèm của bé Thy Thy?

-         Vâng! Anh là....

-         Tôi là chú của cháu Thy Thy, bố cháu đi làm chưa về, anh ấy có nhờ tôi đón cô hôm nay! Tôi cũng là người liên lạc với cô, anh tôi bận rộn quá nên có nhờ tôi lo việc này cho cháu! ...để tôi gọi cháu xuống ...rồi cô và cháu làm quen nhau nhé... Tuy là ngày đầu tiên nhưng xin cô hãy cứ dạy cháu học, càng sớm chừng nào tốt chừng nấy, chúng tôi tìm mãi giáo viên dạy kèm thật khó! May quá...

Tôi nghe tiếng nói của cô bé cùng tiếng chân huỳnh huỵch của chú chó nhỏ bên cạnh :

-          Chú Tịnh ơi, hai giờ rồi đó, chú phải đi công việc...

Thấy tôi, Thy Thy khựng lại ngay, người chú giải thích :

-          Ừ phải rồi, chú phải đi công chuyện ngay bây giờ đây! ... còn đây là cô giáo Anne, cô sẽ dạy kèm cho con đó... Vậy con hãy ở nhà ngoan ngoãn học bài với cô nhé, chú đi đây không thì sẽ trễ!... Vậy xin phép cô giáo, xin cô cứ tự nhiên và hẹn gặp cô kỳ khác vậy!

-          Dạ vâng, xin chào....

Chàng nhanh nhẹn bước ra cửa còn dặn với theo :

-          Thy Thy nhớ nghe lời dạy của cô giáo nhe, lấy nước mời cô nữa...

-          Con biết rồi mà!

Chúng tôi nhanh chóng làm quen nhau, cô bé mới vào lớp 6 trường tư nên bài vở rất nhiều. Chỉ có hai chúng tôi trong một căn phòng học to rộng; Thy Thy cùng trạc tuổi của tôi cách đây 14 năm trước, tôi cũng được chị Nguyệt Quế ngồi bên cạnh giải toán, không hiểu sao tôi rất muốn khóc, nhớ lại kỷ niệm xa xưa với người thân, tôi chẳng may chỉ ở bên họ trong một khoảng thời gian rất hạnh phúc, quá ngắn ngủi, trái tim tôi như bị bóp chặt, vụn vỡ, nước mắt dâng lên mi, long lanh nhưng đọng lại.

Tôi cố gắng làm ra vẻ tự nhiên, giúp Thy Thy gỡ những chỗ hóc búa của bài toán, cô bé hiểu nhanh, nhạy bén, nên tự làm bài rất nhanh chóng. Vừa làm bài cô bé lại liếc lên nhìn tôi :

-          Cô giáo.... không được vui? Vì ...em học ngu quá?? ...

-          Không đâu! Thy Thy học nhanh và sáng dạ lắm!

-         Vậy tại sao mắt cô đầy.... nước không vậy? cô có chuyện buồn??

-          Không phải! cô ... nhớ hồi cô bằng tuổi em, cô cũng được một cô giáo dạy học như thế này, bây giờ cô ấy không còn nữa... cô thấy tiếc thương...

-           Vậy ... chắc cô đau lòng lắm!

-         Thôi, mình đừng nói chuyện buồn này nữa, ngày hôm nay mình học đến đây là được rồi...Em hãy nghỉ ngơi, ăn cơm ... cô phải về chứ không thì hết chuyến xe!

-          Cô... ở xa đây lắm sao?

-         Đúng rồi, cô ở cách đây một tiếng rưỡi đi bằng xe bus đó! Sợ chút nữa hết xe ... thì không biết phải làm sao! Tuyến đường này chỉ có đến 5 giờ là hết bus về...

-          Chết rồi! gần 5 giờ rồi cô ơi!

-          Vậy thôi, cô về nhe, hẹn em tuần tới!

-          Dạ! em cám ơn cô, em sẽ nói với bố là cô dạy học dễ hiễu, em rất thích... em chào cô!

Tôi vội vã chạy ra ngoài đầu đường đón chuyến xe cuối cùng để về lại nơi tôi cư ngụ tận phía bắc của thành phố.

Ngồi trong xe bus đến một tiếng rưỡi làm tôi suy nghĩ mông lung, trí óc lại quay ngược về quá khứ, đã 14 năm trôi qua trên xứ người, tôi đã ráng quên, đã ráng lấp hết thì giờ rảnh rỗi bằng bao nhiêu công việc, thế mà ...ký ức đau thương vẫn không nguôi ngoai; dạy học Thy Thy mỗi tuần làm tôi càng nhớ đến chị Nguyệt Quế, đến anh rể mà tôi đã dứt tình ra đi.... càng nghĩ tôi càng không thể ngăn được dòng nước mắt! Phong cảnh bên ngoài ngày càng mờ nhạt, đến không còn thấy gì nữa cả... nước mắt tức tưởi rơi như chuyện mới chỉ xảy ra ngày hôm qua!!

Ba tháng trôi qua, tôi đã tìm được một công việc full time theo đúng ngành học tại một xưởng bào chế thuốc, công việc của tôi chỉ là marketing, giới thiệu và phân phối mặt hàng mới đến những cửa tiệm thuốc nhỏ, nhẹ nhàng và tự do; tôi còn được chủ giao cho chiếc xe của công ty nên dễ dàng di chuyển hơn. Trong lúc đó tôi vẫn giữ chân đi dạy thêm cho bé Thy Thy vào mỗi chiều chủ nhât, tuy đã ba tháng dạy em nhưng tôi vẫn chưa có dịp gặp mặt bố mẹ em mà chỉ gặp người chú Tịnh đảm nhiệm mọi công việc như giao check mỗi tháng, hay chuyển lời của bố mẹ em đến tôi....

Cả hai thày trò đang cắm cúi làm bài, tôi nghe tiếng chân nhẹ nhàng bước gần đến :

-          Chào ... Anne, cô khỏe chứ? Tôi có thể nói chuyện với cô một chút được không?

Tôi đứng lên theo anh ra ngoài hàng hiên sau nhà :

-          Oh! Chào anh, chúng tôi đang cùng giải bài toán ....

-          Tôi ... muốn trao check cho cô và nhân tiện hỏi thăm cô có điều gì dặn dò về cháu Thy Thy không?

-          Không đâu! Tôi rất hài lòng được dạy em ấy, ngoan và chăm chỉ lắm!... còn phòng học hay nhà cửa thì lại càng không có ý kiến vì tất cả đều thật thoải mái ... Nhưng chỉ có một điều....

-          Điều gì ạ?

-          Tôi ... chưa bao giờ được gặp bố mẹ cháu!

-          Cô sẽ gặp vì hiện nay bố cháu rất bận ... còn mẹ thì... chị ấy đã mất khá lâu rồi!

-         Vậy à! Thật xin lỗi anh!

Chỉ vài câu chuyện nhỏ trao đổi với Tịnh vào mỗi đầu tháng, cả chàng và tôi cứ đứng yên một lúc, tôi thấy ở chàng có những nét rất quen thuộc, không biết đã gặp ở đâu, nên cứ len lén nhìn đến nỗi bị bắt gặp, quay lại, cả hai chúng tôi đều đỏ mặt thẹn thùng... tôi vẫn không tìm ra giải đáp...

Tôi và Thy Thy ngày càng trở nên thân thiết hơn vì không những tôi dạy học cho em, mà còn là người cho em kể lể tâm sự hoặc cho em thêm ý kiến cách đối xử với mọi người. Lúc rảnh rỗi chỉ có hai chúng tôi ở nhà, tôi và em cùng làm bánh, làm cơm, có khi ra vườn cắt hoa vào cắm! Trong lúc Thy Thy làm bài, tôi ra vườn tỉa cắt những lá sâu của mấy cây hồng, bón những giò hoa lan ... nhiều lúc làm xong, ngước mặt lên, thấy em đã đứng bên cạnh tôi từ hồi nào :

-           Cô Anne! Làm sao giữ cho hoa lan nở lâu không bị héo vậy? em tưới hoài mà sao hoa cứ rụng nhanh lắm!

-          Lan sợ nước nhiều... nếu em tưới lan và để sũng nước lâu ngày thì nó sẽ úng nước mà chết đó!

-         ồ! Hèn chi ... Thôi chết rồi! em quên cái nồi canh trên bếp!

Thế là hai thầy trò lại chạy ngay vào trong bếp tắt lửa, cũng may chưa khét! Sau đó cùng ăn cơm trưa bên nhau thật thú vị, tôi xem em như người em nhỏ, chúng tôi có khoảng không gian với nhau mà không sợ bị ai làm phiền!

Mỗi tuần đến dạy học em ngày chủ nhật, tôi coi như đi du lịch gần, rời nhà từ sáng sớm!

Biết cô giáo thích hoa nên mỗi sáng chủ nhật Thy Thy đã lo cắt hoa hồng tươi hoặc hoa thược dược vào cắm bình như để chào đón, còn tôi thì mua thêm củ, hạt gieo trồng trên mảnh đất sau nhà ít người chăm bón. Mỗi tuần, sau khi học bài xong, chúng tôi đều giành ít thì giờ cùng làm một việc chung như trồng hoa, làm bánh, làm cơm hay đi chợ, cả hai chúng tôi không ai nói ai, nhưng thật sự đều cần nhau...

Có những lúc vừa làm bánh, em vừa tâm sự với tôi, giọng sũng nước :

-          Thực sự em chỉ mong được sống trong cảnh nghèo mà có hạnh phúc, bố mẹ bên cạnh, còn hơn là sống như thế này, thật nhiều tiền, trong căn biệt thự lộng lẫy mà ... không bao giờ thấy đầy đủ!

Tôi vội vàng ngừng tay, chạy lại ôm vai em, thiết tha :

-         Tại sao em nói thế? Em sống với bố ... ông ấy vì bận công việc làm, nhưng tối về hai cha con cũng nói chuyện với nhau chứ? Bố thương yêu em nên mới mướn người dạy kèm em ... đừng trách bố, sau này lớn lên em sẽ thấy mọi người ai cũng phải lo đi kiếm tiền cho cuộc sống cả!

-          Không phải đâu! Em biết bố rất yêu em, nhưng vẫn không bằng ba má ruột của em!

-          Em...là con gái nuôi?....

-         Vâng! Em là con gái nuôi của bố hiện giờ! Khi em được mới 4 tuổi ba má em đã mất vì tai nạn xe cộ trong một chuyến đi xa làm ăn, bố là bạn thân của họ còn sống sót trong chuyến xe định mệnh ấy, đã nhận nuôi và lo lắng cho em đến ngày nay!....Mặc dù vậy nhưng em lúc nào cũng mang mặc cảm là kẻ mồ côi cả!

Tôi xót xa, ôm em vào lòng, đâu phải chỉ có chiến tranh mới làm con người ta sinh ly tử biệt, trong hòa bình cũng có những may rủi, phước họa, làm con người thật phức tạp quá! Không ngờ Thy Thy sống trong nhung lụa, giàu sang, vậy mà em cũng có một hoàn cảnh thật đáng thương! Tôi hứa với lòng sẽ cố gắng làm người chị tinh thần thật hoàn hảo để bù đắp nỗi thiếu thốn trong lòng em.

Những ngày gần Tết, chợ Bolsa là nơi người Việt đông đúc nhất, họ chen nhau đi mua bán trái cây, mứt, cây kiểng, Thy Thy đã làm xong bài sớm nên cô giáo và học trò cùng hẹn nhau đi chợ Bolsa.  Chúng tôi cùng nhau ăn hàng ở chợ, những món mà ngày xưa ở Việt Nam tôi đã từng được nếm qua; thật hấp dẫn, và lần đầu tiên tôi cười thật thoải mái vô tư với cô bé thua tôi 13 tuổi!

Chúng tôi đang chọn một cây quất xum xuê trái vàng óng, tôi sơ hở bị chiếc gai nhọn đâm chảy máu, đang cắn mút máu ở ngón tay, xuýt xoa thổi, tôi nghe sát bên tai :

-          Cô giáo Anne không sợ trễ chuyến xe bus hay sao mà giờ này còn đứng chọn cây nữa đây??

Tôi quay lại, thấy khuôn mặt cười tươi của Tịnh, chú của Thy Thy. Lập tức nhìn ngay vào chiếc đồng hồ đeo tay :

-         Thôi chết rồi!! Thy Thy ơi, lo chọn cây mãi quên cả giờ về, đã quá 5 :00 chiều rồi làm sao đây!

Khuôn mặt tôi lúc đó chắc thật khó coi, méo xệch muốn khóc, Thy Thy bỗng che miệng cười :

-          Hihihi ai bảo mình ... ham ăn hàng quá!!

Tịnh lên tiếng, giúp tôi :

-          Thôi đừng đau khổ nữa, hôm nay tôi cũng khá rảnh rỗi, sẽ chở cô giáo về nhà, được không?... có phiền gì cô giáo không?

-          Thật không?? Nhà... ở sơn cùng thủy tận!

-          Tôi biết rồi, nhà cô cách đây một tiếng rưỡi phải không? Tôi có nghe cháu nói lại. Cô đã đến dạy cháu bao lâu nay, đã không kể công thì một lần đưa cô về cũng là... vinh dự cho chúng tôi!

-          Vậy thì tôi cũng ...vui lắm, cám ơn anh!

Thy Thy vui sướng ra mặt :

-           Em cũng có thể biết nhà cô giáo rồi, mình cùng đi!!

Trên xe Thy Thy huyên thuyên kể chuyện lớp học, cô bé được đứng đầu lớp vì có cô giáo kèm tận tâm, bé vui sướng và đầy niềm tin sẽ thi đậu và tiếp tục học cao lên hơn nữa, bé còn nói:

-          Con mong sau này cô giáo dọn nhà đến ở gần nhà mình, cho cô bớt mệt... phải không chú Tịnh?

Đang lái xe, chàng giật mình vì câu hỏi bất ngờ của em:

-          Phải phải! Như thế chắc con sẽ dọn qua ở luôn với cô giáo quá!

Cả ba chúng tôi cùng phá lên cười thật vui. Bỗng Tịnh nhìn sang tôi, nói nghiêm trang:

-          Cháu Thy Thy nói phải đó, sau này.... cô giáo nên dọn đến gần... chúng tôi một chút!... Hiện tại ở chỗ cô đang ở có gần người thân nào không? Nếu không thì sau này dọn xuống miền nam Cali cho tốt....

Chàng lén quay qua tôi, bất thần bốn ánh mắt chúng tôi chạm nhau, tôi lảng tránh, nhìn ra ngoài dòng xe cộ:

-          Tuy không có ai thân cả, nhưng ở đâu quen đó, với lại ....giá nhà cũng rẻ!

-          Hay.... để tôi sẽ giúp tìm nhà cho cô giáo nhé, thấy cô đi lại xa xôi như thế này thật bất tiện lắm! ... Anh hai tôi có quen với rất nhiều chủ nhà đang cho thuê nhà đó, nhiều căn rất vừa túi tiền, ... để tôi lo việc này cho cô nhé!

Thy Thy năn nỉ:

-           Cô! Cô chịu rồi phải không cô!

Tôi mỉm cười, gật đầu:

-           Vâng, nếu được vậy thì nhờ anh, cám ơn anh trước!

-          Không ơn nghĩa gì đâu, giúp được cô tôi vui lắm! Đồng hương mình nên giúp nhau mới phải chứ! Vậy cô hãy báo cho chủ nhà là tháng sau cô không ở nữa nhe!

-          Ủa, sao nhanh vậy? có .... mướn được nhà chưa mà đã nói tôi không trả tiền nhà? Coi chừng bị ra đường ở thì khổ!!

-          Tôi đã nói thì như đinh đóng cột! Sure mà! Cứ tin đi!!

Trời càng về chiều tối, chiếc xe cứ chạy mãi theo những con đường lộ lên xuống về phía bắc Cali, Thy Thy mệt nhoài vì đi bộ cả ngày với cô giáo nên lăn ra ngủ khoèo một cách thật hồn nhiên ở băng sau ghế xe, Tịnh đưa tôi chai nước:

-          ....Anne uống nước cho đỡ khát... đi cả ngày chắc cũng mệt!

-           Dạ không đâu, tôi... vui lắm vì cảm thấy như có tình gia đình, rất vui!

Chàng nhìn tôi, ánh mắt thông cảm:

-          Vậy à! Nghe nói cô giáo đã có việc làm full time rồi?

-          Vâng! Cám ơn anh hỏi thăm, tôi rất thích! Bây giờ mới thấy thư giãn được một chút! Mới bớt gánh nặng một chút!

-          ... Nặng lắm sao? Nếu có ai tự nguyên gánh giúp, cô ... có cho phép không?

-          Ai mà ....có tâm từ bi vậy? Chắc tôi phải tu chín kiếp mới gặp!

-          Cô chưa có dịp nhìn xung quanh đó thôi!!

-          Anh nói đúng! Chắc tôi bận quá, chưa có thì giờ nhìn quanh!! Với lại...

-          Anne còn lo việc gì nữa?

-          Tôi... còn muốn tìm một người...

-          Ai? Người thân, họ hàng hay anh em??

-           Một người thân! Nếu không tìm ra ... tôi không thể nào yên tâm được!

-         Cô... nói thật chứ? Muốn tìm ra người thân ấy? Hay chỉ muốn biết tin tức của người ta thôi??

-        Tôi chưa hiểu ý của anh!? Tôi thực sự rất muốn tìm người ấy lắm! Tôi đã ngu si, đã lầm lỡ ...

-          Cô nói đi, tên gì?? Có thể tôi biết họ thì sao!! ... Để tôi sẽ đăng báo cho, ở Bolsa này họ biết nhau hết, sẽ tìm dùm cô...

-         Tôi... không muốn đăng báo đâu!

-          Không đăng báo thì làm sao tìm ra? Người ấy có nổi tiếng không? ... không nổi tiếng mà lại còn “trốn” trong góc thì có “ma” mới biết mà lôi họ ra dùm cô!!

Khi bước vào nhà, trời đã tối, bụng thì đói, chúng tôi mua ít đồ về nhà, cùng làm bếp qua loa, cùng ăn tối bên nhau. Lần đầu tiên trong đời, tôi có 3 người trong một ấp nhỏ cùng ngồi ăn cơm và nói chuyện  như một gia đình; thật xúc động, dòng nước mắt không thể cầm được, bỗng chan chứa ướt mặt, Tịnh đưa tôi chiếc khăn giấy, chàng đến ngồi bên tôi thật nhẹ nhàng:

-         Chắc chắn ... em có nhiều tâm sự lắm phải không? Có thể kể ra cho kẻ “tự nguyện” này gánh bớt không?

Tôi cười trong làn nước mắt:

-         Cám ơn anh! ... Xin lỗi anh và Thy Thy đã làm mất vui bữa cơm, em... đã không thể cầm được nước mắt ...của niềm vui!

Sau bữa cơm, Tịnh đứng lên đi vòng quanh nhà, ngắm những tấm hình của mặt trời mọc xuyên qua chiếc lá trắng sáng vào buổi sáng sớm trước khi đi làm mà tôi chụp lại, rồi những tấm mặt trời lặn đỏ ửng làm chiếc lá cũng bị sự giận dữ thiêu đốt, những tấm mặt trăng tròn vành vạnh giữa bầu trời đen nghịt cho cảm giác chiếc lá như đang ẩn náu, rồi những tấm trăng khuyết lưỡi liềm giữa bầu trời đầy sao chiếu xuống chiếc lá thành từng đốm như kẻ bị thương .... Chàng cho ý kiến:

-          Tại sao chỉ toàn là mặt trời và mặt trăng và chiếc lá không vậy? ...Đẹp lắm! Mỗi tấm hình chứa đựng tâm sự của người chụp, .... tự tại, kiêu hãnh nhưng...  lẻ loi, cô đơn quá!

Tôi ngước mặt nhìn chàng; ánh mắt chàng thật long lanh, chân tình:

-          ... anh thực sự mong muốn được nghe lời tâm sự của LÁ để còn tiếp sức sống cho nó ...

-          Tại sao anh có thể biết LÁ có nhiều tâm sự?

-          Anh “nghe” được ... LÁ đang có một gánh thật nặng ... cần bỏ xuống!

Buổi tối hôm ấy, trong cơn mộng mị, ánh trăng thật sáng chiếu xuyên qua cành cây ngoài cửa sổ, lung linh đặt lên gối ngủ của tôi những chiếc lá màu xám tro; tôi sực nhớ đến những chiếc lá của tuổi 13, những chiếc LÁ được ép kỹ lưỡng trong tuyển tập thơ tím...  những chiếc lá có những vân tay của ai đó đã đặt lên như một dấu ấn của thời gian!!

Tháng sau, Tịnh đến giúp tôi dọn nhà xuống phía Nam Cali như đã hứa, 14 năm nhưng tôi chỉ vỏn vẹn có chiếc vali đựng quần áo nhỏ mà thôi, đồ đạc cũng không bao nhiêu nên gọn lỏn trong một chuyến xe. Tịnh đã sắp xếp hết chỗ ở mới dùm tôi, căn nhà nhỏ khá xinh xắn cách nhà của bố mẹ Thy Thy chừng 10 phút lái xe.

Tôi bước vào nhà, ngọn đèn bằng pha lê sáng lấp lánh ngay giữa bàn phòng khách làm chóa mắt, tiếp tục nhìn sang phòng bên cạnh là gian bếp nhỏ nhắn với một chiếc bàn ăn, bốn chiếc ghế trắng, một giỏ hoa hồng giữa bàn như để đón tiếp nữ chủ nhân mới của ngôi nhà.

Ghé sang bên trái, bước lên vài bậc tam cấp là phòng ngủ, chiếc giường queen size thật êm ái với hai chiếc gối ôm dài hình con gấu nằm dọc hai bên. Tôi đưa tay mở chiếc tủ quần áo gần đấy để xếp đồ vào, cả tủ đã đầy ấp những bộ quần áo giày dép, ví bóp thật mới toanh thật vừa size tôi... tôi ngẩn ngơ đứng nhìn, đầu óc tê muội, thả nhẹ người trên chiếc ghế mềm mại gần đó:

-          Mình có lộn nhà không anh??

-           Không đâu! Chính là nhà của em đó!

-          Của em!! Làm sao ... em trả nổi!!!

-          ....

-           Lương em chỉ có thể trả... một góc bếp này thôi!

-           Nếu ai đó tặng em... em nghĩ sao??

-        Tặng em?? Sao có thể được?? Em có làm ơn gì cho ai đâu!!

-         Có đấy mà em không biết thôi!! Suy nghĩ đi... anh đi đây!

Nói rồi, chàng đi ra cửa, bỏ lại tôi một mình. Sợ quá, tôi chạy theo níu anh lại:

-          Đừng đi! Hãy đưa em ra khỏi đây! Hãy mướn cho em căn nhà khác vừa túi tiền em... em không muốn ở đây đâu!!

-          Tại sao? Hãy vào nhà đi!

-           Không!... em không muốn mang nợ ai cả!!

-          Tất cả tiền nhà này đã được bố của Thy Thy lo hết rồi...

-          Không được đâu, em không muốn nợ đâu! Nhất là ... em chưa từng nói chuyện, chưa từng hiểu được bố của Thy Thy ra sao.... Thôi! Em không dám nhận đâu, nhờ anh nói lại dùm em.

-           Anh không biết! Ông ấy đã ký bail và trả tiền luôn một năm ở đây rồi, anh không muốn làm trái ý đâu!

-          Em ...  làm sao ông ta lại tin tưởng em vậy!

-          Cũng nhờ Thy Thy học càng tiến bộ, điểm cao lại còn có người dìu dắt cháu, đi chơi với cháu... thật tuyệt vời, tốn bao nhiêu cũng không bằng tình cảm em đã giành cho con gái họ!

-           Em có thể gặp ông ta một lần để cám ơn được chứ?

-          Dĩ nhiên rồi! Chắc là Tết họ sẽ được rảnh!

-          Vâng! Nhưng em thật sự thấy rất áy náy! Em cũng không quen ở những nơi quá cao sang, quý phái vậy đâu, vì em chỉ là một cô giáo dạy kèm và một công nhân bình thường thôi, không có gì mà phải đền ơn em như thế!

Chàng đưa tay nắm lấy hai bàn tay tôi, âu yếm đặt lên đó một nụ hôn, tôi giật mình đứng yên không dám rút tay lại, chàng nói như từ đáy tim:

-          Cám ơn em.... Từ ngày em đặt chân đến nơi đây, em đã làm cho ngôi nhà thêm có sinh khí, chính nhờ em đã tạo lại nguồn vui cho Thy Thy, cho cháu có niềm tin trong sự học vấn, đem lại sự yên ổn trong tâm hồn của người làm cha mẹ, họ mới có đủ năng lực trí óc trong công ăn việc làm, cũng nhờ em làm ngôi nhà có sự sống hơn nhờ những đóa hoa, những chậu kiểng em chọn và mang đến, họ đã không nói gì vì bận rộn chạy theo cuộc sống, nhưng họ rất yên tâm và biết ơn em, đây chính là sự đền bù của họ cho em đó! ... Riêng anh... anh cũng để ý đến sự thay đổi của tất cả mọi người trong nhà, cũng nhờ em dạy cháu nấu những món ăn rất đặc biệt làm cả nhà cùng được thưởng thức! Rất hấp dẫn! ... Thành ra em đừng ngại, hãy nhận món quà này nhé, một năm thôi, sau đó người trả tiền sẽ là.... chủ nhân của nó! Em không lo mang ơn nữa!! ...

Tôi yên lặng nghe chàng phân tích, bây giờ tôi đã hiểu, và thầm cảm ơn ông Trời đã run rủi cho tôi may mắn gặp người tốt, có tấm lòng!

Mai, đào rực rỡ những nụ hoa, Tịnh, tôi và bé Thy Thy chạy từ cây này đến cây khác để chọn hoa mua về, những cây cúc vàng cũng thật đẹp làm tôi không thể nào bỏ xuống được, đành tham lam ôm hết về nhà. Tôi giúp Thy Thy dọn nhà, lau bàn thờ và trưng bày ngũ quả, em vừa làm vừa kể cho tôi nghe:

-          Cô biết không, em chưa từng được làm nhiều thứ như thế này để chuẩn bị ngày Tết đó, em rất vui được lau bàn thờ, cũng rất vui được xếp mâm ngũ quả... bố nói sẽ về sớm để đưa ông Táo.

Tịnh đến bên tôi:

-          Hôm nay tất cả chúng ta cùng ở đây đưa ông Táo về Trời nhe!

-          Em cũng phải đưa ông Táo của nhà em về Trời nữa chứ!

-          Vậy... “ mình” sẽ cùng về nhà em sau ....

Tôi biết chàng đang trêu, nên đánh trống lảng:

-          Thy Thy ơi, hình như Lucky đang sủa mừng ai trước cửa nhà kìa...

Người đàn ông cao khỏe bước vào gian nhà bếp, nơi chúng tôi đang quây quần nấu xôi, sửa soạn lá gói bánh, một tay bế con Lucky đang mừng vui liếm mặt, mũi, một tay khệ nệ khiêng hai cặp dưa hấu to, bánh chưng, thịt heo, mứt ...

Ông ta đặt con Lucky xuống đất, ngay tức thì bé Thy Thy ùa tới, reo lên:

-          Bố! Bố! sao hôm nay bố về sớm vậy? ... Con tưởng tối khuya hơn nữa bố mới về!

Bố có biết đây là ai không? .... Cô giáo Anne của con đó! Con thường hay nói với bố....

Ông lại gần tôi, hân hoan đưa tay ra nắm lấy bàn tay tôi, nụ cười ông chợt tắt, đôi mắt như xoáy vào từng đường gân của mắt tôi, ông mấp máy:

-         An Nhiên! Phải ... An Nhiên không?

-          ... vâng! Còn anh.... anh ...rể ...

-          An Nhiên! Em.... đã tìm lại được rồi! Em... khỏe chứ!? Em... ở đâu?? Em không còn giận anh nữa chứ?... ôi chao! Em đã trở thành một thiếu nữ thật đẹp rồi!!

Anh ùa lại, ôm chặt lấy tôi như một cô em gái đã tìm lại được sau bao năm xa cách, nước mắt anh làm ướt mái tóc tôi, còn tôi thì xúc động chẳng nói được lời nào, chỉ biết gục mặt vào ngực anh thổn thức; một lúc sau, anh dìu tôi ra ghế, anh từ tốn kể:

-          Sau khi em rời Guam, khoảng 3 tháng sau anh mới được họ gọi đi Mỹ; anh may mắn gặp lại được mấy người bạn thân đã thành công tại đây lâu năm, họ giúp vốn anh làm ăn mở hãng máy móc, bận rộn vì học hỏi thêm kinh nghiệm, lấy công làm lời nên anh không có phút nào lo cho bản thân, gia đình, tất cả anh đều nhờ vào chú Tịnh đây....

-         Anh có được tin tức gì của chị Nguyệt Quế không? Chị ấy....

-          Tất cả đã là định mệnh!... anh không có tin tức gì nữa từ ngày ấy, mặc dù đã nhờ người tìm kiếm ... Trong những ngày tháng vất vả đó, anh đã quen được ba má của Thy Thy, họ đã hùn hạp làm ăn, cùng với anh chèo chống công xưởng, chẳng may họ bị tai nạn xe trong khi đi làm ăn nên anh đã nhận Thy Thy làm con gái để chăm sóc, cả cơ ngơi này phần lớn do họ tạo nên, anh chỉ là người giữ vững cơ đồ cho con gái nhỏ của họ mà thôi...

-          Em cứ sợ không tìm ra anh rể thì không biết cuộc đời này em sẽ hối tiếc đến như thế nào! Em thật có lỗi quá, xin anh tha cho em...

-           Anh hiểu lắm, không giận em đâu, chỉ sợ em rời đảo một mình bị gạt thôi, anh lo cho em nhiều, anh cũng biết tâm tư em lúc đó đang bị xáo trộn....

Khi nghe chú Tịnh nói tìm được cô giáo cho bé Thy Thy rồi, người con gái đó trông rất quen... Sau vài tháng chú Tịnh có nói em chính là An Nhiên, anh thật không ngờ, trái đất quá nhỏ!! Còn ca ngợi em đủ điều, anh cũng không thể nào tin nổi người đó lại là em!... Anh sợ em còn giận mà không thèm nhìn mặt anh nữa! Thực sự, anh không có thì giờ về nhà sớm, khi về đến nhà tối mịt mù thì em đã về nhà em rồi!! Tin rằng trên đời này đều có duyên phận, vả lại đã có Tịnh thu xếp chu đáo cho An Nhiên, anh thật an tâm...Chỉ có hôm nay phải về sớm để cúng ông Táo nên mới gặp được em!

-          Em xin lỗi!! ... Còn căn nhà của em nữa.... anh rể cho em nhiều quá...

-          Không đâu, anh đã không lo được gì cho em từ hồi đó đến giờ, nên đây chỉ là chút ...bù đắp lại mà thôi, mà ý kiến đó cũng do chú Tịnh đề nghị...

Tịnh nghe nói đến mình vội vàng thêm vào:

-          Em có làm gì đâu, chính anh hai bảo em đi tìm và ký bail mà!

-          Anh chỉ nói tìm một căn nhà khang trang cho cô giáo và gần nhà mình thôi... còn tất cả là phần của chú Tịnh ...

-           Anh rể....

-          Bây giờ có cần thiết gọi anh là ...anh rể nữa không?

-          ... Mãi mãi anh vẫn là anh rể trong lòng em...Em thật vui mừng gặp lại anh ở đây! Vì nếu không, suốt đời... em không thể nào bình yên trong lòng!!

Sau khi cúng đưa ông Táo về Trời xong, Tịnh đưa tôi đi bộ trở về nhà riêng, thời tiết se se lạnh, lại thêm những hạt mưa nhỏ dai dẳng từ buổi chiều, bây giờ đã có vẻ ngưng, chàng nói với tôi:

-         Cứ đem theo cây dù cho chắc ăn... đề phòng ông Trời đổi ý!

Đường đã lên đèn, nhà nào cũng hắt ra ánh vàng trông thật ấm cúng. Lần đầu tiên sau bao năm vấn vương hối tiếc, tôi thực sự như trút hết gánh nặng nghìn cân, tâm thần thư thái, mọi vật xung quanh như tràn đầy sức sống, những chiếc lá ban đêm hình như căng đầy nhựa sống, đang thầm thì chúc phúc cho tôi.

Một ý nghĩ thoáng qua đầu, tôi thắc mắc hỏi Tịnh:

-         Tại sao anh rể không ...lập gia đình vậy??

-          ...ưm...  hình như anh ấy chưa tìm được ý trung nhân! Ảnh rất kín đáo, chẳng bao giờ tâm sự cho ai biết việc riêng tư này....có những lúc anh ấy nói bâng quơ “thà nhìn người ấy hạnh phúc mà mình cũng được hạnh phúc lây, còn hơn là ép người ấy ở bên mình mà chả ai có hạnh phúc cả!”

-          Chắc anh rể chôn vùi một mối tình thật sâu đậm lắm!

-         Anh cũng nghĩ vậy! mỗi người đã có một định mệnh được an bày...

Bỗng nhiên tôi cảm thấy bàn tay có sức nóng lùa vào, Tịnh đan những ngón tay gầy dài của chàng vào bàn tay tôi đang thả lỏng:

-          Bây giờ em đã hiểu anh là ... ai chưa??

-          Anh....chính là chàng thư sinh năm nào đã tặng cho em tập thơ, trong ấy có ép đầy những lá và hoa...

-          Đúng rồi! Không hiểu tại sao lúc mới gặp em, anh đã si tình ngay, mặc dù lúc đó em chỉ mới 12, 13 tuổi mà thôi, trông em rất ngây thơ, e ấp và đặc biệt cặp mắt thật long lanh sáng ... làm anh không thể nào quên được! .... Anh đã hứa với lòng phải tìm gặp lại em sau này!.... Và khi em đến làm cô giáo cho Thy Thy, anh đã thật vui mừng khi nhận ra em, còn em thì hình như chưa biết anh là ai, nên anh muốn để thời gian cho em tự tìm hiểu ...

-          Buổi chiều khi anh chở em về nhà, anh có đề cập về chiếc Lá, em thấy có một điều gì đó của tiềm thức rất trùng hợp, làm em liên tưởng đến chuyện xa xưa,.... nhưng khi tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau, em lại quên bẵng đi mất!....Xin lỗi anh!

Chàng càng xiết chặt bàn tay tôi hơn nữa, nhét vào túi áo ấm áp nhờ sức nóng cơ thể:

-         Anh đã bao lần muốn nói ... nhưng vẫn chưa tìm được dịp!! Khi thấy em chụp những chiếc lá vào lúc mặt trời mọc, lặn và dưới ánh trăng..., anh rất muốn biết tại sao em chỉ chụp Lá??

-          Chiếc lá mong manh như đời người, trôi dạt đến xứ sở đất nước mà mình không chọn lựa được, như cuộc đời em, và hàng ngàn người tỵ nạn khác... nhưng không vì thế mà èo uột, ngược lại sống rất vững mạnh, can đảm vượt qua mọi bão táp, giông tố...lúc nào cũng muốn vươn lên.... Còn anh? Tại sao lại in dấu tay trên chiếc lá?

-         Hoa khi khô đi chỉ còn lại cánh hoa thật mảnh mai, dễ vỡ; chiếc lá khi khô còn lại những đường gân cứng cáp, nên khi anh để lại dấu tay lên đó, như một bằng chứng, một lời hứa khắc ghi không thể nào lay chuyển được!

-          Ghê quá đi! .... Lỡ ... không gặp lại em thì sao?

-          Anh ... sẽ chờ!!

-          Chờ đến bao giờ??

-          ... Đến khi.... hóa ... thành LÁ mới thôi!

-          Hahaha anh biết nịnh đầm thật đấy!

Tôi vô cùng cảm kích tấm chân tình của Tịnh đã giành cho tôi từ lâu; những cử chỉ rụt rè, những điều muốn nói mà không sao thốt ra được từ mấy tháng qua mỗi lần chàng gặp riêng tôi, làm tôi càng cảm thấy trân quý mối tình thầm kín ấy hơn nữa, tiếc rằng tập thơ tím, kỷ niệm đầu tay đã bị chôn vùi dưới đống gạch vụn đổ nát của chiến tranh.

Một cơn gió lạnh bỗng thổi qua, tôi rùng mình; chàng kéo tôi sát vào thêm:

-         Em ... còn lạnh nữa sao?

-         ... Dạ không! Tình yêu của anh đã sưởi ấm trái tim của em rồi, làm sao mà lạnh được nữa chứ!!

 

Sỏi Ngọc

 


Joomla Hosting and Maintenance by Cybersalt

Copyright © 2014-2024. VietVancouver, All rights reserved